Libya thời hậu chiến: Hối hận của những người từng ủng hộ lật đổ đại tá Gaddafi?
Lu-Thusy (Tổng hợp) 04/23/2017 10:30 AM
Người đàn ông mình đầy thương tích bị những chiến binh nổi dậy lôi ra khỏi đường ống thoát nước. Một lưỡi lê chọc thẳng vào mạng sườn, máu tuôn xối xả. Những hơi thở cuối cùng nặng nhọc chìm trong những lời chửi bới, phỉ báng... Phương Tây và Mỹ đã xóa sổ chính phủ của đại tá Gaddafi như thế. Và giờ đây, những người dân của ông vẫn nuối tiếc về ông, khi kết quả mà phương Tây và Mỹ đã "xoá độc tài, xây dân chủ" đã biến Libya thành "đất sống" cho khủng bố, thành thị trường nô lệ vào thế kỷ 21.

Đã hơn 6 năm kể từ ngày kết thúc cuộc nội chiến với chiến thắng thuộc về những người nổi dậy trong cuộc chính biến Mùa xuân Arab, đất nước Libya đã không những trở nên dân chủ, tự do hơn mà lại còn loạn lạc, tan hoang cả về kinh tế lẫn chính trị. Quốc tế hoàn toàn bất lực trước tình cảnh rối ren của quốc gia Bắc Phi này, còn người dân Libya thì không biết sẽ tiếp tục sống trong mùi khói súng đến bao giờ mới được chấm dứt.

Những người di cư từ Libya sang Italy. Ảnh: ABC

Loạn lạc Libya

Các thông tin về người tị nạn Libya chạy trốn khỏi quê hương, chạy trốn khỏi các nhóm khủng bố hay các vụ đắm tàu với hàng trăm thi thể ngập tràn trên mặt báo. 

Theo báo cáo từ UNICEF, ít nhất 1.354 người di cư và người tị nạn thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải, trong thời gian từ tháng 11/2016 đến hết tháng 1/2017. Trong đó, chỉ riêng tuyến đường nguy hiểm nhất từ Libya đến Italy đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1.191 người.

Một chuyến tàu chở người di cư trên biển Địa Trung Hải. Ảnh: Al-jareeza

Đầu tháng 3/2017, có thời điểm, chỉ trong 2 ngày, cảnh sát biển Italy và Na Uy đã giải cứu được khoảng 1.500 người và trục vớt được 3 thi thể người tị nạn. Một kỷ lục trước đó về số người được cứu là vào tháng 10/2016, lực lượng cứu hộ Italy đã đưa 5.700 người di cư và người tị nạn trên biển Địa Trung Hải đến nơi an toàn, và phát hiện 14 thi thể khác.

Theo thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017 có 26.888 người di cư từ Libya đã vào Italy, và hơn 600 người đã chết trên biển. Đây là những con số ước tính những người vượt biển Địa Trung Hải qua cửa ngõ Italy, cửa ngõ chính cho những người Libya mong muốn tìm thấy cuộc sống mới về những vùng đất hứa ở châu Âu. Con số này chưa kể những người không biết còn sống hay đã chết trên sa mạc, trong hành trình di cư nhiều bất trắc.

Đây cũng chỉ là những con số nổi, được thống kê trên bề mặt của tảng băng chìm về cuộc sống khốn khó của người dân Lybia. 

Đầu tháng 4/2017, Liên hợp quốc ra một báo cáo đặc biệt về tình hình người tị nạn tại Libya và làn sóng di cư từ châu Phi tràn vào châu Âu. Theo đó, ngày càng có nhiều người di cư từ châu Phi đi qua Libya bị mua bán trên thị trường nô lệ, bị bắt giữ để đòi tiền chuộc, bị cưỡng bức lao động hoặc làm nô lệ tình dục. Sự bất ổn tại Libya đã khiến đất nước này trở thành một trung tâm cho những kẻ buôn bán người quốc tế.

Thông tin từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho hay, một trong những trung tâm mà hoạt động buôn lậu người rầm rộ nhất Libya, thời hậu Gaddafi, diễn ra tại các nhà để xe và bãi đậu xe của thành phố Sabha nằm ở phía Nam đất nước Libya.

Mỹ và đồng minh phương Tây đã làm gì được cho Lybia

Cái chết thê thảm của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hơn 6 năm trước đánh dấu sự sụp đổ của một chế độ chính trị kéo dài hơn 40 năm tại đất nước Libya - một chế độ mà Mỹ và phương Tây gọi là "độc tài, phi dân chủ". Với sự hậu thuẫn của Mỹ và các đồng minh phương Tây, lực lượng nổi dậy tại đất nước này đã tiến hành thành công cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của ông Gaddafi vào những tháng cuối cùng của năm 2011.

Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Ảnh: AP

Cái chết của Gadhafi vào ngày 20/10/2011 và sự sụp đổ của gia đình ông đồng nghĩa với sự sụp đổ của chế độ mà phương Tây mô tả là "viển vông và kỳ lạ".

Khi Gaddafi được công bố đã chết, những loạt đạn ăn mừng đã được bắn lên trời tại nhiều thành phố và thị trấn. Giới truyền thông quốc tế hồ hởi nói về một thời kỳ mới của tự do, thịnh vượng và phát triển đang mở ra với đất nước Libya. Nhưng trớ trêu thay, giờ đây, tương lai loạn lạc, vô chính phủ của người dân nước này mới trở thành sự thật.

Đất nước Libya xinh đẹp ngày nay đã trở thành đất nước bất ổn nhất Bắc Phi, và là một tác nhân gây bất ổn cho các nước láng giềng và ở châu Âu. Những con người năm xưa đổ ra đường ăn mừng cái chết của Muammar Gaddafi giờ đang phải đối mặt trước thực tế phũ phàng của đất nước hậu đảo chính. Tồn tại trong lòng quốc gia Bắc Phi này là những cuộc xung đột, sẵn sàng chém giết nhau do mâu thuẫn, có thể bùng phát từ một tranh cãi trong cuộc nói chuyện hàng ngày. Libya giờ đây không còn là một quốc gia, mà là tập hợp của các nhóm nổi dậy, các bộ tộc, các thị trấn, thành phố. Nhiều người Libya cho rằng Libya đã chết cùng với Gaddafi.

Chủ nghĩa khủng bố

Có lẽ, kết quả lớn nhất mà Mỹ và đồng minh phương Tây tạo ra sau cuộc đảo chính ở Libya là "chủ nghĩa khủng bố", đặc biệt là sự phát triển của IS.

Dưới thời Gaddafi, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bị đặt ngoài vòng pháp luật, các phần tử thánh chiến trốn ra nước ngoài để chiến đấu ở Iraq và Afghanistan đều bị bắt giữ khi quay về nước. Còn trong nước, các phong trào thánh chiến, mà nổi bật nhất là Nhóm kháng chiến Hồi giáo Libya (LIFG), một nhóm chân rết của al-Qaeda và nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế của Mỹ, bị chính quyền truy quét gắt gao. Trong cuộc nội chiến năm 2011, rất nhiều thành viên LIFG được giải thoát khỏi các nhà tù và tham gia vào các nhóm nổi dậy, trở thành nòng cốt của nhiều nhóm khủng bố khác trên khắp Libya sau này.

Một trẻ sơ sinh được sinh trên các con tàu chở người tị nạn. Ảnh: AP

Không những thế, lợi dụng tình hình rối ren về chính trị và an ninh ở Libya, IS đã lấn chiếm lãnh thổ Libya, mở rộng ảnh hưởng. IS nhanh chóng chiếm được Sirte, quê hương của Gaddafi và biến nơi này thành sào huyệt của chúng ở Bắc Phi, và là căn cứ để phát triển chiến binh trên khắp Libya. Chiến dịch chống khủng bố được các nhóm vũ trang đến từ thành phố Misrata, dưới sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh phương Tây, đã gần như triệt tiêu hoàn toàn lực lượng IS ở Sirte, dồn chúng vào một góc nhỏ của thành phố này. Nhưng cho dù có giải phóng hoàn toàn Sirte, thì các chân rết của IS gồm hàng nghìn tay súng vẫn sẽ còn hoạt động khắp Libya và nhiều nơi trên thế giới.

Về mặt kinh tế

Trong suốt hơn 40 năm dưới thời Gaddafi, Libya từ một trong những đất nước nghèo nhất châu Phi đã trở thành đất nước giàu có nhất của châu lục này. Libya từng có GDP trên đầu người cao nhất, và tuổi thọ dân số cũng thuộc hàng cao nhất toàn châu lục.

Với nguồn tài nguyên dầu mỏ được quốc hữu hóa, chính quyền Gaddafi đã thực hiện hàng loạt chương trình an sinh xã hội tiến bộ cho người dân Libya. Dưới thời của ông, người dân Libya được hưởng y tế và giáo dục miễn phí, không phải trả hóa đơn tiền điện, gần như được miễn phí xăng dầu, chất đốt, được vay tiền không lãi suất từ ngân hàng nhà nước, được cấp và sửa chữa nhà miễn phí...

Còn hiện nay, sau 6 năm của cuộc đảo chính, Libya là một nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng. Khủng hoảng sản xuất, khủng hoảng khai thác, khủng hoảng thiếu tiền mặt..., còn người dân không được trả lương, giá cả nhu yếu phẩm thì tăng phi mã. Tình trạng tham nhũng diễn ra tràn lan, đồng tiền nội địa dinar bị mất giá và ngày càng trở nên vô giá trị.

Loạn lạc vẫn tiếp diễn hàng ngày ở Libya. Ảnh: AFP

Hệ thống y tế đang trên bờ vực đổ vỡ do hàng ngàn nhân viên y tế nước ngoài đã rời bỏ đất nước này. Các trường đại học tại khắp khu vực miền Đông đất nước đã phải đóng cửa, và mất điện 9 tiếng mỗi ngày điều thường xuyên diễn ra ngay tại chính thủ đô Tripoli.

Về xã hội

Trước khi đại tá Gaddafi lên cầm quyền, chỉ có 25% dân số Libya biết đọc biết viết. Trong suốt những năm cầm quyền của ông, tỉ lệ này được nâng lên 87%, với 25% có trình độ đại học. Mặc dù là quốc gia Arab, phụ nữ Libya dưới thời Gaddadi được quyền tiếp cận với giáo dục, việc làm, được quyền li hôn, sở hữu tài sản và có thu nhập. Libya là nước nhiệt tình tham gia đóng góp cho sự phát triển của châu Phi, cho nền độc lập của lục địa này đối với phương Tây. Đã có 60 tỉ USD của Nhà nước Libya được đầu tư vào 25 quốc gia châu Phi và đem lại việc làm cho hàng triệu người châu Phi.

Còn bây giờ, kết quả việc phương Tây "xoá độc tài, xây dân chủ" cho Libya đã biến quốc gia này thành đất sống của những kẻ giết người và buôn người. Những người di cư - nhiều người từ Nigeria, Senegal và Gambia - bị bắt khi họ tiến về phía bắc để tới bờ Địa Trung Hải, trong phần lãnh hải của Libya, và được mua bán trên thị trường như một mặt hàng.

"Một người di cư được mua bán với giá từ 200 USD đến 500 USD và được giữ lại khoảng 2 hoặc 3 tháng, sau đó sẽ được đưa tới châu Âu qua ngả Italy”, theo Reuters dẫn lời ông Othman Belbeisi, người đứng đầu sứ mệnh của IOM ở Libya cho biết.

Những người di cư bị đánh đập và bị buộc phải gọi về gia đình yêu cầu mang tiền trả cho những kẻ đã bắt cóc họ, hoặc bị bán đi. Nếu không thể trả tiền cho những kẻ bắt cóc thì những người này, hoặc là bị giết hoặc bỏ đói cho đến chết. Khi có người di cư chết hoặc được chuộc ra hay bán được, thì những người khác lại được mua về để thế chỗ. Hàng nghìn người di cư bị chôn vùi mà không tìm được xác, gia đình cũng không biết được số phận của họ ra sao.

Hầu hết những người di cư được mua bán trên thị trường nô lệ bị sử dụng làm lao động không công trong ngành xây dựng hoặc nông nghiệp. Riêng với lao động là phụ nữ thì bị hãm hiếp hay bị ép buộc làm trong những động mại dâm, theo Reuters dẫn lời ông Belbeisi.

Hàng nghìn người bị bắt cóc và trở thành "món hàng" bị đưa đi bán lại trên thị trường nô lệ. Ảnh: AP

Sau khi bị ép lao động như nô lệ, người di cư được đưa lên những chuyến tàu lênh đênh trên Địa Trung Hải hương về miền đất hứa.

Trên đường đi, họ là con mồi của cướp biển hoặc tiếp tục được trao đổi trong các mạng lưới buôn người và vòng đời luẩn quẩn của người di cư cứ như vậy không xác định được ngày về, không xác định được nơi đến.

Ông Mohammed Abdiker, Giám đốc điều hành Các hoạt động và Trường hợp Khẩn cấp của IOM lên tiếng: "Điều duy nhất chúng tôi biết là những người nhập cư rơi vào tay bọn buôn người luôn ở trong tình trạng suy dinh dưỡng, bị lạm dụng tình dục và thậm chí bị giết. Chúng tôi được nghe nhiều về các ngôi mộ tập thể trên sa mạc Libya".

Người Libya và nhiều người châu Phi nuối tiếc "chế độ độc tài Gaddafi"!

Có lẽ thực tế phũ phàng của Libya hậu nội chiến về đất nước Libya là điều mà những người 6 năm trước đứng lên lật đổ chính quyền Gaddafi không bao giờ ngờ được. Đây chính là thành quả mà phải nhờ đến bom đạn của NATO thì đất nước Libya mới có được. Bởi lẽ, với thực lực của lực lượng nổi dậy thì “chế độ độc tài Gaddafi” chưa thể bị lật đổ và đất nước Libya không thể rơi vào cảnh hỗn loạn như hiện nay. Theo đó, 15 quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, lập liên minh, đem không quân và hải quân tới thực thi khu vực cấm bay và phong tỏa hải quân, cũng như tiến hành không kích vào lực lượng của ông Gadhafi để hỗ trợ quân nổi dậy.

Trong cuộc phóng sự của BBC, một chiến binh nổi dậy tên là Mohammed cho biết: "Tôi đã tham gia cuộc cách mạng lật đổ Gaddafi từ những ngày đầu tiên. Trước năm 2011, tôi ghét Gaddafi hơn bất cứ ai. Nhưng giờ đây, cuộc sống trở nên khốn khó, tôi đã trở thành một người rất mực hâm mộ ông ấy". 

Salem, một sinh viên y khoa 26 tuổi đến từ Tripoli, cũng có chung cảm nhận về cuộc sống mới của mình. “Chúng tôi đã nghĩ rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn sau cuộc cách mạng, nhưng thực tế là chúng ngày một tồi tệ hơn. Số người đã thiệt mạng trong 5 năm qua (cuộc phóng sự thực hiện năm 2016) nhiều hơn trong suốt 42 năm ông Gaddafi cầm quyền. Những điều như thế này chẳng bao giờ xảy ra dưới thời ông Gaddafi".

Như vậy, cùng với việc biến đất nước Libya trở thành "đất sống" cho lực lượng khủng bố, hay biến đất nước Bắc Phi này thành thị trường buôn bán nô lệ của thế kỷ 21, đây là những thành quả không thể chối bỏ được của Mỹ và các nước đồng minh khi "xoá độc tài, xây dân chủ" cho Libya. 

"Ở Libya trước đây, tất cả mọi người đều hạnh phúc. Ở Mỹ, có những người ngủ dưới gầm cầu, trong khi ở Libya không có điều ấy". Ông Mohammed, một thợ may ở thủ đô Tripoli chia sẻ. "Không có sự phân biệt đối xử, không có vấn đề gì cả. Công việc rất tốt và khi đó có tiền.Tất cả là nhờ vào Gaddafi - Đấng Cứu thế của châu Phi".

Libya chìm trong đổ nát, hoang tàn, chưa thấy sự yên lành và ổn định. Ảnh: EPA

Ông Eliyas Yahya một lãnh tụ Hồi giáo địa phương thì nhận định: "Gaddafi có thể là một nhà độc tài tàn nhẫn, nhưng trong nhiều năm ông ta đã mang đến sự sung túc cho cuộc sống của người dân và mang lại sự ổn định cho xã hội. Đặc biệt, người di cư không phải tuyệt vọng để tìm công việc ở Libya trong sự may rủi như bây giờ".

Ông Eliyas Yahya cho biết thêm: "Những người bạn của tôi chỉ là nhiều người trong số hàng chục nghìn người châu Phi đã kiếm được tiền ở Libya thời đó, giúp thoát khỏi cảnh nghèo đói ở quê nhà”.

Không biết đến bao giờ, ở Libya mới có một chính phủ thống nhất, đảm bảo có thể tồn tại và duy trì được ở Tripoli và không có chống đối. Và tất nhiên, chính phủ này tồn tại được, cần không có can thiệp quân sự của nước ngoài, để tránh làm mất uy tín của chính phủ cũng như việc tái thiết đất nước như chính phủ thời ông Gaddafi đã làm. Bởi mọi cuộc can thiệp của nước ngoài chỉ nuôi dưỡng thêm sự thù địch của người dân Libya và thêm vào luận điệu của Tổ chức Nhà nước hồi giáo: phương Tây một lần nữa đánh bom các dân tộc Arab. Điều này sẽ khiến Tổ chức Nhà nước hồi giáo tuyển mộ được nhiều chiến binh hơn, vì tình trạng thù ghét phương Tây trong lòng người dân Arab. 

Author: Lu-Thusy (Tổng hợp)

News day