Liên minh biến đổi khí hậu thành lập sau khi ông Trump quyết định rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris
Lu 06/07/2017 10:00 AM
Mặc dù Tổng thống Donald Trump thông báo quyết định chính thức "quay lưng" lại với vấn đề chống biến đổi khí hậu khi rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris, nhưng nhiều doanh nghiệp và các quan chức tiểu bang đã khẳng định sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết của Mỹ dù thiếu vắng sự lãnh đạo của chính quyền liên bang.

Vài ngày sau quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, gần 1.000 doanh nhân và quan chức chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ Hiệp định Paris với sự tham gia của hơn 190 nước này.

Liên minh ủng hộ Hiệp định Paris và chống biến đổi khí hậu, mang tên "We Are Still In" ("Chúng tôi vẫn ở lại"), do cựu Thị trưởng New York Mike Bloomberg đứng đầu, với sự tham gia của nhiều "ông lớn" của Mỹ như Apple, Facebook, Google, Microsoft, Amazon, Levi Strauss, Tiffany cùng hàng loạt thị trưởng, thống đốc các bang và các trường cao đẳng, đại học.

Tỷ phú Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng thành phố New York. Ảnh: Edie

Cho rằng quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là "một sai lầm không chỉ gây phương hại tới lợi ích của người dân Mỹ mà còn ảnh hưởng tới xã hội và uy tín ngoại giao của Mỹ", vì vậy, lãnh đạo các tiểu bang, các doanh nghiệp, tổ chức... tiếp tục theo đuổi các mục tiêu chống biến đổi khí hậu "đầy tham vọng này" dù thiếu vắng sự lãnh đạo của chính quyền Washington.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 5/6, ông Bloomberg cho biết thay mặt chính quyền nhiều thành phố, tiểu bang, doanh nghiệp và các tổ chức, ông đang liên lạc với Liên hợp quốc (LHQ) và cộng đồng thế giới về việc các tổ chức xã hội Mỹ vẫn duy trì cam kết đạt được mục tiêu giảm lượng khí phát thải được đưa ra trong Hiệp định Paris. Ông tin tưởng sẽ có thêm các quan chức và các tổ chức tham gia, hợp tác nhằm hoàn thành mục tiêu giảm 26% lượng khí thải của Mỹ trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2025 như đã cam kết.

Giới chuyên gia nhận định rằng với sự ủng hộ của khu vực tư nhân, các bang lớn như New York, California,... các cam kết tình nguyện hạn chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính theo tiêu chí của Mỹ đưa ra trong Hiệp định Paris sẽ sớm đạt được.

Theo đó, tính riêng trong chính quyền tiểu bang, kể từ khi Tổng thống Trump đưa ra quyết định chính thức rút khỏi Hiệp định Paris ngày 1/6, đã có ít nhất 212 thị trưởng và 17 thống đốc bang ra tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện cam kết theo văn kiện này.

Ngày 2/6, cựu Thị trưởng New York, tỷ phú Bloomberg trong một tuyên bố khẳng định người dân Mỹ không cần chính quyền để hoàn thành những cam kết trong Hiệp định Paris. Theo ông, chính quyền các tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp có thể hoàn tất mục tiêu còn lại mà không cần có sự ủng hộ từ chính quyền liên bang, có thể đạt được mục tiêu giảm 26% lượng khí thải trong giai đoạn 2005 - 2025.

Trong cùng ngày, ông cũng đã gặp tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bày tỏ người dân Mỹ sẽ tuân thủ Hiệp định này, đồng thời cam kết đóng góp 15 triệu USD cho cơ quan chống biến đổi khí hậu của LHQ trong bối cảnh Tổng thống Trump dự kiến sẽ cắt giảm các khoản viện trợ nước ngoài. 

Về phía chính quyền tiểu bang California, là một người đi đầu trong chiến dịch phản đối quyết định rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris, Thống đốc California, ông Jerry Brown tuyên bố sẽ không chấp nhận tình trạng bỏ cuộc khi phải đối phó với thử thách lớn lao này của nhân loại.

Ngày 6/6, trong cuộc họp quốc tế về năng lượng sạch, ông Brown khẳng định quyết định của ông Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận Paris cuối cùng sẽ chỉ là một thất bại tạm thời, người dân Mỹ và thế giới sẽ không đứng ngoài cuộc. Ông tin tưởng về khoảng trống mà chính quyền Washington tạo ra khi từ bỏ vai trò lãnh đạo về vấn đề này, sẽ được một số tiểu bang Mỹ, cùng với Trung Quốc và các quốc gia châu Âu bổ sung.

Sau cuộc họp chung, ông Brown đã có cuộc họp kín với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại đây, Trung Quốc và California đã ký kết các văn kiện hợp tác với nhau trong nỗ lực giảm bớt khí thải, cam kết mở rộng trao đổi mậu dịch giữa California và Trung Quốc, đặc biệt là trong “kỹ thuật xanh” để có thể giúp giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu.

Hiệp định Paris là thành quả của hơn 20 năm thương lượng gay go giữa các nước, qua rất nhiều cuộc thảo luận quốc tế: từ hội nghị thượng đỉnh toàn cầu ở Rio de Janeiro năm 1992, đến các hội nghị Kyoto ở Nhật; Copenhagen ở Ðan Mạch; Cancun ở Mexico… Cho đến cuối năm 2015, cựu Tổng thống Barack Obama, cùng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu, giữ vai trò chủ động đã đưa ra Hiệp định Paris sau khi đã thuyết phục được sự đồng thuận của gần 200 nước trong đó có Trung Quốc, nước đứng đầu về khí thải gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù ông Obama khẳng định Hiệp định này còn nhiều khiếm khuyết, và sẽ cần phải điều chỉnh trong tương lai, nhưng “đây là cơ hội tốt nhất để hành động cứu vãn Trái Đất trong tình hình khí hậu ngày càng biến đổi tiêu cực”.

Quyết định của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris bị nhiều người cho là một sai lầm. Ảnh: Arstechnica

Chỉ trừ hai nước không tham gia, các quốc gia tham gia Hiệp định Paris chấp thuận giảm bớt lượng khí thải càng sớm càng tốt và đạt tới một giới hạn ấn định vào nửa sau của thế kỷ 21, nhằm giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C, và hướng tới đưa xuống dưới 1.5 độ C; các cường quốc lớn cam kết từ năm 2020 đến ít nhất năm 2025, cung cấp 100 tỷ đô la mỗi năm cho các nước đang phát triển để thực thi Hiệp định.

Tuy nhiên, Hiệp định này đã gặp phải khó khăn, khi ngày 1/6, Tổng thống Trump tuyên bố rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với lý do đây là một thỏa thuận không công bằng và không phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ.

Theo Ðiều 28 của Hiệp định, các nước thành viên được phép rút lui mà không phải chịu bất kỳ biện pháp trừng phạt nào, và sự rút lui có giá trị 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực áp dụng ở nước đó. Như vậy, trên lý thuyết, hiệu lực áp dụng tại Mỹ do chính quyền Obama chấp thuận là từ ngày 4/11/2016, do đó tới 4/11/2020 sự rút lui của Mỹ mới được tính là hoàn thành và sẽ không vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có kẽ hở để cho Tổng thống Trump có thể rút khỏi Hiệp định hoặc chỉ đưa quan sát viên đến theo dõi các cuộc thương lượng nhưng không tham gia.

Quyết định của Tổng thống Mỹ làm dấy lên sự phản đối ở khắp nơi, không chỉ trong chính nội bộ nước Mỹ. Tại châu Âu, 3 đồng minh lâu năm của Mỹ là Pháp, Đức và Italy đã ra thông cáo chung bác bỏ khả năng đàm phán lại Hiệp định để Mỹ tiếp tục tham gia, theo tuyên bố bỏ ngỏ của chính quyền Trump.

Mặc dù các chuyên gia nhận định, thế giới cần Mỹ trong cuộc chiến đấu chống lại sự thay đổi khí hậu, và để có thể đạt được các mục tiêu đề ra ở thỏa thuận Paris. Nước Mỹ thải ra 17.8% tổng lượng khí thải carbonic toàn cầu, đứng thứ 2 thế giới, chỉ kém Trung Quốc, nước thải ra 20.9% tổng lượng khí thải carbonic toàn cầu. Ðồng thời Mỹ lại là nước tài trợ quan trọng nhất về vốn và công nghệ cho các nước đang phát triển, giúp các nước này tham gia nỗ lực chống nhiệt độ Trái Ðất gia tăng. 

Trong một diễn biến có liên quan khác, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) vừa công bố quyết định ngưng áp dụng trong ba tháng quy định hạn chế thải khí methane ở các mỏ dầu lửa và khí đốt.

Trước đó, vào tháng 3, ông Trump ban hành một sắc lệnh hành pháp yêu cầu EPA xem xét lại biện pháp hạn chế do chính quyền Barack Obama ban hành hồi tháng 5/2016 và nhiều biện pháp bảo vệ môi trường khác. Năm 2016, Tổng thống khi đó là ông Obama và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đồng ý ban hành lệnh hạn chế khí thải methane.

Quy định về khí methan là một phần trong chiến lược cắt giảm 520.000 tấn khí ô nhiễm cho đến năm 2025.

Tuy nhiên, quy định này vấp phải sự phản đối của nhiều tiểu bang khi chi phí để thực thi lên tới 530 triệu đô, trong những người phản đối, có Bộ trưởng tư pháp tiểu bang Oklahoma khi đó, ông Scott Pruitt, nay là giám đốc EPA.

Khói bốc lên từ các nhà máy đốt than tại bang Wyoming, Mỹ. Ảnh: Reuters

Methane là một hydrocarbon đơn giản nhất, là thành phần chính của khí tự nhiên, khí dầu mỏ, khí bùn ao, đầm lầy và được tạo ra trong quá trình chế biến dầu mỏ hay chưng cất than đá.

Methane dễ cháy và có thể tác dụng với không khí tạo thành một hỗn hợp cháy nổ và là khí cực độc và nguy hiểm sức khoẻ đối với con người.

Về ảnh hưởng môi trường, methane là một khí gây ra “hiệu ứng nhà kính”, trung bình cứ 100 năm mỗi kg methane làm Trái Đất ấm lên gấp 25 lần 1 kg khí carbonic.

Author: Lu

News day