Những bộ phim ý nghĩa về các nhà khoa học
Ryn (Tổng hợp) 06/03/2017 12:30 PM
Cuộc đời thú vị của những nhà thiên tài khoa học luôn thu hút các nhà làm phim. Điều gì làm nên một thiên tài? Họ đã sống ra sao và thành công thế nào? Đó là những câu hỏi mà tất cả khán giả luôn trông chờ khi xem những bộ phim về họ.

Nhà bác học Albert Einstein từng nói: "Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện". Cuộc đời thú vị của những thiên tài luôn thu hút các nhà làm phim vì trong đó có thể thể hiện những câu chuyện nhiều nước mắt, thể hiện những thất bại để đi đến thành công của các nhà khoa học lừng lẫy. Điều gì làm nên một thiên tài? Họ đã sống ra sao và thành công thế nào? Đó là những câu hỏi mà tất cả khán giả luôn trông chờ khi xem những bộ phim về họ.

Hidden figures (Bộ ba ưu việt, 2017)

Poster phim Hidden figures.
Ảnh: complex.com

Bộ phim “Hidden Figures” được đạo diễn Theodore Melfi thực hiện dựa trên cuốn sách cùng tên của Margot Lee Shetterly. Nội dung chính của tác phẩm kể về ba người phụ nữ da màu tài ba làm việc cho NASA trong thập niên 1960. Nhờ công của họ, nước Mỹ trở thành cường quốc đầu tiên đưa con người lên mặt trăng thành công, mở ra trang lịch sử tự hào cho xứ sở cờ hoa.

Ba người phụ nữ ấy bao gồm hai nhà toán học Katherine Goble Johnson (Taraji P. Henson), Dorothy Vaughan (Octavia Spencer) và kỹ sư trẻ Mary Jackson (Janelle Monáe). Họ đều là những người sở hữu bộ óc thiên tài nhưng bên cạnh đó, khi làm việc cho NASA, họ phải chịu vô số áp lực vì màu da của mình.

Phim kể về ba người phụ nữ da màu tài ba làm việc cho NASA trong thập niên 1960.
Ảnh: vulture.com

Nhưng rào chắn của định kiến và lề thói cổ hủ càng lên cao, nhóm ba người phụ nữ ấy càng quyết tâm đấu tranh để đòi lại quyền bình đẳng, khiến bộ phim trở nên lôi cuốn và mang ý nghĩa lớn lao. Bộ phim là sự tôn vinh vai trò của người phụ nữ, góp tiếng nói xóa đi nạn phân biệt chủng tộc đồng thời tái hiện lại lịch sử với những cống hiến của các nhà khoa học cho nhân loại.

Tại lễ trao giải thưởng Oscar 2017, “Hidden Figures” nhận tổng cộng ba đề cử cho Phim truyện, Nữ diễn viên phụ (Octavia Spencer) và Kịch bản chuyển thể xuất sắc. Tác phẩm cũng mới nhận giải Dàn diễn viên xuất sắc của SAG (Hiệp hội Diễn viên Mỹ) năm nay.

The Theory of Everything (Thuyết vạn vật, 2014)

Poster phim The Theory of Everything.
Ảnh: imdb.com

Đây là bộ phim Anh do James Marsh đạo diễn, kịch bản dựa trên hồi ký “Travelling to Infinity: My Life with Stephen” của Jane Wilde Hawking, nói về mối quan hệ của cô với chồng cũ, Stephen Hawking – Nhà vật lý lý thuyết vĩ đại của thế kỷ XX.

Bộ phim bắt đầu từ thời điểm Stephen học đại học, khi anh phát hiện ra mình đã mắc căn bệnh “thần kinh vận động” liên quan tới hội chứng teo cơ bên, dẫn đến gần như liệt toàn thân. Nhưng nhờ sự trợ giúp chủ yếu từ vợ mình, Stephen đã vượt qua nghịch cảnh, tạo nên những công trình học thuật có giá trị cho nhân loại.

Stephen Hawking – Nhà vật lý lý thuyết vĩ đại của thế kỷ 20.
Ảnh: thefamouspeople.com

Bộ phim giới thiệu đến người xem cuộc đời “kỳ diệu” của Stephen và những giá trị từ tình yêu, thời gian, hạnh phúc, sức mạnh của con người,… Với vai diễn xuất sắc Stephen, Eddie Redmayne đã giành được tượng vàng Oscar 2014 cho hạng mục “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất”.

The Imitation Game (Trò chơi mô phỏng, 2014)

Poster phim The Imitation Game.
Ảnh: slate.com

Bộ phim này được phóng tác từ hồi ký “Alan Turing: The Enigma” của Andrew Hodges". Phim do đạo diễn Morten Tyldum (Mỹ) chỉ đạo, diễn viên Benedict Cumberbatch đóng vai chính Alan Turing.

Phim xoay quanh khoảng thời gian nhà toán học Alan Turing, người chỉ huy của nhóm Hut 8, có trách nhiệm giải mật mã của hải quân Đức, cứu được hàng ngàn người vô tội trong Thế chiến thứ 2. Kết thúc chiến tranh, Alan bị phát hiện và buộc tội đồng giới. Tại Anh và ở thời điểm này, đồng giới được xem là một kiểu phạm pháp và ông bị buộc tiêm “hormone” kháng cự ham muốn tình dục tại gia. Quá trình tiêm thuốc thường xuyên này đã khiến ông kiệt sức rồi qua đời.

Nhà toán học Alan Turing (1912 - 1954) được xem là cha đẻ của ngành Khoa học máy tính.
Ảnh: nndb.com

Bộ phim muốn nhắc nhở chúng ta, hãy nhớ đến cống hiến của Alan Turing cho nhân loại, chứ không phải vấn đề giới tính của ông.

Da Vinci’s Demons (Những con quỷ của Da Vinci, 2013)

Bộ phim "Da Vinci’s Demons" khai thác những câu chuyện chưa được kể về nhà khoa học Da Vinci.
Ảnh: starz.com

Đây là một bộ phim truyền hình Anh - Mỹ nói về thời tuổi trẻ của họa sĩ, nhà phát minh thiên tài và lập dị Leonardo Da Vinci, bắt đầu công chiếu phần 1 trên kênh Fox và Starz năm 2013.

Bộ phim khai thác những câu chuyện chưa được kể về Da Vinci, người đã có những phát minh đi trước thời đại ở tuổi 25, tại một thời điểm trong lịch sử mà “tư tưởng và đức tin bị kiểm soát”.

Da Vinci là người đã có những “phát minh” đi trước thời đại ở tuổi 25.
Ảnh: bio.com

Bí mật hấp dẫn về Leonardo Da Vinci cho thấy một người đàn ông trẻ tuổi bị hành hạ bởi những món quà của sự phi thường, một người dị giáo muốn để lộ nhiều điều dối trá của tôn giáo, một kẻ nổi loạn tìm cách lật đổ một xã hội tinh hoa và một người con hoang khao khát được cha mình công nhận là hợp pháp.

Đó chính là những yếu tố “lạ” khiến người xem thích thú về bộ phim này.

A Beautiful Mind (Một tâm hồn đẹp, 2001)

"A Beautiful Mind" kể về những năm đầu đời của thần đồng trẻ tuổi John Nash khi anh mắc căn bệnh Tâm thần phân liệt.
Ảnh: bosworthfestival.co.uk

Đây là một bộ phim của đạo diễn Ron Howard, lấy cảm hứng từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Sylvia Nasar từng được đề cử Giải Pulitzer 1988, nói về thiên tài toán học John Forbes Nash Jr (John Nash) – Người đã đoạt giải Nobel kinh tế 1994.

Câu chuyện kể về những năm đầu đời của thần đồng trẻ tuổi John Nash, khi anh mắc căn bệnh tâm thần phân liệt và phải đấu tranh vượt qua nó dưới gánh nặng của người vợ Alicia và bạn bè.

John Nash (1928 - 2015) là một nhà toán học người Mỹ với chuyên ngành lý thuyết trò chơi, hình học vi phân và phương trình đạo hàm riêng. Các học thuyết của ông được sử dụng trong kinh tế, điện toán, trí tuệ nhân tạo, sinh học tiến hóa, kế toán và chính trị.
Ảnh: nndb.com

Phim đã nhận được đón nhận nồng nhiệt từ giới phê bình, nhưng số ít đã chỉ trích khi cho rằng nội dung đã không đề cập tới một vài khía cạnh trong cuộc sống của Nash. Dù vậy, phim vẫn thắng 4 giải Oscar, bao gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Author: Ryn (Tổng hợp)

News day