Người nhập cư tại Mỹ đình công phản đối sắc lệnh di trú
Trang Lu 02/17/2017 06:00 PM
Tại thủ đô Washington và nhiều thành phố lớn, nhiều nhà hàng, công ty và trường học đã đóng cửa để phản đối sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump.

Hơn 100 tiệm ăn và hàng chục cơ sở thương mại tại một loạt các thành phố Philadelphia, Washington, Boston, Houston, Chicago và New York.... trên khắp nước Mỹ đóng cửa ngày 16/02 để ủng hộ chiến dịch "‘Một ngày không có di dân", một kiểu đình công nhằm phản đối các chính sách của Tổng thống Donald Trump. Hành động phản đối này được lên kế hoạch và tuyên truyền thông qua truyền miệng, tờ rơi, và các kênh báo chí xã hội trong cộng đồng người dân gốc Latin. Người nhập cư kêu gọi, thông báo nhau ở nhà, không mua sắm, không tới các quán ăn, không mua xăng, không tới trường học, không đi làm để cho thấy vai trò quan trọng của họ đối với nền kinh tế cũng như đời sống ở Mỹ.

Hình bìa về ông Trump của tạp chí TIME. Ảnh: TIME

Cuộc biểu tình xuất phát từ những cam kết của ông Trump và các cuộc bố ráp bắt người nhập cư bất hợp pháp, để biểu thị sự phản đối với sắc lệnh hành pháp về di trú của ông Trump tạm cấm người từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo và cấm người tị nạn mặc dù lệnh này hiện đang bị các tòa án liên bang tạm hoãn. Các tổ chức bảo vệ quyền của người nhập cư đã kêu gọi biểu tình, sau các cuộc truy quét của liên bang trong tháng 2 vừa qua với hơn 680 người cư trú bất hợp pháp bị bắt giữ.

Tại trung tâm Raleigh, bang North Carolina, gần 700 người xuống đường biểu tình, 20 doanh nghiệp ở Philadelphia cũng đã tham gia bằng cách đóng cửa và thông báo giải thích lý do ngoài cửa. Hàng trăm tiệm ăn có nhân viên là di dân ở các thành phố như Washington, New York, Chicago... đã đóng cửa.

Được biết, các cửa hàng ăn và trường học chuẩn bị cho các hành động phản kháng từ ngày 15/02 nhằm hoạt động với số nhân viên ít hơn ngày thường như việc đưa ra các thực đơn đặc biệt để bày tỏ sự đoàn kết với di dân, hoặc đóng cửa cả ngày. Trong đó, có cả những cửa hàng thuộc thương hiệu nổi tiếng: Cà phê Starbucks, tiệm thức ăn nhanh Burger King và tiệm Taco Bell. Thậm chí, công ty chuyên cung cấp dịch vụ thực phẩm cho nhân viên Quốc hội cũng thay đổi giờ làm việc trong ngày và giảm bớt các sự lựa chọn về món ăn vì không đủ người làm việc.

Biểu tình tại Texas. Ảnh: AP/Eric Gay

Đầu bếp nổi tiếng José Andrés, ở Washington, người đang có có cuộc kiện cáo với Tổng Thống Donald Trump vì tìm cách rút nhà hàng của ông ra khỏi toà nhà Trump Hotel ở Washington vì cho rằng ông Trump chống di dân, và đầu bếp Rick Bayless ở Chicago cũng đóng cửa nhà hàng của họ để bày tỏ đoàn kết với các di dân biểu tình. Một trường tư song ngữ ở Washington D.C cũng đã đóng cửa trong khi các trường công lập chuẩn bị cho trường hợp học sinh bãi khoá, rời khỏi lớp học sớm. Một số các tiệm ăn khác cho biết họ vẫn mở cửa nhưng tiền lời thu được trong ngày sẽ quyên tặng các nhóm ủng hộ di dân.

Đây là cuộc biểu tình tập thể mới nhất kể từ khi ông Trump lên nhậm chức ngày 20/01. Liên quan tới sắc lệnh gây tranh cãi về di dân, 10 thành viên thuộc Ủy ban Cố vấn Tổng thống về người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương, bao gồm chủ tịch và phó chủ tịch, ngày 16/02 đã từ nhiệm.

Cũng trong ngày 16/02, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ thông báo một sắc lệnh hành pháp mới về nhập cư được ông cho là rất toàn diện để bảo vệ người dân.

Author: Trang Lu

News day