Những lầm tưởng trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa
Quân (Tổng hợp) 05/06/2018 06:30 PM
Trung Quốc là nơi quy tụ những nét văn hóa ẩm thực độc đáo nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Có rất nhiều điều chúng ta đã lầm tưởng về nền ẩm thực của quốc gia đông dân bậc nhất thế giới này.

Xuyên suốt chiều dài 5000 năm lịch sử, dưới ảnh hưởng của nhiều vùng văn hóa khác nhau, Trung Quốc sở hữu nền ẩm thực đặc sắc hơn thảy với sự kết hợp tinh tế giữa hương, sắc, vị, thị. Chính sự đa dạng của nó đã dẫn đến nhiều lầm tưởng trong văn hóa ăn uống của đất nước này.

1. Người Trung Quốc thích ăn cơm

Dù gạo được xem là lương thực chính yếu của Trung Quốc và giữ vị trị lớn trong các bữa ăn mà chúng ta thường gọi là cơm nhưng thực chất người Hoa lại dành tình yêu lớn hơn cho bột mì - thứ nguyên liệu làm ra các món mì sợi, bánh bao và sủi cảo trứ danh.

Mì Trung Hoa. Ảnh: jamja.vn

Mì kéo được xem là một nghệ thuật ẩm thực đặc trung bậc nhất của người Hoa. Theo quan niệm, sợi mì kéo càng dài càng thể hiện cuộc sống trường thọ. Mì thường được ăn kèm cùng nước súp hầm từ xương và rau củ hay trộn với thịt cùng nước sốt, hoặc đôi khi dùng với nước sốt để riêng. Một bát mì thơm phức, nước dùng bắt mắt, bỏ thêm một chút vị cay là thứ điểm tâm không thể chối từ bởi bất kỳ người Trung Quốc nào.

Bên cạnh mì kéo, người ta còn dùng bột mì để gói bánh bao kèm theo nhân thịt cùng các loại rau hoặc màn thầu không nhân. Mẻ bánh nghi ngút khói đầy hấp dẫn trở thành thứ không thể thiếu trong nền ẩm thực xứ Trung. Họ ăn bánh bao vào bất cứ bữa nào trong ngày, có thể để lót bụng hoặc ăn như bữa chính.

Bánh chẻo (sủi cảo) - một trong những món ăn đặc trưng của Trung Hoa. Ảnh: tourtrungquoc.com

Đã từng đến Trung Quốc hay chỉ đơn giản ngồi trước màn hình xem phim cũng dễ nhận thấy người Hoa rất thích dùng bánh chẻo (sủi cảo) thay cơm. Vỏ bột mì cán mỏng gói nhân rồi đem hấp hoặc thả vào nước dùng. Sủi cảo mang ý nghĩa đoàn viên, sung túc trong văn hóa của Trung Hoa.

2. Ăn nhiều những món chiên xào

Bánh quẩy, bánh kếp, cơm chiên dương châu, Chow Mein (mỳ xào), vịt quay… là những món nổi tiếng của Trung Quốc và khiến chúng ta nghĩ rằng đây là quốc gia của nền ẩm thực nhiều dầu mỡ.

Ẩm thực Trung Hoa là sự hòa quyện của rất nhiều trường phái nấu nướng, từ chiên, xào đến ninh, hầm,... Ảnh: news.zing.vn

Tuy nhiên, Trung Quốc là cái nôi của đa trường phái ẩm thực, trừ vùng Quảng Đông thiên về các món chiên, rán phức tạp và cầu kỳ thì đa số các vùng còn lại đều có xu hướng thưởng những món thanh đạm và áp dụng các phương thức ninh, hầm, hấp là chính.

3. Ai cũng có thể ăn cay

“Cay” tuy là một trong năm hương vị chủ đạo (ngọt, cay, chua, mặn, đắng) của nền ẩm thực Trung Hoa nhưng không phải ai cũng có thể chịu được cảm giác tê cay nơi đầu lưỡi, hơi nồng xộc lên mũi và cái nóng râm ran nơi cuống họng.

Tứ Xuyên là một trong những địa phương nổi tiếng với các món cay, nồng. Ảnh: 24h.com.vn

Chỉ có những vùng đặc trưng ở phía Tây và phía Nam Trung Quốc như Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Hồ Nam… mới “chuộng” sử dụng ớt trong các món ăn hàng ngày. Có lẽ hình ảnh của những nồi lẩu ngập ớt, những món xào rực sắc đỏ đã ghi vào đầu du khách về một đất nước ngập tràn vị cay.

4. Cầu kỳ về hình thức

Sự du nhập từ văn hóa phương Tây đã tạo nên nét cầu kỳ trong bài trí món ăn ở Trung Quốc. Không chỉ quan tâm đến hương và vị, các đầu bếp để mắt hơn đến “thị giác” món ăn, họ mong muốn gây ấn tượng với thực khách ngay từ vẻ ngoài bắt mắt của món ăn.

Mặc dù là một trong những nền văn hóa ẩm thực rất cầu kì trong việc trang trí các món ăn, nhưng thực chất, người dân Trung Hoa không quan tâm đến vẻ ngoài ấy, họ đánh giá hoàn toàn dựa vào chất lượng món ăn. Ảnh: youtube.com

Nhưng thực chất, người Trung Quốc ban đầu không quá đặt nặng việc bài trí cũng như hình thức món ăn và thậm chí có xu hướng đơn giản hóa. Họ thường đựng thức ăn vào một tô hoặc đĩa lớn rồi rắc thêm vài đoạn hành nhấn nhá bên trên. Món ăn càng đắt tiền là món ăn phải đạt đủ độ ngon về mùi vị, bỏ qua hình thức bề ngoài. Đặc biệt, họ cũng thích dùng các dụng cụ ăn uống đơn giản và gần như chỉ sử dụng đũa gắp trong hầu hết bữa ăn.

Trung Hoa là đất nước sở hữu nét văn hóa trà đạo độc đáo và đấy ý vị. Ảnh: toplist.vn

Được xếp hạng trong những quốc gia uống nhiều rượu nhất thế giới nhưng ít ai biết người Trung Quốc lại có sở thích dùng trà nhiều hơn trong đời sống hàng ngày. Trà trở thành thứ không thể thiếu trên bàn ăn, nó đóng vai trò quan trọng trong văn hóa và đời sống ẩm thực của người dân Trung Hoa. Trà được dùng trong suốt bữa ăn nhằm cân bằng lại khẩu vị mỗi khi chuyển sang một món mới. Đặc biệt, thay vì mời rượu trong những buổi gặp mặt, người Trung Quốc thường dùng tiệc trà để tiếp đãi khách quý.

 

Author: Quân (Tổng hợp)

News day