"Nắp biển" - Khúc tình ca dung dị của cuộc sống
CTV Thảo Nguyên 03/07/2018 12:30 PM
"Là con người, ta có năng lực vô biên. Cho dù có ai đó cố gắng xóa bỏ nó, ai đó cố tình cào bằng nó, dù có bị kìm kẹp đến đâu thì năng lực ấy cũng không bao giờ mất" (*)

Những ai là fan trung thành của nữ nhà văn Banana Yoshimoto, sau khi đọc xong “Nắp biển” - cuốn sách mới được phát hành ở Việt Nam gần đây - hẳn sẽ cảm thấy có chút lạ lẫm. Dường như “cô Chuối” không còn là cô Chuối của ngày xưa nữa. Khác với những “Amrita”, “N.P” hay “Hồ” với bầu không khí ma mị kì lạ được dựng lên giữa các nhân vật, với những tình tiết về tâm linh, tôn giáo hay giác quan thứ sáu; “Nắp biển” dung dị, đời thường hơn hẳn, có lẽ bởi sự đổi khác trong chính tâm hồn người chắp bút viết nên cuốn sách.

Bìa sách "Nắp biển" do Nhã Nam phát hành. Ảnh: Bookaholic

Toàn bộ câu chuyện chỉ gói gọn trong một mùa hè duy nhất, tại một thị trấn duy nhất, xoay quanh chỉ hai nhân vật: cô gái bé nhỏ Hajime vừa mất đi người bà thân yêu cùng Mari - đứa con của biển cả, chủ một quán đá bào đơn sơ. Hajime gặp Mari tại nơi mà cô bé tìm đến để quên đi nỗi đau sau cái chết của bà, ở đó hai chị em đã cùng nhau khám phá thị trấn ven biển nơi Mari đã sinh ra và lớn lên. Không có những mối quan hệ lằng nhằng, phức tạp, cũng chẳng hề xuất hiện những suy nghĩ, trăn trở có phần méo mó, kì dị như các nhân vật khác của Banana Yoshimoto. Ta không thể tìm thấy một biến cố lớn nào, tựa như vụ ngã dẫn đến đánh mất một phần trí nhớ của Sakumi trong “Amrita”, vụ loạn luân rắc rối trong “N.P” hay tuổi thơ thảm họa của nam chính trong “Hồ”. “Nắp biển” chỉ đơn giản là một khúc ca của cuộc sống thường ngày, khi vạn vật không ngừng biến đổi theo thời cuộc và những kẻ hoài niệm dường như bị bỏ rơi, chỉ biết bơ vơ nhìn quê hương mình khác đi từng ngày để rồi nhung nhớ quá khứ.

"Nắp biển" đẹp như một khúc tình ca, nhưng không dành cho những người yêu nhau, mà khúc tình ca này dành cho cuộc sống. Cả Mari và Hajime đều là những cô gái mang trong mình nhiều nỗi đau. Có một điểm rất thú vị trong cách mà “cô Chuối” xây dựng cặp bạn thân này: Mari lớn tuổi hơn nhưng tâm hồn lại trong sáng, trẻ trung, vô cùng thẳng thắn bộc trực. Còn Hajime có thể là một tiểu thư đỏng đảnh do được cưng chiều, nhưng về bản chất cô bé lại rất già dặn, trưởng thành, điềm đạm. Hẳn vì vậy nên họ mới có thể dựa dẫm vào nhau, bù đắp cho nhau, cùng nhau vượt qua những trăn trở vụn vặt để tiếp tục sống, tiếp tục cố gắng hết mình và yêu thương nhiều hơn. Mari chữa lành vết thương tâm hồn của Hajime, còn Hajime bồi đắp lại cho Mari tình yêu với chốn quê hương, xứ sở mà cô vốn đang dần ghét bỏ bởi sự đổi thay của nó.

"Nắp biển" đẹp dịu dàng như một khúc tình ca. Ảnh: Pinterest

Tuy thế, ta vẫn có thể thấy thấp thoáng đâu đó trong cuốn sách nhỏ này bóng dáng của một “cô Chuối” cũ. Banana Yoshimoto chỉ trải nghiệm nhiều thêm, trưởng thành thêm chứ sẽ chẳng khi nào đánh mất những gì đã làm nên cái riêng, làm nên tên tuổi của cô. Đọc văn "cô Chuối", ta luôn nếm được một hương vị kì lạ, hòa quyện hoàn hảo từ cái đắng ngắt của nỗi đau với cái ngọt ngào của tình cảm. Cái chết, lạ lùng thay, lại thường là khởi nguồn của một mối quan hệ mới, một suy nghĩ mới, một lối sống mới. Giống như cách mà cô gái trong “Amrita” đến với người tình của em gái mình sau khi em gái tự tử, hay cái cách nữ chính truyện “N.P” trở nên đặc biệt thân thiết với ba chị em Saki, Otohiko, Sui nhờ vào nỗi ám ảnh khôn nguôi với một truyện ngắn được viết và dịch bởi hai người đã chết. Giống như cách mà Hajime đến với thị trấn biển của Mari. Nỗi đau và cái chết luôn được ngòi bút của Banana khắc họa một cách rất nhẹ nhàng, ngọt ngào, thậm chí là ấm áp, khiến người ta không khỏi thở phào: à, cái chết hóa ra không đáng sợ đến thế, à, cuộc sống vẫn còn tươi đẹp biết bao! "Cô Chuối" luôn gửi gắm đến độc giả một lòng nhiệt thành, một niềm đam mê vô bờ bến, sự cố gắng vượt qua buồn đau để hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ qua các tác phẩm của mình. Có lẽ chính cô là người yêu cuộc sống hơn bất cứ ai!

Bất giác, ta lại nhớ đến cuốn sách đầu tay của "cô Chuối" - “Kitchen”. Xét về mọi mặt, dường như nữ tác giả đang muốn tìm về với chính khởi nguyên của bản thân mình bằng “Nắp biển”. Bởi lẽ giữa hai cuốn này có nhiều điểm tương đồng: sự mơ màng, lơ đãng của các nhân vật, sự chậm rãi, không chút cao trào của mạch truyện và cả bầu không gian được tạo nên từ những điều gần gũi, quen thuộc nhất. Cô nàng nữ chính Mikage, cũng vừa mất bà như Hajime và cũng chuyển đến sống cùng một người xa lạ để tự xoa dịu mình, đã tìm thấy niềm vui trong căn bếp nhỏ của nơi ở mới, hệt như Hajime phải lòng thị trấn biển sau quãng thời gian vui vẻ cùng Mari. Nếu có khác chăng thì chỉ là ở “Nắp biển”, người ta nhận ra tác giả đã tinh tế hơn, điềm đạm hơn, trầm tư hơn.

Hajime và Mari trong bộ phim chuyển thể từ truyện. Ảnh: BanhTV

Đọc xong “Nắp biển”, hẳn ai cũng sẽ muốn bỏ ngang mọi việc đang làm để trở về với vòng tay quê hương. Banana Yoshimoto đã gửi đến người đọc một thông điệp quá đỗi dung dị nhưng lại ít ai nhận thấy: quê hương làm nên con người. Thị trấn biển nơi có mũi đất hoàng hôn, gốc liễu già, vương quốc thủy tề giữa hõm đá chính là những gì đã làm nên Mari của hiện tại. Chúng là máu thịt, là tâm hồn Mari, chúng khiến Mari chỉ là Mari thôi chứ không phải bất cứ ai khác. Thêm vào đó, tác giả cũng nói lên một chân lý hiển nhiên: thay đổi là quy luật. Không gì cưỡng lại được sự thay đổi, mọi thứ sẽ khác đi từng ngày, ta sẽ phải đứng nhìn những điều ta yêu thương dần dần biến mất. Thứ duy nhất chúng ta làm được chính là cô đọng các khoảnh khắc bằng niềm vui, niềm hạnh phúc, để chúng trở thành một phần kí ức tươi đẹp của chúng ta và mọi người xung quanh, để chúng sống mãi, dù chỉ là trong trí óc chúng ta mà thôi.

Bởi lẽ, như Mari đã nói trong truyện:

“Nếu như tất cả mọi người đều sống đầy ắp như vậy đối với tất cả mọi điều xung quanh thì có lẽ cuộc đời này đã...

Có lẽ nó sẽ trở thành một ánh sáng lớn tựa một mạng lưới ánh sao, ánh sáng ấy sẽ tỏa sáng ngay cả trong bóng đêm mịt mùng tràn ngập không gian tưởng chừng không gì đấu lại”.

(*) Trích "Nắp biển" - Banana Yoshimoto

 

Author: CTV Thảo Nguyên

News day