Khó có gì cản được đồng USD tăng giá
Bình Minh 06/07/2018 04:30 PM
“Đồng bạc xanh đã trở lại, chu kỳ của kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn đỉnh cao”, chiến lược gia trưởng của HSBC nói.

Về cơ bản, ở thời điểm hiện nay, hầu như không có gì có thể cản được sự tăng giá của đồng USD - chiến lược gia trưởng về tiền tệ David Bloom của ngân hàng HSBC nhận định trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

"Chẳng có gì cản được đồng USD tăng giá ở thời điểm hiện tại", ông Bloom nói ngày 5/6. "Như chúng tôi lập luận, đồng bạc xanh đã trở lại, chu kỳ của kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn đỉnh cao".

Đánh giá của vị chiến lược gia HSBC được dự trên dự báo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì việc tăng lãi suất với tốc độ từ tốn trong năm nay, trên cơ sở những chỉ báo cho thấy kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hỗ trợ thêm cho tỷ giá đồng USD là các ngân hàng trung ương lớn khác ngoài FED kiềm chế việc tăng lãi suất.

"Tôi không thể tưởng tượng ra điều gì có thể khiến FED không tăng lãi suất trong 2 tuần tới, và tôi cũng không thể tưởng tượng ra điều gì khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thôi ‘án binh bất động’ trong các cuộc họp chính sách của họ", ông Bloom phát biểu. "Bởi vậy, chúng ta đang chứng kiến sự đa dạng chính sách tiền tệ: một trong những đầu tàu tăng trưởng đang tiến nhanh về phía trước, trong khi những đầu tàu khác ì ạch và cần đến sự thúc đẩy của các nhà hoạch định chính sách".

Từ giữa tháng 4 đến nay, tỷ giá đồng USD đã tăng hơn 6% so với Euro. Ngày 5/6, tỷ giá đồng USD so với đồng tiền chung châu Âu dao động trên ngưỡng 1,17 USD/Euro.

Triển vọng tỷ giá của đồng bạc xanh ở thời điểm hiện nay là một sự phủ nhận đối với những dự báo phổ biến hồi tháng 1/2018 cho rằng năm nay sẽ là một năm đi xuống nữa đối với tỷ giá USD. Khi đó, nhiều nhà băng lớn như Goldman Sachs dự báo rằng đồng USD năm 2018 sẽ tiếp tục yếu so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Giờ đây, HSBC phản bác quan điểm đó, dự báo rằng những động lực chu kỳ tích cực đang bù đắp, thậm chí là vượt trội so với những trở ngại về cấu trúc và chính trị đối với đồng USD.

Theo HSBC, các yếu tố chu kỳ đang thúc đẩy sự tăng giá của đồng USD. Trong vài tháng qua, dữ liệu việc làm và tiền lương của Mỹ đều khả quan hơn dự kiến, đẩy kỳ vọng lạm phát tăng và làm tăng khả năng FED duy trì việc tăng lãi suất.

Và trong khi FED tiếp tục thắt chặt chính sách, các ngân hàng trung ương khác trên thế giới tỏ ra lưỡng lự. Đặc biệt là tại châu Âu, trong bối cảnh các số liệu tăng trưởng yếu và bấp bênh chính trị ở những quốc gia như Italy và Tây Ban Nha, ECB có vẻ như khó nâng lãi suất.

“Đồng bạc xanh đã trở lại, chu kỳ của kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn đỉnh cao”, chiến lược gia trưởng của HSBC nói. Ảnh: finance.vietstock.vn

Khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 223.000 việc làm mới trong tháng 5, so với mức ước tính 190.000 việc làm mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3,8%, thấp nhất 18 năm. Trong khi đó, tiền lương trung bình theo giờ tăng 0,3%, cao hơn mức tăng 0,1% ghi nhận trong tháng 4.

Sau đợt tăng lãi suất hồi tháng 3, FED phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, mà đợt tăng tiếp theo có thể diễn ra vào cuộc họp giữa tháng 6 này. Thị trường thậm chí dự báo FED sẽ có tổng cộng 4 lần nâng lãi suất trong năm 2018.

Khác với sự lạc quan của HSBC, một số tổ chức tài chính đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cùng nhiều ngân hàng khác cho rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa Mỹ và các đối tác thương mại khác có thể cản đà tăng giá của đồng USD. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sự tăng giá của đồng USD có thể không bền vững, xét tới thâm hụt ngân sách và khối nợ của Mỹ ngày càng lớn.

Tuy nhiên, ông Bloom phản bác quan điểm này, cho rằng những yếu tố bất lợi đối với tỷ giá đồng USD đều đã được phản ánh vào tỷ giá đồng tiền này, và nỗi lo về chiến tranh thương mại thực ra bị thổi phồng.

"Có sự ăn miếng trả miếng, nhưng tôi sẽ không gọi đó là chiến tranh thương mại… Tôi cho rằng mọi người đã hơi quá lo về điều đó", ông Bloom nói.

Mặc dù vậy, tốc độ tăng giá của đồng USD đã khiến nhiều chuyên gia, bao gồm ông Bloom, ngạc nhiên, và chắc chắn đi kèm những rủi ro.

Đồng USD tăng giá nhanh đã gia tăng sức ép lên các thị trường mới nổi. 
Ảnh: danviet.vn

Đồng USD tăng giá nhanh đã gia tăng sức ép lên các thị trường mới nổi có những khoản nợ lớn bằng đồng tiền này, đồng thời đặt ra nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đến sớm hơn.

"Tốc độ tăng giá đúng là hơi đáng báo động, và tôi cảm thấy lo ngại", vị chiến lược gia HSBC nói. Ông Bloom nhấn mạnh rằng những dự báo trước đây nói rằng phải đến cuối năm 2018, USD mới đạt mức tăng giá như hiện tại, nhưng trên thực tế chỉ mất khoảng 6 tuần.

"Gần đây, đà tăng có chững lại một chút, nhưng tôi không cho rằng đợt tăng giá đã kết thúc", ông Bloom phát biểu.

Theo: Bình Minh/Vneconomy

Author: Bình Minh

News day