Đồng Rupiah của Indonesia có mệnh giá cao hơn nhiều so với các đồng tiền khác trong nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20). Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương nước này bởi vậy đã kêu gọi phát hành đồng tiền mới với mệnh giá giảm ba chữ số 0 so với đồng tiền hiện nay.
Tuy nhiên, Nikkei nói rằng Tổng thống Joko Widodo và các quan chức Chính phủ nước này vẫn tỏ ra thờ ơ với kế hoạch trên, cho rằng việc đổi tiền sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết đối với nền kinh tế. Nhiều người đã lấy vụ đổi tiền thảm họa ở Indonesia hồi năm 1965 làm ví dụ. Khi đó, nền kinh tế nước này đã rơi vào hỗn loạn và chính quyền Tổng thống Sukarno rốt cục bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hậu đổi tiền.
Theo thời gian, mệnh giá đồng Rupiah ngày càng tăng do lạm phát và sự mất giá mạnh mẽ của đồng tiền này trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Một cốc cà phê latte của Starbucks ở Indonesia hiện có giá 33.000 Rupiah (2,48 USD), trong khi giá của một chiếc xe Toyota Avanza ở nước này có giá khoảng 189 triệu Rupiah. Ngân sách Chính phủ Indonesia trong tài khoán 2017 là 2.070 nghìn tỷ Rupiah.
Mệnh giá “khủng” của đồng Rupiah thường dẫn tới việc tính toán sai và những hóa đơn đáng ngờ. Ngạc nhiên trước một hóa đơn 92 triệu Rupiah cho một khóa học ngoại ngữ 6 tháng, một phụ nữ Indonesia đã liên lạc với ngôi trường, và được cho biết con số chính xác là 9,2 triệu Rupiah.
Vào năm 2010, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia tuyên bố bắt đầu nghiên cứu khả thi việc đổi tiền.
Tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati, nói với Quốc hội nước này rằng bà đang tính đưa đổi tiền vào danh sách các kế hoạch được xem xét ưu tiên trong năm tài khóa tới.
Tuy nhiên, các nghị sỹ Indonesia tỏ ra không đồng tình với quan điểm của vị Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong khi đó, Tổng thống Widodo sẽ ra tranh cử thêm lần nữa vào năm 2019 và những người ủng hộ ông lo ngại rằng những xáo trộn do đổi tiền có thể gây rủi ro lớn về mặt chính trị.
“Đổi tiền vào thời điểm này là không thể”, một quan chức Chính phủ Indonesia nói.
Trái lại, các quan chức Ngân hàng Trung ương Indonesia cho rằng sự ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay của Indonesia có thể giúp nước này vượt qua được những xáo trộn do đổi tiền.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Indonesia hiện tăng trưởng đều đặn với tốc độ khoảng 5% mỗi năm, còn lạm phát vào khoảng 4%, nằm trong mục tiêu đề ra.
Những người ủng hộ việc đổi tiền cũng muốn nâng giá trị của đồng Rupiah để ít nhất đồng tiền này trông có vẻ mạnh hơn và chứng tỏ Indonesia đã trở thành một cường quốc kinh tế.
Mặc dù vậy, người dân Indonesia có vẻ không coi đổi tiền là một chuyện cấp bách. Đa số người dân nước này quen với việc tính tiền với con số lớn. Để thuận tiện hơn, họ thường loại bỏ ba chữ số 0 sau cùng mỗi khi thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ để có một con số gọn hơn.
Theo: Diệp Vũ/Vneconomy
Các chuyên gia cảnh báo đồng USD Mỹ rơi vào…
Rúp Nga cạnh tranh với đồng Đô la Mỹ
Tiền ảo lấy cảm hứng từ trào lưu Internet tăng…
Vàng thế giới lên cao nhất trong gần 2 tuần
Điều gì thu hút mọi người đổ xô vào tiền…
Vàng giảm giá chóng mặt sau cuộc họp FED
Nhà đầu tư nổi tiếng gọi tiền ảo là “trò…
Thái Lan ra luật dự thảo nhằm chống sử dụng…
Đồng tiền ảo Ripple quay đầu giảm hơn 30% từ…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX