Những bất cập về việc đào tạo và cấp chứng chỉ Ngoại ngữ - Tin học
Aries (Tổng hợp) 05/19/2017 11:00 AM
Việc quản lý và tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ, văn bằng thuộc nhiều lĩnh vực, đặt biệt là Ngoại ngữ - Tin học có nhiều tiến bộ, nhưng không tránh khỏi mặt trái trong việc xúc tiến.

Gần đây, một số ngành, địa phương đã bắt buộc cán bộ, công chức, công nhân viên chức phải có các chứng chỉ, văn bằng… nhất là về ngoại ngữ - tin học, để có thể tiếp tục công tác, chuyển - nâng ngạch, đề bạt…

Đây là động thái hợp lý, phù hợp với thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và giao lưu quốc tế. Nhưng yêu cầu này được thực thi chưa hợp lý, dẫn đến lạm dụng, như yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ - tin học đối với những cán bộ có chuyên ngành không liên quan nhiều, như công an, quân sự…

Việc tổ chức các khoá ngoại ngữ được đẩy mạnh. Ảnh: laodong.com.vn

Ngoài ra, nhiều khoá học (với chứng chỉ tương ứng) phải được tham gia đầy đủ (học nghị quyết, chỉ thị, lý luận chính trị, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng, an ninh, đạo đức công vụ, văn hóa công sở…) Nhưng phần lớn các khoá học không được áp dụng trong quá trình công tác.

Việc này dẫn đến các bất cập như cán bộ phí nhiều thời gian đi học, đi thi, thay vì tập trung công tác chuyên môn; việc mở lớp đào tạo theo kiểu “nộp tiền lấy chứng chỉ”; và các trường lớp mở ra để chạy theo thành tích, bỏ qua chất lượng.

Chứng chỉ ngoại ngữ cũng là một yếu tố xét tốt nghiệp. Để hỗ trợ sinh viên, các trường đại học và cao đẳng trong những năm gần đây đã tổ chức các trung tâm ngoại ngữ, tin học tại trường.

Việc hạ chuẩn các chứng chỉ để giảm áp lực cho sinh viên có thể gây bất lợi về lâu dài. Ảnh: laodong.com.vn

Tuy nhiên, để hạ áp lực, giúp sinh viên ra trường đúng hẹn, nhà trường đã hạ chuẩn nội bộ. Nên chứng chỉ do nhà trường cấp có thể không được chấp nhận tại nơi khác. Việc này góp phần làm giảm khả năng ngoại ngữ của sinh viên và niềm tin của doanh nghiệp về chứng chỉ được cấp bởi nhà trường.

Tuỳ theo ngành, hệ cao đẳng yêu cầu điểm TOEIC là 250 - 450, hệ đại học từ 450 - 650. Mặc dù tổ chức các khoá học và kì thi chứng chỉ tương đương cho học viên, nhà trường cũng khuyến khích các em tự học, tự thi chứng chỉ quốc tế để quy đổi điểm tại nhà trường.

Vì nhu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ tăng cao, nhiều trung tâm ngoại ngữ được mở ra để đáp ứng. Nhưng một số trung tâm hoạt động mà chưa có giấy phép do các cơ quan thẩm quyền cấp.

Một đối tượng làm giả chứng chỉ. Ảnh: laodong.com.vn

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra công văn yêu cầu thực hiện rà soát, đánh giá về quy trình cấp giấy phép, nêu rõ các ưu, nhược điểm, các bất cập trong quá trình triển khai, và biện pháp khắc phục; đồng thời đánh giá công tác quản lý, tổ chức đào tạo, cũng như chất lượng giáo viên các trung tâm.

Author: Aries (Tổng hợp)

News day