Trong một đêm tháng 7, những thanh niên London đang nhấm nháp ly cocktail trong quán bar Drunken Monkey ở quận Shoreditch, phía đông thành phố, đã trở thành khán giả bất đắc dĩ cho vụ tạt axit của 2 cậu bé tuổi thiếu niên nhắm vào một người giao thức ăn bằng xe máy. Chúng đang cố cướp xe máy của người giao hàng.
Các công tố viên cho biết vụ tạt axit người giao hàng chỉ là 1 trong 5 vụ tấn công mà các cậu bé trên thực hiện trong vòng 90 phút của buổi tối hôm đó. Những thiếu niên này bác bỏ cáo buộc nhằm vào mình.
Số vụ tấn công bằng axit tại London đã tăng đột biến trong vài năm qua. Nó buộc cảnh sát và các nhà lập pháp Anh phải nghĩ cách biến axit trở thành món hàng khó mua hơn.
"Phần lớn các sản phẩm có thể tìm thấy ở kệ hàng - tương tự thuốc tẩy rửa hoặc nước rửa lò vi sóng - có rất nhiều loại acid sunfuric bạn có thể mua, và cả amoniac nữa", CNN dẫn lời cảnh sát trưởng khu vực Hackney ở phía đông London, ông Simon Laurence.
Dù vậy, cảnh sát London kiến nghị rằng dù nhiều thành viên các băng đảng đang chuyển qua dùng axit để tấn công thay vì dao và súng, tội phạm dùng dao và súng cũng đang gia tăng, cùng với đó là nạn bạo lực trong thanh thiếu niên.
Axit chỉ là một phần trong bức tranh bạo lực giữa các băng đảng đường phố ở London.
"Phần lớn các nạn nhân là đàn ông trẻ tuổi. Và phần lớn nghi phạm là đàn ông. Đàn ông trẻ tấn công đàn ông trẻ", ông Laurence nói.
Khi nam giới dùng axit nhiều hơn phụ nữ
Trên khắp thế giới, những vụ tạt axit thường do đàn ông gây ra cho những người phụ nữ ở gần họ, ít ra là theo báo cáo của Acid Survivors Trust International (ASTI), một tổ chức vận động để chấm dứt nạn tấn công bằng axit trên toàn cầu. Theo thống kê của ASTI, nạn nhân của 80% các vụ tấn công bằng axit là phụ nữ.
Tại London, nơi những thanh niên trẻ sống cuộc sống ngày càng khó khăn, việc tạt axit lại diễn ra phần lớn ở nam giới và tăng đều qua từng năm. Trong năm 2016 có 454 vụ tấn công axit được ghi nhận so với 261 vụ của năm 2015 và 166 vụ vào năm 2014. Mỗi năm, số vụ tấn công ở phía đông London thường chiếm quá nửa.
Mới hôm 23/9, 6 người đàn ông bị thương vì tấn công axit trong trận ẩu đả ở một trung tâm thương mại ở Newham, phía đông thành phố, cách không xa công viên Olympic London 2012. Hồi tháng 8, một người khác bị phỏng nặng và sẹo cũng bởi một vụ tấn công ở Newham. Ông ta bị tạt axit sau khi từ chối mua cần sa.
Jermaine Lawlor, một cựu "giang hồ" hoàn lương và hiện điều hành một trung tâm giáo dục dành cho các băng đảng, nói rằng nghèo đói luôn là nguyên nhân chính đẩy những nam thanh niên trẻ vào con đường băng nhóm.
Lawlor lớn lên với một người mẹ đơn thân và 7 anh chị em trong một căn nhà chật chội ở Ilford, vùng ven phía đông London. Cha anh là một kẻ bạo lực và đã rời nhà đi khi Lawlor còn là một đứa trẻ. Lawlor lớn lên, đi cướp lần đầu ở tuổi lên 9 và bị đuổi học cùng thời gian đó.
Người đàn ông này nói rằng việc chính phủ cắt giảm ngân sách cho các dịch vụ công ích đã giáng đòn mạnh vào các nam thanh niên trẻ tại nơi anh ta lớn lên.
Thế hệ bị đánh cắp
Chính phủ do đảng Bảo thủ nắm quyền bắt đầu chiến dịch "thắt lưng buộc bụng" vào năm 2010 dưới thời cựu thủ tướng David Cameron với cam kết đến năm 2020 sẽ chấm dứt thâm hụt ngân sách. Các chi tiêu dành cho an sinh xã hội bị cắt giảm, kế hoạch xây dựng hàng trăm trường học bị chia nhỏ ra. Quỹ dành cho các hội đồng địa phương, một nguồn hỗ trợ cho người trẻ, cũng bị cắt giảm.
"Không phải ai cũng có cơ hội ngang nhau để tiếp cận các cơ hội", Lawlor cho biết. "Sau một hồi, bạn nổi điên lên và nhận ra rằng dù việc đang làm có thể đẩy bạn vào tù, bạn vẫn kiếm được nhiều hơn so với mức lương lao động 6,5 bảng/giờ".
Lawlor đã gặp gỡ những thanh niên trẻ đi tấn công bằng axit và ông nói rằng cuộc truy quét đối với axit không phải giải pháp.
"Cũng tương tự việc giảm tội phạm dao, súng, mại dâm, các chính sách cần phải tập trung vào con người. Người ta cần hiểu được sự phức tạp và các yếu tố đã khiến cho các cộng đồng không thể tiến lên", anh nói.
Cuộc đời Lawlor sang trang từ lúc anh ta gia nhập chương trình dạy bóng đá hướng đến những thanh niên nằm trong nhóm "rủi ro cao". Lawlor nói rằng anh ta đã "tìm thấy Thượng đế" và quyết định đi học, từ bỏ cuộc sống trên đường phố.
Thế nhưng chương trình cứu sống cuộc đời Lawlor, cùng với nhiều dự án tương tự, đã bị ngưng lại ở phía đông London sau đợt cắt giảm ngân sách. Trong vòng 5 năm qua, chi tiêu cho các dịch vụ công ích dành cho thanh niên tại London đã bị cắt giảm 1/3.
Simon Hallsworth, một chuyên gia về bạo lực đô thị ở Anh, nói rằng các phúc lợi bị cắt giảm và sự phân cách giàu nghèo đang tạo ra một tầng lớp mới ở London. "Mọi thứ đều bị cắt. Chính phủ của Cameron đến và nói rằng, 'Chúng ta đang tiêu pha quá nhiều', thế là cơ sở hạ tầng xã hội dành cho xã hội Anh bị xé nhỏ", ông nói.
"Chúng ta từng có một tầng lớp lao động, giờ thì chúng ta có thứ mà xã hội học sẽ gọi là 'tầng lớp bấp bênh', những người sống một cuộc đời không ổn định. Về cả công việc lẫn an sinh xã hội".
Hallsworth nói rằng các cuộc bạo động ở London vào năm 2011 nên là lời cảnh báo cho chính quyền rằng việc rút đi các lợi ích khỏi thanh niên là ý kiến tồi. Khi đó, hàng nghìn thanh niên London đã đổ xuống đường, xô xát với cảnh sát, cướp bóc các cửa hàng và phóng hỏa xe cộ.
Vết sẹo cuộc đời
Trở lại với các nạn nhân của những vụ tạt axit, nhiều người đã bị hủy hoại khuôn mặt và sống phần đời còn lại với những thương tích cả về thể xác lẫn tinh thần.
Musa Miah, 24 tuổi, bị tấn công vào năm 2016 tại Tower Hamlets. Anh sống với phần tổn thương mô nặng nề và vết sẹo trải dài phần bên trái của khuôn mặt.
"Giống khuôn mặt bạn đang chảy ra vậy", Miah nhớ lại. "Thỉnh thoảng tôi gặp ác mộng. Đến tận bây giờ tôi vẫn mơ thấy điều đó".
Giờ đây, Miah mang một chiếc mặt nạ suốt ngày và phải dùng thuốc nhỏ mắt mỗi 2 tiếng, kể cả khi ngủ, để tránh mắt trái hóa mù.
Vào ngày hôm đấy, Miah đang ở cùng vài người bạn của mình trong một căn hộ thì một nhóm "thiếu niên" đâm vào chiếc xe của họ. Khi Miah cùng bạn bè đụng độ những "thiếu niên" này, họ nhận lại những giọt axit. Một người đàn ông và một cậu bé vị thành niên đã bác bỏ cáo buộc này.
"Tôi đã quen với việc mọi người nhìn vào mình chằm chằm. Như thể tôi là một con quái vật hay gì đó".
Khác với các chuyên gia hay nhà lập pháp, Miah chỉ muốn axit bị cấm nhanh chóng.
"Nó thay đổi cả một cuộc đời. Mọi thứ không thể như xưa nữa".
Libya thời hậu chiến: Hối hận của những người từng…
Tin cộng đồng: Biểu tình tại Đài Loan vụ nam…
Cảnh báo: “Blue Whale Challenge” - trò chơi điện tử…
Nam Hàn: Nhân viên đài truyền hình quốc gia MBC…
13 người mất tích trong hang động ở Thái Lan
Thụy Điển: Biểu tình của những người ủng hộ chủ…
Hàn Quốc khánh thành tượng xin lỗi Việt Nam tại…
Anh: Rác thải nhựa chất đống sau lệnh cấm nhập…
Trung Quốc sơ tán dân chuẩn bị đón siêu bão…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX