Montenegro gia nhập NATO, Nga – Mỹ lại trái chiều
Sam Sam 06/07/2017 07:30 AM
Ngày 5/6, Montenegro chính thức trở thành thành viên thứ 29 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương bất chấp các sức ép từ phía Nga. Sự kiện này một lần nữa đẩy mâu thuẫn giữa hai cường quốc Mỹ và Nga lên một nấc thang mới.

Trước sự kiện này, Mỹ rất hoan nghênh và đón nhận hết sức nhiệt tình. Một buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra tại Bộ Ngoại giao Mỹ với sự tham gia của Thủ tướng Montenegro, ông Dusko Markovic. Sau buổi lễ, ông Markovic gặp Phó Tổng thống Mike Pence ở Nhà Trắng và cam kết tới năm 2024 Montenegro sẽ đóng góp 2% GDP vào ngân sách quốc phòng, như mục tiêu của NATO.

Thủ tướng Montenegro, ông Dusko Markovic gặp gỡ Phó Tổng thống Mỹ Pence tại Nhà Trắng ngày 5/6. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Thomas Shannon đã lên tiếng bày tỏ sự khen ngợi đối với Montenegro “vì đã khẳng định quyền chủ quyền của mình, lựa chọn các liên minh đem lại lợi ích cho quốc gia ngay cả khi đối đầu với áp lực rất lớn từ nước ngoài".

Ông Shannon nói: "Đúng như những gì Tổng thống Trump đã nói trong bài phát biểu ngày 28/2 tại một cuộc họp chung của Quốc hội, Mỹ tôn trọng quyền của mỗi quốc gia trong việc lên kế hoạch cho con đường riêng của họ".

Với việc kết nạp thêm Montenegro, NATO sẽ hoàn tất sự hiện diện của mình ở vùng biển Adriatic sau khi Hy Lạp, Albania và Croatia đều đã là các nước thành viên của khối.

Đóng góp của Montenegro vào NATO sẽ tương đối nhỏ: chỉ có 1.950 binh lính, 13 máy bay trực thăng, hai tàu khu trục nhỏ và ba tàu tuần tra, và ngân sách quốc phòng của họ là 50 triệu Euro, hay 1.7% GDP - ít hơn mục tiêu 2% do NATO đề xuất và được nhắc lại bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù là một quốc gia nhỏ bé, song với vai trò là thành viên của NATO, Montenegro sẽ giúp liên minh phương Tây bảo vệ bờ biển quan trọng ở Adriatic và tiếp tục tiến trình mang lại hòa bình, dân chủ và ổn định cho khu vực Balkans.

Nga, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Montenegro, đã đưa ra những phản ứng trái ngược so với Mỹ. Nga vốn là đồng minh hàng đầu với Montenegro, tuy nhiên quan hệ giữa 2 nước đã xấu đi sau khi quốc gia vùng Balkan này tỏ ý muốn gia nhập NATO. Trước đó, Nga đã cảnh báo rằng việc Montenegro gia nhập NATO sẽ làm giảm sự ổn định ở Balkans và phần còn lại của châu Âu.

Với quyết định ngày 5/6, Montenegro lập tức vấp phải lời đe dọa trả đũa của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nga cho rằng việc NATO mở rộng liên minh tới các nước Đông Âu là hành động đe dọa tới an ninh của đất nước này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết “sự gia nhập NATO của Montenegro sẽ không cải thiện được an ninh cho quốc gia này bởi không có ai đe dọa cũng như có khả năng đe dọa Montenegro. Đây thuần túy chỉ là một quốc gia địa lý, không có gì để tăng cường an ninh cho NATO, mà chỉ gây lãng phí chi tiêu của các quốc gia thành viên liên minh, bởi vì họ sẽ phải kết hợp lãnh thổ của Montenegro trong các dự án quân sự và kỹ thuật”.  

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Kremlin.ru

Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong bối cảnh các nhà chức trách của Montenegro lựa chọn tiến trình thù địch, phía Nga có quyền đưa ra các biện pháp trả đũa. 

Một số nhà phân tích cũng tỏ ra lo lắng trước quyết định này của Montenegro sẽ gây ra sự bất ổn, chia rẽ trong nội bộ nước này. Theo kết quả một cuộc thăm dò hồi tháng 12/2016, có 39,7% dân số Montenegro không đồng ý gia nhập NATO, trong khi số đồng ý là 39,5%.

Author: Sam Sam

News day