Modric - người đi giữa lằn ranh yêu, ghét của cổ động viên Croatia
Lâm Thỏa 07/14/2018 03:30 PM
Là thủ lĩnh đội tuyển quốc gia sắp tranh ngôi vô địch World Cup, nhưng Modric vẫn phải đối mặt với sự tức giận từ cổ động viên vì đã đứng ra bảo vệ "bố già của bóng đá Croatia".

Hình ảnh Luka Modric phủ kín các trang báo ở quê nhà sau khi Croatia đánh bại Anh, lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền vào chơi chung kết World Cup. “Người hùng”, “Ứng viên Quả Bóng Vàng”, “Ảo thuật gia”... là những mỹ từ được dùng để ca ngợi tiền vệ sinh năm 1985.

Nhưng không phải tất cả người Croatia đều yêu mến Modric. Trên khán đài, đôi khi những tiếng chửi “Modric, đồ đầy tớ của Mamic” vẫn vang lên. Và ở quê nhà của cầu thủ đang khoác áo Real, những lời cay độc ấy còn được tô đậm trên các bức tường.

Modric xuất hiện tại toà trong vụ Zdravko Mamic.
Ảnh: Reuters

Câu chuyện bắt đầu từ một ngày tháng 6/2017. Modric xuất hiện tại tòa, gương mặt lạnh lùng, trả lời ngắn gọn: “Tôi không nhớ gì cả” khi thẩm phán hỏi về mối liên hệ tiền bạc với Zdravko Mamic thời điểm anh chuyển từ Dinamo Zagreb tới Tottenham. Câu trả lời của Modric trái ngược hoàn toàn với những lời khai của anh trước đó. Nó khiến anh đối mặt với tội khai man, có nguy cơ phải ngồi tù bóc lịch 5 năm. Tệ hơn, Modric không còn giữ được hình ảnh lung linh trong lòng người dân quê nhà. Họ nổi giận, cho rằng anh bất chấp tất cả để bảo vệ Mamic.

Mamic là ai? Đó là nhân vật được gọi là “Bố già của bóng đá Croatia”. Người đàn ông sinh năm 1959 này từng hơn một thập kỷ nắm ghế Chủ tịch CLB Dinamo Zagreb, đội bóng số một ở Croatia. Ông cũng từng là phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá nước này. Việc Mamic bị điều tra đã làm rúng động bóng đá Croatia. Cổ động viên (CĐV) nơi đây choáng váng khi biết rằng Mamic cùng tay chân trong nhiều năm đã buộc các cầu thủ phải cắt phế tiền lương, phí chuyển nhượng, đồng thời trốn thuế, thậm chí thao túng việc gọi cầu thủ lên tuyển nhằm thu lợi trong việc nâng giá chuyển nhượng.

Tòa án Croatia chưa kịp đưa Mamic ra trước vành móng ngựa thì ông bỏ trốn sang Bosnia-Herzegovina. Mamic sống thoải mái với quốc tịch mới, không lo bị dẫn độ, thậm chí còn lên truyền thông tuyên bố mình vô tội, và sẽ không bao giờ quay lại Croatia vì không tin vào sự công minh của tòa án nơi đây.

Mamic là người khiến Modric chấp nhận trở thành kẻ phản bội trong lòng nhiều CĐV Croatia.
Ảnh: Reuters

Modric luôn phải cắt phế tiền chuyển nhượng, tiền lương cho Mamic nhưng sao anh lại phải bảo vệ người đàn ông này? Để hiểu được điều đó, phải nhìn vào tuổi thơ đầy khốn khó của thủ quân Croatia. Với Modric, Mamic là ân nhân.

Cuộc chiến vùng Balkan đã đẩy gia đình Modric vào cảnh điêu tàn. Sau khi ông nội bị quân đội Serbia giết, bố anh đã quyết định mang cả gia đình, chạy 30km về thành phố Zadar để lánh nạn. Cậu nhóc 6 tuổi Modric cùng gia đình khi đó sống lang bạt trong những khách sạn tồi tàn.

Cây bút Adam Bate của tờ Sky Sports tìm đến Zadar sau khi Croatia lọt vào chung kết. Thành phố này bây giờ yên bình nhưng những khách sạn thì vẫn không được coi là chất lượng. Nhìn thế là đủ biết cách đây gần 30 năm, nơi đây tồi tệ đến thế nào. “Đó là thời điểm vô cùng tồi tệ. Trong ba năm, từ 1991 đến 1994 chúng tôi không có điện và nước sạch. Những người tị nạn thì sống trong cảnh tệ hơn nhiều”, Mira, người phụ nữ 65 tuổi đã sống gần cả đời trong một căn hộ ở tầng bốn khu chung cư, kể lại.

Modric sớm bộc lộ tài năng bóng đá. Nhưng anh suýt không có cơ hội để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp khi bị CLB Hadjuk Split từ chối. Họ cho rằng cậu bé 12 tuổi Modric khi ấy quá mảnh khảnh, thấp bé, sẽ không có tương lai. Chính trong thời khắc tồi tệ ấy, Mamic đã nhìn ra tài năng của Modric, đưa cánh tay đón anh đến Dinamo Zagreb. Cũng từ đây, tiền vệ sinh năm 1985 có tiền để đưa cả gia đình thoát khỏi cảnh sống lang bạt trong những khách sạn tồi tàn, còn sự nghiệp anh cất cánh, qua Tottenham, tới Real, vô địch Champions League và đang đứng trước ngưỡng cửa cùng Croatia trở thành nhà vô địch thế giới.

Bất chấp dư luận, Modric vẫn cháy hết mình, là người truyền cảm hứng trong chiến tích tại World Cup 2018 của Croatia.
Ảnh: Getty

“Những cầu thủ làm cùng tôi đều có lợi. Họ có tiền, có sự nghiệp”, Mamic phản bác khi truyền thông Croatia cho rằng các cầu thủ đã phải ký vào “hợp đồng nô lệ” khi làm việc cùng ông.

Trên những bức tường ở Zadar, câu chửi “Modric, đồ đầy tớ của Mamic” hay câu xỉa xói “Modric, rồi sẽ có ngày cậu phải nhớ ra” vẫn im đậm. Nhưng thủ quân Croatia chẳng quan tâm tới điều đó. Anh vẫn chạy không biết mệt mỏi trên các sân cỏ ở Nga hè này, với hy vọng sẽ mang chức vô địch World Cup về cho tổ quốc.

Bạn đang đọc báo người Việt tại Mỹ - Vinacircle. Mọi đóng góp về nội dung xin gửi về địa chỉ email: content@vinacircle.com. Xin cảm ơn!

Author: Lâm Thỏa

News day