Trại trẻ mồ côi nằm trên một ngọn núi cao. Vào mùa đông, có tuyết rơi phủ kín sườn núi. Gió cuốn tuyết bay dày đặc khiến cho từ dưới thị trấn nhìn lên, trại bị che lấp hẳn, không thấy gì cả ngoài màu trắng xoá của từng hạt tuyết. Sương rơi từng giọt tí tách, lăn tăn, nhiều đến nỗi lũ trẻ lấy ca hứng rồi dùng nước sương ấy để rửa mặt hoặc uống. Tuyết cuồn cuộn xoáy ào ạt khắp thung lũng, gió lạnh buốt khiến cho cậu bé ngày hai buổi mang thức ăn đến trại, chìa đôi tay cóng rét của mình ra trước lò sưởi để sưởi ấm. Cậu khổ sở vì thời tiết lạnh giá.
- Đường đi hẹp vả lại tuyết rơi dày, em đeo găng, mang tất đội cả mũ thế mà vẫn cảm thấy lạnh tê người. - Phi nói.
Cậu bé bảo cậu thích tiết trời mùa xuân ấm áp và mát mẻ. Đây cũng là khoảng thời gian hoa đỗ quyên nở đỏ rực khắp các triền núi. Nhất là vào buổi sáng, cả rừng hoa lấp ló đằng sau màn sương trắng ảo, đẹp mê ly. Hoa bung mình ngập tràn sườn đồi, luồn lách giữa những khóm tre, bên lan can những căn gác nhỏ và dưới những lối đi vào làng. Gió tháng tư mơn man nhẹ nhàng, lay động cánh rừng bạt ngàn hương hoa.
- Đỗ quyên có nhiều màu, đỏ vàng, tím… đua nhau khoe sắc. - Phi nói thêm.
Tôi đến đây vào cuối mùa thu. Tôi cần một không gian yên ắng và thanh bình, cô lập với thế giới xô bồ ngoài đời sống xã hội để viết một cuốn tiểu thuyết, để hưởng thụ bầu không khí trong lành, tinh khiết nơi miền núi và cũng là để thoả mãn nỗi nhớ cố hương, nhớ mùi khói mẹ thường đốt vào tháng mười hai, những củ khoai nướng vùi trong lửa, những trái đào chín mọng, những cây cọ xinh xắn và những ngọn đồi xanh mướt. Tôi đã tìm thấy những hình ảnh thân thuộc tại đây khi sống trong ngôi làng bé nhỏ bằng gỗ thuộc phạm vi trại mồ côi, cách trại hơn hai dặm đường.
Trong lúc thuê ngôi nhà này, tôi có nhờ Phi vào mỗi buổi chiều đến giúp tôi bổ củi dùng cho lò sưởi. Cậu bé rất ngoan, nghe lời tôi. Khi thời tiết ấm dần lên, tôi bảo cậu đừng bổ củi nữa nhưng cậu vẫn đến mang theo những quả mận chín đỏ ối, vừa mềm lại vừa ngọt.
Một trưa rất muộn, tôi rời mắt khỏi màn hình chiếc máy vi tính, bỗng giật mình khi thấy một thằng bé đang đứng ở ngách cửa. Chú chó hachi, người bạn đồng hành của tôi trong suốt chặng hành trình nằm ngay dưới chân cậu, ngoe nguẩy đuôi thậm chí nó còn không sủa một tiếng để cảnh báo tôi. Đứa bé khoảng mười một tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn. Cậu mặc chiếc quần cụt ngủn, áo sơ mi bạc màu. Trời rét nhưng cậu đi chân không.
Cậu bé nói.
- Em thay bạn Phi đến để bổ củi.
- Nhưng chị đã nói với Phi là không cần nữa rồi mà… - Ngay sau đó tôi ngưng bặt khi nhìn trong lò sưởi chỉ còn lại những vụn củi bé tí, sắp tàn hết. Mà ngoài trời dường như đã lạnh trở lại. Chỉ tại tôi mặc nhiều áo quá với lại đang ngồi cạnh lửa nên không cảm giác được cái lạnh đang bủa vây.
- À, ừm… nhưng em nhỏ thế kia, chị sợ em làm không nổi.
- Quan trọng là sức khoẻ chị à, chị nhìn em nhỏ con như vậy nhưng em mạnh lắm. Em làm công việc này trong trại lâu lắm rồi.
Tôi đang tính xem cái khoản "lâu lắm rồi" là bao nhiêu trong khi người cậu chỉ đứng ngang ngửa bụng tôi. Chắc hẳn tuổi thơ cậu chỉ dùng cho mỗi việc… bổ củi mà thôi.
Ý tưởng dâng trào, tôi không muốn tiếp tục câu chuyện với cậu bé kia và tôi cũng không thể tin nổi là cậu có thể đảm đương công việc nặng nhọc này. Tôi đưa búa cho cậu và nói.
- Em hãy ra ngoài sân sau và làm những gì em có thể làm được.
Cậu bé nhanh nhẹn cầm lấy và chạy ào đi. Tôi nói với theo.
- Đừng cố sức nhé!
Tôi khép cửa lại, ngồi vào bàn tiếp tục công việc dở dang. Tiếng kéo lê cành cây sột soạt làm tôi không tập trung được. Rồi sau đó cậu bé bổ xuống từng nhát củi, thanh âm nhẹ nhàng hoà lẫn vào dòng suy tưởng của tôi. Hơn một giờ đồng hồ tôi ngừng gõ, duỗi thẳng người lắng nghe những tiếng bước chân của cậu ngoài sân. Hướng tây, ánh mặt trời dần tắt. Cả thị trấn chìm trong bóng hoàng hôn nên thơ và dịu dàng. Những tia nắng hồng còn sót lại xuyên qua các dãy núi, các mái ngói quyện vào mây trời, đan xen lẫn nhau vẽ nên một bức hoạ vừa thực vừa ảo.
- Em đã làm xong. - Cậu bé đứng ngoài cửa sổ nói. - Sáng mai em sẽ lại tới.
- Cảm ơn em nhé! - Tôi nói, bảo cậu đợi một lát rồi vòng ra sau bếp cào từ trong lò ra mấy củ khoai đưa cho cậu. Dù cậu nói đây vốn dĩ là công việc của mình nhưng tôi nghĩ vẫn nên thưởng công cho cậu vì điều này là hoàn toàn xứng đáng.
Sau khi cậu về, tôi bước ra sân sau và quá đỗi kinh ngạc. Những đống củi chất đống thẳng tắp, thành một hàng dài. Củi được bổ từ những gốc cây đào, đỗ quyên và cả những khúc gỗ thông được thải ra trong lúc xây nhà.
Tôi không thể ngờ cậu bé với vóc dáng cây nấm lại có thể làm một công việc nặng nhọc và khó khăn thế này. Tôi nhìn theo bóng dáng cậu đang bước trên con đường dẫn xuống làng. Mái tóc cậu vàng hoe như trái bắp ngô. Đôi mắt nhìn có vẻ lanh lợi, trong veo như màu của bầu trời lúc quang đãng. Khi tôi khen cậu, màu xanh trong của đôi mắt ấy lại bừng lên rạng rỡ.
Hừng đông, tôi choàng tỉnh lơ mơ bởi âm thanh chẻ củi lách cách. Nhưng một phút sau thứ âm thanh ấy lại làm tôi ngủ thiếp đi. Khi tôi thức giấc trong buổi sáng ban mai dịu ngọt, cậu đã bổ xong củi và trở về. Một đống củi được xếp ngay ngắn dựa vào bức tường. Tên cậu là Tâm, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cậu đến ở trong trại lúc 3 tuổi, được các cô chú chăm sóc và dạy chữ. Sau giờ học buổi trưa, Tâm đến chỗ tôi một lần nữa làm việc cho đến khi quay về trại. Dáng dấp của cậu nghiêm nghị, đầy vẻ tự tin chứ không ba hoa, khoác lác như Phi. Tôi nên gọi cậu là cậu bé chính trực mới phải. Từ "chính trực" rất ít khi tôi dùng đến ngoài cha tôi ra thì chẳng một ai có phẩm chất đó, một phẩm chất trong sáng, thánh thiện như dòng suối chảy qua khe đá. Tâm đã cho tôi thấy rõ điều này. Ở cậu bé, lòng dũng cảm và tính lương thiện được bộc phát tự nhiên.
Một hôm đang bổ củi, cán búa đột ngột bị gãy, Tâm mang đến xưởng mộc gần trại để sửa. Tôi đưa tiền cho cậu đem đi sửa nhưng cậu quả quyết không nhận.
- Là em không cẩn thận nên làm hư, em sẽ tự trả.
- Tại người thợ làm cây búa này không chắc chắn, không phải tại em đâu với lại ai cũng có vài lần sơ sẩy mà, đúng không?
Tôi nói vậy, Tâm mới chịu nhận tiền. Thật ra tôi rất hiểu cậu. Cậu không thuộc kiểu người vụng về. Cậu làm thuê cho trại mồ côi cũng đã lâu rồi, thời gian tự do và luôn chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Nếu phạm phải sai lầm, cậu nhất định sẽ nhận lỗi không chút do dự. Ngoài việc bổ củi, Tâm còn phụ tôi những công việc lặt vặt khác như quét sân, cho hachi ăn cơm… Cậu tìm thấy một cái hang ngay cạnh lò sưởi, rồi đặt hết những cây củi vừa và nhỏ vào trong đấy để tôi có củi dự trữ trong những ngày rét mướt.
Đêm qua cơn cuồng phong nổi lên như xé rách bầu trời làm cho một cành cây đổ sập xuống chắn ngang trước cổng nhà tôi. Tuyết từng đống dày đến hàng chục thước. Cũng chính Tâm đã giúp tôi vác cành cây ấy đi, cậu còn dùng xẻng cào tuyết hất vào lùm cây để mặt đường bằng phẳng như lúc đầu. Mỗi lần đến, cậu không đi đường chính mà đi con đường tắt xuyên qua rừng đỗ quyên. Cậu làm tất cả những công việc đó bằng cả tấm lòng. Tôi đáp lại sự chăm chỉ của cậu bằng những viên kẹo ngọt hay những quả táo thơm giòn. Nhưng có một điều cậu chưa một lần cảm ơn tôi mỗi khi nhận phần thưởng. Có lẽ cậu chưa từng được giáo huấn về điều này, cách giao tiếp lịch thiệp của cậu chỉ là do bản năng. Cậu thường nhìn những món quà tôi tặng rồi lại ngước cặp mắt to tròn lên nhìn tôi. Những lúc như vậy, tôi có thể cảm nhận được sự biết ơn ẩn giấu trong cặp mắt đó, cả tình cảm dịu dàng, thân thiện kia nữa, khác xa với vẻ ngoài lạnh lùng của cậu.
Tâm thường kiếm cớ để nán lại nhà tôi ít phút khi xong nhiệm vụ. Cậu kéo chiếc ghế bố ngồi gần tôi, chẳng nói năng gì cả. Tôi không thể đuổi cậu về trại vì nhận ra cậu cũng không ảnh hưởng đến sự tập trung của tôi. Có lần tôi đề nghị cậu nên ghé chơi sau bữa ăn tối. Cậu gật nhẹ. Sau đó cậu thường đến và ngồi đợi cho tới khi tôi ngừng việc gõ trên bàn phím rồi hai chị em vừa ăn khoai nướng vừa nói chuyện phiếm.
Một hôm, làm việc đến tận tối mịt, khi những vì tinh tú trên trời dần thắp sáng, tôi quên bẵng mất cậu bé. Tôi bước ra hàng hiên, thấy cậu chậm rãi lên đồi, hướng về khu trại, trong ánh đêm mờ mờ. Chiếc ghế cậu ngồi vẫn còn ấm, có lẽ cậu đã chờ tôi rất lâu. Bỗng dưng tôi thấy mình thật vô tâm.
Tâm cũng thân thiết với hachi, chú chó nhỏ đáng yêu của tôi. Có một sự khắng khít giữa cậu bé và hachi. Cuối tuần tôi đi nghỉ ở bên kia thung lũng. Nơi ấy có một hiệu sách cổ điển, tôi ngồi đọc suốt hai ngày và ngủ luôn ở cửa hiệu trên chiếc ghế đệm. Tôi đã để hachi ở nhà cho Tâm săn sóc, giao luôn căn nhà cho cậu. Tôi đưa cậu chìa khoá, dây xích chó và thức ăn tôi để sẵn trong tủ. Cứ cách ba tiếng đồng hồ, cậu đến nhà tôi, cho hachi ăn, dẫn nó đi dạo và đùa nghịch cùng với nó.
Tôi dự định sẽ trở về vào chiều chủ nhật, như vậy có nghĩa là Tâm chỉ còn đến một lần nữa vào buổi trưa. Cậu sẽ để chìa khoá ở chỗ mà chúng tôi đã thoả thuận. Nhưng chuyến trở về của tôi muộn hơn dự kiến ban đầu. Sương mù giăng kín núi, khuất hẳn cả tầm nhìn. Tuyết bay mịt trời thành từng bụi trên các con đường khiến cho xe cộ lưu thông qua lại gặp nhiều khó khăn. Ban ngày nhiệt độ hạ xuống rất thấp khiến cho tất cả mọi người không dám ra đường. Tôi ở mãi trong hiệu sách, uống cà phê nóng và đọc cuốn "Những bông hoa trên tầng áp mái".
Sáng hôm sau, tuyết vẫn chưa tan nên đến trưa thứ hai tôi mới về. Hachi được Tâm cho ăn no nê. Cậu đến lúc sáng sớm ngồi mãi đến trưa, khi thấy tôi từ ngoài cổng đi vào, cậu lo lắng nói.
- Tuyết rơi nhiều quá, em cứ tưởng chị gặp chuyện không hay, giờ thì ổn rồi. Chị xem em đã chăm sóc hachi thật tốt, tối qua em còn ngủ lại cùng với nó nữa.
Tôi đặt tay lên vai cậu.
- Chị tin tưởng em cho nên mới để hachi ở lại cùng em.
Cậu bảo mình còn có việc phải về trại ngay. Tôi mở ví lấy ra một đồng xu đặt vào lòng bàn tay cậu, coi như là tiền công cậu đã chăm nom hachi giúp tôi. Cậu thoáng lưỡng lự, nắm chặt đồng xu rồi chào tôi ra về. Nhưng buổi tối đó, rất khuya, cậu trở lại nhà tôi, gõ ba tiếng lên cánh cửa.
Tôi ra mở, sửng sốt.
- Những cô ở trại sao lại cho em ra ngoài vào giờ này?
- Em nói rằng chị muốn gặp em nên họ đã để em đi.
- Em đã nói dối sao? - Tôi muốn la mắng thằng bé nhưng nhìn thấy đôi mi cậu cụp xuống trông rất đáng thương, tôi lại không nỡ.
- Được rồi, em vào nhà đi. - Tôi rót một cốc nước ấm cho Tâm. - Chị cũng muốn biết em đã chăm sóc cho hachi thế nào?
Chúng tôi ngồi cạnh lò sưởi, tay huơ qua huơ lại trước đống lửa cháy sắp tàn. Cậu kể về những ngày ở chung với hachi và cậu cảm thấy gần gũi khi ở cạnh con chó của tôi.
- Hachi luôn quấn quýt bên em. Vào buổi chiều em dẫn nó vào rừng đỗ quyên chơi rồi cả hai thi nhau chạy lên đồi. Lựa lúc nó không để ý, em trốn nó và cuối cùng nó cũng tìm ra em, vẫy đuôi mừng rối rít làm em rất vui.
Ngọn lửa cháy yếu ớt, nổ lách tách trong đêm khuya. Khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng thân mật. Và rồi Tâm nói ra những điều mà trước kia cậu chưa bao giờ nói với tôi mà tôi cũng chẳng buồn hỏi.
- Chị có nét gì đó hao hao giống mẹ em, nhất là lúc chị ngồi bên lò sưởi thế này.
Tôi tròn mắt.
- Chẳng phải em mồ côi từ nhỏ sao, sao em có thể nhớ hình dáng của mẹ mình?
- Không ạ. Mẹ em ở tận bên Hannover.
Lời thú nhận bất ngờ của Tâm khi cậu vẫn còn một người mẹ đã gây xáo trộn những suy nghĩ trong đầu tôi. Nếu mẹ cậu còn sống thì tại sao lại bỏ rơi cậu? Phải chăng trại trẻ mồ côi là một nơi tốt lành, người chăm sóc tử tế, thức ăn ngon và quần áo đẹp nên cha mẹ có quyền đưa con cái vào khi họ có nỗi khổ bất đắc dĩ?
Tâm đẩy thêm củi vào lò sưởi. Ngọn lửa cháy lên, toả sáng và sưởi ấm căn phòng lạnh lẽo. Nhìn tấm lưng khom người của cậu, tôi tự hỏi vào lúc ba tuổi, cậu có giống như bây giờ? Tôi nghĩ không gì trên thế gian này có thể làm thay đổi ánh nhìn cương trực trong đôi mắt trong veo ấy.
- Thế dạo gần đầy em có hay gặp mẹ mình không? - Tôi dè dặt hỏi vì sợ động vào nỗi đau của cậu.
- Mỗi mùa hè, mẹ đều gọi em sang. Mẹ nhắn địa chỉ rồi một người trong trại dẫn em đi.
- Vậy sao em không ở lại cùng với bà ấy? - Tôi thốt lên.
- Vì… chỗ ở của mẹ không cố định, không phải duy nhất là Hannover, mẹ có thể ở bất cứ nơi nào mẹ thấy tạm ổn. Hiện tại thì mẹ không có việc làm. - Gương mặt cậu sáng bừng dưới ánh lửa bập bùng. - Mẹ cho em một chú chó nhỏ giống như hachi để em đem về nuôi nhưng ở trại họ không cho nuôi. Mẹ còn gửi rất nhiều quà cho em, chiếc áo mới tinh em mặc hôm chủ nhật và còn có cả đôi giày đi trên tuyết nữa. - Cậu mơ màng, như đang hồi tưởng lại những ký ức bên mẹ.
- Một đôi giày đi trên tuyết à?
Tôi chìm vào suy tư, cố hình dung ra dáng người của mẹ cậu bé. Dù bà đã bỏ rơi cậu nhưng vẫn quan tâm, thương yêu cậu. Hẳn trong chuyện này có uẩn khúc gì đó. Không nên vội kết luận khi chưa tìm hiểu nguyên nhân kĩ càng.
- Đúng ạ, những bạn khác mượn em đều cho nhưng với một điều kiện là các bạn ấy hứa phải giữ gìn thật cẩn thận.
Tôi chợt hiểu ra vấn đề, sự đói khổ đã chia cắt hai mẹ con đến mức người mẹ phải bỏ ra nước ngoài để kiếm việc.
- Em sẽ dùng số tiền công mà chị trả em mỗi ngày để mua cho mẹ một chiếc khăn choàng.
- Ừ, tốt đấy. Nhưng em có biết màu nào hợp với mẹ không?
Tâm nhăn nhó.
- Em không biết, thế chị thích màu gì?
- Màu xanh, xanh của bầu trời hoặc xanh của đại dương.
- Thế thì màu xanh cũng sẽ hợp với mẹ em.
Nghe câu chuyện của Tâm, tôi bỗng dưng ghét người phụ nữ đó. Chẳng lẽ sự nghèo khổ lại quan trọng hơn cả tình mẫu tử. Còn đứa trẻ đáng thương kia lại dùng số tiền mà mình cực nhọc làm ra để mua cho bà một chiếc khăn quàng trong khi đó bà lại ở rất xa, rất xa cậu và cảm thấy hài lòng vì đã gửi cho cậu một đôi giày tuyết, một đôi giày để bù đắp những thiếu thốn trước kia.
- Chị nói xem bao nhiêu đây có mua được một chiếc khăn choàng không? - Tâm đổ túi tiền trên lòng bàn tay, hỏi tôi.
- Chắc là được.
Tôi rất muốn biết vì sao mẹ Tâm lại bỏ rơi cậu ở trại mồ côi nên tôi quyết định lưu lại nơi này thêm vài ngày nữa. Nhưng rồi bản thảo dở dang làm tôi không vừa ý, tôi đành chuyển chủ đề khác. Tôi nghĩ mình cần về thăm gia đình vì tôi đã đi quá lâu rồi. Sau đó tôi sẽ đến nhà của chị gái tôi xin ý kiến, tôi có nên theo nghề viết không, rồi sau đó nữa, tôi không biết mình sẽ tiếp tục đi những đâu?
Nói tóm lại tôi không có thời gian để đến Hannover gặp mẹ cậu bé, cũng không có cơ hội nào hỏi những người trong trại về bà ấy. Những dự án trong tương lai, những kế hoạch trên chặng đường tiếp theo làm tôi quên mất cậu bé. Sau buối tối ấy, chúng tôi không ai nhắc đến người mẹ kia nữa. Dù thế nào thì cậu bé vẫn đang sống tốt, và quan trọng là cậu không cô độc.
Tâm vẫn đến chỗ tôi vào mỗi buổi chiều, bổ củi, cào tuyết và ở lại trò chuyện cùng tôi. Hôm nào gió lạnh, tôi bảo cậu khoan hãy về. Cậu ngồi trên chiếc giường sấp, cạnh lò sưởi, chơi đùa cùng hachi rồi cả hai lăn ra ngủ cho đến khi tôi lay vai cậu vì trời nhá nhem tối. Có khi cậu và chú chó của tôi cùng chạy băng băng qua cánh rừng đỗ quyên, lần nào cậu cũng mang về cho tôi những cánh hoa thơm mùi nắng, những chiếc lá thông gai khô giòn tan…
Tôi nghĩ đã đến lúc tôi phải rời khỏi vùng đất lạnh băng này.
- Ngày mai chị đi rồi, chị và hachi sẽ nhớ em, Tâm ạ!
Cậu không nói gì, cúi gằm mặt rồi từ từ xoay người đi về phía cổng. Dáng vẻ thất thểu. Lòng tôi nao nao. Trăng nhô lên đỉnh núi. Sương giăng, gió thổi. Đỗ quyên rơi rụng. Sáng ngày hôm sau, tôi vừa gói gém đồ đạc vừa đợi Tâm nhưng cậu không tới. Tôi đã chờ cậu suốt cả ngày hôm đó cho đến khi hoàng hôn đã tàn cảnh sắc sớm chiều cũng trở nên mờ ảo, tôi khoá cửa và lái xe đến trước cổng trại, giao lại chìa khoá cho người chủ trại.
- Tâm có ở đây không, thưa cô. Cháu muốn nói lời tạm biệt với thằng bé.
- Từ sáng tới chiều, tôi không thấy nó đâu cả. Nó bỏ luôn cả bữa trưa.
- Hồi đầu giờ chiều, em thấy bạn ấy chạy vào rừng đỗ quyên đã tàn hết hoa. - Phi ló đầu ra nói với tôi.
Có lẽ không tạm biệt thì sẽ tốt hơn, nghĩ vậy tôi thấy lòng nhẹ nhõm.
Vừa quay người đi về phía chiếc xe, tôi chợt nhớ ra có điều cần hỏi.
- Cháu muốn hỏi cô về mẹ của Tâm, cháu rất muốn biết lý do vì sao bà ấy lại bỏ rơi cậu, cháu cũng muốn gặp trực tiếp bà nhưng đáng tiếc cháu sắp phải đi rồi. Cháu muốn tặng cho Tâm món quà gì đó, lúc đầu cháu nghĩ là một đôi giày để thằng bé có thể làm ấm đôi chân khi đi trên tuyết nhưng mẹ cậu đã gửi cho cậu rồi…
- Cháu nói gì thế, đôi giày nào?
Vẻ mặt ngơ ngác của người chủ trại khiến tôi kinh ngạc, tôi lặp lại.
- Đôi giày mà mẹ cậu bé đã gửi cho cậu.
- Thằng bé không có mẹ và cũng chẳng có đôi giày nào cả. - Người chủ trại ngó sững tôi.
Tuyết rơi tán loạn. Tôi nhìn lên triền dốc, bóng dạng cậu bước đi lững thững. Cậu mơ về một miền cổ tích xa vời, có người mẹ ngồi bên lò sưởi…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX