Nắng trong tôi
Kỳ Kỳ 05/18/2017 07:00 PM
Cuộc sống luôn là những mất mát bình yên. Tình thân, bằng cách này hay cách khác, tất cả đều chở che và bảo vệ ta dù có lúc ta đã từng tuyệt vọng và muốn từ bỏ nó. Hãy yêu thương khi còn có thể! Hãy bao dung để thấy đời vẫn đẹp! Chỉ cần tình thương, nỗi đau sẽ được xoa dịu. Chỉ cần có mẹ, đời ta sẽ bình yên.

Khi cuộc đời là những chuyến đi vô định.

Khi lòng người là những niềm tin không hạn định.

Chính là lúc người hiểu người chỉ qua một ánh nhìn, một tình thương bao dung.

Cả bạn và tôi vẫn chưa biết chốn nào bình yên thật sự giữa giông bão.

Cả bạn và tôi, âu cũng là duyên phận cắt nhau giữa cuộc đời này.

Thành phố Hồ Chí Minh, 40 độ C, tại căn phòng làm việc của một người đàn ông chững chạc và điềm tĩnh.

Cạch… cạch… cạch…

Ngay khi tôi viết những dòng này cũng là lúc tôi đang nghiêm túc với những cảm xúc của mình. Có lẽ, điều khó khăn trong cuộc đời mỗi người đó chính là khi bạn đủ tự tin và lòng dũng cảm để sẵn sàng mở lòng cho câu chuyện của chính đời mình với một ai đó. Tôi đang đối diện với chính mình. Với màn hình laptop và một tách cà phê đá, với tiết trời nóng nực của Sài Gòn, tôi nghĩ tôi có 90% để sẵn sàng mở lòng về tuổi thơ tôi. Riêng 10% còn lại tôi sẽ giữ riêng cho mình làm hồi ức.

Một nỗi nhớ vô hình xâm chiếm khi tôi bắt đầu kể cho các bạn nghe về nó. Và dù bạn có đủ hứng thú để lắng nghe hay không thì tôi nghĩ tôi đã đủ tự tin để cho mình nhớ nó: Tuổi thơ tôi.

Ảnh: static1.squarespace.com

Tôi là Nam. Năm nay tôi đã 50 tuổi. Một độ tuổi nằm ở đỉnh dốc của cuộc đời. Nơi tôi sinh ra là miền quê đầy nắng, đầy gió và đầy cát. Phan Rang – nơi đất nắng cháy da, cháy thịt, nơi con người mộc mạc và mạnh mẽ một cách lạ thường. Tôi ca ngợi quê tôi đơn giản vì đó là nơi chôn rau cắt rốn của tôi. Chính là nơi, tôi đã sống và rời đi để đến một miền đất mới. Sài Gòn thênh thang những con đường mà người người trộn lẫn và hối hả. Vào giờ tan tầm, tất thảy đổ ra đường ào ạt ra như dòng nước lũ miền Trung. Chen chúc. Ngột ngạt. Nhưng ai ai cũng đổ xô vào thành phố này kiếm miếng sinh nhai, xây dựng một tương lai tươi sáng. Đất nước Việt Nam đủ rộng, đủ dài để chúng ta đi. Chỉ cần một lí do, người ta sẽ rời đi. Chỉ cần một lòng tin, người ta sẽ ở lại. Và tôi cũng không ngoại lệ. Chàng thanh niên như tôi đã rời đi không một chút đắn đo, không một chút ngại ngần. Miền nhớ vẫn ở nơi xa xôi đó. Và tôi đã kịp để quay trở về gột rửa những đau thương.

Phan Rang – một ngày nắng gắt…

Giữa cái xóm nghèo hiện ra những mái nhà ván đơn sơ, nằm trơ trọi giữa một mảnh đất trống rộng thênh thang. Ánh nắng trưa hè, ánh nắng chói chang đủ để nung nấu những nỗi bực dọc, mệt mỏi của mọi người. Cứ hè đến, sự nóng ấy lại lên đến đỉnh điểm. Đất đai đã rộng, cây cối vì khí hậu mà trở nên thưa dần. Xóm nhỏ hiện lên chẳng khác nào lò than đang nung những bình gốm khô cằn. Người dân xóm tôi hội tụ đầy đủ những tính cách của người miền Trung: hiền lành nhưng cộc tính, thẳng thắn nhưng tốt bụng. Người dân xóm tôi cơ cực trăm bề. Với sự chịu đựng thép, trải qua những cơn nắng nóng gay gắt, họ vẫn lao động miệt mài kiếm kế sinh nhai.

Cuộc đời lắm lúc đáng buồn. Khi đủ lớn và có một cuộc sống tốt hơn, tôi hay nhớ về một mảng màu đói khổ nơi ấy. Những chiều tàn, những khuôn mặt mệt mỏi, những bữa ăn đạm bạc hết mức có thể khiến mọi người tạm hài lòng. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Khi cái nghèo quanh quẩn nơi xóm nhỏ, lũ trẻ chúng tôi còm nhom, đen thui vì rám nắng bỗng chốc thấy thích thú, mừng rơn khi được mẹ mua cho cái bánh, viên kẹo đường. Khi đã trở thành một người lớn, tôi đã không còn vui vẻ vô bờ khi ai đó tặng bánh, tặng kẹo. Điều đó luôn kì lạ! Lúc bé chúng ta dễ vui vì những điều nhỏ xíu. Khi lớn, những điều to bự hơn lại chẳng dễ khiến người ta hài lòng và cười giòn tan. Tôi vẫn nhớ mình khi ấy. Một cậu bé trầm lặng và ít nói. Tôi sống với mẹ, một người phụ nữ đẹp. Mẹ tôi rất đẹp. Người phụ nữ ấy đã cuốn hút rất nhiều ánh mắt của tất cả mọi người trong cái xóm bé tí và tất thảy những gã đàn ông trong làng lẫn những người đàn ông tha phương.

Ảnh: Nguyễn Tiến Huy

Mẹ tôi mở một cửa tiệm tạp hóa nhỏ ven đường. Tiệm nho nhỏ, có đủ loại hàng hóa, có vài bộ bàn ghế lẫn võng nằm để cho khách đi đường ghé đến nghỉ ngơi. Mẹ tôi thành bà chủ nhỏ trên con đường quốc lộ với hàng ngàn chiếc xe qua lại không bao giờ đếm xuể. Khách ghé đến quán đa phần là những người đàn ông lái xe tải. Họ dừng chân. Họ tạm nghỉ ngơi dưỡng sức sau những chặng đường dài đầy bụi bặm. Trên những chuyến xe đi, họ vẫn bền bỉ với công việc đường xa của mình. Nghề tài xế chẳng khác một ngư dân miền biển là bao. Họ coi đường đi là một phần cuộc sống. Họ tự do với những chuyến xe. Cuộc đời họ có nhiều cuộc dừng chân tạm thời. Sự gặp gỡ với họ là duyên chứ không phải là nợ. Tối nay bạn vừa trông thấy họ. Sáng mai, họ đã lẳng lặng đi không lời tạm biệt. Đúng ra, lời tạm biệt sẽ trở nên thừa thãi trong những cuộc gặp gỡ nửa vời. Tôi đã trông thấy biết bao con người ghé đến và vội vã ra đi. Với đủ dạng người, mẹ tôi rất khéo léo bắt chuyện. Bà có một thứ duyên kì lạ mà tất cả đàn ông đi qua đều liếc mắt nhìn bà. Rồi họ không tiếc lời khen ngợi: “Ôi! Cô em đẹp quá! Bà chủ xinh phết nhỉ? Cho anh cà phê đá em ơi!”. Kèm theo lời nói là những hành động bá vai, hôn gió, đụng chạm lướt qua người mẹ tôi. Những câu nói đường mật, những cử chỉ đẩy đưa, tôi khi ấy quá nhỏ để hiểu ra rằng đó là lời mời gọi của những gã đàn ông đang muốn chạm vào mẹ tôi. Hiển nhiên, trông mẹ tôi chẳng có gì là chán ghét. Ngược lại, bà lại tỏ thái độ rất vui vẻ. Cho nên, những người lái xe vẫn đều đều ghé thăm.

Khi đó, tôi đang học lớp năm. Một cậu nhóc mười tuổi vẫn chưa biết cuộc đời phức tạp như những bài toán mà cô giáo hay giao cho tôi. Nhiều lần, tôi đã vò nát óc để tìm ra cách giải. Nhiều lần, tôi sung sướng đến mức muốn òa khóc. Những nỗi vui mừng kì lạ của một đứa học sinh như tôi. Đầu óc tôi không thông minh. Khả năng học tập của tôi chỉ dừng ở mức trung bình khá. Chật vật lắm tôi mới theo kịp chúng bạn đồng trang lứa. Không chỉ học trung bình tôi còn có một bộ dạng đen đúa và quan trọng hơn hết trông tôi rất thảm hại. Sự nghèo hiển hiện rõ trên hình dáng của tôi. Tôi không rõ cha mình là ai. Thật ra tôi cũng không biết tôi có cha không khi mọi người trong xóm hay nhìn tôi và thì thầm với ánh mắt dè bỉu.

- Nó là đồ con hoang.

- Con mẹ nó lẳng lơ khỏi chê. Đẻ hoang mà mặt mày còn kênh kiệu.

- Đúng, đúng, đời nào tui cho chồng tui đến quán nó.

- Đồ làm điếm làm đĩ đó nói làm chi mấy bà ơi!

- Mày ơi! Thằng Nam là con hoang đó, mẹ nó làm đĩ, mẹ tao không cho tao chơi với nó! Mà tụi mày cũng né nó ra đi!

Tai tôi đã lắng nghe những lời nói cay độc đó. Mắt tôi đã từng rưng rưng tủi hổ. Và lòng tôi đã có lúc thắt lại. Tôi đã tự hỏi những điều đó có nghĩa là gì. Cuộc sống ở trường của tôi đã trải qua những ngày tháng cô độc. Một mình. Tôi lủi thủi đi học, lủi thủi trở về. Một đứa nhóc như tôi khi ấy chẳng đủ mạnh mẽ để đứng vững giữa miệng đời. Có lần, tôi chạy về nhà. Trông từ xa, tôi thấy mẹ nói cười, tay chân quấn quýt những gã đàn ông. Điều ấy khiến tôi chựng lại, tủi nhục. Nước mắt tôi rơi, đánh tõm xuống lòng bàn tay. Tôi nghe rõ sự xấu hổ ngập tràn. Cớ sao, mẹ tôi vẫn cười? Tại sao, mẹ tôi chẳng khác nào thứ người mà bà con trong xóm hay nói?

Dần dà, tôi cứ nhốt mình trong sự tủi nhục. Tôi khi ấy không hề biết rằng trái tim tôi đã bị tổn thương. Sự tổn thương đến từ những người xung quanh mình. Không ai chào đón mẹ con tôi. Không ai muốn chơi với tôi. Cuối cùng, chỉ có tôi tự chơi với mình. Tôi vẫn nhớ những câu nói vô tình ấy. Nơi đâu có bạn bè, nơi đó không có tôi. Sự trốn tránh giúp tôi cảm thấy được an toàn. Như bản năng, tôi tự tạo cho mình vùng an toàn bảo vệ trái tim của chính mình một cách vô thức. Mỗi khi về nhà, tôi hầu như không nói gì, chỉ lẳng lặng ngồi ăn cơm với mẹ. Những khi ấy, mẹ hay xoa đầu tôi và gắp cho tôi những miếng thịt hiếm hoi trong ngày. Tinh thần của tôi trở nên tệ hơn. Dấu hiệu trầm cảm của tôi xuất hiện rõ rệt. Tôi chẳng màng học hành hay chơi đùa gì cả. Kết quả trên trường của tôi rất kém. Một hôm, cô giáo gọi tôi lên bảng trả bài. Tôi chưa học bài và đứng tần ngần trước lớp. Tôi im bặt trước những câu hỏi của cô giáo. Đến lúc cô giáo bực lên, cô giáo hỏi tôi:

- Nam, em trả lời cho cô: Tại sao em không học bài? Em còn tỏ thái độ đó với cô là sao?

- …

- Em học hành ngày càng sa sút. Ba mẹ không nhắc nhở em sao? Ai dạy em kiểu vô lễ đó vậy hả?

- ...

- Ba em làm gì?

- ...

- Mẹ em làm gì?

- Làm đĩ.

Tôi nhớ mình chỉ kịp nói ra hai tiếng ngắn gọn ấy. Tôi chỉ kịp nhớ sự ngỡ ngàng của cô giáo và mọi học sinh dưới lớp. Bỗng chốc, tôi có cảm tưởng thật nhẹ nhõm khi đã nói ra sự tủi hổ của bản thân mình. Bỗng chốc, tôi thấy tôi như cánh chim trời bay lượn giữa những đám mây xanh. Cơn gió thổi mát tâm hồn tôi. Màu xanh an ủi trái tim tôi. Nhẹ nhõm. Thật sự là vậy. Dưới lớp, các bạn bàn tán xì xầm to nhỏ. Tôi mặc kệ. Tôi bỏ chạy ra khỏi lớp. Con đường ra biển rộng thênh thang và đầy đá sỏi. Tiếng sóng biển đâu đây. Ầm ầm. Rì rào. Bọt sóng trắng xóa. Tôi đang đứng trước biển. Một vùng nước bao la rộng lớn. Xanh thẳm. Hoàng hôn đang dần buông. Chỉ có một cậu bé đang lắng nghe âm thanh của mẹ biển cả. Chỉ có tôi, một mình với những nỗi đau vô hình.

Ảnh: static1.squarespace.com

Tôi không hiểu vì sao tôi lại có thể mạnh miệng thốt ra hai từ “làm đĩ” đó. Tiếng ấy bật ra như một sự chấp nhận sự thật rằng mẹ tôi là một “con đĩ”. Trong đêm tối không trăng, tôi đã trông thấy mẹ tôi làm nghề mà tất cả mọi người hay bàn tán xôn xao trong xóm. Cặp mắt của tôi dòm qua khe cửa gian phòng bên được ngăn bằng vách dán mỏng manh. Tiếng thở hì hục. Tiếng rên rỉ ướt át. Hai thân thể lõa lồ quấn quýt nhau. Chiếc giường kêu cọt kẹt tưởng như sắp sập. Sự tò mò lẫn ngạc nhiên đã khiến tôi trố mắt kinh ngạc. Đôi bàn tay tôi đưa lên miệng để chặn tiếng kêu sắp bật ra của mình. Trước mắt tôi là khung cảnh đầy ma lực mà sau này khi đủ trưởng thành tôi mới chấp nhận được. Mẹ tôi và người đàn ông vạm vỡ kia đang quấn lấy nhau. Không một mảnh vải che thân, cả hai ghì chặt vào nhau. Điều đó như một nỗi đau ghê gớm, một sự minh chứng hùng hồn rằng mẹ tôi đã làm cái nghề dơ bẩn trong mắt người đời ấy. Sự việc ấy vẫn cứ diễn ra với vô số người đàn ông khi đêm khuya tràn ngập khắp xóm, khi tôi hoàn toàn chìm vào giấc ngủ say. Một đêm. Chỉ một đêm vì chứng mắc tiểu bất thình lình tôi đã trông thấy cảnh tượng hãi hùng đó. Những câu nói của bà con trong xóm, của bạn bè cùng trang lứa cứ ồ ập, tràn về bên tai tôi rõ mồn một. Nhiều đêm sau đó, tôi không tài nào chợp mắt khi tai tôi luôn lắng nghe từng âm thanh nóng hổi của phòng bên. Chính những hợp âm mà mẹ tôi và vô số người đàn ông tạo thành. Tôi nghe tiếng thì thầm của họ khi cuộc vận động kịch liệt của họ kết thúc:

- Đêm nay em rất quyến rũ và nóng bỏng. Anh thưởng em nha cô gái bé bỏng. Chuyến xe khác anh sẽ ghé thăm em. Chụt! Tiền em đây.

- Anh này, nhớ ghé đến nha anh!

- Ok em. Anh đi đây.

Tôi đã nghe hết tất tần tật những câu nói trao đổi mật ngọt giữa mẹ tôi và gã đàn ông. Mẹ tôi đã kiếm được những đồng tiền có mùi, có vị từ những đêm trao thân ấy. Tôi đã sống trong những đêm buồn đau. Chính vì sự đè nén khi đôi mắt tôi trông thấy, khi đôi tai tôi lắng nghe, khi trái tim bé thơ của tôi vỡ nát một cách vô hình mà tôi đã thốt ra hai tiếng “làm đĩ” trước sự ngỡ ngàng của những cặp mắt hiện diện trong lớp.

Có lẽ, tuổi thơ của mỗi người đều có rất nhiều sắc màu hòa trộn. Nó luôn đẹp và đáng nhớ. Riêng tôi, chỉ có một gam màu duy nhất. Lặng im. Một cậu bé khép kín và sống trốn tránh. Tôi chỉ có một niềm vui nhỏ bé là chạy ào ra biển nghe sóng vỗ vào bờ cát đầy sỏi. Biển vỗ. Đôi tay tôi cầm chiếc que bé xíu vẽ trên cát những hình vẽ kì lạ. Tôi đã vẽ một mái nhà nhỏ bé. Trong ngôi nhà đơn sơ ấy, có ba tôi, có mẹ tôi, có một bữa cơm ấm cúng và đủ đầy. Tôi được học những điều đó trong sách vở, trong lời dạy của thầy giáo Mỹ thuật. Một mái nhà chính là đây. Trọn vẹn và đủ đầy.

Từ khi lọt lòng, cho đến lúc này, tôi chưa từng biết cha mình là ai. Cho dù tôi đã từng ngồi im gắp những miếng cơm khô cằn đưa vào miệng, giọng nói nhỏ bé của tôi phát ra khi tôi hỏi mẹ rằng: “Ba con là ai?”. Mãi mãi về sau, tôi đều chỉ nhận được sự lặng im nơi mẹ. Tựa như, ba tôi không hề tồn tại trong cuộc sống của mẹ con tôi. Tựa như, tôi sinh ra là điều kì lạ trên đời. Tựa như, sự thắc mắc trong lòng tôi là sự khó chịu trong lòng mẹ. Khi ấy, nom mẹ tôi thật trầm mặc. Khác hẳn với một người mẹ nhiệt tình, niềm nở mà tôi trông thấy ban ngày hay những đêm khuya khi mà tôi ngủ say. Sự lặng im nơi mẹ khiến tôi ngu ngơ nhận ra hình như là mình đã làm cho mẹ không vui. Sự thắc mắc nơi tôi khiến tôi hiểu rằng ba tôi không hề tồn tại cho dù tôi có nhận bao lời chê bai, dè bỉu của mọi người: “Đồ con hoang!”.

Những ước mơ tưởng chừng nhỏ bé như bao người bỗng chốc lớn lao trong suy nghĩ của tôi. Sự căm hận nơi tôi bỗng chốc hình thành nên một khối bền vững. Tôi ghét mẹ. Vì sao mẹ tôi lại thế? Vì sao cuộc sống có biết bao nghề, mẹ tôi lại chọn cho mình cái nghề mà xã hội khinh thường, nếu không gọi là vô lương tâm? Tôi ghét mẹ. Tại sao lại sinh tôi ra để nghe tiếng đời thị phi? Tại sao khi tôi hỏi ba thì mẹ đều im lặng. Tuyệt nhiên không cho tôi một câu trả lời để tôi có thể chạy ù tới tất cả mọi người mà tuyên bố rằng: Tôi có cha. Tôi không phải là đồ con hoang. Sự căm ghét mẹ khiến tôi chỉ muốn xa lánh mẹ. Mẹ tôi hay nhìn tôi và cười ấm áp. Mẹ tôi bắt tôi đi học dù tôi rất ghét trường học. Không biết bao nhiêu lần mẹ tôi đã ép tôi đến trường trong sự miễn cưỡng. Nơi đó, tôi chỉ sống trong ánh nhìn ái ngại của bạn bè. Nơi đó, tôi cũng chỉ một mình. Về nhà, tôi thường tỏ ra khó chịu với mẹ trong sự im lặng. Mẹ vẫn thế. Sự ân cần của mẹ khiến tôi càng cắn rứt và bực tức hơn. Và mỗi đêm, khi nghe tiếng rên rỉ của mẹ, tôi chỉ muốn chạy đi đâu đó thật xa để âm thanh kia đừng rót vào tai tôi. Tại sao mẹ lại thế? Mẹ ơi! Tôi đã gào thét câu nói ấy suốt những năm tháng đau thương vô hình đó. Cuộc sống của tôi cứ thế, lớn dần.

Có một lần, ở trường, khi ấy tôi học lớp 11 ở trung tâm thị xã. Một cuộc ẩu đả diễn ra tại trường giữa tôi và Hùng – cậu bạn cùng lớp. Sau cuộc đọ sức với Hùng tôi được mời thẳng lên phòng giám thị. Riêng Hùng phải nhập viện vì bị ngất sau cú đấm như trời giáng của tôi. Hiển nhiên, phụ huynh hai bên gia đình đều được mời đến. Ánh mắt của đứa bạn đó khiến tôi khi ấy chỉ muốn bay đến đánh vỡ xương hơn là một cú đấm. Sự hằn học của tôi lên đến đỉnh điểm. Mẹ tôi đưa tôi về, sau một khoảng thời gian yêu cầu tôi xin lỗi mẹ Hùng và cả Hùng không thành. Mẹ tôi xin thầy giáo đưa tôi về để khuyên bảo và hứa sẽ dắt tôi đến xin lỗi. Mẹ dắt tôi về nhà. Trên mặt tôi đầy vết bầm tím và sự bực tức. Mẹ tôi dùng thuốc xoa nhẹ những vết bầm. Tôi im lặng. Mẹ hỏi tôi một cách từ tốn:

- Tại sao con không xin lỗi bạn?

- …

- Vì sao con đánh bạn? Bạn bè trong lớp có gì mà phải đánh nhau đến mức này. Mẹ hỏi tại sao lại im lặng?

- …

- Này Nam! Con trả lời mẹ coi. – Có lẽ mẹ đã nổi cáu vì thái độ của tôi.

- Nó nói mẹ làm đĩ. – Tôi buông nhẹ câu nói. Tựa như, tôi chẳng có gì ngạc nhiên với điều đó. Một câu nói đủ khiến mẹ tôi khựng lại.

- Con nghe lời mẹ. Ngày mai, mẹ sẽ dắt con đến xin lỗi bạn Hùng. Con cần đi học. – Giọng nói mẹ tôi trở nên chậm rãi và hình như là nghèn nghẹn.

Mẹ tôi bước thẳng về hướng nhà sau. Tôi dõi theo. Tôi đã kịp trông thấy ánh mắt đỏ hoe của mẹ. Tiếng nước chảy xối thẳng lên mặt mẹ. Mẹ tôi lại tiếp tục công việc niềm nở với những gã tài xế mà tôi ghét. Mẹ lại lẳng lơ dù cho tôi đã quá quen với điều đó. Sự quen ấy khiến tôi không buồn thắc mắc hay ngỡ ngàng nữa. Tôi giống như đã chấp nhận sự thật rằng mẹ tôi đang trở thành thứ xấu xa mà mọi người nói đến. Kể cả, khi tôi lớn đến tầm đó, tôi cũng hiểu ra rằng, mẹ tôi không thể khác và trong sạch được nữa. Tôi đã sống với điều đó như một thứ hiển nhiên của cuộc đời tôi.

Hơn một năm sau, mẹ tôi – người mẹ mà tôi đã từng chán ghét vì sự tủi hổ của mình vĩnh viễn biến mất. Mẹ tôi ra đi không một lời. Sự ra đi ấy còn hơn cả một nỗi ám ảnh đau đớn trong tôi. Khi ấy, tôi chỉ mới là một cậu học sinh lớp 12. Mẹ đã để lại trong tôi những cắn rứt cả một đời. Tôi chẳng kịp nhớ mình đã làm gì. Tôi òa khóc như một đứa trẻ đi lạc. Tôi thấy cuộc đời tôi bơ vơ, lạc lõng đến đáng thương. Khi tôi quá bé, tôi một mình, không bạn bè nhưng tôi vẫn cảm giác an toàn vì có mẹ. Chí ít, lúc đó tôi còn có mẹ. Chí ít, mẹ vẫn bên tôi dù cho tôi có như thế nào. Bà đã bên tôi những ngày tháng đau thương ấy. Bà đã cố gắng cho tôi một cuộc sống như mọi đứa trẻ khác, trừ một người ba. Người mẹ mà tôi đã từng ghét bỏ vì sự tủi nhục đã vĩnh viễn ra đi. Bà đi khi chưa kịp nhìn tôi. Và tôi chỉ kịp nhìn bà khi hơi thở của bà chỉ còn sự lặng im. Tuyệt vọng. Nỗi tuyệt vọng dâng lên trong lòng tôi. Đau đớn. Tôi cảm giác cuộc đời mình đáng thương. Một khi, đời chúng ta mất đi một người mẹ, dù là trẻ con hay đã trưởng thành, tất cả đều đáng thương. Tựa như khi ấy, cả thế giới mất đi một điều quý giá. Tình thân luôn là điều kì diệu để chữa lành những vết thương lòng. Rồi tình thân sẽ khiến mỗi người nhận ra ý nghĩa đời mình. Như tôi khi đó. Tôi chỉ mong ước có mẹ, kệ tất cả miệng đời, kệ hai tiếng “làm đĩ” đáng khinh kia. Tôi vẫn chỉ cần có mẹ ở bên.

Ảnh: equivida.com

Tang lễ mẹ tôi kết thúc. Mọi người đến viếng trong sự im lặng. Tôi ngồi nhìn nấm mộ mới xây. Di ảnh mẹ tôi thật đẹp. Trên tấm bia, mẹ tôi cười rất đẹp. Hôm nay, tôi ngồi đây. Trên tay tôi là một cuốn sổ cũ kĩ. Những nét chữ nguệch ngoạc của mẹ tôi. Thứ duy nhất mẹ để lại cho tôi là cuốn sổ tiết kiệm ngân hàng, một tấm ảnh và một cuốn sổ dày. Tôi lật nhẹ trang cuối cùng, vào giây phút mẹ tôi lìa đời.

“Ngày… tháng… năm…

Chào con trai của mẹ! Cu Nắng đen thui của mẹ. Khi con đọc đến đây cũng là lúc mẹ đã ra đi. Mẹ chỉ đi du lịch thôi. Lâu lắm! À không, cả đời mẹ chưa đi du lịch. Lần này, mẹ đi xa lắm! Sẽ khó gặp con. Hôm nay, con hãy nghe mẹ nói!

Mà hứa với mẹ nhé! Con đừng gục ngã. Con hay hỏi mẹ "Cha con là ai? Con sinh ra từ đâu?". Khi ấy, mẹ đã im lặng. Mẹ xin lỗi. Mẹ quá ích kỉ rồi. Mẹ gặp ba con vào một đêm định mệnh. Xe ba con hư và vào nhà mẹ xin giúp đỡ. Ba con cũng làm nghề tài xế như những khách quen hay đến quán mình. Sau đó, trên những chuyến xe, lần nào đi ngang qua con đường quốc lộ này, ba đều ghé vào thăm mẹ. Mẹ và ba yêu nhau trong những lần hiếm hoi ấy. Ba con tên Hải. Người miền ngoài hay đi xe chở hàng vào trong Nam. Và rồi một ngày, ba con rời đi không một tin tức. Mẹ chờ đợi mỏi mòn khi mẹ mang thai con được ba tháng. Mẹ cảm tưởng mẹ không thể chịu đựng nổi vì sự ra đi không hồi đáp ấy của ba con. Nhưng, con biết không? Chính nhờ con, mẹ đã có động lực sống đến tận bây giờ. Con chính là tia hi vọng cuối cùng của mẹ. Mẹ vẫn ở đây, nghe tiếng đời. Và mẹ đã làm cái nghề bẩn thỉu ấy. Vì mẹ cần tiền con à! Mẹ muốn bù đắp nỗi bất hạnh cuộc đời con bằng một cuộc sống tốt hơn. Mẹ quá nghèo để cho con đầy đủ. Đồng tiền của mẹ kiếm được dường như là nỗi tủi nhục của con. Mẹ hiểu. Mẹ cảm thấy có lỗi với chính con. Mẹ những tưởng, chỉ cần có tiền, mẹ sẽ cho con tất cả. Không có ba, mẹ vẫn cho con được điều đó. Mẹ không bận tâm thiên hạ nghĩ gì. Mẹ chỉ cần con. Nhìn vào mắt con, mẹ hiểu con cần một người ba như thế nào. Nhưng, mẹ không thể nói ra. Vì mẹ ích kỉ, mẹ rất hận ba con. Mẹ đã chờ đợi trong vô vọng như cách con chờ đợi câu trả lời từ mẹ. Mẹ thà để con ghét mẹ chứ mẹ không muốn con biết sự thật rằng ba con đã bỏ rơi mẹ và con. Mẹ thà để con ghét mẹ vì mẹ lẳng lơ chứ mẹ không muốn con không có tiền để ăn học. Giữa cái đói nghèo này, miệng đời không nuôi nổi mẹ con mình. Mẹ chấp nhận điều đó. Đến hôm nay, mẹ đã không còn sức lực để bên cạnh con. Đời có nhân có quả con à, mẹ hiểu điều đó. Mẹ đã mắc căn bệnh ung thư tử cung giai đoạn cuối. Mẹ biết khi con đọc tới đây, con sẽ buồn lắm! Mẹ vẫn tin con trai mẹ yêu thương mẹ dù cho con luôn lầm lì, ít nói. Mẹ đã thấy vui khi biết được rằng con đã bảo vệ mẹ với miệng đời khi con đánh nhau với bạn. Mẹ chỉ muốn con mạnh mẽ lên, con hãy tiếp tục học hành. Mẹ xin lỗi vì đến lúc này mẹ cũng không thể cho con câu trả lời rằng "Ba con đang ở đâu?". Đó có lẽ là điều tiếc nuối nhất mà mẹ không thể dành cho con. Con trai mẹ! Cuốn sổ ngân hàng mẹ cất nơi góc tủ là tất cả những gì mẹ có. Con hãy dùng nó hợp lí và mạnh mẽ sống tốt nha con! Một mai, khi mẹ đi du lịch xa về mẹ mong sẽ trông thấy con trai mẹ thành tài, học hành đỗ đạt. Con đừng hận ba con, điều đó sẽ khiến con đau đớn. Con hãy sống và bao dung để mẹ luôn thấy con bình yên. Mẹ muốn con hạnh phúc! Mẹ xin lỗi! Mẹ yêu con trai của mẹ!"

Ảnh: static.wixstatic.com

Cả đời mẹ là sự chờ đợi không hồi đáp. Tình yêu của mẹ là chuỗi ngày đắng cay. Cuộc sống của mẹ là nỗi tủi nhục không hồi kết. Mẹ đã cho tôi tất cả những gì mẹ có thể. Chỉ tiếc là tôi quá ích kỉ để nhận ra điều đó sớm hơn. Sự chờ đợi trong tình thân luôn là những mất mát đau thương. Mẹ chờ đợi ba. Tôi chờ đợi mẹ. Tất cả đều chờ đợi một câu trả lời từ người mà mình yêu thương nhất. Mẹ đã ra đi để lại tôi, một đứa con chưa lớn. Mẹ đã ra đi để lại tôi nỗi cô độc. Nhưng, sau tất cả, mẹ vẫn là mẹ, vẫn dành cho tôi những gì đẹp nhất. Chỉ là tôi, một đứa trẻ chưa bao giờ nhận ra và hiểu mẹ.

Nước mắt tôi tuôn ra không kìm nén được. Tôi đã khóc. Những giọt nước mắt ướt nhòe trang giấy, ướt nhòe dòng chữ nguệch ngoạc của mẹ tôi. Những nỗi tủi nhục, những giận hờn chán ghét, những đau thương bất hạnh, những mất mát vô hình, tất cả hòa vào thành những dòng nước mắt. Tôi đã khóc để biết rằng mình được khóc. Tôi đã khóc vì cuộc đời mẹ tôi! MẸ ƠI!

Mẹ ơi! Con xin lỗi! Con yêu mẹ! Con sẽ sống tốt và thành tài như điều mẹ mong. Một ngày nào, ở xa lắm, con chưa rõ ba con ra sao, nhưng con đã biết: Cuộc đời có mẹ với con đã là điều hạnh phúc rồi mẹ ạ. Mẹ đi du lịch vui nha mẹ! Con trai của mẹ sẽ trưởng thành! Con vẫn là thằng cu Nắng của mẹ, mẹ à!

Ảnh: peacewithin.net.au

Cuộc sống luôn là những mất mát bình yên. Tình thân, bằng cách này hay cách khác, tất cả đều chở che và bảo vệ ta dù có lúc ta đã từng tuyệt vọng và muốn từ bỏ nó. Hãy yêu thương khi còn có thể! Hãy bao dung để thấy đời vẫn đẹp! Chỉ cần tình thương, nỗi đau sẽ được xoa dịu. Chỉ cần có mẹ, đời ta sẽ bình yên. Mẹ tôi đã cho tôi điều đó. Tôi chỉ muốn nói thế thôi!

Điều cuối cùng mà tôi muốn nói lúc này:

Mẹ ơi, con nhớ mẹ!

Mẹ là ánh nắng ấm áp cuộc đời con!

 

 

 

Author: Kỳ Kỳ

News day