Lo ngại nguy cơ chiến tranh sau trận khẩu chiến Mỹ - Bắc Hàn
Mony 08/11/2017 10:00 AM
Sau “khẩu khí” hùng hồn của cả hai phía Mỹ và Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên), dư luận quốc tế đã dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột thực sự sắp xảy ra.

Bầu không khí xung đột đang trở nên "nóng bỏng" hơn bao giờ hết sau khi ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa hẹn "bão lửa" đối với Bình Nhưỡng. Chỉ vài giờ sau đó, Bắc Hàn tuyên bố đang “cân nhắc kế hoạch tấn công chiến tranh toàn diện các khu vực quanh đảo Guam bằng tên lửa đạn đạo tầm trung cho tới tầm xa”. Ngày 10/8, quân đội Bắc Hàn cho biết đang xem xét tấn công Guam bằng 4 tên lửa Hwasong-12 và kế hoạch này đang được trình lên lãnh đạo Kim Jong-un.

Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung Hwasong-12. Ảnh: Missile Threat

Về phía Nam Hàn (Hàn Quốc/Nam Triều Tiên), chính sách hoà giải của vị Tổng thống cánh tả nước này Moon Jae-in có nguy cơ khai từ, và quân đội nhận lệnh khẩn cấp chuẩn bị đối phó. 

Căng thẳng leo thang

Lời đe dọa của Bắc Hàn được hãng thông tấn chính thức KCNA phát đi bằng tiếng Anh, chỉ đích danh rằng lực lượng chiến lược sẽ tấn công tên lửa vào khu vực quanh đảo Guam, nơi đặt nhiều căn cứ quân sự của Mỹ. 

Đảo Guam, một vùng lãnh thổ nằm trên Thái Bình Dương, là khu vực chủ chốt của lực lượng Mỹ ở khu vực, nơi đồn trú của 6.000 binh sĩ Mỹ và gia đình của họ, trong đó có căn cứ không quân Anderson - nơi quy tụ nhiều máy bay ném bom của Mỹ. Mỹ thường đem máy bay ném bom B-1B và các máy bay ném bom chiến lược khác xuất phát từ Guam đến Bán đảo Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa đạn đạo hoặc thử hạt nhân. Tấn công đảo Guam, Bình Nhưỡng không chỉ động tới lợi ích của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương mà còn gây nên những bất an vốn âm ỉ trong lòng mỗi người dân trên đảo - nơi họ không muốn có sự hiện diện của binh sĩ Mỹ.

Nếu Bắc Hàn thực hiện được kế hoạch đầy đe dọa trên, đây sẽ là lần đầu tiên một tên lửa nước này tới gần lãnh thổ Mỹ. Theo lời Tướng Kim Rak Gyom, Chỉ huy Lực lượng Chiến lược của Quân đội Bắc Hàn, 4 tên lửa Hwasong-12 sẽ vượt qua bầu trời các tỉnh Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản trước khi tới vùng biển cách bờ biển đảo Guam 30 - 40 km. Theo kế hoạch chi tiết, những tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên vượt quãng đường 3.356,7 km trong 1.065 giây để tới lãnh thổ Mỹ. Bình Nhưỡng còn nhấn mạnh rằng, kế hoạch này sẽ được trình lên lãnh đạo Kim Jong-un sớm và sẽ được tiến hành ngay. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cảnh báo nước này có thể đánh chặn một cách hợp pháp tên lửa hướng về đảo Guam nếu nó trở thành mối đe dọa đối với Nhật. Mặc dù, theo giới chuyên gia, Tokyo hiện chưa đủ khả năng bắn hạ một tên lửa bay qua lãnh thổ mình hướng tới Guam.

Hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 được triển khai tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo. Ảnh: Reuters

Về phía Nam Hàn, Tổng thống Moon Jae-in vừa kêu gọi rà soát lại kỹ càng toàn bộ quân đội và nhấn mạnh là cần khẩn cấp tăng cường năng lực phòng vệ trước tiến bộ công nghệ hạt nhân và tên lửa Bắc Hàn.

Không thua kém, NBC News dẫn lời 2 quan chức quân sự Mỹ cấp cao và 2 sĩ quan cấp cao đã nghỉ hưu cho hay, Lầu Năm Góc đã chuẩn bị sẵn kế hoạch cụ thể nhằm tấn công phủ đầu các cơ sở tên lửa Bắc Hàn và chỉ còn chờ ông Donald Trump đồng ý. Điểm then chốt của kế hoạch là 6 máy bay ném bom hạng nặng B-1B, hiện đang "cắm" tại hòn đảo cách Bắc Hàn gần 3.380 km, xuất kích từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.

Về phía đảo Guam, các nhà chức trách địa phương tuyên bố mức độ nguy hiểm trên đảo chưa đến độ cảnh báo, tất cả các hoạt động được thực hiện ở chế độ bình thường. Theo USA Today dẫn tham chiếu từ Cục an ninh quốc gia địa phương, các tên lửa của Bắc Hàn có thể bay đến đảo Guam trong khoảng 14 phút. Thống đốc quần đảo là Eddie Calvo trước đó cũng từng lên tiếng tuyên bố người dân đảo lo ngại trước sự đe dọa từ Bắc Hàn, nhưng không hoang mang hoảng hốt. Vị Thống đốc này nhấn mạnh: "Kể từ năm 2013, đây là lần thứ ba hay thứ tư Bình Nhưỡng đe dọa trực tiếp Guam".

Diễn biến phức tạp của cuộc "khẩu chiến" giữa Mỹ và Bắc Hàn diễn ra do Washington lo ngại trước khả năng tấn công của Bắc Hàn ngày một lớn dần khi gần đây, nước này đã phóng tên lửa có tầm bắn không chỉ dừng ở bang Alaska của Mỹ như lần bắn trước, mà tầm bắn có khả năng chạm tới bờ Tây của nước Mỹ, thậm chí tới cả thành phố New York.

Lối thoát nào cho vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên?

Rõ ràng, cách tiếp cận “cứng rắn” của Mỹ đang đẩy vấn đề Triều Tiên lên mức nguy hiểm, đẩy nước Mỹ cận kề một cuộc chiến mới. Liệu lịch sử có lặp lại khi các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng dẫn tới sự đáp trả của Mỹ, sau đó là một cuộc chiến tranh toàn diện xảy ra. Theo nhiều chuyên gia cho rằng, diễn biến hiện nay không khác nhiều so với cuộc chiến tranh liên Triều năm 1950 với vô vàn những thiệt hại cho cả hai bên.

Dù cộng đồng thế giới có kêu gọi hay trừng phạt thế nào, Bắc Hàn trước sau vẫn luôn kiên quyết phải có vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình, không dựa dẫm cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vài ngày trước đã ra tuyên bố “bốn không” về vấn đề Triều Tiên, mà được Trung Quốc đánh giá là tích cực: Không nhắm đến thay đổi thể chế, không khiến Bắc Hàn sụp đổ, không theo đuổi hợp nhất bán đảo Triều Tiên, không tìm cớ đưa quân Mỹ vào bán đảo Triều Tiên.

Có điều, Bắc Hàn "không ngây thơ" tin rằng Mỹ sẽ không trở mặt nếu mình buông bỏ hạt nhân. Theo National Interest, hai năm trước (2009) khi nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, hai nghị sĩ Mỹ John McCain và Lindsey Graham còn ngồi ăn tối với ông ở Tripoli, hứa hỗ trợ tài chính nếu hợp tác chống al-Qaeda, nhưng đây cũng chính là hai nhân vật này sau đó ủng hộ Mỹ giúp phe đối lập tại Libya.

Tập trận thường niên Mỹ- Hàn, Foal Eagle. Ảnh: Reuters

Vì vậy, không lâu sau lời hứa hẹn của vị Ngoại trưởng Mỹ, Bắc Hàn tiếp tục đanh thép tuyên bố sẵn sàng dùng bom hạt nhân, cảnh cáo Mỹ lầm to nếu nghĩ mình an toàn. Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận đáp trả sẵn sàng nhấn chìm Bắc Hàn trong “hỏa lực và thịnh nộ” ở một phản ứng ở mức độ mà "thế giới chưa bao giờ thấy cho đến nay" nếu tiếp tục bị đe dọa. Chỉ vài tiếng sau, Bắc Hàn khẳng định sẽ nã tên lửa vào khu vực quanh đảo Guam của Mỹ, đẩy căng thẳng giữa hai bên tiếp tục leo thang.

Các biện pháp trừng phạt của quốc tế dường như không còn mấy hiệu quả bởi dù thế nào Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục theo đuổi “tham vọng” hạt nhân của mình. Phản ứng mới nhất trước lệnh trừng phạt chưa từng có của Liên hiệp quốc, Bắc Hàn đã từ chối các cuộc đàm phán và đe dọa trả đũa Mỹ.

Theo báo chí phương Tây, Bắc Hàn hiện đang sở hữu 60 thiết bị hạt nhân, cao hơn nhiều so với các dự báo trước đây. Tin tình báo của Nhật Bản thì nhận định, năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm 2 lần hạt nhân và hơn 20 quả tên lửa đạn đạo, từ thời điểm đó mối đe dọa an ninh đã bước sang một giai đoạn mới.

Các cơ quan tình báo Mỹ, cũng được phía Nhật thừa nhận, chính thức cho biết, Bình Nhưỡng đã có bước tiến vượt bậc trong quá trình chế tạo vũ khí hạt nhân, nước này có khả năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân ở cấp độ đầu đạn để đặt lên một quả tên lửa. Điều mà người Mỹ lo hơn là các loại tên lửa của Bắc Hàn hiện có khả năng chạm tới hầu hết lục địa Mỹ.

Vậy lối thoát nào cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên trong tình huống căng thẳng hiện nay, điều chắc chắn là nước này sẽ phải cân nhắc mọi hành động của mình để không lặp lại những trang sử đau thương.

Xem thêm: Mỹ: Guam, Alaska phản ứng trước đe dọa tấn công hạt nhân của Bắc Hàn

Author: Mony

News day