Gần 10 năm trước, đội U16 Mokawloon mà Salah đang khoác áo phải hành quân đến sân của một U16 ENPPI hùng mạnh, được đánh giá cao hơn rất nhiều. Nhưng rồi điều thần kỳ đã xảy ra, Salah và các đồng đội đã xuất sắc đánh bại đối thủ đến 4 bàn không gỡ.
Trong khi cả đội hân hoan với thắng lợi vẻ vang đó, có một cậu bé lại nức nở dưới một góc sân. Lý do là trong suốt trận đấu, cậu ta không thể tận dụng ít nhất năm cơ hội mười mươi để lập công. Đó là những giọt nước mắt của Mohamed Salah, một cậu bé có xuất thân khiêm tốn khi lớn lên trong ngôi làng nhỏ, thuộc một tỉnh lẻ ở Ai Cập là Gharbia.
Điều đáng nói là cậu bé mít ướt này lại thường chơi ở vị trí hậu vệ trái hoặc trong vai trò của một wing back với sơ đồ 3-5-2. Mấy ai ngờ, những giọt nước mắt đầy tiếc nuối của một tâm hồn luôn khao khát cháy bỏng với việc được ghi những bàn thắng đã làm thay đổi cuộc đời của chính Salah và cả vận mệnh bóng đá của xứ sở kim tự tháp.
El-Shishini, huấn luyện viên (HLV) trưởng đội U16 và U17 Mokawloon lúc bấy giờ bị lay động bởi ý chí và khát vọng của cậu nhóc này, ông kể lại: “Những gì tôi thấy được không phải là những cơ hội cậu bé bỏ lỡ, mà là kỹ năng qua người đã giúp cậu tiến từ hành lang cánh đến thẳng với tình huống đối mặt với thủ thành đối phương. Những bước chạy ấy đã lấy đi quá nhiều thứ từ cậu, thể lực hoặc cả sự tập trung, thế cho nên cậu mới không thể tận dụng cơ hội.”
Sau đó, ông trao cơ hội cho Salah ở vị trí tiền đạo cánh. Không phụ lòng người thầy đã có công lớn trong việc khai quật tiềm năng của mình. Mùa đó, Salah ghi được tổng cộng 35 bàn và kết thúc với vị trí Vua phá lưới ở cả hai giải đấu U16 Cairo League và U17 vô địch quốc gia.
Xuất thân nghèo khó càng thôi thúc khao khát ghi bàn của Salah, phần thưởng mà HLV Shishini treo cho mỗi cầu thủ lập được hat-trick là 50 bảng Ai Cập và không ai khác ngoài Salah chính là người nhiều lần khiến HLV của mình phải dốc hầu bao nhất.
Cựu cầu thủ Chelsea giờ đây đã kiếm được được hơn thế gấp nhiều lần. Tuy nhiên, không giống như nhiều cầu thủ ở Châu Phi hay Nam Mỹ khác. Tài năng của Salah phát triển song hành với sự trưởng thành trong nhân cách của cầu thủ này.
Sau khi gồng gánh tuyển Ai Cập giành vé tham dự vòng chung kết World Cup 2018, một thương gia bày tỏ sự cảm phục bằng một đề nghị dành tặng cho Salah một căn biệt thự tráng lệ. Nhưng ngay lập tức là lời khước từ của Salah. Cầu thủ này mong muốn nhà kinh doanh giàu có kia đem số tiền ấy để giúp đỡ cho làng quê của mình.
Thời còn được Chelsea mang cho Fiorentina mượn, tiền vệ này đã chọn số áo 74 tại câu lạc bộ nước Ý. Anh lý giải rằng, số áo này là để tưởng niệm 74 nạn nhân thiệt mạng trong vụ bạo loạn trên sân Port Said (Ai Cập) ngày 1/2/2012.
Quả đúng như những gì HLV El-Shishini đã từng nói về cậu học trò xuất chúng: “Cậu ấy chưa bao giờ bỏ quên Nagrig, và Salah luôn ghé về đây mỗi khi anh về Ai Cập và đối xử với mọi người với tình cảm chân thành. Cậu ấy chưa bao giờ quên nguồn cội của mình, và đấy là thứ mà không phải cầu thủ nào cũng có được.”
Nhưng để vươn tới đẳng cấp hiện tại, sự nghiệp của tiền vệ 25 tuổi tất nhiên cũng phải trải qua biết bao thăng trầm. Đó là khi Salah đứng trước nguy cơ thất nghiệp, thậm chí là sớm kết thúc sự nghiệp. Khi mà giải vô địch quốc gia Ai Cập tạm hoãn vô thời hạn sau một vụ bạo loạn nghiêm trọng tại sân vận động và tình trạng bất ổn đáng báo động của nước này nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.
Đó là khi dù U20 Ai Cập đã đánh bại U20 Nam Phi để tiến vào bán kết Giải Vô địch trẻ Châu Phi năm 2011. Nhưng một lần nữa, Salah lại khóc rất nhiều sau trận đấu khi không thể ghi bàn dù được trao trên dưới 10 cơ hội ngon ăn.
Sau trận đấu, HLV trưởng U20 Ai Cập - El Sayed đã đưa cầu thủ này ra sân tập khi trời vẫn còn mưa để tập sút vào khung thành trống. Những người đồng đội đã cổ vũ nồng nhiệt ở bên ngoài nhằm giúp tinh thần của Salah được cải thiện trở lại.
Đó là những ngày tháng ngột ngạt ở Chelsea, bởi dù được mang về với cái giá 12,5 triệu euro khi chỉ 21 tuổi. Nhưng một Salah giàu tiềm năng lại không thể nào cạnh tranh được với những ngôi sao sáng giá đang ở độ chín khác được ông chủ Roman Abramovich lắm tiền nhiều của liên tục mang về.
Thật may mắn khi phiêu dạt sang Ý, Salah đã thi đấu xuất sắc trong màu áo Fiorentina để rồi cất bước sang thủ đô Rome và sát cánh bên cạnh thần tượng của anh là Francesco Totti tại AS Roma. Đất nước hình chiếc ủng chứng kiến sự thăng hoa của tiền vệ này. Để rồi một lần nữa Salah trở lại nước Anh với sứ mệnh khẳng định lại bản thân, lần này là ở thành phố cảng Liverpool.
Còn có thể đòi hỏi gì hơn ở một tân binh chơi ở hành lang cánh phải nhưng lại sở hữu hiệu suất ghi bàn của một tiền đạo hàng đầu. Với 27 bàn trên mọi mặt trận trong đó có đến 21 bàn ở Premier League, cùng hàng loạt những đóng góp to lớn khác cho The Kop. Những gì mà Salah đã làm cho Lữ đoàn đỏ chẳng hề kém cạnh bao cống hiến của anh cho đội tuyển quốc gia Ai Cập.
Nhờ đó, chỉ sau 5 năm đoạt giải cầu thủ trẻ tài năng nhất châu Phi (năm 2012), Salah đã chính thức trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất lục địa đen năm 2017, sau khi xuất sắc vượt mặt Aubameyang và người đồng đội tại Liverpool, Sadio Mane. Đó là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho bao nỗ lực vươn lên của cậu bé nghèo mít ướt năm nào.
Giờ đây, sau những gì đã thể hiện, người hâm mộ đang vô cùng háo hức chờ đợi cách vị Pharaoh sở hữu ma thuật trên đôi chân này lãnh xướng và dẫn dắt tuyển Ai Cập tiếp tục viết tiếp lịch sử tại World Cup trên đất Nga sắp tới.
Ethan Ampadu - tương lai mới của Chelsea
Ricardo Kaká: Và Chúa đã tạo ra một thiên thần…
Ricardo Kaká: Và chúa đã tạo ra một thiên thần…
Marco Reus: Chàng “Hoàng tử” vùng Ruhr với cái gót…
Tinh thần Đức ở Liverpool
“Gã hói Zidane chỉ là tay mơ được mùa?”
John Terry và bản giao hưởng dang dở Stamford Bridge
Marcelo: Nụ cười hiền xua đi nỗi nhớ Roberto Carlos…
Leroy Sane: Viên ngọc quý của Man City
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX