Bài học trên sân cỏ
Tuổi niên thiếu của Jamie gắn liền với bộ đồng phục công nhân trong xưởng sản xuất chân giả tại nhà máy sợi cacbon Trulife ở Sheffield, song song với việc chơi bóng bán thời gian cho đội nghiệp dư Stocksbridge Park Steels ở giải hạng 8 nước Anh.
Nhưng rồi bằng niềm đam mê, cùng khát khao mãnh liệt, chàng thanh niên từng bị Sheffield Wed thải loại năm nào nay đã có những bước tiến thần kỳ trên chính đôi chân thật của mình. Để giờ đây, anh trở thành một người đàn ông thành đạt trong nghiệp quần đùi áo số.
Bằng một pha băng cắt đạt tốc độ lên tới 32km/h rồi lạnh lùng đánh bại thủ thành David de Gea của Man Utd (mùa giải 2015 - 2016). Vardy đã được trao tặng một giấy chứng nhận từ Sách Kỷ lục Guinness khi là cầu thủ đầu tiên của Premier League ghi bàn trong 11 trận liên tiếp trong cùng một mùa giải (phá kỷ lục của chính cựu danh thủ M.U - Ruud van Nistelrooy).
Thành tích ghi bàn của anh ở mùa giải này cán mốc tại con số 24, chỉ kém người đồng đội trên tuyển là Harry Kane duy nhất 1 bàn. Nhờ đó, Vardy cũng trở thành cầu thủ thứ năm từng thắng giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh trong hai tháng liên tiếp. Cũng trong mùa giải này, tiền đạo người Anh còn "cuỗm" luôn danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất Premier League do Ban tổ chức lẫn Hiệp hội nhà báo Anh bình chọn.
Tuy nhiên, điều thần kỳ và tuyệt vời nhất cuộc đời của chàng công nhân, từng chơi bóng cho những đội phong trào thuở nào chắc chắn phải là khoảnh khắc anh cùng các đồng đội tại Leicester City trở thành những nhà vô địch của Ngoại hạng Anh.
Nhưng những giá trị mà người đàn ông vừa bước qua tuổi 31 mang lại đâu chỉ nằm ở những bàn thắng và chiến tích kể trên. Ở Vardy còn là hàng trăm những mẩu chuyện thú vị, mà thế giới bóng đá, đặc biệt là người Anh, họ sẽ phải chiêm nghiệm rất nhiều nữa từ cuộc đời của ngôi sao nở muộn này.
Bài học của cuộc đời
Tuổi trẻ “nghiệp dư” của Vardy không chỉ dừng lại trên sân bóng mà cuộc đời cầu thủ này còn là đầy rẫy những rắc rối từ lối sống có phần giang hồ, đôi lúc lại quá đỗi hào hiệp của mình. Bị bắt vì hàng loạt cáo buộc như gây rối tại sòng bạc, làm loạn hộp đêm, say xỉn phá rối nơi công cộng, thậm chí là phân biệt chủng tộc, tuổi trẻ của Vardy đều đã trải đủ.
Nhưng rồi “gã giang hồ” từng hành hung những kẻ giễu cợt người bạn bị khiếm thị của mình, cuối cùng cũng chịu buông bỏ dao găm, thay vào đó trên tay Vardy giờ đây là chuỗi tràng hạt được những nhà sư Thái Lan ban cho.
“Mỗi khi bực bội, thay vì hành động tiêu cực, tôi nhắm mắt lại, lần tràng hạt. Nó thực sự hiệu quả, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng đi rất nhiều. Bạn chẳng thể làm được việc gì đúng đắn với cái đầu nóng nảy, thiếu suy nghĩ vì bị kích động”, Vardy trải lòng.
Đó là câu chuyện mang tính giáo dục đạo đức cho những thanh niên trẻ tuổi, nông nổi, có ý định rẽ hướng làm lại cuộc đời. Nhưng rốt cuộc thì Vardy vẫn là một cầu thủ và nhìn một cách toàn diện, tầm ảnh hưởng của anh lên thế giới bóng đá vẫn là rõ nét hơn rất nhiều.
Bài học cho người Anh
Khi mà truyền thông miệt mài ca tụng sự “bá đạo” của Pep và Man City, bên cạnh khả năng săn bàn tuyệt hảo của Harry Kane. Người ta vội quên đi nỗi khiếp đảm một thời của những hàng phòng ngự. Dẫu cho Vardy vẫn vậy, luôn duy trì một hiệu suất đáng nể ở cái ngưỡng tuổi “xế chiều” này.
Ghi 24 bàn trong mùa giải 2015 - 2016 thần kỳ, Jamie tiếp tục nã vào lưới các thủ môn 16 lần ở mùa tiếp theo, thời điểm mà trong tập thể Leicester dấy lên những hoài nghi về chia rẽ nội bộ, thi đấu thiếu nhiệt tình và thậm chí là “phản thầy”. Trong đó Vardy cũng không phải là một nhân vật vô can.
Giờ đây, khi mùa giải vừa qua đi được một nửa, tiền đạo này đã có riêng cho mình 9 bàn thắng cùng 1 pha kiến tạo. Vardy cùng với Rooney chính là những cầu thủ không thuộc các đội bóng của nhóm Big six, nhưng lại đang nằm top 10 vua phá lưới Ngoại hạng Anh năm nay.
Phải chăng chính Jamie Vardy là chiếc gương phản chiếu cho sự mâu thuẫn của nước Anh. Nơi mà truyền thông luôn ca ngợi những cầu thủ và giải đấu của họ lên tít tận mây trời, nhưng lại ít khai thác giá trị từ những “viên kim cương thô” được khai quật muộn, ở các mỏ kém tiếng. Hãy nhìn xem, ngoài Tottenham, "ngũ đại gia" đều không trọng dụng những tiền đạo người Anh. Bên cạnh Vardy, những Carroll, Rickie Lambert, Charlie Austin đều tạo dựng tên tuổi từ những đội bóng hạng trung thậm chí là chơi ở giải hạng dưới.
Lịch sử còn ghi nhận Ian Wright, Stuart Pearce, Les Ferdinand, Alan Devonshire,... toàn thi đấu cho các câu lạc bộ nhỏ trước khi trở thành danh thủ. Đó rõ ràng là một thiệt thòi lớn với các tiền đạo Anh, họ mất cơ hội thu hút sự chú ý của các tuyển trạch viên của những "ông lớn". Và cứ như thế, người Anh đã và đang thiếu niềm tin thật sự vào những chân sút nội tài năng chỉ vì... họ chơi cho những đội bóng nhỏ.
Hãy đừng mãi trông chờ vào sự gồng gánh của Harry Kane để rồi khiến những Carroll, Austin “chết dần chết mòn” như cái kết của Rickie Lambert. Đó sẽ là một sự thiệt thòi cho các tài năng này, cho bóng đá Anh và chính đội tuyển Tam sư. Hãy nhớ rằng, nước Anh vừa có các đội tuyển U17, U20 vô địch World Cup, U19 vô địch Châu Âu với những tay săn bàn trẻ giàu triển vọng.
Phải chăng, chính Jamie Vardy là người đang định nghĩa và khai sáng lại điều đó cho chính người Anh trong cơn mê muội này? Và vì những gì mà Jamie đã làm được cho thế hệ trẻ, cho bóng đá, cho cuộc sống này và quốc gia của anh, Vardy không đáng bị lãng quên như những gì đang xảy ra ở hiện tại!
Ethan Ampadu - tương lai mới của Chelsea
Ricardo Kaká: Và Chúa đã tạo ra một thiên thần…
Ricardo Kaká: Và chúa đã tạo ra một thiên thần…
Marco Reus: Chàng “Hoàng tử” vùng Ruhr với cái gót…
Mohamed Salah: Cậu bé mít ướt giờ đã là Pharaoh…
Tinh thần Đức ở Liverpool
“Gã hói Zidane chỉ là tay mơ được mùa?”
John Terry và bản giao hưởng dang dở Stamford Bridge
Marcelo: Nụ cười hiền xua đi nỗi nhớ Roberto Carlos…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX