“Những bàn tay nhỏ” có ngăn được sự trỗi dậy của tương lai?
Đình Hiển 12/14/2017 09:30 AM
Thuật ngữ bàn tay nhỏ ra đời sau trận El Clasico năm 2010, đó là giai đoạn Barca dưới thời Pep Guardiola là một trong những đội bóng mạnh nhất lịch sử bóng đá thế giới. Lúc bấy giờ, khi đối đầu với đại kình địch Real Madrid, đội bóng xứ Catalan vẫn dễ dàng hủy diệt đối phương đến 5 bàn không gỡ. Các cầu thủ Barca đã xòe 5 ngón tay về phía khán đài có các cổ động viên nhà để ăn mừng như một cách xát muối vào nỗi đau của địch thủ. Thuật ngữ “La Manita”, tức “bàn tay nhỏ” ra đời từ đó.

Kể từ thời điểm đó, những thứ liên quan đến con số 5, như việc một cầu thủ lập được một “rocket” – ghi được 5 bàn trong một trận đấu thì đều được ví như vừa tạo ra một “bàn tay nhỏ” khác. Có thể nói cho đến lúc này, thuật ngữ “bàn tay nhỏ” còn dựng xây nên những “tượng đài lớn” trong ngôi đền của những huyền thoại. Thậm chí là có đến hai “bàn tay nhỏ” của hai tượng đài xuất sắc bậc nhất lịch sử túc cầu, cùng tồn tại song song nhau. Nói đến đây thì hẳn là chúng ta đều rõ đó là chiến tích 5 lần đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng (QBV) của bộ đôi huyền thoại sống: Ronaldo và Messi.

Hơn lúc nào hết cả hai đều thể hiện sự ngang tài ngang sức của mình với những danh hiệu và thành tích cá nhân tương đương nhau. Trong đó có đến 10 QBV, 8 chiếc giày vàng và 8 chức vô địch UEFA Champions League chia đều cho cả hai. Người hâm mộ đang rất háo hức để chờ đón xem, sau mùa giải này, cái tên nào sẽ vượt lên trong cuộc đua song mã giữa họ. Và màn trình diễn ở World Cup trên đất Nga cũng như thành tích tại đấu trường C1 Châu Âu sẽ là những tiêu chí vô cùng quan trọng trong cuộc so kè này.

Thành tích cá nhân của cả hai đang là vô cùng cân bằng.
Ảnh: Bleacher Report

Tuy nhiên, tại sao chúng ta không suy nghĩ dưới một góc độ hoàn toàn khác. Rằng đây chính là thời điểm mà thế thống trị “hai cực” suốt một thập kỉ qua của bộ đôi “Rô – Si” đã đến lúc bị phá vỡ. Dấu hỏi về động lực trong bối cảnh mà cả hai đã no nê những danh hiệu cá nhân và những kỷ lục được đặt ra. Phải chăng đây là thời điểm thích hợp cho sự trỗi dậy của những QBV tương lai?

Người ta vẫn thường nói vui rằng Ricardo Kaká là người trái đất cuối cùng đoạt danh hiệu QBV bởi sau đó là một thập kỉ thống trị của bộ đôi mà ai cũng biết họ là ai. Và rồi những cái tên sáng giá được dự đoán sẽ kết thúc kỷ nguyên đó cứ năm này đến năm khác lỗi hẹn với danh hiệu cao quý của tạp chí France Football. Duy chỉ có hai cái tên là Neymar Jr và Eden Harzard vẫn duy trì được phong độ đỉnh cao và có nhiều cơ hội sáng giá để chinh phục danh hiệu này.

Truyền thông và người hâm mộ đặt lòng tin nơi họ và có lẽ ngay cả định mệnh cũng đang chiếu rọi về phía hai ngôi sao nay. Khi mà những lá thăm may rủi ở vòng 1/8 UEFA Champions League đã đưa Chelsea của Hazard và PSG của Neymar đụng độ phải hai gã khổng lồ của Tây Ban Nha để đối đầu trực tiếp với bộ đôi CR7 và M10.

Neymar và Hazard vẫn được đánh giá cao nhất cho khả năng đoạt QBV tương lai.
Ảnh: Bleacher Report

Đó hẳn là những trận chung kết sớm của mùa giải C1 năm nay. Cặp đấu duyên nợ Barca – Chelsea gợi cho chúng ta nhiều kí ức và cảm xúc thật khó tả. Đó là ngày mà công lý không được thực thi, cái tên Tom Henning Ovrebo có lẽ sẽ còn được nhắc tới nhiều trong cuộc đối đầu này.

Trong trận bán kết lượt về Champions League mùa 2008 - 2009, vị trọng tài người Na Uy này đã khước từ ít nhất 3 tình huống thổi phạt đền với các cầu thủ Barca. Điều đáng nói là mọi thứ đều diễn ra rành rành trước mắt ông, với những góc quan sát thuận lợi và vị trí là rất gần những tình huống ấy. Để rồi các cầu thủ Chelsea phải thi đấu dưới tâm trạng ức chế cùng cực và chịu thua tức tưởi trước cơ hội được chơi trận chung kết mùa thứ hai liên tiếp.

Thế nhưng, Chelsea có lẽ cũng là một cái tên ám ảnh Lionel Messi, trong 8 lần đối mặt với “The Blues”, El Pulga không thể một lần khuất phục hàng thủ của đại diện nước Anh, thậm chí là ngay cả trên chấm 11m. Đây là cơ hội để M10 phá đi cái dớp đáng quên đó nhưng áp lực chắc chắn cũng không phải là nhỏ.

Đó là một trong những ký ức tồi tệ nhất lịch sử C1.
Ảnh: 24h.com

Còn về phần mình, nếu giúp Chelsea hạ gục “gã khổng lồ” xứ Catalan và tiến sâu tại đấu trường Châu Âu năm nay. Cơ hội để Hazard vươn lên tầm cao mới là rất lớn, trước khi trở lại vai trò đầu tàu dẫn dắt tuyển Bỉ với lực lượng hùng hậu hành quân đến Nga vào mùa hè năm sau.

Cơ hội thậm chí còn sáng sủa hơn rất nhiều dành cho Neymar. PSG cần “tiểu Pelé” để giúp họ xưng vương ở trời Âu, còn Neymar cần PSG để đưa anh vươn tới trình độ của Messi và Ronaldo, cạnh tranh một cách sòng phẳng hơn cho danh hiệu QBV. Họ tìm đến nhau như một điều tất yếu và giờ đây việc sớm đụng phải “ông kẹ” Real như là một liều thuốc thử cực mạnh cho tham vọng của Neymar và PSG.

Hơn lúc nào hết, PSG giờ đã có thể đường đường chính chính đối đầu trực diện với đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha, bởi bên cạnh Neymar họ còn có những sự bổ sung cực chất như Mbappe hay Dani Alves. Lực lượng của PSG lúc này là chẳng hề kém cạnh bất cứ một đội bóng nào. Vậy nên, đây có lẽ là thời điểm thích hợp để Neymar và các đồng đội “phế truất” nhà Vua của Châu Âu.

Quả bóng Vàng sẽ là cuộc cạnh tranh "đa cực" khó đoán hơn?
Ảnh: Bleacher Report

Đó là còn chưa kể cơ hội của Neymar và các đồng đội ở tuyển Brazil trong sứ mệnh chinh phục cúp vàng World Cup 2018 đang được giới chuyên môn đánh giá cao nhất. Và ngôi sao đắt giá nhất thế giới chính là niềm hy vọng hàng đầu của đội tuyển 5 lần vô địch thế giới. Vậy nên, khả năng trỗi dậy để vươn tới một đẳng cấp mới, cũng như sẽ được truyền thông, người hâm mộ đánh giá cao hơn để có thể tiến gần hơn đến QBV là vô cùng thuận lợi cho Neymar.  

Trước cơ hội vươn mình của những thế lực mới mang tên Neymar, Hazard hay những cái tên sáng giá khác như Dybala, Mbappe,... Liệu rằng rồi đây, cuộc cạnh tranh đến những danh hiệu cá nhân của thế giới bóng đá có thiết lập nên một cục diện “đa cực” khó đoán. Hay hai chủ nhân xuất chúng của những “bàn tay nhỏ” kia vẫn đủ sức ngăn cản những thế lực mới ấy và tiếp tục duy trì thế thống trị giữa họ thêm một vài năm nữa?   

Author: Đình Hiển

News day