Những điều thú vị về chiếc đèn lồng
Thảo Nguyên (Tổng hợp) 08/19/2017 06:30 PM
Những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu từ lâu đã là một nét đẹp riêng biệt trong văn hóa các nước phương Đông như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam... Xung quanh những chiếc đèn lồng này có khá nhiều câu chuyện thú vị, hấp dẫn. Bạn đã từng nghe qua chưa?

Nguồn gốc

Lồng đèn đã xuất hiện tại Trung Hoa từ khoảng 1800 năm trước, vào thời Tây Hán. Hàng năm, vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch, người ta treo những chiếc đèn lồng màu đỏ để tạo bầu không khí lễ hội. Kể từ đó, đèn lồng được sử dụng phổ biến trong hầu hết các dịp lễ hội ở Trung Quốc.

Đèn lồng có nguồn gốc từ Trung Hoa. Ảnh: Guideadvisor.com

Ở Việt Nam, lồng đèn gắn liền với ngày Trung thu. Người Việt vẫn thường truyền tai nhau một sự tích như thế này:

Ngày xưa, dọc một bờ sông nọ, có một ngôi làng rất đông đúc, phồn thịnh. Một ngày, từ dưới sông bỗng có một con cá chép thành tinh xuất hiện. Con cá này thường lên bờ vào đêm trăng tròn tháng tám tìm bắt người ta để ăn thịt. Nhiều người phải bỏ làng mà đi. Làng xóm vì vậy mà trở nên thê thảm, tiêu điều. Một hôm có nhà sư vân du qua đó, nghe dân làng kể lại, ông mới bày cho dân làng làm mỗi nhà một cái lồng đèn hình con cá chép thật lớn, bên trong là nan tre, bên ngoài phủ vải. Đến rằm trung thu, dân làng đem lồng đèn treo trước cửa, thắp nến sáp bên trong. Cá chép thành tinh lên bờ tìm người để ăn thịt, đi đến nhà nào nó cũng thấy lồng đèn cá chép, tưởng là nhà của đồng loại nên nó bỏ đi.

Từ đó, mỗi năm cứ đến rằm trung thu, dân làng lại làm lồng đèn cá chép. Tục này ngày càng lan rộng ra khắp nơi, trở thành một thú vui trong ngày Trung thu.

Được du nhập vào Việt Nam, đèn lồng cũng có sự tích riêng. Ảnh: Skyticket.jp

Đối với phố cổ Hội An – nơi được biết đến như “thánh địa” của những chiếc lồng đèn Việt Nam. Lịch sử chiếc lồng đèn đã có từ vài trăm năm trước, thuở đấy nơi đây là một thương cảng nổi tiếng có tên Hải Phố. Những thương gia mang họ Châu, La, Thái tận Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông ở Trung Quốc đến đây buôn bán đã mang theo lồng đèn. Họ treo những chiếc lồng đèn này trước nhà của mình. Dần dần, lồng đèn trở thành một biểu tượng không thể thiếu của phố cổ Hội An.

Thiết kế

Thiết kế truyền thống nhất của lồng đèn là hình trái bí màu đỏ, đính tua vàng, đôi khi là hình vuông. Hiện nay thiết kế của đèn lồng được thay đổi rất phong phú, đa dạng từ kiểu dáng đến màu sắc, các chi tiết liên quan và họa tiết trang trí. Đối với đèn lồng Trung thu, các nghệ nhân cũng thiết kế thành nhiều hình con thỏ, con rồng... để phù hợp với nhu cầu của trẻ em.

Nghề làm lồng đèn ở Hội An. Ảnh: Denlong.org

Các vật liệu được sử dụng để làm đèn lồng rất đa dạng. Thông thường, khung đèn làm từ tre, gỗ, mây và sợi thép. Vải bọc có thể là lụa hay giấy. Tùy theo chất liệu mà có các cách thức trang trí khác nhau như vẽ thư pháp, sơn, thêu ren, đính họa tiết giấy...

Nổi tiếng với nghề làm đèn lồng ở nước ta có thể kể đến phố cổ Hội An. Đèn lồng Hội An có hình thức, màu sắc khá đa dạng, thể hiện vẻ tinh tế, tài hoa của người thợ đất Việt. Nguyên liệu chính là tre và vải lụa. Tre dùng để tạo khung đèn là loại tre già được ngâm kĩ với nước muối để chống mối mọt, sau đó phơi khô vót mỏng cho phù hợp với kích cỡ của các loại đèn. Vải lụa tơ tằm có độ dai khi căng trên khung đèn không bị rách. Người Hội An thích dùng lụa Hà Đông để bọc đèn. Thứ lụa này làm cho ánh sáng thêm huyền ảo sống động. Để hoàn chỉnh một chiếc đèn lồng còn phải bỏ công sức tiện gỗ quét sơn hay véc ni, kết tua đèn, uốn dây thép làm chỗ treo đèn.

Phố Hội về đêm lung linh ánh đèn. Ảnh: Dulichdanang123.com

Đèn lồng Hội An đẹp, nhẹ và quan trọng là có thể thu gọn lại bằng cách xếp khung theo nếp để mang đi, rất tiện lợi cho các du khách muốn mua vài chiếc đèn lồng về làm kỷ niệm. Đèn lồng đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Hội An, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam với du khách thế giới.

Ý nghĩa

Ở Trung Quốc, ngoài việc được sử dụng để thắp sáng và tạo bầu không khí vui tươi của lễ hội vào ban đêm, đèn lồng cũng mang ý nghĩa tượng trưng. Theo bậc thầy đèn lồng người Đài Loan là Wu Dunhou, đèn lồng được sử dụng tại đám cưới (đèn lồng cung đình, kiểu đèn tròn màu đỏ tươi) là biểu tượng cho sự vui vẻ, trong khi những chiếc đèn lồng nẹp tre màu trắng lại là thông báo tang lễ.

Đèn lồng đỏ báo hỷ. Ảnh: Carlislegolfclub.org

Ở Nhật Bản, đèn lồng hình cá chép được treo trong ngày lễ bé trai. Chú cá chép thân dài được treo đứng trên cây sào trước nhà tượng trưng cho hình ảnh "cá vượt vũ môn", bơi ngược dòng thác, là biểu tượng cầu mong cho những đứa trẻ trong nhà khi lớn lên có thể tự thân lập nghiệp, thành công trên đường đời. Việc treo đèn giống như nghi thức chúc phúc những bé trai và gửi gắm hy vọng rằng chúng sẽ trưởng thành khoẻ mạnh.

Đèn lồng cá chép (Koinobori) của Nhật Bản. Ảnh: Bthetravelbrand.com

Đối với Việt Nam, đèn lồng là một trong những biểu tượng không thể thiếu của ngày lễ Trung thu. Đèn lồng cũng là nét đẹp văn hóa của phố cổ Hội An, gắn liền với lễ hội đèn lồng và thả đèn hoa đăng trên dòng sông Hoài vào các dịp trăng rằm.

Đèn lồng còn mang ý nghĩa về mặt phong thủy. Người ta tin rằng nếu đặt một chiếc đèn lồng trong nhà ở đúng vị trí, chiếc đèn sẽ mang lại năng lượng tích cực cho gia chủ, giúp hôn nhân hạnh phúc. Đèn lồng cũng được sử dụng đề cầu hạnh phúc, bình an trong một số dịp lễ, cúng bái. Trước tiên là thắp đèn lồng ở vị trí tổ tiên linh thiêng để cầu bình an hạnh phúc cho gia đình, tiếp đó đem đi cúng thần đất để cầu thần núi ban phước, rồi đem đến kho dự trữ để cầu thóc lúa gạo luôn đầy nhà, cuối cùng đem đến treo ở những con đường lớn để cầu thượng lộ bình an.

 

Author: Thảo Nguyên (Tổng hợp)

News day