Khi Diego Maradona dốc bóng qua hai rồi ba cầu thủ truy cản, Jorge Valdano đang mở tốc độ hướng về phía khung thành đội tuyển Anh, chờ một đường chuyền không bao giờ tới. Maradona, trong phút giây ngẫu hứng thiên tài ấy, đã quyết định lừa qua cả thủ môn đối phương trước khi ghi một trong những bàn đẹp nhất lịch sử các kỳ World Cup.
“Tôi chỉ là một khán giả trong pha bóng ấy”, Valdano nhớ lại. Một đường chuyền ngang sẽ giúp Valdano ghi bàn thắng ấy một cách đơn giản hơn. Nhưng ông mừng vì mình đã không phá hỏng một kiệt tác. Luôn nghĩ về cái đẹp, cái lớn hơn, Valdano đã duy trì phong cách ấy từ khi còn là một cầu thủ đến khi đã trở thành một HLV và sau đó là một Giám đốc Thể thao.
Valdano và Maradona, qua bao nhiêu năm, vẫn là bạn tốt của nhau, kể cả khi “Cậu bé vàng” lún sâu vào ma túy và bị thừa cân. Valdano nói trên tờ Spiegel năm 2006: “Có hai Maradona rất khác nhau: Một trước công chúng và một trong cuộc sống riêng tư. Chúng tôi vừa nói chuyện với nhau gần đây. Anh ấy gọi điện cho tôi, sau một vài cuộc thì tôi mới bốc điện thoại được. Câu đầu tiên anh ấy rủa: Này Jorge, làm quái gì mà giờ mới nghe máy. Cậu tưởng mình là Maradona hả".
Valdano (số 11) tự nhận là khán giả đặc biệt trong tuyệt tác làm bàn của Maradona vào lưới tuyển Anh ở World Cup 1986.
Valdano rất giỏi trong việc sử dụng từ ngữ. Ông tự tin có thể mô tả lại kiệt tác của Maradona ở Mexico 1986 còn tốt hơn chính Maradona, cho dù ông chẳng bao giờ ghi được những bàn kiểu như thế. Simon Kuper, một ký giả xuất sắc từng phỏng vấn Valdano năm 2011, cho biết: "Có lẽ không ai có thể nói về bóng đá hay hơn ông ấy. Bạn hỏi một câu, ông ấy ngừng một chút để sắp xếp từ ngữ trước khi trả lời bằng những câu hoàn chỉnh".
Không biết đã có bao nhiêu quyển sách trích dẫn lời của Valdano, vì ông nói quá hay. Ông luôn khinh thường chủ nghĩa thực dụng và công khai sự ngưỡng mộ với những người tiên phong xem bóng đá như một nghệ thuật. Valdano từng nói: "Một vài kẻ dám hỏi tôi chơi đẹp thì được gì. Không lẽ tôi phải trả lời bọn họ rằng: Vậy Jorge Luis Borges làm thơ để làm gì? Mặt trời lên làm gì? Sao ta lại ngửi mùi cà phê trước khi uống? Tất cả những câu hỏi ấy chỉ có một câu trả lời: Vì đó là lạc thú, là cảm xúc, là cuộc sống!".
Thứ bóng đá tốt đẹp mà Valdano nói là tấn công, là phiêu lưu, là tự tin thể hiện dấu ấn cá nhân. Ông yêu lối chơi nhiều hơn kết quả, thích cách một đội bóng tìm đến chiến thắng hơn kết quả chung cuộc. Valdano đi cùng một lộ với Zdenek Zeman và Marcelo Bielsa, ông đặt kỷ luật chiến thuật xuống thấp hơn chủ nghĩa cá nhân.
Đấy chính xác là tuyên ngôn của Valdano, ngay từ khi ông còn là một thiếu niên ở Las Parejas, Argentina, chơi bóng cùng bè bạn, ăn tối vội vàng rồi cùng nhau “xem” bóng đá. Những trận đấu đầu tiên Valdano theo dõi là trên radio, ông nghe rồi “xem” trận đấu từ trong tưởng tượng. Phải đến khi 15 tuổi, ông mới được dịp xem bóng đá đúng nghĩa tại World Cup 1970. Và Valdano kinh ngạc như kiểu muốn… "rớt cái hàm" khi thấy Brazil trình diễn thứ bóng đá đậm chất ngẫu hứng. Rồi ông cảm thấy thật buồn khi Brazil là một ngoại lệ hiếm hoi, vì không phải đội nào cũng muốn đá đẹp.
Valdano thích bóng đá đẹp nên tất nhiên ông là một cầu thủ đá đẹp. Và ông đủ giỏi để được câu lạc bộ (CLB) đầu đời là Newell’s nhận vào đội trẻ. Một người làm việc tại CLB này sau đó cho biết luôn thấy Valdano với quyển sách trên tay. Bởi vì ông là mọt sách thứ thiệt, luôn cố sưu tầm cho đủ những số tạp chí El Grafico đã phát hành và ngấu nghiến mọi quyển sách trong tầm tay. Quyển đầu tiên Valdano đọc là The Picture of Dorian Gray (Bức chân dung của Dorian Gray), được tặng kèm với cuốn tạp chí.
Valdano vừa đá bóng vừa học luật. Và trong trường luật, ông bắt đầu mê Borges (nhà văn, nhà thơ và dịch giả nổi tiếng người Argentina. Ông được coi là cha đẻ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh). Ông cũng bắt đầu đọc nhiều về chính trị và có xu hướng cánh tả, dù không đến mức cực tả như Cesar Luis Menotti, một người từng theo chủ nghĩa cộng sản và huấn luyện đội tuyển Argentina.
Chính Menotti là người triệu tập Valdano lên đội tuyển lần đầu tiên. Hôm ấy, Argentina đang bị Uruguay dẫn 1-2 trong một trận giao hữu, Valdano vào sân từ ghế dự bị và lập cú đúp. Đó là lần đầu tiên Argentina giành chiến thắng trên sân Centenario sau 25 năm.
Khi sự nghiệp của Valdano bắt đầu chín muồi thì cũng là lúc đất nước lâm vào hỗn loạn. Năm 1974, tổng thống Juan Peron qua đời. Hệ lụy từ cái chết của ông là đấu đá chính trị, khủng hoảng tài chính và bạo lực tràn lan. Năm 1976, chính quyền dân sự rơi vào vào tay tướng Jorge Videla sau một cuộc đảo chính. Chỉ hai năm trước khi Argentina đứng ra đăng cai World Cup, chính quyền độc tài này đã bắt cóc trẻ con, tra tấn những nhà hoạt động xã hội và tiêu diệt những kẻ chống đối. “Dân chúng sống trong nỗi sợ thường trực”, Valdano nói. Và vì sợ hãi, ông đã rời bỏ đất nước.
Giải hạng Nhì Tây Ban Nha không xứng tầm với tiền đạo trẻ người Argentina, nhưng ông chỉ muốn thoát khỏi những kinh hoàng ở quê hương ngay lập tức. Valdano gia nhập Alaves năm 1975, cái năm mà Độc tài Franco chết. Cao to, đầy sức mạnh, Valdano được dự báo là sẽ thành công. “Tôi là người chơi bóng có phương pháp, giống như một người Đức”, Valdano nói với Spiegel.
Năm đầu tiên ở Tây Ban Nha, Valdano chơi tệ hại và Alaves suýt xuống giải hạng ba. Chàng trai trẻ cảm thấy sốc khi ở đây, người ta không hủy trận đấu khi trời mưa to như Argentina. Cho dù trời có trút nước đến mức không thấy quả bóng đi nữa, cầu thủ vẫn ra sân. Còn nhỡ sân quá khô, người ta điều xe cứu hỏa đến xịt cho ướt rồi mới đá. Không hề quen thuộc với thời tiết lạnh và mặt sân lúc nào cũng bùn lầy, Valdano dính đến mười chấn thương cơ chỉ trong một năm. HLV của Alaves khi công bố đội hình ra sân luôn kết thúc với một câu: "Và trên hàng tấn công, nếu trời không mưa, sẽ là Valdano. Còn nếu mưa thì Aramburu đá thay”.
Vào một ngày bình thường, Valdano sẽ tập một vài tiếng rồi về khách sạn một mình. Một ngày nọ, Valdano có duyên gặp người đồng hương và được người này cho mượn sách. Valdano bắt đầu khám phá Tây Ban Nha thông qua những nhà văn Tây Ban Nha, đặc biệt là Manuel Vazquez Montalban. Một vài năm sau, Valdano tự viết lách. Ông xuất bản một truyện ngắn trên nhật báo El Pais rồi gửi một bài tiểu luận cho tạp chí Occidente. “Chưa từng có cầu thủ nào đăng bài trên tạp chí này trước đó”, ông nói với Four Four Two sau này. “Tôi không khác gì phụ nữ mọc râu vào lúc ấy”.
Sau 5 năm chơi bóng tại giải hạng Nhì, Valdano chuyển tới Zaragoza tại La Liga. Ông bắt đầu ghi bàn đều đặn và có tên trong danh sách dự World Cup 1982. Nhưng ông dính chấn thương ở trận đấu thứ hai và Argentina xách va ly về nước sớm.
Trở lại Tây Ban Nha, trong trận đấu với Barca, một cầu thủ của đội nhà chấn thương nằm sân và Johan Cruyff đã giữ quả bóng lại, yêu cầu đội ngũ y tế vào sân săn sóc như thể ông là trọng tài. Valdano tiến đến nói với Cruyff: “Anh giữ quả bóng đó mà chơi, nhưng đưa cho bọn tôi quả khác để trận đấu còn tiếp tục”. Lúc này, Cruyff đã là một tượng đài, nhưng Valdano không xem vào đâu cả.
Năm 1984, Valdano gia nhập Real Madrid. CLB Hoàng gia đang gặp khó khăn, nhưng đội dự bị của họ, Castilla, lại đang chơi rất bốc. Castilla leo lên giải hạng nhì năm 1978 và chỉ hai năm sau họ vào đến chung kết Cup Nhà Vua. Ở đó họ để thua 1-6 trước đội hình chính. Lúc này, vì Real được dự Cup C1 (tiền thân của Champions League) nên đội Castilla được dự Cup C2 (tiền thân của Europa League).
Hàng loạt cầu thủ trẻ từ đội Castilla được đôn lên đội một. Và những người này sẽ sớm tạo ra La Quinta del Buitre - bộ ngũ kền kền nổi tiếng với ngôi sao sáng chói Emilio Butragueno. Cùng thời gian này, thủ đô Tây Ban Nha trở thành nhà của một phong trào xã hội mang tên La Movida Madrilena, chống lại những lề thói cũ của độc tài Franco và ủng hộ tự do, nghệ thuật, sáng tạo. La Quinta del Buitre chính là hiện thân của tất cả những phẩm chất ấy thông qua bóng đá. Butragueno, người tôn sùng những quyển sách nghệ thuật, nói: “Bóng đá của chúng tôi là sáng tạo, tận hưởng và niềm vui.”
Valdano gặp nhóm này rõ ràng như cá gặp nước, và ông ngưỡng mộ Butragueno vô cùng. Ông nói: "Đứng về phía Butragueno chính là thể hiện lập trường, chọn dấn thân thay vì sợ hãi, niềm vui thay vì sự tẻ nhạt, kỹ thuật thay vì cơ bắp".
La Quinta không chỉ chơi bóng đá nghệ thuật mà còn hiệu quả. Họ mang Real đến năm chức vô địch La Liga liên tiếp từ 1986 đến 1990, được xưng tụng là đủ sức sánh ngang thế hệ vĩ đại từng giành một mạch năm chiếc cúp C1 đầu tiên. Valdano gọi Real chính là biểu tượng trong hành trình chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ của Tây Ban Nha.
Năm 1986, ông được triệu tập vào đội tuyển để dự thêm một kỳ World Cup nữa. Menotti đã được thay bởi Carlos Bilardo, tiền vệ trong đội hình chém đinh chặt sắt của Estudiantes de La Plata cuối thập niên 1960. Valdano không tỏ ý định phản kháng HLV này, nhưng Bilardo dần dà cảm thấy ngứa mắt với anh chàng lúc nào cũng kè kè quyển sách. Trước một trận đấu, Bilardo hỏi Valdano:
- Đọc sách gì thế? Giờ này lại đi đọc sách?
- Tôi cần thư giãn.
- Không có thư giãn gì hết.
- Không thư giãn thì căng thẳng chết.
- Căng thẳng mới tốt.
- Nhưng căng thẳng quá tôi sẽ bị điên.
- Bị điên mới tốt.
Theo Valdano, Argentina vô địch World Cup 1986 không nhờ tài cầm quân của Bilardo. Nếu như World Cup 1978 mang đậm dấu ấn chiến thuật của Menotti thì đỉnh cao World Cup 1986 có được là nhờ tài năng Maradona. World Cup trên đất Mexico, Argentina mang tất cả những gì Valdano thích và ghét nhất: Một chiến thuật thực dụng tận cùng và một cá nhân bùng nổ tận cùng. Đỉnh cao cảm xúc là pha ghi bàn của Argentina vào lưới đội tuyển Anh ở tứ kết.
Trong pha bóng ấy, trong lúc các cầu thủ Anh ra sức ngăn cản Maradona, Valdano di chuyển cực kỳ trống trải ở trung lộ. Nhưng Maradona không chuyền, ông một mình làm hết tất cả. Sau trận đấu, Maradona đã đến xin lỗi Valdano. Sau này Valdano nói với FIFA: "Maradona bảo anh ấy có thấy tôi suốt quãng đường băng lên, nhưng không hở ra được một khoảng nào để chuyền cho tôi cả. Tôi cho đấy là một sự sỉ nhục dành cho tài nghệ của mình. Bởi vì một cầu thủ có thể vừa dốc bóng ở tốc độ cao, vừa qua người lại vừa có thể quan sát thấy tôi sao?".
Nếu đỉnh cao của Maradona ở Mexico 1986 là pha bóng ấy thì đỉnh cao của Valdano đến vào trận chung kết, nơi ông ghi bàn vào lưới Tây Đức và Argentina thắng chung cuộc 3-2. "Một vài cầu thủ đã gục xuống và khóc không kìm được trong phòng thay quần áo", Valdano nói. "Tôi ngồi đó và nghĩ: Cả sự nghiệp nỗ lực, có lẽ đây là đỉnh cao nhất của một cầu thủ rồi. Thế thì mình cũng nên khóc cho phải đạo. Nhưng cố cách mấy, tôi cũng không khóc nổi lấy một giọt. Tám năm sau đó, sau khi đã giải nghệ, anh trai ở Argentina gửi cho tôi một cuộn băng cassette. Tôi bỏ nó vào cái Walkman vừa nghe vừa đi bộ. Rồi giữa hai bài hát, tôi nghe giọng quen thuộc của một bình luận viên nổi tiếng ở Argentina: Giọng nói mà tôi đã mê mẩn suốt thời thơ ấu. Tôi nghe ông ấy hét lên: Vào, Valdano, Argentina dẫn Tây Đức 2-0. Tôi đã gục xuống và khóc như một đứa trẻ ngay lúc ấy".
Valdano cũng không còn thi đấu nhiều sau World Cup 1986. Mùa giải ngay sau đó ông bị viêm gan và đến năm 1988 thì giải nghệ. Valdano được giữ lại làm việc tại đội trẻ của Real. Ông viết xã luận cho El País và làm chương trình phát thanh cho Cadena SER. "Việc phải từ bỏ bóng đá với tôi đau đớn hơn khi phát hiện mình bị bệnh", ông viết.
Valdano cố hết sức để tái xuất. Copa America 1989, Bilardo nói với ông: "Hãy tập luyện cật lực nhất có thể trong nửa năm, tôi sẽ mang anh đến World Cup 1990". Valdano đồng ý. Ông lao vào tập luyện, bơi lội và trở lại sân cỏ năm 1990. Nhưng căn bệnh gan trở lại, rồi một chấn thương mắt cá ập đến chỉ một tháng trước khi World Cup 1990 khởi tranh ở Italy. Bilardo hứa mang Valdano theo để làm một chân dự bị, nhưng rốt cục đổi ý vào phút chót. Valdano nói với Clarin: "Tôi đã bơi trong suốt sáu tháng, để rồi chết chìm ngay khi vừa nhìn thấy bờ".
Tháng 4/1992, Valdano nhận công việc huấn luyện đầu tiên tại Tenerife. Mùa thứ hai trên ghế huấn luyện, Valdano giúp CLB giành vị trí thứ 5 chung cuộc. Nhưng tất cả những gì công chúng nhớ về đội ngũ Tenerife này là họ đã hai lần khiến Real mất La Liga. Đấy là các năm 1992 và 1993, Real đến sân Tenerife ở vòng đấu cuối cùng, chỉ cần thắng là vô địch. Nhưng họ thua cả hai lần và mất chức vô địch về tay Barcelona của Johan Cruyff. "Một ngày nào đó tôi sẽ bù cho Real những gì đã lấy của họ", Valdano hứa.
Thế nên khi Real đề nghị ông về cầm quân năm 1994, Valdano nhận lời ngay. Ông nhìn về phía đội trẻ và mang lên đội một hai mầm non: Guti và Raul. Trẻ trung, thanh lịch, Real thẳng tiến đến chức vô địch La Liga và đè bẹp Barcelona 5-0 trên con đường đó. "Chúng tôi không chỉ giật cúp trên tay họ mà còn giật bóng trong chân họ", Valdano nói.
Valdano cầm quân thêm một mùa nữa tại Valencia trước khi kết thúc sự nghiệp cầm quân năm 1997. Năm 2000, ông trở lại Real để nhận chức Giám đốc Thể thao theo lời mời của tân Chủ tịch Florentino Perez. Và họ cùng nhau biến Real thành một gã khổng lồ trên cả hai lĩnh vực chuyên môn và thương mại. Từ một CLB nợ như chúa chổm, bộ đôi này biến Real thành CLB giàu nhất hành tinh. Trung tâm của hành trình ấy là Galacticos - chiến lược đã chứng kiến Bernabeu thành điểm đến của các siêu sao Luis Figo (2000), Zinedine Zidane (2001), Ronaldo (2002) và David Beckham (2003).
Đội ngũ này đã giành hai chức vô địch La Liga và một chức vô địch Champions League trong vòng ba năm. “Tái cấu trúc một CLB giống như làm một cuộc cách mạng vậy, có thành công cũng khiến người ta kiệt sức” Valdano tâm sự trên Spiegel. "Lúc ấy tôi còn là phát ngôn viên duy nhất của CLB". Năm 2005, Valdano thực sự kiệt sức, và ông xin từ chức.
Sau đó, ông trở lại với công việc viết lách và bình luận. Trước thềm World Cup 2006, Valdano có một bài viết dài để kỷ niệm 20 năm Mexico 1986: “Lịch sử của Argentina trong suốt 30 năm qua toàn đau thương: Có đảo chính quân sự, thay đổi chính quyền, khủng hoảng kinh tế, tài chính sụp đổ. Chỉ có một người duy nhất giúp người Argentina tìm thấy niềm vui sống: Maradona".
Rồi Valdano nhìn về đội tuyển Argentina năm ấy (2006), được dẫn dắt bởi Jose Pekerman. Ông đặc biệt chú ý đến… băng ghế dự bị. Valdano viết: "Argentina có những viên đạn ghém trên băng ghế dự bị, nơi có Carlos Tevez và Pablo Aimar. Nhưng ngồi cạnh hai người này là một khẩu thần công Lionel Messi còn chưa khai hỏa. Và ở chàng trai ấy, chúng ta thấy một tài năng đủ sức gợi nhớ đến Maradona. Amen!".
Messi là ánh sáng trong đêm tối của Valdano. Giữa một thế giới ngày càng bị thực dụng hóa, Messi là người cứu giúp cho thứ bóng đá đẹp mà ông tôn sùng. Giữa thập niên 2000, Hy Lạp đã vô địch Euro, Porto đăng quang ở Champions League, và Valencia đoạt Cup UEFA nhờ lối chơi thực dụng. Jose Mourinho và Rafa Benitez là hai chiến lược gia thành công nhất, họ biến 4 - 4 - 2 thành 4 - 5 - 1 với sự thận trọng được đặt lên trên hết.
Năm 2007, Valdano gặp một ác mộng thực sự khi ông phải bình luận một trận Champions League có cả Benitez lẫn Mourinho: Chelsea chạm trán Liverpool. Cả hai đều làm tất cả những gì có thể hòng hạn chế sai sót và tỷ số là 0-0. Sau đó, Valdano viết một bài rất dài để chỉ trích cả hai. Trong bài viết ấy có đoạn: "Chelsea và Liverpool là hai ví dụ rõ ràng nhất cho thấy bóng đá đang ngày càng trở nên chiến thuật hơn, thực dụng hơn và cơ bắp hơn. Họ không chuyền ngắn, họ chẳng chịu thay đổi tốc độ? Xâu kim không, qua người không, giật gót cũng không, hai đội bóng vào đến bán kết đã triệt tiêu mọi sự sáng tạo. Didier Drogba là cầu thủ hay nhất trong trận lượt đi bởi vì anh ta chạy nhanh nhất, nhảy cao nhất và lao vào đối phương mạnh nhất. Lối chơi ấy triệt tiêu tài năng của những cầu thủ sáng tạo như Joe Cole. Nếu đây là tương lai của bóng đá, hãy gửi lời chào tạm biệt đến những gì tốt đẹp của thế kỷ qua".
Bài viết ấy lập tức gây bão. Benitez tấn công Valdano dữ dội. Valdano cuối cùng đành xuống nước xin lỗi.
Năm 2009, Perez trở lại ghế Chủ tịch Real và mời Valdano về làm cố vấn. Họ bổ nhiệm Manuel Pellegrini nhưng không thành công, và Perez quyết định sẽ gọi Mourinho trở lại. Valdano tất nhiên hết sức khuyên can, nhưng Perez đã quyết. Thế là Valdano lại phải xin lỗi riêng Mourinho vì bài viết thuở trước. Mourinho vốn thù dai, không dễ gì cho qua chuyện cũ. Năm 2011, áp lực từ Mourinho buộc Perez phải sa thải Valdano.
Không còn là người của Madrid nữa, Valdano chỉ trích Mourinho nặng nề hơn bao giờ hết và ca ngợi Pep Guardiola của Barcelona. Ở đây người ta một lần nữa phải rạch ròi: Valdano yêu Madrid, nhưng ông yêu bóng đá đẹp nhiều hơn. Trong quyển sách mới xuất bản, Valdano viết: "Nếu Guardiola là Mozart, rực rỡ và khéo léo thì Mourinho là Antonio Salieri, một nhà soạn nhạc tài ba luôn bị thiên tài của Mozart ám ảnh".
Valdano không chấp nhận nổi cách Mourinho khơi dậy thù hận với Barca thông qua một loạt những trận El Clasico sặc mùi bạo lực và chính trị. Valdano đứng hẳn về phía Guardiola trong những trận cầu này. Ông viết: “Có vẻ như tôi không phải là một cổ động viên trung thành mấy, vì tôi vẫn có thể ngưỡng mộ những gì kẻ thù làm được”.
Valdano và Guardiola có một buổi gặp mặt không thể nào quên vào năm 2011. Khi ấy, Barca vừa chạm trán Athletic Bilbao trong một trận cầu cực kỳ hấp dẫn. Bên kia băng ghế huấn luyện là Marcelo Bielsa, một trong những chiến lược gia tôn sùng bóng đá tấn công và là người truyền cảm hứng cho một loạt HLV, trong đó có cả Guardiola. Trận đấu giữa hai người kết thúc với tỷ số hòa và không ai cảm thấy vui cả. Nhưng sau đó hai người gặp nhau tại một nhà hàng, với Valdano là người tạo duyên. Và cả ba đã có một cuộc nói chuyện đậm chất chuyên môn, ngập tràn cảm hứng.
Mấy năm qua, Valdano vẫn ngồi trên khán đài, trong cabin để bình luận các trận đấu. Ông viết sách, viết báo và làm phát thanh. Ông không thích việc cầm quân mà chỉ thích nhìn dưới góc độ thưởng ngoạn, phê bình. Ông viết: “Tôi đã là một cầu thủ, một HLV, một nhà quản lý, một cổ động viên. Tất cả đều giúp tôi hiểu rõ bóng đá là gì.”
Năm 2014, Valdano tham gia viết kịch bản cho một bộ phim tài liệu về Messi, về hành trình vươn lên của anh từ Rosario đến Barcelona. Công việc ấy chẳng dễ dàng, theo Valdano, vì "người ta đã biết tất cả về Messi". Nhưng có một câu Valdano viết rất hay trong bộ phim này: "Cầu thủ giỏi nhất là Messi, và giỏi thứ nhì là Messi lúc chấn thương".
Trên phương diện là một Madridista, Valdano đôi lúc có hơi khó ưa vì ông bày tỏ sự ngưỡng một không che giấu dành cho Messi và Guardiola. Nhưng trên phương diện một người hâm mộ chân chính, ta thấy Valdano có những nét rất đáng yêu, bởi vì ông đã dành trọn đời mình cho công cuộc phục hưng và gìn giữ bóng đá đẹp. Valdano có những nét minh triết của một nhà bác học, nhưng cũng có nét trẻ con của một người thích gì nói đấy.
"Người ta nói kết quả là trên hết. Nhưng thôi nào. Mười năm hay hai mươi năm trôi qua, ta nhớ gì? Ta nhớ cảm xúc mà một đội bóng mang lại. Ta nhớ AC Milan của Arrigo Sacchi nhiều hơn của Fabio Capello dù Milan của Capello thành công hơn và gần đây hơn. Bóng đá tổng lực của Hà Lan sẽ sống mãi, dù những năm 1970 Đức mới là đội số một", Valdano nói. "Bóng đá phải là hành trình truy tầm sự hoàn hảo, ngay cả khi ta biết nó không có thật”.
Lời nói ấy chẳng phải vừa minh triết, lại vừa rất đáng yêu kiểu trẻ con sao!
Ethan Ampadu - tương lai mới của Chelsea
Ricardo Kaká: Và Chúa đã tạo ra một thiên thần…
Ricardo Kaká: Và chúa đã tạo ra một thiên thần…
Marco Reus: Chàng “Hoàng tử” vùng Ruhr với cái gót…
Mohamed Salah: Cậu bé mít ướt giờ đã là Pharaoh…
Tinh thần Đức ở Liverpool
“Gã hói Zidane chỉ là tay mơ được mùa?”
John Terry và bản giao hưởng dang dở Stamford Bridge
Marcelo: Nụ cười hiền xua đi nỗi nhớ Roberto Carlos…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX