Man City thua Lyon 1-2 trên sân nhà
Man City bước vào trận mở màn chiến dịch C1 rất tự tin, dù không có lực lượng mạnh nhất. Tuy nhiên, việc áp đặt lối chơi đã trở nên khó khăn trước khả năng phòng ngự rất kỷ luật của Lyon. Trong khi đó, với những sai lầm hàng thủ cộng với khả năng đánh chặn phản công khá kém, Man City phải trả giá bằng hai bàn thua do công của Fekir và Maxwell Cornet. Đội chủ nhà chỉ gỡ được một bàn của Bernardo Silva.
Trận thua chắc chắn khiến người hâm mộ Man City và bóng đá Anh thất vọng. Man City vừa trải qua một mùa giải bá chủ ở Premier League, họ có mọi thứ để tin vào một chiến thắng.
Mặc dù chỉ là một trận vòng bảng, nhưng trận thua này là một sự nhắc khéo cho khán giả về vị thế thực sự của bóng đá Anh. Nếu lực lượng tổn thất quá lớn hoặc cầu thủ bất ngờ chơi dưới sức thì đã đành. Nhưng ở đây, dù không thăng hoa, Man City đã chơi hoàn toàn đúng sức lực của mình nhưng vẫn không thể thắng.
Ngay từ khi bốc thăm chia bảng, không thể hiểu tại sao Manchester City đã được khán giả mặc định vị thế độc tôn. Nếu nhìn toàn cảnh một chút, ba đối thủ của Man City không hề dễ chơi chút nào. Lyon là đội bóng hàng đầu nước Pháp, rất hiếm khi bị loại ở vòng bảng C1. Về thành tích ở giải đấu này, cả Lyon và Man City đều chỉ có một lần vào bán kết.
Khi Nabil Fekir ghi bàn thắng tuyệt đẹp nâng tỷ số lên 2-0, anh đã ăn mừng rất thản nhiên. Sự thản nhiên mang tính tự tin đó thực ra đã bắt đầu từ khi Depay bày tỏ với báo giới muốn thắng Man City. Nó kéo dài đến khi tiền vệ Hà Lan sút trúng cột dọc, suýt nâng tỷ số lên 3-0 ở giữa hiệp 2.
Ngoài Lyon, Shakhtar Donestk tuy không quá mạnh nhưng là một đội bóng đã quen mặt và luôn khó chịu ở Champions League. Trong khi đó TSG Hoffenheim là tân binh, nhưng họ đến từ Bundesliga – cũng không quá yếu để có thể chủ quan.
Và đến khi thua một trận đấu nghiêm túc trên sân nhà, Man City vẫn bị cho là "thua sốc"?
Định nghĩa về những ngôi sao đắt giá
Manchester City được cho là mạnh bởi họ sở hữu nhiều ngôi sao đắt giá. Có lẽ cần phải lật tẩy hai chữ "ngôi sao" và "đắt giá" một chút.
Ở Anh, việc thương mại hóa bóng đá là yêu cầu số 1. Bóng đá không chỉ là một môn biểu diễn bán vé, mà còn phải đưa nền văn hóa khỏe khoắn của nước Anh ra toàn cầu. Vì thế, tính giải trí và tính thể thao luôn song hành với nhau. Mỗi một cầu thủ đều có đại diện chuyên nghiệp (Paul Scholes là cầu thủ cuối cùng tự đại diện cho mình). Công ty đại diện này hoạt động như một bầu show, giúp cầu thủ cải thiện hình ảnh, lựa chọn phong cách trước công chúng và làm giá cả của họ tăng lên.
Một mẫu cầu thủ giỏi ở Anh là một cầu thủ có thực lực, nhưng sẽ được ưu tiên hơn nếu anh ta có một hình ảnh gây chú ý, ví dụ như phong cách thi đấu hay cảm xúc thể thao. Những pha ăn mừng kỳ lạ, hay chuyện hài trên sân kiểu như xem trộm chiến thuật, đều xuất hiện rất nhiều ở bóng đá Anh. Sự đắt giá của các cầu thủ cần phải được nâng lên bởi báo chí, truyền thông. Bạn mua một cầu thủ nghĩa là bạn trả tiền về chuyên môn lẫn độ hút khách của anh ta.
Việc sẵn có một lực lượng truyền thông khổng lồ khiến các cầu thủ rất dễ kiếm tiền ở đây. Các CLB bán cầu thủ cho nước Anh đều biết rằng Premier League là một cái mỏ. Một dạng ngôi sao điển hình như Martial năm 2016 có giá lên đến 40 triệu Bảng. Vì họ đều hiểu rằng khi đến một đất nước có đồng tiền mạnh nhất thế giới, có môi trường kinh doanh thể thao sôi động bậc nhất, giá trị thương mại của cầu thủ này mặc nhiên tăng lên. Lãi cao thì phải bán đắt, đó là quy luật.
Những ngôi sao ở Premier League là ngôi sao của báo chí và truyền thông. Đây là điều được minh chứng rất nhiều lần khi các cầu thủ do Premier League "phát hiện" đã không thể thi đấu tốt ở nước ngoài, hoặc ở Tuyển Quốc Gia. Chúng ta không nói rằng các anh hào ở Giải Ngoại Hạng Anh không đẳng cấp. Họ có đẳng cấp, thực lực nhưng một phần trong số đó có sự can thiệp của truyền thông. Gundogan và Fabian Delph chơi bóng như "tàng hình" đã làm suy yếu tuyến giữa của Man City đêm qua. Hai cầu thủ có giá tổng cộng 30 triệu Bảng thời điểm họ đến, số tiền có thể mua nửa đội hình của Lyon. Đây là một minh chứng.
Premier League không vượt trội so với các giải đấu khác
Tính giải trí của giải Ngoại Hạng Anh nhờ những trận cầu tốc độ và cảm xúc là một điểm đáng ghi nhận. Tuy nhiên không vì thế chất lượng các CLB của Premier League là số một. Đây là điều đã được tranh luận gần mười năm nay khi các CLB Anh luôn làm hổ giấy ở các giải đấu Châu Âu, trừ bộ ba đẳng cấp Liverpool – Chelsea – Man Utd (nhưng ngay cả Man Utd thời nay cũng trồi sụt và chưa khiến người ta sợ hãi).
Bóng đá Anh những năm gần đây không nhỉnh hơn các đại diện Pháp – giải đấu xếp thứ năm trên bản đồ Châu Âu. Ba năm trước, Monaco và PSG đã loại Chelsea và Arsenal, khiến cho Anh không còn đại diện nào ở Tứ kết. Chính Man City cũng bị Monaco của Benjamin Mendy loại cách đây hai mùa giải.
Tottenham vẫn chưa thể vươn tầm, sau ấn tượng ở mùa trước. Cái thế của một đội bóng không nhỏ cũng chẳng lớn khiến họ luôn lạc lối ở Châu Âu, và dễ dàng thua trước các đội bóng có kinh nghiệm.
Đây là lúc có thể khẳng định, Premier League chưa thể là số một. Điều này sẽ có ý nghĩa đối với những khán giả luôn chỉ xem một giải đấu Premier League và bị báo chí Anh dẫn dắt về thông tin. Để đến khi phải thất vọng, họ sẽ không nguyền rủa các ngôi sao triệu bảng của mình.
Leicester, Real, Barca và những “FC phản thầy” đình đám…
Ký ức SEA Games: Nỗi nhớ Lê Huỳnh Đức cứ…
Mùa hè của Real, mùa hè mang nỗi nhớ Ronaldo
Ở Chelsea có những sự lựa chọn khó khăn
Derby Bắc Luân Đôn: Lịch sử thâm thù và khúc…
Góc chiến thuật: Thế nào là một Regista?
World Cup 2018: Nụ cười châu Âu
Gareth Bale và câu chuyện của người thừa kế: Bao…
Có một đế chế sắp suy tàn?
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX