NATO ra quyết định trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga
Bình Nguyên 03/28/2018 01:30 PM
Đây là hành động chống lại Nga mạnh mẽ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi Mỹ, một số thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác lên kế hoạch trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga để phản ứng lại vụ điệp viên Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh.

Động thái của NATO được cho là nhằm đáp trả vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại Salisbury (Anh) ngày 4/3. Hiện tại, Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ việc, trong khi Moscow nhiều lần bác bỏ. Moscow đề nghị Anh cung cấp mẫu chất độc nghi được sử đụng để tấn công cựu điệp viên Nga, nhưng London từ chối.

Trước đó, ngày 26/3, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố phản đối các lệnh trục xuất đến từ Mỹ và phương Tây và cho biết sẽ có những hành động đáp trả thích đáng. 

Cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại Salisbury. Ảnh: AFP

Theo AFP, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tại Brussels (Bỉ) đã tuyên bố thu hồi giấy phép của 7 nhân viên phái đoàn Nga tại NATO và từ chối đề nghị cấp phép của ba nhân viên Nga khác. Ngoài ra, NATO cũng tuyên bố giảm quy mô nhân sự của phái đoàn Nga tại NATO từ 30 người xuống còn 20 người.

“Điều này gửi thông điệp rõ ràng đến Nga về cái giá phải trả”, ông Stoltenberg nói về cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal vào hôm 4/3, tuy nhiên, nhấn mạnh rằng, khối đồng minh vẫn tìm kiếm sự đối thoại với Moscow thông qua hội đồng Nga – NATO.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Trước đó, 23 quốc gia, trong đó có 16 nước trong Liên minh Châu Âu bao gồm Mỹ, Canada, Australia, Anh, Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Séc, Na Uy, Phần Lan, Litva, Macedonia… đã đồng loạt đưa ra những quyết định trục xuất với các nhà ngoại giao Nga. Hiện tại, hơn 100 nhà ngoại giao Nga trên toàn thế giới đã bị trục xuất.

NATO hiện đang chờ đón một đại sứ Nga mới sau sự ra đi của ông Alexander Grushko, người được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách quan hệ với châu Âu vào tháng 1.

Từ sau khi chấm dứt Chiến tranh lạnh, NATO đã có mối quan hệ tốt với Nga và thậm chí từng hợp tác với Nga trong chiến dịch Balkan vào những năm 1990. Tuy nhiên, kể từ sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea và khủng hoảng Ukraine, NATO đã trì hoãn tất cả sự hợp tác quân sự và dân sự, đồng thời chỉ duy trì đối thoại và tiếp xúc chính trị ở mức hạn chế.

Author: Bình Nguyên

News day