Những diễn biến mới xung quanh sắc lệnh hành pháp về di trú của Tổng thống Mỹ
Trang Lu 02/05/2017 06:00 PM
Hơn 1 tuần kể từ ngày sắc lệnh hành pháp về di trú được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký, ngày 27/01/2017, đã có nhiều ý kiến và xung đột diễn ra quanh sắc lệnh này, khiến cho ông Trump trở thành Tổng thống vướng vào nhiều vụ kiện nhất từ trước tới nay tại Mỹ.

Theo thống kê từ Văn phòng các Tòa án Mỹ, từ khi tuyên thệ nhậm chức ngày 20/01/2017, tới ngày 03/02/2017 Tổng thống Trump đã bị nêu tên trong 52 vụ kiện liên bang ở 17 bang khác nhau. Chính quyền của ông đã vấp phải nhiều thách thức về mặt pháp lý khi ban hành một loạt sắc lệnh gây tranh cãi, về nhập cư, xây dựng tường ngăn biên giới, hay liên quan tới xung đột lợi ích khi doanh nhân làm tổng thống - một vấn đề đã được nêu rất nhiều lần trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức.

Những sắc lệnh gây tranh cãi của Trump gặp nhiều thách thức về mặt pháp lý. Ảnh: EPA

Nếu tính riêng về sắc lệnh hành pháp về di trú, các tổ chức vì dân quyền và vận động cho người Hồi giáo, các nhóm người nhập cư đã tạo ra một làn sóng thách thức mới đối với sắc lệnh này. Không chỉ đơn thuần là các cuộc biểu tình trong và ngoài nước Mỹ, mà đây cũng là nguyên nhân của nhiều vụ kiện tụng khi sắc lệnh làm một số lượng lớn người nhập cư bị kẹt lại tại các sân bay trên khắp nước Mỹ cũng như toàn thế giới. 

Không chỉ vướng vào các vụ kiện cá nhân ở các bang như Texas, Pennsylvania, Illinois và Georgia, mà ông Trump còn vướng vào hàng loạt các vụ kiện do chính các bang tại Mỹ khởi kiện. Ngoài vụ kiện do Tổng chưởng lý các bang New York, Massachusetts và Virginia cùng nhau đệ đơn kiện và phản đối sắc lệnh, ông cũng phải đối mặt với vụ kiện do bang Washington cùng bang Minnesota đệ đơn chống lại sắc lệnh cấm nhập cư vào ngày 02/02, vụ kiện do bang Hawaii đệ đơn khiếu nại lên toà liên bang, cho rằng sắc lệnh của Tổng thống vi hiến và yêu cầu toà ngăn chặn lệnh này trên cả nước ngày 03/02. Không những vậy, tổng chưởng lý bang California, New York, Pennsylvania cùng 12 bang khác và thủ đô Washington D.C đã cùng nhau ra tuyên bố chung, gọi sắc lệnh cấm nhập cảnh là "vi hiến, không theo các giá trị Mỹ và bất hợp pháp". Điều này cho thấy việc phản đối cũng như kiện Tổng thống Trump còn tiếp tục lan rộng. 

Nhiều người Mỹ thể hiện sự ủng hộ đối với người nhập cư tại sân bay quốc tế Dulles, Washington. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, trong một phiên tòa tại Virginia, chánh án liên bang Leonie Brinkema ở Alexandria yêu cầu Nhà Trắng cung cấp danh sách những người bị từ chối hoặc bị chặn không cho vào Mỹ do lệnh cấm nhập cảnh. Trong khi Bộ Ngoại giao nước này cho biết, có gần 60.000 thị thực được cấp cho công dân các quốc gia Iran, Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen đã bị vô hiệu hoá vì sắc lệnh thì các luật sư Chính phủ cho rằng con số thị thực bị thu hồi lên đến hơn 100.000.

Liên quan đến vụ kiện của Tổng chưởng lý hai bang Washington và Minnesota, thẩm phán liên bang tại Seattle, tiểu bang Washington, James Robart vào hôm 03/02 đã ra lệnh bằng lời nói yêu cầu tạm ngưng sắc lệnh về di trú mới trên cả nước. Phán quyết trong vụ kiện này được ông James Robart đưa ra lật ngược sắc lệnh tạm cấm nhập cảnh và ông cho rằng lệnh này nên được bãi bỏ ngay lập tức.

Thẩm phán James Robart (phải) công bố lệnh tạm đình chỉ trước phóng viên. Ảnh: The Seattle Times

Theo nguyên tắc về luật pháp của Mỹ, sau lệnh của thẩm phán Robart thì lệnh tạm cấm nhập cảnh của Tổng thống sẽ không còn hiệu lực và các sân bay buộc phải tuân theo cho đến khi có phán quyết lật ngược lệnh này tại Toà án cấp cao hơn. Nhà Trắng đã ngay lập tức tuyên bố tìm cách ngăn lệnh của chánh án liên bang Robart, bảo vệ sắc lệnh của Trump bằng cách yêu cầu Bộ tư pháp đệ đơn yêu cầu "tạm dừng khẩn cấp" lệnh đình chỉ này.

Trong thông cáo được Nhà Trắng phát đi vào khoảng 22h30 tối 03/02 (theo giờ miền Đông nước Mỹ), Nhà Trắng khẳng định sẽ "bảo vệ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống, mà chúng tôi tin rằng hợp pháp và hợp lý", vì sắc lệnh này nhằm bảo vệ đất nước và ông có đủ thẩm quyền được Hiến pháp Mỹ trao cho, cũng như trách nhiệm để bảo vệ người dân Mỹ.

Bộ ngoại giao Mỹ xác nhận đã được Bộ tư pháp thông báo về mệnh lệnh của thẩm phán Robart cũng như đang làm việc với Bộ an ninh nội địa và sẽ nhanh chóng thông báo nếu có bất kỳ thay đổi nào tác động đến các du khách tới Mỹ. Ngày 04/02, Bộ an ninh nội địa Mỹ (DHS) thông báo đã đình chỉ toàn bộ hoạt động thực thi sắc lệnh hạn chế nhập cư, khôi phục cơ chế giám sát du khách như họ vẫn thực hiện trước khi Tổng thống ký sắc lệnh gây tranh cãi trên. 

Trước đó, DHS đã ban hành văn bản làm rõ sắc lệnh, xác nhận lệnh cấm không áp dụng cho những người thường trú hợp pháp lâu dài tức là những người đã có thẻ xanh hoặc những người từng giúp quân đội Hoa Kỳ, cũng như không có kế hoạch mở rộng danh sách các nước Hồi giáo nằm trong lệnh cấm sau khi những người này bị chính quyền chặn lại tại sân bay không cho vào Mỹ.

Trong một diễn biến có liên quan khác, trong cùng ngày, chánh án liên bang ở Boston, ông Judge Nathan Gorton, đã từ chối gia hạn lệnh cho phép một số người di dân từ các quốc gia nằm trong lệnh cấm của Tổng thống Trump vào Mỹ khi ông bày tỏ hoài nghi về lập luận của một nhóm nhân quyền cho rằng sắc lệnh của Tổng thống phân biệt chủng tộc.

Cũng trong ngày 03/02, một cố vấn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Kellyanne Conway, đã phải đính chính sau khi hứng chịu làn sóng chỉ trích khi dựng lên "vụ thảm sát" không có thật để biện hộ cho lệnh tạm cấm nhập cư. Trong cuộc phỏng vấn vào ngày 02/02, bà Conway cho biết sắc lệnh hành pháp của ông Trump là chính đáng một phần do nguyên nhân "vụ thảm sát Bowling Green" năm 2011 về 2 người Iraq đến Mỹ, bị cực đoan hóa, là chủ mưu đứng sau vụ thảm sát Bowling Green.... Tuy nhiên, đó lại là thông tin không hề có thật vì 2 người Iraq bị bắt giữ tại thành phố Bowling Green do bị buộc tội âm mưu tuồn vũ khí và tiền cho nhóm khủng bố Al-Qaeda tại Iraq chứ không hề liên quan đến âm mưu tấn công trong lãnh thổ Mỹ.

Cựu Thủ tướng Na Uy Kjell Magne Bondevik. Ảnh: presstv.ir

Pháp lệnh hành pháp không chỉ gây rắc rối cho dân thường liên quan đến các nước bị cấm mà còn gây trở ngại cho nhiều vị lãnh đạo các nước. Ngày 03/02, Cựu Thủ tướng Na Uy Kjell Magne Bondevik tuyên bố ông cảm thấy sốc khi bị tạm giữ và bị thẩm vấn tại sân bay quốc tế Mỹ vì từng tới thăm Iran 3 năm trước. Tại sân bay quốc tế Dulles, thủ đô Washington, ông bị tạm giữ khoảng một giờ sau khi các nhân viên hải quan kiểm tra hộ chiếu ngoại giao của ông và phát hiện ông từng tới Iran năm 2014 mặc dù trên hộ chiếu cũng cho thấy rõ ông là cựu thủ tướng Na Uy. Ông Bondevik hiện là chủ tịch Trung tâm Oslo, một tổ chức nhân quyền, bị tạm giữ trong cùng một phòng với các hành khách tới từ Trung Đông và châu Phi, phải chờ đợi trong 40 phút, sau đó bị thẩm vấn trong 20 phút về chuyến đi tới Iran, nơi ông phát biểu tại một hội nghị.

Ông Ali Vayeghan (trái), được gia đình chào đón tại sân bay quốc tế Los Angeles ngày 02/02. Ảnh: AP

Trong tin tức có liên quan khác, ông Ali Vayeghan, 52 tuổi, người Iran và có thẻ xanh vào Mỹ, đã trở thành người đầu tiên được Tòa án cho phép quay trở lại Mỹ ngày 02/02 sau sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. Ông đã nghe lời khuyên từ các luật sư của mình từ chối khi bị buộc ký một văn bản hủy bỏ thẻ xanh và nhờ các luật sư của ông đã tìm tới sự can thiệp của một thẩm phán khi họ tới Tòa án liên bang ngày 29/01, thuyết phục được Tòa án cho phép ông được quay trở lại. Quyết định này của Thẩm phán Tòa án hạt Mỹ Dolly Gee là một trong những phán quyết táo bạo được một thẩm phán liên bang đưa ra, khi cho rằng Hiến pháp Mỹ đảm bảo rằng "không có ai nhận được ưu đãi hay ưu tiên cũng như bị phân biệt đối xử trong việc cấp thị thực nhập cư vì chủng tộc, giới tính, quốc tịch, nơi sinh hay nơi cư trú".

Author: Trang Lu

News day