Mỹ mở rộng trừng phạt Nga trong khi ông Trump tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Nga
Dư Hoàng 01/27/2018 10:00 AM
Mối quan hệ Nga - Mỹ lại tiếp tục xấu đi khi ngày 26/1, Bộ Tài chính Mỹ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì sự liên quan tình hình ở Ukraine, bổ sung một Thứ trưởng Năng lượng Nga và một số công ty điện, năng lượng của Nga vào danh sách trừng phạt.

Trong thông báo đưa ra, Bộ Tài chính cho biết Thứ trưởng Năng lượng Cherezov, cũng như người đứng đầu công ty công nghệ Technopromexport và nhiều công ty con của công ty sản xuất dầu Surgutneftegaz là những cá nhân và thực thể nằm trong danh sách trừng phạt này.

Theo đó, các tài sản tại Mỹ của các cá nhân và tổ chức thuộc diện trừng phạt sẽ bị phong tỏa, đồng thời, các công dân và các công ty Mỹ cũng bị cấm thực hiện các hoạt động giao dịch tài chính với các cá nhân và tổ chức thuộc diện trừng phạt.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby từng lên tiếng cho biết các biện pháp trừng phạt của Mỹ không nên được xem là một biểu hiện của “chính sách thù địch” từ phía Washington đối với Moscow. Ảnh: EPA

Cùng ngày, từ Davos, Thụy Sĩ, trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn TASS về việc liệu ông sẽ đối thoại với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đây là điều ông hy vọng.

Từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhiều người kỳ vọng quan hệ Nga - Mỹ sẽ được cải thiện sau nhiều năm suy giảm mạnh mẽ trong suốt nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama vì khủng hoảng Ukraina và Crimea tái nhập Nga cũng như nhiều vấn đề quốc tế khác.

Ông Trump từng tuyên bố ông mong muốn nối lại quan hệ với Nga, nhưng cho đến nay chưa có tiến trình nào được thực hiện mà liên tiếp thêm nhiều biện pháp trừng phạt được đưa ra.

Từ năm 2014, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moskva liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Nam Ukraine, vấn đề bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga hồi năm 2014. Các biện pháp này bao gồm hạn chế đi lại và phong tỏa tài sản đối với một loạt quan chức Nga, cùng một số lệnh cấm vận trong lĩnh vực quân sự, tài chính và thương mại khácnhằm vào các ngân hàng và công ty Nga Các biện pháp trừng phạt khiến nhiều công chức nước này đã bị ảnh hưởng, các hoạt động đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ của Mỹ vào Crimea cũng bị đình chỉ.

Các biện pháp này đã nhiều lần được chính quyền Washington mở rộng và gia hạn.

Tổng thống Trump nhiều lần bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Nga. Ảnh: Getty

Đến cuối tháng 7/2017, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phản đối, Thượng viện Mỹ đã thông qua các biện pháp siết chặt trừng phạt Nga, trong đó, còn bao gồm điều khoản ngăn chặn ông Trump dỡ bỏ các chế tài này.

Về phía Nga, hôm 21/1, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố âm mưu của Mỹ là nhằm thay đổi chính sách đối ngoại "độc lập, tự chủ, dựa trên những lợi ích quốc gia" của Nga bằng cách gây áp lực với giới thượng lưu và một số công ty, tuy nhiên Nga không bao giờ thay đổi do áp lực từ bên ngoài.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vào đầu tháng 1 rằng Moscow sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Washington, không tìm kiếm sự đối đầu với Washington, tuy nhiên, “tranh chấp chính trị nội bộ” ở Mỹ vẫn không giảm. Ông Putin cũng đã phê chuẩn các biện pháp nhằm đáp trả động thái của Mỹ khi tư tưởng chống Nga ở Mỹ đang chiếm ưu thế, thậm chí còn mạnh hơn thời Chiến tranh Lạnh.

Author: Dư Hoàng

News day