Nga chỉ phê chuẩn Hiệp định Paris nếu phương Tây dỡ bỏ trừng phạt
Sam Sam 11/01/2017 01:30 PM
Nga sẽ không phê chuẩn các điều khoản của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính nếu như phương Tây không chịu dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt vào nước này.

Tuyên bố trên được Cố vấn Chính phủ Nga về các vấn đề môi trường Rashid Ismailov đưa ra chỉ vài ngày trước thềm Hội nghị về chống biến đổi khí hậu diễn ra tại thành phố Bonn (Đức) từ ngày 6 – 17/11/2017.

"Để phê chuẩn Hiệp định Paris, chúng tôi cần thảo luận về việc bãi bỏ một phần các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các công ty của chúng tôi. Các công ty của Nga phải được tiếp cận các nguồn tài chính, cũng như các định chế tài chính và các quỹ nước ngoài để thực hiện cải cách trong lĩnh vực môi trường", ông Ismailov trả lời với Reuters.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được gần 200 nước ký kết năm 2015. Ảnh: AP

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Theo báo cáo, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2016, mỗi năm lại có thêm 125 triệu người trên thế giới gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng. Kể từ năm 2000, năng suất lao động của nông dân giảm 5,3%, chủ yếu do thời tiết nắng nóng tại những nước như Ấn Độ, Brazil khiến sức khỏe của họ giảm sút. Do mùa màng thất bát, số người bị suy dinh dưỡng tại các nước ở châu Á và châu Phi đã tăng lên 422 triệu người vào năm 2016. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân gây ra dịch sốt xuất huyết, khiến mỗi năm có tới 100 triệu lượt người mắc bệnh này.

Nga là nước có lượng khí thải carbon lớn duy nhất chưa phê chuẩn Hiệp định Paris nhằm hạn chế lượng khí thải CO2 toàn cầu và các khí khác, được gần 200 quốc gia ký vào năm 2015.

Moscow miễn cưỡng phê chuẩn thỏa thuận là do áp lực lên ngành dầu khí của nước này, theo ông Vladimir Chuprov, giám đốc chương trình năng lượng của Greenpeace Russia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay với Giám đốc điều hành Exxon Mobil Rex Tillerson trong một buổi lễ trao giải người đứng đầu và nhân viên của các công ty năng lượng lớn tại St. Petersburg, Nga 21/6/2013. Ảnh: Sputnik

Dầu khí là ngành xuất khẩu chính của nước này. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết gần 40% thu nhập của Chính phủ Nga vẫn phụ thuộc vào giá dầu.

Giới chuyên gia cho rằng dù có miễn cưỡng phải phê chuẩn thỏa thuận Paris hay không, thì Nga phải nhìn nhận thực tế về tình hình thời tiết cực đoan mà nước này đang phải hứng chịu. Các chuyên gia khí tượng Nga thống kê được rằng những hình thái thời tiết cực đoan tại nước này trong 15 đến 20 năm qua đã gia tăng gấp đôi, với những trận bão lớn, gió mạnh và mưa khủng khiếp. Chỉ riêng năm ngoái đã diễn ra 590 hiện tượng khí tượng nguy hiểm.

Các nhà khí tượng học cho biết, đất nước này cũng đang chứng kiến - hoặc ​​sẽ chứng kiến - những đợt nắng nóng và hạn hán kỷ lục ở các khu vực nông nghiệp ở miền Nam, gia tăng số lượng đám cháy rừng và sự tan băng của lớp băng vĩnh cửu, bao gồm hơn 60% lãnh thổ của Nga trong những năm tới.

Author: Sam Sam

News day