Hoa tử đằng: Nhân gian có loài tình hoa…
Tử đằng (tiếng Nhật: Fuji) được trồng ở nhiều nước trên thế giới, ở mỗi miền nó lại được mang một ý nghĩa cao đẹp khác nhau. Sự cao đẹp ấy có thể tóm tắt trong những chữ sau: tình bạn, tình yêu đôi lứa và tình mẫu tử.
Sở dĩ nhắc đến tử đằng người ta nhớ đến tình mẫu tử là vì truyền thuyết xuất thân của nó. Câu chuyện kể về chàng trai vì cứu mẹ mình khỏi quỷ dữ, chàng đã hóa thân thành một cây cổ thụ to, cành lá xum xuê, có những chùm hoa dài rủ xuống đất, kết lại như thành luỹ vững chắc để mẹ ẩn trốn, mặc dù, chàng biết rằng, một khi niệm chú hóa thân thì sẽ không biến lại thành người được nữa.
Loài hoa ấy, người ta gọi là tử đằng.
Nếu ở Trung Quốc, người ta tặng hoa như muốn tôn vinh tình cảm, thể hiện sự quý mến họ dành cho nhau, hay ở trời Tây, nó còn được dùng để bày tỏ lòng yêu thích, ngưỡng mộ giữa người tặng và người nhận, thì tại Nhật Bản, ngoài màu hoa trắng là biểu tượng cho tình bạn, người ta còn tôn vinh màu tím thành màu của tình yêu bất diệt.
Khác với vẻ ngoài ngọt ngào, mềm mại, tình yêu của Fuji rất sâu đậm, kiên trì và nồng nhiệt, giống như cách mà những nhánh rễ của nó xuyên trong đất, bám chắc để sinh tồn. Một điều thú vị là nếu ai đó trao hoa tím này cho bạn thì có thể nó mang ngụ ý rằng: “Tôi sẽ chờ người đồng ý”. Tức là bạn đã trở thành người thương của đối phương mất rồi.
Và có lẽ chính vì sự sâu sắc, mãnh liệt và đáng yêu trên mà Fuji được người Nhật Bản hết sức yêu mến, quý trọng.
Lễ hội hoa tử đằng ở Nhật Bản
Được coi là một loài hoa lãng mạn, quyến rũ nhất thế giới, hoa tử đằng đã được nhân rộng ở nhiều nơi tại Nhật Bản. Tiêu biểu nhất có thể nhắc đến công viên Ashikaga tỉnh Tochigi và vườn Kawachi Fujien thuộc thành phố Kitakyushu.
Vào khoảng tháng 4, 5, khi thời tiết bớt lạnh, loài hoa này sẽ nở rộ - bắt đầu một mùa lễ hội nên thơ. Đó là lúc mà du khách sẽ ngỡ ngàng bởi những cây cổ thụ to lớn, xòe rộng, buông xuống mặt đất vạn đóa hoa xinh đẹp, vươn mình khoe sắc.
Công viên Ashikaga, nơi được phong danh “Vương quốc hoa tử đằng” sẽ trở mình sau một mùa lạnh giá. Tựa một khu rừng hoang dã, hàng loạt cây tử đằng từ tím đến trắng, xanh, vàng, hồng cùng nhau bung nở, vẽ nên một trời đa sắc. Và tâm điểm trong vùng hoa vạn sắc ấy chính là cây tử đằng đã hơn 150 năm tuổi, tán rộng hàng trăm mét vuông mà xum xuê trên mình biết bao “đóa tình” không đếm xuể. Không chỉ vậy, tử đằng ở Ashikaga còn được bố trí theo dạng mái vòm, kim tự tháp, gò đồi, thác nước,… hay một đường hầm hoa dài 80 mét sẵn sàng rực rỡ về đêm khi mọi ánh đèn đã chiếu sáng.
Cũng như “Vương quốc hoa tử đằng” có một đường hầm hoa trải dài 80 mét, Vườn Kawachi Fujien còn nổi bật bởi đường hầm 220 mét của mình . Nhờ vào đường hầm này Kawachi Fujien đã phổ biến và thu hút hàng ngàn khách du lịch “vì hoa mà đến”.
Đó là nơi mà ở mỗi bước chân, bạn sẽ phải choáng ngợp bởi những cụm hoa tử đằng của hơn 20 loại đến từ hàng ngàn cây đang ôm trọn không gian mĩ miều. Đầy ắp những sắc màu ngọt ngào vươn trong gió như muốn níu chân những kẻ hữu ý đến thăm. Cuối chặng đường, ta lại bất chợt gặp được loài cây hoa tình hơn 100 năm tuổi vững chắc, tỏa những dòng suối hoa xuống trần gian.
“Tử đằng quải vân mộc.
Hoa mạn nghi dương xuân.
Mật diệp ẩn ca điểu.
Hương phong lưu mỹ nhân.”
(Lý Bạch)
Những điều thú vị về chiếc đèn lồng
Ẩm thực đặc trưng của các nước Đông Nam Á
Salad - Những điều thú vị về nguồn gốc và…
Áo dài cách tân – Đột phá hay phi truyền…
Những đặc trưng văn hóa của Ấn Độ
3 thiền viện nổi tiếng nhất Myanmar
Những món ăn xuất hiện trong phim cổ trang của…
Margaret Rose: Cuộc đời của vị công chúa xinh đẹp…
Áo dài – Sneakers: Làn gió mới hay sự lập…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX