Khối nợ của toàn thế giới đã tăng lên mức kỉ lục là 233 nghìn tỷ USD trong quý 3 năm 2017 vừa qua - Viện tài chính Quốc tế (IIF) cho biết ngày 4/1/2018.
IIF - tổ chức nghiên cứu tài chính có trụ sở ở Washington, Mỹ - nói rằng tổng nợ của thế giới đã tăng thêm 16 nghìn tỷ USD trong 3 quý đầu của năm 2017 so với cuối năm 2016. Trong khi đó, tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới đã giảm 4 quý liên tiếp do kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng của nợ.
Điều đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên toàn cầu đồng nghĩa với tỷ lệ nợ trên GDP đang giảm xuống. Cụ thể, trên toàn cầu, tỷ lệ nợ so với GDP vào thời điểm quý 3/2017 ở mức khoảng 318%, thấp hơn 3 điểm phần trăm so với mức cao thiết lập vào quý 3/2016.
Con số nợ mà IIF đưa ra bao gồm nợ của hộ gia đình, Chính phủ, ngành tài chính và phi tài chính.
Trung Quốc - quốc gia chiếm một tỷ lệ lớn trong số nợ mới phát sinh của các nền kinh tế mới nổi - chứng kiến tốc độ tăng nợ chậm lại. Trong 3 quý đầu năm 2017, nợ của Trung Quốc chỉ tăng thêm 2 điểm phần trăm, lên mức 294% GDP, so với mức tăng trung bình hàng năm 17 điểm phần trăm trong thời gian từ 2012 - 2016.
Tuy nhiên, IIF cảnh báo về những khoản nợ lớn mà các nền kinh tế mới nổi tới hạn phải trả trong thời gian tới. Theo IIF, các nền kinh tế mới nổi phải trả 1,5 nghìn tỷ USD nợ trái phiếu và các khoản vay khác trong năm 2018.
Trong đó, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Brazil là những nền kinh tế mới nổi phải trả nhiều nợ trong năm nay.
Cũng theo báo cáo của IIF, nợ của khu vực tư nhân phi tài chính ở Canada, Pháp, Hồng Kông, Hàn Quốc, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt mức cao chưa từng thấy.
“Gánh nặng nợ nần không phân bổ đều. Một số quốc gia và lĩnh vực đã giảm nợ, trong khi một số khác lại gia tăng vay nợ lên mức rất cao. Ở nhóm tăng nợ, khối nợ phình to có thể tạo ra những trở ngại đối với tăng trưởng trong dài hạn và rốt cục đặt ra những rủi ro đối với sự ổn định tài chính”, báo cáo Theo dõi nợ toàn cầu của IIF có đoạn viết.
Liệu khủng hoảng tài chính có xảy ra hay không?
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen phát biểu tại London rằng các ngân hàng hiện nay đã ở trong một trạng thái khỏe mạnh hơn rất nhiều và một cuộc khủng hoảng tài chính nữa là điều sẽ không xảy ra “trong cuộc đời chúng ta”.
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khởi nguồn từ mức vay nợ chồng chất của các hộ gia đình ở Mỹ. Bởi vậy, với khối nợ của thế giới hiện nay, nhiều người không đồng tình với đánh giá lạc quan mà vị Chủ tịch FED đưa ra.
“Tôi cho rằng phát biểu của bà Yellen, nếu như tôi hiểu đúng, là một sự tùy thuộc lớn vào may rủi. Hai từ ‘Titanic’ và ‘không thể chìm’ chợt xuất hiện trong đầu tôi”, Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế Erik Jones thuộc Đại học Johns Hopkins nhận xét.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Carsten Brzeski thuộc ngân hàng ING thì nói rằng “mức nợ cao đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng nợ còn chưa được giải quyết xong, kể cả ở Mỹ hay ở Eurozone. Mức nợ gia tăng ở châu Á và các nền kinh tế mới nổi khác cũng cho thấy chưa có sự thay đổi cơ cấu cần thiết”.
“Tuy nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là chúng ta đang ở bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính nữa. Các biện pháp của các ngân hàng trung ương như lãi suất thấp đã và sẽ tiếp tục hạn chế rủi ro này”, ông Brzeski nói.
Tổng thống Mỹ và tầm nhìn mới “Ấn Độ -…
Mô hình bán lẻ 'thần thánh' của Costco đã đánh…
Abbott đồng ý mua lại Alere với mức giá thấp…
McDonald’s đóng cửa hơn 169 nhà hàng tại Ấn Độ
Ikea đặt Việt Nam vào tầm ngắm
Năm 2020: Liệu kinh tế Mỹ có suy thoái như…
‘Đòn thương mại' mới nhất của ông Trump khiến hàng…
Kinh tế thế giới 2017 tác động ra sao đến…
Thứ kim loại nào đang được săn lùng hơn cả…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX