Mỹ ra tối hậu thư cho đồng minh
Ngạc Ngư/Theo Lao động 01/15/2018 01:00 PM
Ngày 12/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tiếp tục thực hiện việc ngừng áp dụng những biện pháp trừng phạt Iran theo quy định trong thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, ông Donald Trump cũng còn đồng thời đưa ra tối hậu thư cho EU là trong thời gian 120 ngày tới, phải tác động ra sao để có được những chỉnh sửa và thay đổi nội dung của thoả thuận theo yêu cầu của Mỹ. Nếu không thì lần này sẽ là lần cuối cùng, phía Mỹ tiếp tục thực hiện thoả thuận, tức là phía Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi thoả thuận. Mỹ cũng còn tuyên bố, sẽ không đàm phán song phương với Iran.

Đàm phán lại?

Trong khi phản ứng của EU cho đến nay mới đơn giản chỉ là “ghi nhận” quyết sách và tối hậu thư của Mỹ thì Nga đã thẳng thừng cho rằng, Mỹ sẽ mắc phải sai lầm nghiêm trọng nếu đơn phương huỷ bỏ thoả thuận. Còn Iran khẳng định, sẽ không có chuyện đàm phán lại thoả thuận này cả ở thời điểm hiện tại lẫn trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp hôm 11/1. Ảnh: NYT

Thoả thuận này được ký kết vào tháng 6/2015 giữa 7 nước với nhau là Mỹ, Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Sau đó, nó được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chính thức chấp nhận và nhờ đó được coi là có hiệu lực và giá trị như luật pháp quốc tế. Nó được cả thế giới hoan nghênh bởi có tác dụng ngăn ngừa xung đột vũ trang và chạy đua vũ trang hạt nhân ở khu vực vùng Vịnh. Rất nhiều người trên thế giới hiện coi nó là mô hình giải pháp chính trị cho cả vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.

Thoả thuận này được coi là một trong những thành quả đối ngoại quan trọng nhất và nổi bật nhất của EU và của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người tiền nhiệm của ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ. Theo thoả thuận ấy, Iran ngừng chương trình hạt nhân và để cho quốc tế thanh tra, giám sát các cơ sở hạt nhân ở trong nước, và vẫn có quyền nghiên cứu hạt nhân phục vụ cho mục đích dân sự. Cụ thể là, từ sau năm 2025, Iran có thể tiếp tục chương trình làm giàu chất liệu phóng xạ plutonium đến mức độ nhất định, tức là đủ để sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích dân sự, nhưng không thể đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Mỹ và EU phải dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt Iran về kinh tế, thương mại và tài chính.

Ông Barack Obama đã thực hiện cam kết này của Mỹ. Ông Donald Trump, từ khi còn vận động tranh cử Tổng thống ở Mỹ, đã luôn cho rằng, thoả thuận này là “thỏa thuận tồi tệ nhất mà Mỹ đã từng ký kết” và nhiều lần tuyên bố, sẽ lật ngược nó nếu đắc cử Tổng thống. Sau khi lên nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tiếp tục tuân thủ thoả thuận, cho tới tuyên bố vừa qua.

Mục đích của ông Donald Trump là huỷ hoại mọi thành quả cầm quyền của người tiền nhiệm, xoá sổ thoả thuận này để đàm phán lại với Iran, và lần này không chỉ đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran mà còn cả về chương trình tên lửa của Iran, cũng như buộc Iran phải chấp nhận ngừng vô thời hạn việc làm giàu chất liệu phóng xạ. Bên cạnh đó, chính quyền của ông Donald Trump còn cáo buộc Iran vi phạm dân chủ, nhân quyền cũng như hậu thuẫn khủng bố. Làm căng với Iran như thế, ông Donald Trump thể hiện thái độ thiên lệch hẳn về phía Israel và Saudi Arabia trong quan hệ với Iran.

EU khó xử

Tối hậu thư của ông Donald Trump là điều cả Nga, Trung Quốc và Iran không thể chấp nhận, cũng như đẩy EU vào tình thế khó xử. EU cũng không thể chấp nhận nhưng chịu áp lực ghê gớm từ phía Mỹ. Mỹ muốn đàm phán lại, trong khi tất cả các đối tác kia không chấp nhận đàm phán lại. Còn nếu đàm phán mới và riêng về vấn đề chương trình tên lửa của Iran thì lại là chuyện khác. Nếu đơn phương rút khỏi thoả thuận này, ông Donald Trump có thể đạt được những ý đồ và mục tiêu riêng, nhưng thế giới bên ngoài sẽ không còn có thể tin được nữa vào những thoả thuận mà Mỹ ký kết với các đối tác. Chẳng hạn như việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn sẽ càng thêm khó khăn khi Bắc Hàn rất khó sẵn sàng thoả thuận với Mỹ để rồi lại bị Mỹ lật kèo như với Iran.

Mỹ dọa đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Reuters

Mỹ không thể tự giải quyết được vấn đề chương trình hạt nhân của Iran mà vẫn phải cần đến những đối tác khác trong Hội đồng Bảo an như Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp cũng như cần đến EU. Rõ ràng phía Mỹ đang ép EU trong khi chính Mỹ cũng chưa chuẩn bị cho trường hợp sau 120 ngày nữa tối hậu thư của Mỹ không được đáp ứng. Đồng thời, Mỹ vẫn chưa gây áp lực gì với Nga và Trung Quốc. Không có Nga và Trung Quốc, Mỹ lại không thể xử lý được vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn theo hướng có lợi nhất cho Mỹ. Vì thế có thể thấy, ông Donald Trump chứng tỏ được là kiên định thực hiện cam kết tranh cử, nhưng đã không chỉ đẩy EU mà còn tự đẩy cả chính mình vào tình thế khó xử ngày càng tăng trong vấn đề số phận tương lai của thoả thuận hạt nhân Iran.

Author: Ngạc Ngư/Theo Lao động

News day