Tôi đứng thật lâu bên ngoài cửa hàng vĩ cầm nhỏ xinh và trang hoàng đẹp đẽ, nghe tim mình chợt nảy lên một nhịp.
Tối chủ nhật tuần trước, bạn tổ chức party, mời tôi và bạn bè cùng lớp. Tiệc tàn, tôi về. Đợi xe buýt lâu quá, tôi đành đi bộ. Lâu rồi tôi chưa đi dạo vào buổi tối, thật náo nhiệt và tấp nập. Giờ này vẫn còn sớm, tôi vòng vèo qua ba, bốn cái ngã tư rồi quyết định băng ngang con đường tắt, tiến về nhà mình. Tôi từng đi qua lối này nhiều lần nhưng chưa bao giờ chú ý đến cửa hàng bé nhỏ ấy nằm yên ắng giữa hai tiệm tạp hóa lớn. Nếu có, tôi chỉ liếc mắt thật nhanh rồi vội vã lướt qua hoặc tìm một lối khác để trốn chạy. Nhưng, tối nay chẳng hiểu vì sao tôi cảm thấy mình như bị hút vào cửa hàng vĩ cầm, cứ đứng nhìn ngơ ngẩn.
Tôi thận trọng bước lại phía cửa sổ để nhìn cho rõ hơn. Vài cây vĩ cầm đã cũ treo ở dãy trái. Dường như chúng đã được treo ở đó nhiều năm rồi, sơn bong tróc hết cả ra. Tôi đưa mắt quét dọc quét ngang gian phòng, cảm tưởng như mình vừa ngồi lên cỗ máy thời gian chở tôi về lại quá khứ - một quá khứ của chính bản thân tôi cùng ký ức về cây vĩ cầm màu nâu sậm.
Mọi thứ trên đời, quý giá nhất vẫn là ký ức. Tất cả đều được lưu giữ tại nơi này.
...
Rất nhiều năm về trước, tôi không nhớ rõ chính xác là bao nhiêu, vĩ cầm là niềm đam mê mãnh liệt của tôi.
Khi còn học những năm cấp một, tôi đã từng tham gia rất nhiều các hoạt động thể thao, tất cả đều là ý kiến của mẹ.
- Tham gia đội tuyển bơi lội nhé hoặc trở thành thành viên của đội bóng chuyền. Chị May của con là thành viên ưu tú trong đội đấy.
Làm sao mẹ có thể so sánh tôi - một con bé học kém, không có năng khiếu chơi thể thao với chị May - một người giỏi về mọi mặt được nhỉ? Thật ra tôi vốn dĩ rất sợ nước và cho đến tận bây giờ vẫn còn thấy sợ. Về bóng chuyền, tôi không cao như chị May càng không có khả năng chuyền bóng điệu nghệ như chị. Những ngày đầu vào đội, tôi đã bị bóng đập vào mặt vô số lần nên đành ghi danh vào câu lạc bộ bơi lội như nguyện vọng của mẹ.
Cứ mỗi lần tới thứ bảy hằng tuần, tôi luôn tìm đủ mọi cách để được ở nhà nhưng những lý do tôi đưa ra đều không thích đáng. Tôi chưa bao giờ thắng nổi mẹ. Mỗi khi nghe tiếng súng vang lên từ người chỉ huy, tôi giật bắn người, tay chân run cầm cập. Và tôi đã phải thu hết dũng cảm nhảy xuống dòng nước trong xanh phía dưới, bơi thật nhanh về phía bờ bên kia để tránh nước sặc vào mũi. Tất nhiên một điều, tôi luôn là người rớt lại đằng sau. Nếu không vì ba thì có lẽ tôi đã bỏ cuộc từ lâu rồi. Trên ghế ngồi khán giả, ba tôi gọi tên tôi và hét to cổ vũ, khích lệ. Mỗi lần nghe hai tiếng "cố lên", tay vùng vẫy, chân đạp loạn xạ, tôi thu hết sức lực để về đích.
Khi tôi chạm tay vào thành hồ, ba luôn chờ sẵn với chiếc khăn bông trên tay. Tôi leo lên bờ, ba nhanh chóng choàng chiếc khăn lên người tôi và ông nói rằng ông vô cùng tự hào về tôi.
Thể dục dụng cụ là một môn thể thao nữa mà mẹ chọn cho tôi, một phần vì thời trẻ mẹ từng là giáo viên dạy bộ môn này. Có vẻ như mẹ chẳng hề để ý đến chiều cao của tôi so với các thanh xà đơn, xà kép… được đặt ở một độ cao cố định. Nhưng để mẹ được vui, tôi cố gắng hết sức đến cả bản thân tôi cũng ngạc nhiên. Tôi thật sự có vui thích trong thế giới của những cầu thăng bằng và tấm nệm nhún nhảy có gắn lò xo. Tôi gần như dành cả buổi học để nhảy lên nhảy xuống trên tấm nệm ấy, cố nhảy thật cao để vươn tới trần nhà.
Tuy vậy, mẹ tôi vẫn không thoả mãn khi tôi chỉ giỏi mỗi việc nhún nhảy kia. Bà muốn tôi tập nhưng động tác khác cao hơn, phức tạp hơn. Để làm hài lòng mẹ, tôi ra sức tập luyện và cuối cùng bị gãy mắt cá chân. Tôi chống nạng suốt một tuần, đó cũng là thành quả cho việc cố gắng vô ích của tôi trong những ngày tháng xa xôi ấy.
Thật ra tôi cũng muốn chìm đắm trong một điều gì đó, muốn nỗ lực làm một chuyện gì đó, muốn nghiêm túc theo đuổi nhưng lại chẳng biết đó là gì nữa.
Quãng đời thơ ấu, tôi vẫn thường tự hỏi mình có năng khiếu gì không. Tôi không xuất sắc như mẹ càng không tài giỏi như chị May. Và điều quan trọng là tôi không có hứng thú gì với những cuộc tranh tài thể thao mà mẹ tôi thì không thể nào thấu hiểu được.
- Có lẽ con không thích hợp để chơi thể thao đâu mẹ à! - Tôi nói.
Và mẹ luôn trả lời.
- Là do con chưa đủ kiên nhẫn thôi.
Vì chuyện của tôi mà ba mẹ thường cãi nhau, những ý kiến trái chiều, những quan điểm bất đồng diễn ra hàng giờ đồng hồ liền. Thậm chí nửa đêm chợt tỉnh giấc, tôi vẫn nghe thấy họ tranh cãi về tương lai của mình.
- Sống phải đam mê và có ý chí nghị lực để theo đuổi. Con bé dường như thiếu nghị lực, điều đó tệ hại biết bao.
Ba tôi phản đối.
- Không nên ép buộc, hãy để con bé tự nhận ra điều mà nó thích, chúng ta nên đứng bên ngoài cổ vũ, động viên nó.
Tôi thương ba tôi, tôi cũng hiểu nỗi khổ tâm của mẹ. Họ chỉ muốn tốt cho tôi mà thôi. Nhưng bản thân tôi lại không biết mình muốn gì, trong khi đó bạn bè đồng trang lứa, chúng nó đều có những ước mơ vĩ đại: nhà thám hiểm, vận động viên cử tạ, hoạ sĩ… Suy nghĩ ấy khiến tôi thấy tủi thân, bật khóc nức nở. Tiếng khóc âm ỉ kéo dài đến khi cánh cửa phòng mở ra, ba tôi bước vào. Có lẽ tiếng thút thít của tôi đã làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của ba.
- Sao con gái của ba lại khóc thế? - Ba bước lại giường, vuốt ve mái tóc tôi.
- Con thật vô dụng, con đã cố gắng để làm mẹ vừa ý nhưng dù con có nỗ lực thế nào con cũng không làm được. - Tôi nói trong nước mắt.
- Đừng nói thế, ai cũng có điểm mạnh của riêng mình. Thời gian vừa qua con đã cố gắng rất nhiều, ba mẹ tự hào về con.
- Không. - Tôi lắc đầu nguầy nguậy. - Mẹ không hề tự hào về con, mẹ lúc nào cũng nghiêm khắc với con.
- Mẹ làm vậy là muốn con suy nghĩ thấu đáo, tìm ra điều thích hợp cho mình và vận dụng nó một cách sáng suốt.
- Điều thích hợp… - Tôi lẩm nhẩm lặp lại.
- Đúng vậy, điều làm con tỏa sáng.
- Nhưng nếu bên trong con người con không có điểm gì làm con tỏa sáng thì sao?
Ba tôi nhẹ nhàng đáp.
- Mỗi chúng ta đều sẽ tỏa sáng theo cách của riêng mình, quan trọng là phải có sự yêu thích. Việc gì cũng có cái khó của việc đó cho nên chúng ta phải tìm được hứng thú trong công việc cũng như trong ước mơ thì chúng ta mới có thể kiên trì được. Con hiểu chứ?
Những lời nói sau cùng của ba in sâu vào trí óc thơ dại của tôi khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về nó. Nhưng cho đến hết những năm cấp hai, tôi vẫn chưa tìm được điều thích hợp cho mình.
Có một dàn nhạc đến trường tôi biểu diễn để chào mừng khối lớp mười. Với tôi, khai giảng hay bế giảng cũng vậy thôi, vô vị. Tôi nằm dài trên ghế khán đài của sân bóng rổ, nghe rõ mồn một những giai điệu vang lên từ phía hội trường. Tiếng trống dồn dập làm tôi nhức tai. Tiếng sáo càng khiến tôi buồn ngủ thêm. Rồi tiếng vĩ cầm, tôi bật dậy như cái lò xo, dỏng tai lắng nghe. Tiếng vĩ cầm thánh thót làm sao. Đó là thứ âm thanh du dương nhất mà tôi từng nghe. Tôi cảm thấy cả người mình như đang lơ lửng và trôi bồng bềnh trên biển mây âm thanh trong vút, nhẹ nhàng như tiếng suối chảy qua các khe đá. Tôi say trong tiếng đàn vĩ cầm tuyệt dịu ấy, ánh mắt mơ màng, thầm tưởng tượng một ngày không xa chính tay mình sẽ kéo lên những bản nhạc tuyệt vời. Một vùng hào quang sáng chói phủ kín trái tim tôi.
Không phải bơi lội cũng chẳng phải bóng chuyền mà chính là những sợi dây đàn có thể phát ra tiếng nhạc. Lần đầu tiên tôi bị cuốn hút vào một điều gì đó. Sau buổi học tôi chạy như bay về nhà, nắm chặt trong tay tờ đơn xin học đàn của mình. Niềm say mê mãnh liệt khiến tôi thu hết can đảm đưa tờ giấy cho ba mẹ, trong bụng cứ thấp thỏm lo sợ rằng họ sẽ từ chối hoài bão cháy bỏng này. Nhưng mọi chuyện không tồi tệ như tôi đã nghĩ. Mắt mẹ tôi sáng lên. Bà rưng rưng đôi dòng lệ, những giọt nước mắt vui mừng vì cuối cùng tôi cũng tìm được thứ khiến mình hăng say. Còn ba tôi thì nháy mắt cười, ông hớn hở ký vào tờ đơn.
Tôi cứ nghĩ học đàn violon khó hơn nhiều nhưng không, mọi thứ đối với tôi thật dễ dàng như chim bay trên trời, cá bơi dưới nước. Trong lớp có hơn hai mươi học viên, tôi vào sau nhưng lại tiến bộ rất nhanh cứ như thể tôi sinh ra là để kéo vĩ cầm vậy. Chẳng bao lâu tôi nổi trội, vượt mặt các ứng cử viên sáng giá và giành được vị trí đứng đầu trong dàn nhạc ở trung tâm. Hình của tôi được in trên trang bìa của tờ báo địa phương. Tôi rất vui và hãnh diện vô cùng. Tôi đã tìm thấy đam mê và tỏa sáng theo cách của riêng mình. Một tương lai huy hoàng đang mở ra trước mắt tôi: trở thành một nghệ sĩ vĩ cầm chuyên nghiệp.
Những buổi hòa nhạc có tôi tham gia, ba mẹ đều đi xem không bỏ sót buổi nào. Mẹ, chị May, cả hai tự hào về tôi. Nhất là ba, nụ cười luôn nở trên gương mặt ông. Khi tôi ngân nga nốt nhạc đầu tiên, khuôn mặt ông ngời sáng và khi tôi chấm dứt bản nhạc, ông luôn là người đầu tiên đứng lên vỗ tay nồng nhiệt. Buổi hoà nhạc kết thúc, chúng tôi ở lại chụp hình và lưu giữ trong cuốn album gia đình.
Mỗi tối từ nơi làm việc về nhà, ba tôi ngả người lên chiếc ghế vải với điếu thuốc trên tay, lắng nghe tôi gảy đàn.
- Kéo cho ba nghe một bản nào, con gái.
Ông bảo. Và tôi vui vẻ đáp ứng yêu cầu của ông. Ba nhắm mắt, chìm đắm trong tiếng nhạc của tôi. Một ngày vất vả, đây là giờ phút tôi cảm thấy ông thanh thản, thoải mái nhất.
Những chuỗi ngày đẹp đẽ nối tiếp nhau, chẳng có gì thay đổi. Một chiều nọ sau buổi luyện đàn tôi trở về nhà thấy chị May đi qua đi lại, nước mắt lưng tròng, tay run run bấm số gì đó trên điện thoại mà bấm hoài chưa xong.
Tôi hốt hoảng hỏi:
- Có chuyện gì vậy chị?
- Ba… ba bị bệnh… - Chị May nấc nghẹn, không nói tiếp được nữa.
Tay tôi vẫn nắm chặt hộp đàn vĩ cầm, chạy ào vào phòng như cơn lốc. Ba nằm im trên giường, mắt nhắm nghiền. Còn mẹ thì khóc, tay liên tục xoa ngực ông.
- Ba bị làm sao thế mẹ? - Tôi thét lên.
- Ba con lên cơn đau tim… mẹ tìm thấy thuốc trợ tim nằm sâu trong ngăn kéo. Thì ra ba của tụi con đã che giấu bệnh tình nhiều năm rồi…
Mỗi một câu nói của mẹ như xát muối vào tim tôi, đau nhói. Đôi chân ngã khuỵu xuống sàn nhà. Thân hình bất động của ba khiến tôi hoảng sợ.
Một lúc sau, có mấy vị mặc áo blouse trắng mang theo hộp dụng cụ y tế bước vào phòng. Họ bắt đầu khám cho ba.
Tôi không thể đứng lặng nhìn người cha kính yêu, người thầy đầu tiên, người bao bọc và chở che tôi từ lúc tôi chào đời, đang hấp hối trước mặt mình. Tôi cần phải làm gì đó để níu ba lại từ tay thần chết. Cuộc đời con người tồn tại đến một lúc nào đó rồi họ sẽ phải trở về với cát bụi. Nhưng là những người nào đó chứ không phải ba tôi. Ba phải là người sống mãi bên cạnh tôi, không bao giờ rời xa tôi.
Tôi liếc sang hộp đàn, vội vã lấy ra, đặt chiếc vĩ lên vai và bắt đầu chơi. Hết Mozart rồi đến Itzhak Perlman. Tôi chơi say sưa mặc kệ những giọt nước tràn khoé mi. Tôi cứ chơi mãi, đàn mãi cứ như chỉ cần tôi ngừng một phút thì ba tôi sẽ ra đi vậy. Khi các vị bác sĩ cho ba thở bằng ống oxi, tôi vẫn cứ đàn. Khi họ gắn các dụng cụ bằng kim loại lên ngực ba, cố gắng hồi sinh cơ thể như tượng đá kia, tôi vẫn cứ đàn. Tôi đàn liên tục, thật nhanh, thật mạnh.
Tôi buông đàn, ngã phịch người xuống nền nhà ướt lạnh trước khi các bác sĩ lắc đầu và bảo rằng.
- Chúng tôi đã cố gắng hết sức…- Căn phòng giờ ngập trong những tiếng khóc đau đớn của mấy mẹ con. Tôi ném cây vĩ vào góc tường, thề rằng từ nay sẽ không bao giờ chơi đàn nữa.
Nhiều năm trôi qua…
Bóng tôi phản chiếu trên khung cửa sổ nhạt nắng, khắc họa một phần ký ức đau thương của buổi chiều ấy - một ký ức mà tôi đã dùng toàn bộ quãng đời còn lại của mình để cố gắng chôn chặt. Thêm một khoảng thời gian nữa, chẳng biết bao lâu, tôi đã không chơi vĩ cầm. Tôi thực hiện đúng như lời thề, không đụng đến chiếc vĩ kể từ buổi độc diễn cuối cùng dành cho ba vì tôi cho rằng trên thế giới này chẳng còn vị khán giả nào trung thành và ủng hộ tôi hết mình như ba tôi.
...
Dòng hồi tưởng quá khứ đưa tôi về đến tận cổng nhà lúc nào không hay. Tôi chào mẹ đang ngồi xem tivi ở phòng khách rồi đi thẳng lên lầu. Tôi lấy hộp đàn violon từ trên tường xuống. Bên ngoài hộp dính đầy bụi, nó đã nằm yên ở đấy không được ai ngó ngàng đến suốt sáu năm qua.
Tôi dùng một mảnh vải đã thấm nước lau các vết bẩn trên thân đàn, tự hỏi các dây đàn có đánh được nữa không. Thân đàn bằng gỗ nhờ có nước nên bóng loáng. Tôi kéo nhẹ sợi dây, chiếc vĩ phát ra tiếng, âm thanh khẽ khàng, trầm trầm. Sau đó di chuyển ngón cái dọc cần đàn, xác định vị trí các nốt trên dây, không ngờ đã qua nhiều năm tôi vẫn còn nhớ cách chơi.
Bước tới di ảnh của ba, tôi nâng đàn đặt lên vai trái, giữ nó thật vững, để cằm lên trên miếng đỡ cằm. Ánh mắt ba nhìn tôi vừa dịu dàng vừa khích lệ.
Tôi kéo từng nốt một. Khi cây vĩ và những sợi dây đàn hòa quyện với nhau, các ngón tay run rẩy của tôi dần lấy lại bình tĩnh hoàn thành bản nhạc "A time for us" - bản mà ba tôi thích nhất.
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX