Lệnh cấm nhập cảnh người dân 7 nước Hồi giáo vào Mỹ của Donald Trump
Trang Lu 01/29/2017 06:41 PM
Ngày 27/01 (giờ địa phương), ông Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm người tị nạn vào Mỹ trong vòng 4 tháng và tạm thời cấm nhập cảnh đối với người dân 7 nước Hồi giáo Syria, Iran, Iraq, Sudan, Yemen, Somalia, Libya.

Ngày 28/01, Người phát ngôn Bộ An ninh Nội địa Mỹ Gillian Christensen khẳng định: "Sắc lệnh sẽ cấm cả những người có thẻ xanh". Như vậy, lệnh cấm nhập cảnh tạm thời công dân 7 nước có đông dân Hồi giáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với cả những người có "thẻ xanh", thẻ cư dân hợp pháp thường trú lâu dài ở Mỹ, cũng thuộc diện bị cấm theo sắc lệnh hành pháp này.

Cũng theo Bộ này, trong trường hợp đã có thẻ xanh, công dân của 7 nước bị cấm phải nộp hồ sơ xin xét duyệt lại để được chấp thuận cho phép đến Mỹ, kết quả xét duyệt sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp chứ không có quy định chung có thể áp dụng cho tất cả. Trong trường hợp người có thẻ xanh nếu muốn ra khỏi Mỹ cần phải làm việc với lãnh sự quán Mỹ để chắc chắn mình có thể quay lại Mỹ được không. Trong trường hợp những du khách có hai quốc tịch, một trong hai quốc tịch là một trong 7 nước bị cấm, cũng không được phép đến Mỹ. 

Người Mỹ xuống đường biểu tình chống sắc lệnh của tổng thống Trump. Ảnh: New York Times

Lệnh cấm này đã gây ra nhiều xáo trộn cho các sân bay ở Mỹ và trên các máy bay có hành khách tới Mỹ. Ngay sau lệnh cấm, tại sân bay Cairo, Ai Cập, 5 hành khách Iraq và 1 người Yemen không được lên một chuyến bay của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir từ Cairo tới New York khi đang quá cảnh tại sân bay Cairo. Những hành khách này đã bị chặn lại và được chuyển tới các chuyến bay trở về quốc gia của mình, dù tất cả đều có thị thực hợp lệ. Cũng tại sân bay Cairo, một nhà khoa học người Iran làm việc tại Mỹ cũng bị yêu cầu quay trở về nước cho đến khi có thông báo mới sau khi bị giữ lại tại khu vực quá cảnh của sân bay. Ngoài ra, 12 người tị nạn cũng bị giữ tại sân bay quốc tế John F. Kennedy, New York vào ngày 28/01 bởi lệnh cấm. 

Tại Canada, nhà chức trách nước này tuyên bố tiếp nhận tạm thời các công dân của 7 quốc gia đang bị kẹt tại các sân bay tại Canada do lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhiều người giận dữ, biểu tình bên ngoài sân bay nhằm phản đối các vụ bắt giữ đồng thời nhiều người khác xuống đường biểu tình chống sắc lệnh di trú mới vào Mỹ của tổng thống Trump.

Biểu tình tại sân bay John F. Kennedy (New York, Mỹ) phản đối sắc lệnh. Ảnh: Miami Herald

Nhiều luật sư ở New York đã đệ đơn khiếu nại nhằm phản đối lệnh cấm khi nhiều người bị giam giữ bất hợp pháp. Một luật sư của Hiệp hội Luật sư Nhập cư Mỹ (AILA) Manna Yegani cho hay, Bộ phận hải quan và kiểm soát biên giới ở nhiều sân bay của Mỹ đã không thông báo về lệnh cấm mới vào đầu giờ chiều 27/01 trong khi nhiều người có thẻ xanh bị thẩm vấn trong nhiều giờ.

Một nhóm luật sư khác cùng với Liên đoàn Công dân tự do Hoa Kỳ (ACLU) và một số tổ chức cứu trợ người tị nạn đại diện cho 2 người Iran phục vụ trong quân đội Mỹ nhiều năm nộp đơn kiện lên tòa án liên bang Mỹ vì 2 người này không quay lại được Mỹ vì lệnh cấm trên tại sân bay John F. Kennedy, New York. Trong vụ kiện này, thẩm phán liên bang Brooklyn, Mỹ ngày 28/01 (giờ địa phương) đã ra phán quyết phong tỏa tạm thời sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump về việc ngăn chặn người tị nạn Syria và du khách đến từ 7 quốc gia Hồi giáo nhằm ngăn chặn việc loại bỏ khỏi Mỹ những người có đơn tị nạn đã được phê chuẩn, có các thị thực hợp lệ, và "các cá nhân khác... đã được quyền hợp pháp nhập cảnh Hoa Kỳ".

Các luật sư đang làm việc với tổ chức Kế hoạch Hỗ trợ Người tị nạn Quốc tế nhằm hỗ trợ những người tị nạn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ tại sân bay John F. Kennedy. Ảnh: New York Times

Nhiều quốc gia cũng đã lên tiếng trước sắc lệnh di trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phản ứng trước lệnh cấm này, Iran coi lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump mang tính "sỉ nhục" đối với người đến từ Iran và 6 quốc gia Hồi giáo khác, khi làm tổn thương lòng tự trọng của họ và mang tính phân biệt đối xử và nước này sẽ cấm người Mỹ nhập cảnh để đáp trả.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh, mặc dù không nằm trong danh sách các quốc gia bị cấm, nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho rằng lệnh cấm người tị nạn của Mỹ không phải giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề, đồng thời kêu gọi các quốc gia Châu Âu nỗ lực hơn để giúp nước này giảm tải gánh nặng người tị nạn. Ông cũng khẳng định nước này đã chi 26 tỷ USD để lo chỗ ở cho người tị nạn trong thời gian qua. Cũng trong cuộc họp báo này, Thủ tướng Anh đã từ chối bình luận về sắc lệnh của Tổng thống Trump. Theo bà May: "Nước Mỹ phải chịu trách nhiệm cho chính sách của nước Mỹ về người tị nạn, còn Anh chịu trách nhiệm cho chính sách di trú của Anh".

Nhiều quốc gia đã lên tiếng với sắc lệnh của Tổng thống Trump. Ảnh: AP

Trong cuộc họp báo với người đồng cấp, Jean-Marc Ayrault tại Paris, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel lên tiếng phản đối lệnh cấm nhập cảnh vì nó đi ngược lại với truyền thống của người Cơ đốc giáo. Còn Ngoại trưởng Pháp Ayraut cho biết chính sách của ông Trump khiến nước này quan ngại sâu sắc do việc tiếp nhận người tị nạn chiến tranh và bị ngược đãi là một phần trong nghĩa vụ của mỗi quốc gia.

Nhà Trắng đã chính thức có thông báo lý giải cho lệnh cấm của ông Trump và khẳng định lệnh cấm nhập cảnh tạm thời mới này được đưa ra là hoàn toàn cần thiết để giúp ngăn chặn các vụ khủng bố tại Mỹ, trong khi chính quyền đang xây dựng hệ thống rà soát và cấp phép nhập cảnh mới chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Cato của Mỹ, người nước ngoài đến từ 7 nước nằm trong danh sách cấm nhập cư vào Mỹ không giết bất cứ người Mỹ nào trong các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ trong giai đoạn từ năm 1975 đến cuối năm 2015.

Cập nhật: Trong số những bang phản đối sắc lệnh siết chặt thị thực: Illinois, California, Connecticut, Hawaii, Iowa, Maine, Maryland, Massachusetts, New Mexico, New York, Oregon, Pennsylvania, Vermont, Virginia, Washington và quận liên bang Columbia đã có ít nhất thêm 5 bang ra phán quyết vô hiệu hóa sắc lệnh hành chính này của Tổng thống Mỹ.

Author: Trang Lu

News day