Nhớ mùa đông Hà Nội
CTV Bảo Thùy (Nguyễn Thị Minh) 01/24/2018 07:00 PM
Bỏ qua hết những buổi đi làm về muộn và phòng trọ tối đèn, tự mình bật điện và ăn đại gói mì thay cơm. Bỏ qua hết những lần đi chơi mà chẳng nghe thấy một lời phàn nàn. Bỏ qua tất cả những vô tâm, những lần trả lời điện thoại ngắn ngủi dành cho ba mẹ… giờ đây tôi chỉ muốn đứng trước mặt mẹ và nói: “Mẹ ơi, con đã trở về”.

Sớm mai, nghe tiếng gió lùa qua khẽ cửa, tiếng lá xào xạc rơi và cái giá buốt thấm vào tận căn phòng, tôi nhận ra đông Hà Nội theo dòng thời gian lần nữa trở về. Vén màn nhìn ra, hàng cây ven đường sau một đêm dường như đã xác xơ đi hẳn, đọng lại bên song cửa sổ vài chiếc lá úa màu hắt hiu.

Có tiếng mẹ gọi dưới nhà. Chiếc cửa tủ mở ra, bàn tay lướt nhẹ qua những chiếc áo sơ mi, những chiếc áo thun ngày hè mỏng manh, dừng lại nơi chiếc áo len góc cuối tủ, nằm lặng yên như đã ngủ quên lâu lắm rồi. Mặc vào người thấy như chật chội hơn, cảm giác như mình đã lớn, chỉ là những vụng dại khi xưa vẫn chưa bớt được ít nhiều. Vẫn nghe mẹ trách mỗi sáng, vẫn là đứa trẻ ngồi vào bàn chờ đợi bữa sáng của mẹ, vẫn khiến mẹ không an tâm, lo lắng nhìn theo mỗi lần dắt xe ra khỏi nhà.

Từng vòng bánh xe quay chầm chậm, trễ nải. Mùa đông, không gian như chậm lại, dòng người như chậm lại, chỉ có cái lạnh như vượt ngàn dặm xa xôi tràn về đây, thấm vào từng làn môi, thấm vào từng hơi thở quyện vào nhau bay lên tựa làn khói lam chiều một vùng trời yên ả. Ở trên cao, những đám mây nặng trĩu trầm buồn, mải miết ngắm nhìn, như muốn rơi mà lại chẳng thể rơi. Mặt trời ngủ đông, chỉ còn gió hát khúc ru tình đơn côi. Hàng cây đơn côi, vài chiếc lá còn lại vùi mặt vào cái lạnh yên giấc.

Trong không gian không còn nghe tiếng chim tưng bừng mỗi buổi mai, không còn nghe tiếng lũ trẻ í ới gọi nhau đến trường. Hà Nội bỗng nhiên trầm mặc, Hà Nội bỗng nhiên lặng thinh, như trút bỏ mọi phiền lo năm cũ để đón Tết đến Xuân về. Những cung đường, những hàng cây, những quán cóc tôi đã bao lần ngang qua, khi đông về cũng trầm mình, đổi khác, trong phút giây khiến tôi ngỡ ngàng. Ven Hồ Gươm vắng bóng các mẹ, các chị đi bộ mỗi sớm, vắng các ông các bà tập dưỡng sinh mỗi chiều về.

Ảnh: dulichdaiduong.vn

Đông rồi, lại hàng ngày nghe mẹ nhắc nhở tắm rửa sớm kẻo bệnh, quen thuộc biết bao khi dáng mẹ lặng lẽ bên hiên đan thêm khăn áo cho chồng cho con. Nhưng rồi chạnh lòng tự hỏi, cuộc đời mỗi người, liệu có thể trải qua tất thảy bao nhiêu mùa đông rồi sẽ với đất, hòa cùng mùa đông đất trời? Liệu mùa đông năm sau, gia đình có còn hạnh phúc như mùa đông năm này?

...

Và thời gian trôi nhanh, những mùa đông Hà Nội dần trôi xa, dù không vào quên lãng, cũng trở nên mờ nhạt sau nhiều điều mới mẻ. Tôi trưởng thành, bước đi trên những con đường rộng lớn hơn, những vùng đất xa lạ hơn. Đông tới, không còn lạnh, không còn cảm giác trầm mặc ưu tư, không còn mùi hoa sữa cuối mùa nhắc nhớ mùa thu đã tàn theo lá úa. Chỉ còn cái nóng bức của tiết trời Sài Gòn và sự bận rộn dường như chiếm lấy toàn bộ thời gian. Đi học, đi làm vô tình khiến người ta quên đi những điều xưa cũ, những điều tưởng chừng sẽ mãi thân thuộc trọn đời không quên.

Một sớm đầu tháng mười hai, cuộc đời bất ngờ từ số máy quen, cậu ấy ngập ngừng hồi lâu, rồi hỏi: “Tết này cậu về không? Hình như hai bác mong cậu lắm đấy. Hồi bác gái qua nhà mình chơi, cứ nhắc đến cậu…”.

Tôi đưa tay nhìn đồng hồ, không còn sớm, đã đến lúc phải đi làm nếu không muốn bị trễ giao ca. Tôi trả lời cho qua chuyện: “Mình không biết nữa, giờ mình bận rồi, có gì mình gọi lại sau”. Tôi mặc chiếc áo khoác vào người rồi rời khỏi phòng trọ. Thêm một ngày nắng, thêm một ngày con đường tấp nập kẻ lại người qua. Hơn hai năm kể từ khi tôi đặt chân đến đây, những con đường ấy chưa bao giờ thưa khách. Đôi khi tôi tự hỏi, mọi người đi đâu mà nhiều đến vậy. Rồi tự nhủ, có lẽ mình đi đâu, người ta đi đó, nhiều khi chỉ muốn nằm dài ở nhà nhưng chẳng hay có quá nhiều lý do để tiếp tục lang thang. Việc học, việc làm, cả những lần đi chơi tụ tập bạn bè đến quên cả giờ giấc. Hơn hai năm, tôi về nhà được hai lần, mỗi lần cũng chỉ ở được hai ngày rồi đi. Tôi không về Tết, đó là cơ hội tốt hơn để kiếm tiền trang trải cuộc sống, khi ở một thành phố mà hầu hết mọi thứ đều liên quan đến tiền, nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều cơ hội để thành công - thứ mà dường như ai cũng nỗ lực để đạt được.

Còn nhớ ngày tôi đi, tiết trời Hà Nội lập thu dịu dàng và những cơn gió từ phương Bắc đã bắt đầu len lỏi khắp phố phường.  Sương đậu lại trên đôi mắt mẹ, đậu lại trên nụ cười của ba và những giọt nước mắt cố giấu đi của người bạn thân từ thuở nhỏ.

- Tết lại về con nhé! - Mẹ cầm tay tôi, nghẹn ngào dặn dò. Tôi gật đầu cho qua, không hứa hẹn bất cứ điều gì. Đêm trước khi đi, cậu ấy hỏi tôi vì sao nhất thiết phải là Sài Gòn, chẳng phải Hà Nội cũng có nhiều trường rất tốt hay sao. Tôi thở dài, chẳng biết phải cắt nghĩa sao cho cậu ấy hiểu. Tôi đã ở mảnh đất ấy gần hai mươi năm, tôi muốn những điều mới mẻ hơn, những cơ hội và những thử thách mới. Và hơn hết, tôi muốn được tự do.

Ảnh: boloke13.com

Sau đêm ấy, tôi không còn nói chuyện với cậu ấy nhiều, qua Facebook hay điện thoại cũng không. Tôi có thêm nhiều bạn bè mới ở trường, ở nơi tôi làm việc. Có những người từ nơi khác đến như tôi, cũng có những người đã gắn bó với Sài Gòn từ thuở vừa lọt lòng. Họ nói chuyện cởi mở và phóng khoáng. Và rồi trong số những người bạn ấy, tôi tìm thấy một nửa của mình. Nàng không phải dân gốc ở đây, nhưng đã sống ở đây gần năm năm. Ở nàng có sự độc lập và cá tính, cách nói chuyện thân thiện với tất cả mọi người. Ở lần gặp đầu tiên, cũng là nàng chủ động bắt chuyện với tôi. “Cậu có vẻ ít nói nhỉ. Nhưng tớ thích vậy!” - Nàng nhận xét và mỉm cười. Tôi nghĩ mình đã yêu từ giây phút nhìn thấy nụ cười ấy.

Yêu nàng, tôi đến những nơi tôi chưa bao giờ đến, những bữa tiệc đông người rôm rả tiếng cười, mối quan hệ cũng theo đó nới rộng ra đáng kể, dù không thân. Quỹ thời gian càng trở nên bận rồi hơn kéo tôi rời xa những ký ức về mảnh đất cách tôi cả ngàn cây số. Một đêm muộn, khi nick tôi vừa sáng đèn, cậu ấy liền nhắn tin.

“Cậu thế nào rồi?”

“Mình vẫn ổn”

Một lát sau không thấy cậu trả lời, tưởng cậu đã ngủ, định off thì cậu nói tiếp.

“Cậu không hỏi mình thế nào à?”

“À, mình quên, xin lỗi nhé. Cậu sao rồi, việc học hành ổn chứ?”

Không hiểu sao tự nhiên tôi cảm thấy như nghe được tiếng thở dài của cậu. Suốt thời gian đi học chung với nhau, lúc nào thất vọng cậu ấy đều thở dài. Câu hỏi bất ngờ của cậu làm ngực tôi nặng trĩu, như có gì đè vào. Có lần cậu hỏi tôi, việc giữ liên lạc với một ai đó có khó lắm không. Tôi liền cười, có gì khó đâu, thích là giữ được mà. Nhưng cuối cùng nó khó hơn tôi nghĩ rất nhiều. Không còn gần nhau, không còn tìm thấy chủ đề để nói và rồi quên mất cả lời hỏi thăm nhau. Không chỉ riêng với cậu, mà tôi chợt nhận ra, bạn bè thời cấp ba, tôi đã để mất hết rồi. Đó là quy luật của sự trưởng thành ư?

Suy nghĩ đó không đọng lại trong tôi quá lâu, cuộc sống lại trôi đi như vốn dĩ vẫn thế, đi học, đi làm và cuối tuần đi chơi với người tôi yêu. Cái hẹn “gọi lại sau” cho cậu ấy cũng rơi vào quên lãng. Cho đến một ngày, một ngày giáp Tết, tôi bất ngờ gặp lại cậu ấy. Không phải ở Hà Nội, mà ở chính thành phố nơi tôi đang sống.

Bằng một cách lạ nào đó, cậu ấy tìm thấy phòng trọ của tôi, lôi tôi ra khỏi chuỗi ngày dài nhốt mình trong nhà, không đi học, không đi làm, cũng chẳng còn nàng để đi chơi sau những ngày mệt mỏi. Thì ra cái gì đến nhanh cũng ra đi rất nhanh. Một mối tình gói gọn trong vòng nửa năm ra đi cùng với lời chia tay nhẹ nhàng của nàng vào một chiều trời bất ngờ đổ mưa, những giọt nước đậu vào khung cửa kính quán cà phê lớn dần rồi trượt xuống từng hàng. “Em nhận ra chúng ta không thực sự hợp nhau. Yêu em, anh nhất định sẽ khổ.” - Đó là lời cuối cùng nàng nói với tôi, tại lần cuối cùng tôi nhìn thấy nàng. Tôi gọi, nàng không nghe máy. Tôi đến nhà, chỉ có mẹ nàng tiếp chuyện với tôi. Tôi đến lớp, người ta nói nàng nghỉ học. Sau cùng, tôi chỉ biết về phòng trọ và nằm dài ở đó.

Ảnh: blogspot.com

- Có chuyện gì không ổn phải không? - Câu đầu tiên cậu ấy hỏi khi tôi mở cửa mời cậu vào phòng là như thế, không để tôi kịp thổ lộ sự ngạc nhiên bởi sự viếng thăm đột ngột của cậu. Tôi thở dài.

- Có gì đâu, mọi chuyện vẫn vậy.

Vậy mà mình nghĩ cậu vừa chia tay với bạn gái cơ đấy. 

Lần này thì tôi không thể không hỏi:

- Làm sao cậu biết?

- Tình cờ thôi. - Cậu ấy nói rồi bảo tôi thay đồ đi ra ngoài.

Sài Gòn về đêm, dưới ánh đèn đường mọi thứ trở nên dễ chịu hơn, cái nóng bức cũng không còn hành hạ người ta quá nhiều. Chúng tôi mua mỗi đứa một ly trà sữa, đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông lấp lánh những vệt sáng đa màu sắc.

- Cậu không còn như ngày nhỏ nữa nhỉ. Hồi ấy, có chuyện gì cậu cũng đều kể với mình. Giờ thì không.

- Ngày ấy mình như vậy à? - Tôi mơ hồ hỏi.

- Ừ!

- Nhưng không nói, cậu vẫn biết đấy thôi.

- Cậu yêu cô ấy thật lòng à? - Cậu đột nhiên chuyển chủ đề.

- Có lẽ... - Tôi ngập ngừng, vì chính tôi cũng không chắc, tình cảm giữa tôi và nàng có gọi là tình yêu, hay chỉ là sự hấp dẫn bởi những điều mới lạ, từ hai cá thể trưởng thành trong hai môi trường khác nhau.

- Yêu mà cô ấy nói chia tay là chia tay sao?

- Biết sao được. Mình không phải kiểu người cố chấp đâu.

- Hay là kiểu người hèn nhát? - Cậu nhìn thẳng vào mắt tôi, kiên định, tôi quay đi, cố nén tiếng thở dài.

- Duy à… Tết này, cậu về nhà đi.

Tôi quay sang, cậu vẫn nhìn tôi và ánh nhìn vẫn đầy kiên định.

Tôi xin nghỉ làm, theo cậu về Hà Nội. Xe chạy vào nội thành ngay vào buổi bình minh, cái se lạnh ùa về như những sáng mùa đông năm nào mở cửa sổ sau khi nghe mẹ gọi dậy đi học. Cả những tiếng rao hàng buổi sáng cũng chạy đến “vỗ vai” như người bạn thân lâu năm. Tôi mỉm cười, lòng bất chợt trở nên nhẹ nhõm. Bên cạnh, cậu ấy vẫn ngủ say.

Ảnh: khoahoc.tv

Xe chạy qua một chợ hoa, màu đào hồng thắm rực lên cả một góc trời. Làm bất chợt tôi nhớ đến cây đào mà ba trồng ngay bên hiên nhà, vào mùa đông năm tôi chín tuổi. Cũng vào dịp này, ba mẹ lại cùng nhau chăm sóc, chờ đến ngày đào nở hoa vào đúng dịp đầu năm, trong khi tôi chỉ biết ngồi ở bàn học cắm đầu vào điện thoại hay laptop. Hình như tôi chẳng giúp được gì thì phải. Cậu ấy thường nói tôi quá vô tâm, tôi đã nghĩ con trai ai cũng vậy, hoặc cô cậu thanh niên nào bằng tuổi tôi cũng đều như vậy, trừ cậu ra. Vì cậu ấy luôn quan tâm đến mọi người quá mức, từ những người thân của cậu ấy, cho đến thằng bạn hàng xóm là tôi. Còn ba mẹ chỉ biết lắc đầu than: “Con với cái…” khi sai việc mà tôi không làm. Cho đến khi tôi đi làm cho người ta, không làm, thì chỉ có bị đuổi việc mà thôi.

Tầm 10 giờ, cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà. Tôi không bước tiếp, cứ đứng lặng như chú lính chì mỏi chân. Từ ngoài cổng, tôi đã nhìn thấy dáng mẹ ngồi bên hiên nhà đan len, hình dáng chiếc khăn được định hình gần một nửa. Ba không bao giờ dùng khăn vì ba bảo nó vướng víu, không phù hợp với nghề nghiệp của ba, mẹ đan riêng cho tôi mỗi mùa gió trở. Thói quen của mẹ vẫn không đổi thay, cho dù tôi đã không dùng khăn kể từ ngày xuống Sài Gòn.

"Tết này cậu về không? Hình như hai bác mong cậu lắm đấy. Hồi bác gái qua nhà mình chơi, cứ nhắc đến cậu…”

Thì ra có những khoảnh khắc khiến ngực tôi bị đè nặng hơn, đau hơn cả khi nàng buông lời chia tay.

Tôi chầm chậm bước vào, cảm giác chiếc balo trên vai như chiếc cặp tôi vẫn thường đeo đi học, học ở trường, đi học thêm, hay những buổi la cà với bạn bè về muộn. Chiếc cổng này vẫn luôn chào đón và dáng mẹ vẫn ở hiên nhà đợi tôi, giục tôi tắm rửa rồi ăn cơm và đôi khi có cả lời càm ràm: “Đi đâu giờ này mới về”. Bỏ qua hết những buổi đi làm về muộn và phòng trọ tối đèn, tự mình bật điện và ăn đại gói mì thay cơm. Bỏ qua hết những lần đi chơi mà chẳng nghe thấy một lời phàn nàn. Bỏ qua tất cả những vô tâm, những lần trả lời điện thoại ngắn ngủi dành cho ba mẹ… giờ đây tôi chỉ muốn đứng trước mặt mẹ và nói: “Mẹ ơi, con đã trở về”.

 

Author: CTV Bảo Thùy (Nguyễn Thị Minh)

News day