Mở rộng thị trường, Grab sắp ra mắt dịch vụ giao thuốc và đặt chỗ khám bệnh
CTV Thanh Tùng 08/19/2018 02:00 PM
Dự kiến trong quý đầu tiên của năm 2009 Grab sẽ ra mắt dịch vụ vận chuyển thuốc và đặt chỗ khám bệnh tại một số quốc gia. Người dùng sẽ sử dụng GrabPay để hoàn tất dịch vụ.

Ngày 17/8, tờ South China Morning Post cho hay Grab công bố liên doanh với nền tảng y tế trực tuyến Ping An Good Doctor của Trung Quốc để cung cấp một số dịch vụ mới bao gồm giao thuốc và đặt lịch khám trực tuyến.

Liên doanh với Ping An đặt mục tiêu giải quyết những gì Grab mô tả là “thiếu cơ sở hạ tầng y tế đầy đủ ở một số quốc gia, một sự chênh lệch lớn giữa nông thôn - thành thị khi nói đến khả năng tiếp cận bác sĩ của người dân, và sự bất khả thị người tiêu dùng cần gặp bác sĩ”.

Grab công bố liên doanh với nền tảng y tế trực tuyến Ping An Good Doctor của Trung Quốc để cung cấp một số dịch vụ mới bao gồm giao thuốc và đặt lịch khám trực tuyến. Ảnh: acmp.com

Grab sẽ nắm giữ 30% cổ phần của liên doanh, phần còn lại thuộc về Ping An Good Doctor. Cả hai công ty sẽ đầu tư ban đầu 20 triệu USD vào liên doanh, và có thể rót thêm 120 triệu USD, theo thông tin gửi lên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông của Ping An.

Trong thông cáo, Grab cho biết liên doanh này sẽ giúp người dân tại Đông Nam Á có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, đặt mua dược phẩm và lịch khám trực tuyến.

"Chúng tôi sẽ nhanh chóng đưa hầu hết các dịch vụ tại Trung Quốc của mình vào nền tảng mới tại Đông Nam Á", CEO Wang Tao của Ping An Good Doctor cho biết. "Chúng tôi thậm chí sẽ đưa vào dịch vụ y học cổ truyền Trung Quốc bởi có rất nhiều người Trung Quốc sống tại Nam Á".

Thông cáo báo chí của Grab cũng nói rằng tại Indonesia, tỷ lệ giữa bác sĩ và người dân là 1/5.000, trong khi các nước thu nhập cao có tới 3 - 4 bác sĩ cho mỗi 1.000 người.

Grab đang nỗ lực trở thành "siêu ứng dụng" tại Đông Nam Á.
Ảnh: TechInAsia

Grab đã nhanh chóng mở rộng các dịch vụ của mình kể từ khi Uber ra khỏi khu vực Đông Nam Á. Hãng đã mở rộng vào mảng giao hàng thực phẩm và thậm chí bán lẻ. Công ty đang tải nội dung của bên thứ ba vào ứng dụng chính của mình nhằm nỗ lực thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhiều hơn nữa.

Trong khi đó, đối thủ Go-Jek cũng đang nỗ lực trở thành "siêu ứng dụng" tại Indonesia và bắt đầu mở rộng dịch vụ sang các quốc gia Đông Nam Á. Startup này mới đây ra mắt dịch vụ gọi xe ôm tại Việt Nam và có kế hoạch tiến chân vào Singapore, Thái Lan và Philippines.

Author: CTV Thanh Tùng

News day