Những người giữ lửa cho thổ cẩm của người dân tộc Mạ
UTU 12/13/2016 11:00 PM
Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, tuy nhiên vẫn chưa phát triển để chiếm vị trí quan trọng trong kinh tế của người đồng bào người Mạ.

Nếu đã từng đặt chân đến vùng đất của những người dân tộc Mạ, ắt hẳn chúng ta sẽ khó quên hình ảnh những người phụ nữ khom lưng ngồi dệt ra những tấm thổ cẩm với đường nét hoa văn nhiều màu sắc. Đó cũng là một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mạ.

Người nghệ nhân Mạ gắn bó với nghề dệt thổ cẩm.
Ảnh: thocamma

Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, tuy nhiên vẫn chưa phát triển để chiếm vị trí quan trọng trong kinh tế của người đồng bào người Mạ. Với nghề dệt thổ cẩm này, phụ nữ chính là người quyết định đến sự tồn tại và phát triển của nó.

Trong xã hội cổ truyền của người Mạ, tiêu chí đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ chính là biết dệt thổ cẩm. Những tấm vải được tỉ mỉ dệt ra còn thể hiện sự tinh tế, khéo léo, cần mẫn của người thiếu nữ Mạ. Và cũng từ cái nôi dệt thổ cẩm ấy mà bao nghệ nhân tài giỏi ra đời, tâm huyết truyền lửa cho con cháu đời sau để nghề thổ cẩm còn được lưu truyền cho đến tận bây giờ.

Trước năm 1970, xuất phát từ nhu cầu làm trang phục bảo vệ cơ thể, nghề dệt thổ cẩm đã ra đời theo thế hệ bà truyền lại cho cháu, đó cũng là lí do hầu hết các thiếu nữ Mạ đều biết dệt thổ cẩm. Quá trình dệt và nguyên liệu dệt cũng biến đổi dần theo thời gian. Ban đầu, người Mạ dùng cây bông để làm sợi chỉ. Nhuộm màu vải bằng các loại cây tự nhiên, màu vải ngày xưa chỉ gam chủ đạo đen-trắng. Nhưng về sau, nhu cầu sáng tạo càng cao, người đồng bào bắt đầu tìm kiếm những loại cây, loại quả có màu để nhuộm vải. Quá trình tìm kiếm và nhuộm màu vải quả thực rất khó khăn, được đúc kết từ những kinh nghiệm qua một thời gian dài tích lũy. Như màu vàng được nhuộm từ chính nước cốt của cây nghệ vàng. Màu đen được nhuộm từ cây Chàm, màu đỏ được nhuộm từ cây mà người Mạ gọi là xi Clày và xi Vềsê (trong đó “xi” có nghĩa là cây). Còn hiện nay, người phụ nữ Mạ sử dụng chỉ công nghiệp, len nhân tạo để dệt thổ cẩm. Khiến cho tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và phong phú hơn. Quá trình dệt cũng được diễn ra nhanh hơn so với ngày xưa.

Tên gọi hoa văn của người dân tộc Mạ.
Ảnh: Thu Hạnh
Tên gọi hoa văn của người dân tộc Mạ.
Ảnh: Thu Hạnh

Sản phẩm dệt thổ cẩm của người Châu Mạ đa dạng về mẫu mã và màu sắc nhưng không được phát triển vì thị trường tiêu thụ còn bị giới hạn. Có thời kì, nghề dệt thổ cẩm tưởng như mai một, khi chỉ còn khoảng 10 nghệ nhân gắn bó với nghề. Nhưng không vì đó, mà nghệ dệt thổ cẩm dần bị lu mờ, bởi vẫn còn những người tâm huyết với thổ cẩm như một nghề kiếm sống cho gia đình của mình.

Những họa tiết và hoa văn có trên những tấm thổ cẩm người Mạ bắt nguồn từ những sinh hoạt diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Đó cũng là những phản ánh thực tế và cũng là những tâm tư, tình cảm cũng như ước mơ hướng tới những điều tốt đẹp.

Thiếu nữ Mạ chính là người giữ lửa cho nghề dệt thổ cẩm.
Ảnh: Facebook Dieu Ngan Huynh Ngoc

Mô típ họa tiết hình hoa cỏ, chim thú, trời đất, thần linh, con trùng, hay đôi khi là vật dùng sinh hoạt hàng ngày như cối, chày, bàn ghế cũng được đưa vào những tấm vải… Mỗi họa tiết đều có những tên gọi theo tiếng Mạ khác nhau. Những họa tiết được định sẵn do người đi trước truyền dạy lại. Rồi tùy theo bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của người phụ nữ pha màu để dệt nên những tấm vải mang nét đặc sắc riêng. Trên mỗi tấm khăn, áo, xà- rông đều có nhiều họa tiết khác nhau được dệt xen kẽ tạo thành một lớp hoa văn hoàn chỉnh. Thông qua mô típ hoa văn họa tiết, người phụ nữ Mạ đã phản ánh thế giới quan qua cảm nhận của riêng bản thân, gửi gắm niềm tin của mình trên từng đường kẻ, hoa văn trên tấm thổ cẩm.

Nghề dệt thổ cẩm như một tiếng nói thứ 2 cho cộng đồng người Mạ trên đất nước Việt Nam. Những người phụ nữ chính là những người giữ lửa cho chính bản sắc văn hóa độc đáo của họ về sau và sau nữa.

Author: UTU

News day