Mỹ chính thức khai mạc phiên tòa xét xử đại án tham nhũng FIFA
Tây Nguyên 11/16/2017 09:30 AM
Tòa án liên bang Mỹ ở Brooklyn (New York) đã chính thức khai mạc phiên tòa xét xử đại án tham nhũng FIFA.

Ở phiên tòa này, 42 quan chức, giám đốc tiếp thị và 3 công ty bị truy tố tổng cộng 92 tội danh liên quan đến 15 vụ bê bối tham nhũng với số tiền hơn 200 triệu USD. Trong đó, hàng chục triệu USD được cất giấu trong các tài khoản ở Hồng Kông, Quần đảo Cayman và Thụy Sĩ. Đây là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới được Bộ Tư pháp Mỹ điều tra kể từ năm 2011 và phanh phui vào tháng 5/2015.

Cựu Chủ tịch LĐBĐ Brazil Jose Maria Marin (giữa), 1 trong 3 cựu quan chức cấp cao FIFA đến phiên tòa xét xử ở New York.
Ảnh: REUTERS

Phiên tòa lần này chỉ có 3 cựu quan chức cấp cao của FIFA bị đưa ra xét xử gồm Jose Maria Marin (85 tuổi - cựu Chủ tịch LĐBĐ Brazil), cựu Phó chủ tịch FIFA kiêm cựu Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ Juan Angel Napout (59 tuổi) và cựu Chủ tịch LĐBĐ Peru Manuel Burga (60 tuổi). Các cựu quan chức này đều bị dẫn độ sang Mỹ sau khi bị truy tố về tội nhận hối lộ, lại quả, gian lận và rửa tiền xung quanh việc giành quyền tiếp thị, truyền thông các sự kiện bóng đá ở Nam Mỹ như: Vòng loại World Cup, Copa America.
Mở đầu phiên tòa, các công tố viên Mỹ cho biết 3 cựu quan chức cấp cao của FIFA đứng trước vành móng ngựa của phiên xét xử lần này “đã bị mù vì quá tham lam và nhận hàng triệu USD tiền hối lộ”. Sau đó, trợ lý luật sư của Mỹ Keith Edelman khởi động những lời cáo buộc nhằm vào 3 cựu quan chức nói trên với ban bồi thẩm về vấn nạn hối lộ tại một cuộc họp ở Miami (Mỹ) vào tháng 5/2014 với sự tham dự của các quan chức bóng đá khắp thế giới. “Ẩn nấp phía sau những gương mặt trọng vọng là những lời dối trá, tham lam và tham nhũng. Một số quan chức này đã có một lý do khác để ăn mừng khi họ đồng ý nhận hàng triệu USD tiền hối lộ liên quan đến giải đấu (Copa America)”. Vị trợ lý luật sư nói tiếp: “Tất cả họ (3 cựu quan chức cấp cao nói trên) đều là những kẻ lừa dối trong môn thể thao này để bỏ túi số tiền mà đáng ra nên dành cho việc thúc đẩy phát triển bóng đá. Bằng chứng cho thấy trong hơn 20 năm qua, các bị cáo lạm dụng quyền lực để bí mật nhận tiền hối lộ một cách có hệ thống”.

3 cựu quan chức cấp cao của bóng đá Nam Mỹ là Manuel Burga, Maria Maria Marin và Juan Angel Napout (từ trái sang phải) bị đưa ra xét xử ở Tòa án liên bang Mỹ.
Ảnh: AFP

Trước phần luận tội ở ngày khai mạc phiên tòa, cả 3 cựu quan chức của bóng đá Nam Mỹ đều không nhận tội. Trong khi đó, luật sư biện hộ cho 3 bị cáo này dù thừa nhận vấn nạn tham nhũng xảy ra ở FIFA nhưng khẳng định thân chủ của họ vô tội.
Ngày khai mạc phiên tòa xét xử đại án tham nhũng ở FIFA thu hút sự quan tâm của dư luận bóng đá thế giới. Bởi phiên tòa được báo giới quốc tế nhận định nhiều khả năng sẽ trở thành đầu mối dẫn đến việc bóc mẽ những mảng tối phía sau nhân vật quyền lực nhất FIFA một thời: Sepp Blatter. Cựu quan chức bóng đá người Thụy Sỹ từng giữ chức Chủ tịch FIFA trong suốt 17 năm đến nay vẫn “trắng án” trong tất cả các đại án tham nhũng của tổ chức này, ngoại trừ bê bối thanh toán 2 triệu USD mờ ám cho cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini.
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ 5 - 6 tuần và các công tố viên sẽ trình bày 350.000 trang bằng chứng bên cạnh lời khai của hàng chục nhân chứng. Số phận của các cựu quan chức trên sẽ được quyết định bởi 12 thành viên bồi thẩm đoàn được giấu danh tính nhằm tránh những tác động bên ngoài. Nếu bị kết tội, mức án cao nhất dự kiến lên đến 20 năm tù. Trong phiên xử này, 22 bị cáo sẽ chờ kết án, trong đó có cựu Chủ tịch LĐBĐ Bắc Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF) Jeffrey Webb. 15 bị cáo còn lại không có mặt ở phiên tòa do vẫn đang bị buộc tội hoặc bị xét xử ở đất nước của họ về tội danh tương tự, hoặc chống lại việc dẫn độ sang Mỹ như Jack Warner, cựu Phó chủ tịch FIFA và Chủ tịch CONCACAF. 

Cựu Phó chủ tịch FIFA Jack Warner (trái) không có mặt ở phiên xét xử đại án tham nhũng FIFA do chống đối việc dẫn độ từ Trinidad & Tobago sang Mỹ.
Ảnh: AFP

Phiên tòa sẽ không có nhân chứng quan trọng nhất kiêm bị can là Chuck Blazer (cựu Tổng thư ký CONCACAF), người đã qua đời vì bệnh ung thư hồi tháng 7. Theo AFP, cố quan chức người Mỹ chính là đầu mối và chìa khóa dẫn đến việc Chính phủ Mỹ mở cuộc điều tra bê bối tham nhũng FIFA vào năm 2011. Ông Blazer từng đồng ý làm “tay trong” của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) trong nội bộ Ban chấp hành FIFA (nay là Hội đồng FIFA). 

Author: Tây Nguyên

News day