Lịch sử thế giới thay đổi thế nào vào năm Trái Đất không có mùa hè?
Dã Thảo 05/08/2017 11:00 AM
Giữa những ngày hè nóng nực thế này chắc hẳn ai cũng mong muốn mùa hè đừng bao giờ đến nữa. Thực ra trong lịch sử đã từng có một năm thế giới không có mùa hè. Nhưng những điều kinh hoàng đã xảy ra.

Năm 1815 được biết đến với thất bại của Napoleon trong trận Waterloo. Nó được xem là bước ngoặt trong lịch sử của châu Âu mở ra kỷ nguyên hòa bình, sự thịnh vượng và tiến bộ công nghệ.

Nhưng trận Waterloo không phải là sự kiện duy nhất mang lại sự thay đổi lịch sử trong năm đó. Lịch sử đã thực sự thay đổi khi mùa hè không đến.

Nguyên nhân

Vào ngày 5 tháng 4 năm 1815, núi lửa khổng lồ Tambora tại Indonesia phun trào. Vụ phun trào này đạt chỉ số VEI-7 (VEI là một thang điểm 9 chỉ mức độ phun trào của núi lửa, VEI-8 chỉ một vụ phun trào núi lửa khổng lồ). Đây là núi lửa duy nhất trong vòng 750 năm qua đạt chỉ số VEI-7 và nó đã làm phát tán hàng tỉ tấn các mảnh vụn và tro vào bầu khí quyển với các đám mây khói bụi lan hơn 20km từ đỉnh núi. Vụ nổ có thể nghe thấy từ khoảng cách 2600km và che phủ bóng tối tối đa đến 600km. Vụ phun trào kéo dài gần 2 tuần đạt đến đỉnh cao vào ngày 10 tháng 4 và cũng gây ra những đợt sóng thần đã tấn công vào các hòn đảo của Indonesia. Kết quả là gần 100.000 người chết do ảnh hưởng trực tiếp của vụ phun trào.

Núi lửa Tambora tuyệt đẹp khi không phun trào. 
Ảnh: NASA

Tuy nhiên, vụ phun trào còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa.

Bắt đầu “năm không có mùa hè” và những thảm họa

Sự phun trào của núi Tambora dẫn đến hiện tượng “mùa đông núi lửa” với nhiệt độ toàn cầu trung bình giảm xuống 0.4-0.70 độ C. Tương tự như "mùa đông hạt nhân", mùa đông núi lửa gây ra bởi lưu huỳnh dioxide, được chuyển đổi thành axit sulfuric và hình thành nên những hạt aerosol trong bầu khí quyển. Những hạt aerosol chặn bức xạ mặt trời đến trong nhiều năm sau vụ phun trào. Vụ phun trào của núi Tambora giải phóng hàng triệu tấn sulfur dioxide trong tầng bình lưu, hậu quả đã xảy ra trên khắp thế giới. Cho đến năm 1816, được biết đến như năm không có mùa hè. Nó còn được biết đến bởi những tên khác như "Năm đói nghèo".

Đỉnh núi Tungurahua bị bao phủ bởi khói bụi khi phun trào dung nham.
Ảnh: Patrick Taschler

Tại Bắc Mỹ

Vào mùa hè và mùa xuân năm 1816, các vùng phía đông Hoa Kỳ chứng kiến ​tình trạng "sương mù khô" dai dẳng làm mờ ánh sáng mặt trời tới mức ánh nắng mặt trời có thể nhìn trực tiếp bằng mắt thường. Trớ trêu thay, “mùa đông núi lửa” ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng nhất trong những tháng hè. Một số khu vực của Hoa Kỳ và Canada trải qua thời kỳ tuyết rơi dày dù là mùa hè. Độ dày của tuyết đo được khoảng 15cm vào ngày 6 tháng 6 ở New England. Bão sương khiến mùa màng thất bát, giá lương thực như lúa mì và các loại ngũ cốc khác tăng mạnh. Thiệt hại mùa màng càng trở nên trầm trọng hơn do không tiếp cận được đường sá và đường thủy; việc cung cấp thực phẩm và củi cũng gặp nhiều khó khăn.

Châu Âu

Đối với một lục địa vẫn đang hồi phục từ Chiến tranh Napoleon, thời gian đối mặt với vụ phun trào không thể nào tồi tệ hơn. Thời tiết lạnh, mưa, bão và lũ lụt bất thường tại vùng các con sông chính dẫn đến mất mùa, thiếu lương thực và nạn đói ở nhiều nước như Anh, Pháp, Đức và Ireland. Giá lương thực tăng đột ngột, người dân đã biểu tình, nổi loạn và cướp bóc ở nhiều thành phố châu Âu vì nguyên nhân của những vấn đề này đã không được biết đến vào thời điểm đó.

Thụy Sỹ đã buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì nạn đói và bạo lực. Một vụ dịch bệnh lớn xảy ra ở Ailen từ năm 1816 đến năm 1819 với ước tính cướp đi cuộc sống của 100.000 người Ailen. Hungary và Italy trải qua thời kỳ tuyết đỏ nâu do tro núi lửa trong bầu khí quyển. Nhìn chung, nạn đói đã khiến khoảng 200.000 người chết và gây ra nạn đói tồi tệ nhất của thế kỷ 19 tại Châu Âu.

Một năm với mùa đông dài và băng giá bao phủ.
Ảnh: Punditcafe

Châu Á

Một trong những tác động lớn nhất của vụ phun trào núi lửa Tambora là đã làm chậm lại sự phát triển của gió mùa Ấn Độ, mùa thời tiết lớn nhất thế giới. Điều này dẫn đến thời tiết thất thường trong năm 1816 - 1817 ở tiểu lục địa Ấn Độ. Tại đây lần đầu tiên trải qua hạn hán và sau đó là ngập lụt bất thường. Nó không chỉ tàn phá năng suất cây trồng, mà nó còn làm phát sinh một loại bệnh tả mới, nguy hiểm chết người gây ra một đại dịch từ Bengal đến Moscow.

Ở Trung Quốc, thời tiết lạnh dẫn đến lượng tuyết rơi mùa hè và sương giá đã phá huỷ vụ mùa, gây ra nạn đói lan rộng. Sự gián đoạn mùa tự nhiên cũng gây ra lũ lụt tàn phá ở thung lũng sông Dương Tử.

Thiệt hại về cây trồng cũng dẫn đến việc nông dân phát triển cây thuốc phiện, gây bùng nổ buôn bán thuốc phiện và hình thành vùng “Tam giác vàng” - (Khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar, nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới ngày trước). Hậu quả là hoạt động trồng và buôn bán thuốc phiện vẫn tiếp tục đến tận ngày nay.

Ảnh hưởng tích cực

Trồng trọt thất bát và khả năng chăn nuôi ngựa bị mất đã dẫn đến việc nghiên cứu những phương thức vận chuyển mới, trong đó có Laufmaschine -  chiếc xe đạp đầu tiên của Karl Drais được ra đời.

Bắc Cực ấm lên, làm tan băng biển đủ để cho phép các nhà thám hiểm người Anh khám phá khu vực này.

Justus Von Liebeg, một nhà hóa học người Đức, đã trải qua nạn đói, sau đó tiếp tục nghiên cứu dinh dưỡng thực vật và giới thiệu phân bón khoáng.

Những cảnh hoàng hôn ngoạn mục là kết quả của vụ phun trào đã có nhiều tác phẩm hội họa ra đời vào thời đó, trong đó có bức tranh nổi tiếng Kênh Chichester của tác giả J.M.W Turner.

Bức tranh nổi tiếng ghi lại cảnh đẹp hiếm hoi từ thảm họa thiên nhiên kinh hoàng.
Ảnh: Wikipedia

Tóm lại, mọi hiện tượng của tự nhiên đều tuân theo những quy luật. Khi bất kỳ một yếu tố nào (tự nhiên hay con người) làm thay đổi quy luật ấy đều sẽ gây ra những thảm kịch. Chỉ cần một mùa hè không đến mà cả tự nhiên và xã hội thế giới đều thay đổi. Mặc dù có một vài hệ quả tích cực, nhưng con người đã phải hứng chịu những hậu quả nặng nề. Chính vì vậy, con người nên chuẩn bị sẵn sàng phòng tránh và đối phó với mọi thảm họa thiên nhiên.

Author: Dã Thảo

News day