Mỹ lên kế hoạch đặt đội oanh tạc phi cơ chiến lược tại Nam Hàn
Bình Nguyên 09/05/2017 01:00 PM
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu, cộng đồng thế giới đã kịch liệt lên án hành động này của Bình Nhưỡng. Washington và Seoul đang thảo luận khả năng triển khai nhiều oanh tạc phi cơ chiến lược tới bán đảo Triều Tiên (Bắc Hàn) để răn đe Bình Nhưỡng.

Nam Hàn và Mỹ đang tiến hành nhiều cuộc thảo luận về việc đóng quân lâu dài của tàu sân bay và oanh tạc cơ chiến lược Mỹ trên đất Nam Hàn. Động thái này được cho là để đáp trả vụ thử hạt nhân thứ sáu của Bắc Hàn diễn ra ngày 3/9.

Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, có sức công phá lớn gấp nhiều lần các vụ thử trước đó. Điều này khiến các quan chức an ninh hàng đầu Nam Hàn bắt đầu nghiêng về giải pháp quân sự để đối phó với Bắc Hàn.

Bom nhiệt hạch (bom H) được gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Bắc Hàn. Ảnh: KCNA.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Song Young-moo tuyên bố: "Trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ngay sau vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn, nhiều ý kiến đã nghiêng về việc tăng cường biện pháp quân sự thay vì theo đuổi Tuyên bố Berlin về đối thoại".

Tuyên bố Berlin đề cập đến chính sách của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in theo đuổi kế hoạch phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên dựa trên việc ưu tiên các biện pháp kinh tế - ngoại giao, tìm kiếm một hiệp định hòa bình mà vẫn đảm bảo an toàn cho chế độ Bắc Hàn và loại bỏ khả năng thống nhất bán đảo bằng vũ lực.

Ông Song Young-moo cho biết đã yêu cầu Mỹ triển khai những vũ khí chiến lược đến Nam Hàn, nhưng bác bỏ thông tin rằng ông đề nghị tái triển khai kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, vốn được rút khỏi bán đảo Triều Tiên từ thập niên 1990.

Oanh tạc phi cơ chiến lược B-52 phô trương sức mạnh trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: USAF.

Trước đây, oanh tạc phi cơ chiến lược Mỹ thường xuất phát từ đảo Guam để tham gia diễn tập với không quân Nam Hàn hoặc phô trương sức mạnh trên bán đảo Triều Tiên. Nếu đóng quân lâu dài trên lãnh thổ Nam Hàn, các phi đội máy bay ném bom Mỹ sẽ trở thành mối đe dọa trực tiếp tới Bắc Hàn, nhờ khoảng cách tới mục tiêu và thời gian triển khai chiến đấu được rút ngắn đáng kể.

Author: Bình Nguyên

News day