Đám cưới ở Oxford hoàn toàn trong không khí thân mật với một ít khách mời là các giáo sư và bạn bè đồng nghiệp. David Wilson cáo lỗi không đến dự vì đang đi công tác ở Thái Lan. Anh nói rất có khả năng trong hai năm nữa anh được cử sang Việt Nam làm giám đốc một quỹ đầu tư. Kim vui mừng đón nhận tin này, cô hy vọng có thể "trả ơn" sự nhiệt tình của anh ở quê hương mình và còn lên kế hoạch "làm mai" Thụy Vũ cho David. Cô nghĩ hai người sẽ rất xứng đôi với nhau. Vi Vi Le đột ngột xuất hiện ở đám cưới cùng Mauricio làm Fernando nhìn Kim dò hỏi. Kim không gặp Mauricio từ lâu, nếu không cũng sẽ mời dự ngày vui của mình. Tuy thắc mắc nhưng mọi người vẫn chào nhau vui vẻ.
Mauricio kéo Kim ra để có dịp hỏi nhỏ:
- Cái quần bơi của anh đâu rồi? Sau đêm Giáng sinh đó, anh ngại gặp em vì sợ Fernando xuất hiện đột ngột. Mỗi lần như vậy đứng tim lắm!
Kim cười nói sau nhiều lần nhắn Mauricio mà anh không chịu đến, giận quá cô vứt cái quần và mắt kính vào sọt rác lâu rồi, nhưng chiếc nhẫn màu đỏ thẫm hình trái tim thì vẫn còn.
- Em thường đeo nó. - Kim nháy mắt tiết lộ. - Fernando không biết của anh tặng đâu, đừng lo! Anh ta còn khen nhẫn đẹp nữa!
Mauricio lại nhìn Kim đắm đuối:
- Em mặc áo dài Việt Nam gợi cảm kinh khủng, còn hơn mặc bikini nữa. Vậy sao hồi nào đến giờ không cho anh có dịp ngắm, Lolita của anh?
Kim bật cười với Mauricio nhưng e dè liếc sang Fernando thăm chừng. Fernando và Vi Vi Le đang thì thầm gì đó trong một góc khuất.
Tối về, Fernando kể Vi Vi khoe đang yêu chân thành anh chàng Mauricio và có thể hai người sẽ làm đám cưới vào mùa xuân năm nay. Kim cười ngặt nghẽo, nói không tin hai người đó có thể yêu nhau được dù suy cho cùng có vẻ hợp nhau về "chuyện đó". Fernando nhún vai:
- Anh thấy cuộc đời này không có gì là không thể! - Rồi nhìn Kim ngụ ý làm cô ngượng ngùng kêu lên. - Ý anh nói lý ra anh và em cũng không thể yêu nhau chứ gì?
Nhìn Fernando kiêu hãnh đáng ghét, Kim buột miệng tiết lộ mình cũng xin được việc làm ở Sài Gòn rồi, trong công ty hàng tiêu dùng đa quốc gia U.
- Sao? - Fernando bất ngờ kêu lên. - Em cũng năng động quá chứ! Người ta cho em làm chức gì? Có được làm manager không?
Kim dương dương tự đắc:
- Được! Về tới Sài Gòn nhận chức rồi em sẽ được gửi qua Hà Lan đào tạo liền.
Fernando ngơ ngác:
-Thật không? Em đi bao lâu?
- Ba tháng! - Kim thở dài.
- Cái gì? - Fernando không thể không nhảy dựng lên. - Em giỡn hả? Em bắt anh qua Việt Nam "làm rể" rồi bỏ anh ở đó bơ vơ ba tháng một mình hả? Rồi gia đình em đối xử tệ với anh làm sao? Công ty bên đó đã thuê cho anh một căn nhà có tới bốn phòng ngủ cho anh, nhưng anh làm sao sống được trong căn nhà to lớn đó mà không có em chứ?
Kim trêu chọc:
- Anh mà biết sợ ai? Em đâu có dám bắt anh, tự anh muốn qua Việt Nam mà! Giờ cho anh biết cảm giác của em khi anh thông báo bỏ em lại Oxford để qua New York làm việc ba năm.
Fernando sững người nhìn Kim. Anh nghẹn họng, tức giận nhưng không có cớ gì để phản ứng. Cuối cùng Fernando chỉ biết buồn rầu trách:
- Dù sao bây giờ em với anh cũng là vợ chồng rồi, ít ra cũng phải bàn với anh một tiếng chứ!
Kim nhìn vẻ đau khổ của anh, không nỡ đùa nữa, cô thú nhận đã từ chối người ta rồi. Tưởng Fernando vui mừng, không ngờ anh còn phản ứng dữ hơn.
- Em khùng hả? Sao lại bỏ qua một cơ hội tốt như vậy? Em có biết công ty U có tên tuổi lắm không? Mà một người chưa có kinh nghiệm nhiều trong doanh nghiệp như em được tuyển làm manager đâu phải dễ, lại còn được gửi đi đào tạo tại công ty mẹ!
- Em không bỏ anh bơ vơ ba tháng một mình ở Việt Nam được. - Kim nén cưới nhắc lại lời Fernando. - Tội nghiệp!
- Thôi đi! - Fernando ngượng ngùng hét toáng lên. - Anh đâu phải con nít! Anh mà biết sợ ai chứ? Anh không muốn làm ảnh hưởng sự nghiệp của em!
Kim nhún vai:
- Mọi chuyện xong rồi, em đã từ chối rồi. Thôi, không nhắc đến nữa. Tại anh làm em thấy ghét quá nên mới kể cho anh nghe thôi. Ủa, mà dù sao hôm nay cũng là đêm tân hôn của mình mà, anh không có ý định động phòng với em sao?
Fernando quạu quọ:
- Động phòng cái nỗi gì! Em quay anh như chong chóng! Mới cưới xong đã bị em chơi cho một vố!
Kim bật cười, nhỏ nhẹ nói với Fernando rằng cô chỉ muốn tự xoay sở tìm việc một mình để làm anh ngạc nhiên. Khi được nhận lời sau buổi phỏng vấn ở Luân Đôn về, cô cũng muốn chia sẻ với anh nhưng biết người ta kèm theo điều kiện đi đào tạo ba tháng, cô đã quyết định tư chối. Thật ra hai người đã chờ đợi nhau quá lâu rồi, giờ vắng nhau thêm vài tháng nữa cũng không sao nếu điều này thực sự cần thiết.
- Nhưng em với anh còn có dự án cá nhân riêng phải thực hiện, điều này quan trọng vơi em hơn.
Fernando đang giận anh bỏ vào nhà tắm không để ý đến lời Kim làm cô cụt hứng. Tối đó Fernando tiếp tục giữ vẻ mặt buồn bực dù vẫn ôm Kim vào lòng ngủ như một thói quen. Cô thở dài giữ lại một tin quan trọng mình muốn báo với anh.
Sáng ra, Fernando giả vờ quên chuyện xích mích tối qua, anh mỉm cười nhìn Kim nói:
- Chào em, vợ của anh!
Anh vội vã hối cô dậy chuẩn bị ra ga cho kịp chuyến tàu đi Edinburgh. Hai người sẽ hưởng tuần trăng mật vài ngày ở thủ phủ của Scotland trước khi thực sự rời nước Anh.
Ở Lisbon, mẹ Fernando cười nói suốt buổi tiệc cưới và kéo anh ra nhảy với bà đến mệt nhoài mới thôi. Em trai Fernando lịch sự mời Kim nhảy một bản và đột nhiên tiết lộ:
- Lần đầu gặp chị, tôi cố ý trêu nên nói Fernando từng thất tình chết lên chết xuống. Thật ra anh cũng thất tình một lần, nhưng không đến nỗi chết, với một phụ nữ lớn tuổi hơn mình nhiều nên bị cha mẹ tôi ngăn cản. Fernando buồn quá bỏ sang Anh du học. Không ngờ sau này lại dẫn chị về giới thiệu là bạn gái, một người trẻ măng hay nhõng nhẽo khác xa cô gái trước. Thật tình tôi không hiểu nổi tình yêu là gì!
Kim ngạc nhiên nhận ra mình tuy hơi bất ngờ trước "thành tích" yêu người lớn tuổi của Fernando nhưng không thấy ghen tí nào. Thậm chí khi thằng em cho cô hay cô ta tên đúng là Lousiana, Kim cũng thấy lòng bình thản. Mẹ Fernando đã mua con mèo bỏ trong thùng để tên cô gái đó, bà cố tình đặt con mèo ngay góc đường vào giờ Fernando đi làm về cho anh lượm nuôi. Tưởng sẽ quấn quýt con mèo mà ở nhà, rốt cuộc Fernando vẫn bỏ đi Oxford. Kim định nói: "Tôi mà Fernando còn bỏ đi Mỹ được, nói gì con mèo có đủ sức hút anh ta ở lại.".
Sau lễ cưới hai người ở lại Lisbon mười ngày. Mẹ Fernando được tha hồ chăm sóc các con và muốn Kim có dịp tìm hiểu nhiều hơn về quê chồng. Bà nấu toàn những món đặc sắc của Bồ Đào Nha với thật nhiều hải sản như trai, sò, cá tuyết, cá bơn. Fernando tự hào cho Kim biết:
- Sách mỏng nhất ở Anh là cuốn về ẩm thực, có mỗi "fish and chips" đơn giản làm quốc hồn quốc túy. Còn sách dày nhất trong nhà này là cuốn sưu tầm các món ăn của mẹ.
Bà có cả một tủ gỗ đựng gia vị từ hạt tiêu đủ màu, gừng, nghệ tây, ớt bột, quế hương, cà - ri, rau mùi khô, đến những thứ không thể gọi tên đến từ nước Ai Cập, Ấn Độ, Braxin. Người Bồ Đào Nha rất thích sử dụng gia vị và ưa pha trộn chúng phức tạp làm thành những món ăn không cách gì bắt chước được ở một nước khác. Mẹ chồng gợi ý Kim nên học nấu món súp Caldo verde vì đây là món đặc trưng Bồ Đào Nha rất được Fernando yêu thích. Kim e dè từ chối:
- Fernando biết nấu ăn mà, tự anh ta nấu lấy còn phải hơn không...
Mẹ chồng cô lắc đầu:
- Dù vậy nếu người vợ biết nấu một món đặc biệt cho chồng sẽ được chồng cảm kích hơn.
Fernando nháy mắt nói gì đó với mẹ bằng tiếng Bồ Đào Nha rồi cả hai cười phá lên làm Kim chột dạ.
- Nó nói. - Mẹ Fernando dịch lại. - Trong trường hợp của con, nếu con đừng nấu thì nó sẽ cảm kích hơn!
Hai mẹ con họ lại tiếp tục cười khoái chí nhìn Kim bị khiêu khích, cuối cùng cô chui vào bẫy:
- Thôi được, để con ráng học!
Nhưng rồi Kim hiểu ra, quả thật Fernando sẽ vô cùng cảm kích nếu cô đừng nấu cái món đặc sản vô cùng khó làm này. Mẹ anh phải tỉ mỉ ngồi xắt những lá bắp cải cuộn, rồi khoai tây, củ hành, xúc xích, dầu o-liu và đủ thứ gia vị rắc rối. Món cá hầm với trai sò Caldeirada còn mệt mỏi hơn vì phải chuẩn bị các nguyên liệu rất lâu và phải nêm nếm với cả núi gia vị. Các món ăn của Bồ Đào Nha được nấu vất vả hơn rất nhiều so với những nước khác ở châu Âu. Vì thế hương vị cũng đậm đà hơn, rất thơm ngon hấp dẫn và làm người ta nhớ đến thật nhiều nếu phải đi xa. Kim nhận ra trong gia đình Bồ Đào Nha người mẹ đóng vai trò rất quan trọng, đó là người đem đến cho chồng con những bữa ăn công phu với tất cả tình thương yêu. Khi ra ngoài xã hội, người phụ nữ có thể kém cạnh hơn, nhưng trong gia đình đó là người quán xuyến tổ ấm và được chồng con hết mực tôn trọng. Nếu cần bảo vệ quyền lợi của những đứa con, các bà mẹ Bồ Đào Nha sẵn sàng đấu tranh rất quyết liệt. Mẹ Fernando kể khi anh còn học ở Trung học, các nữ sinh vào đầu hè do thời tiết quá nóng lên đến ba mươi tám độ nên mặc toàn áo hai dây với mini jupe đến trường. Thế là lũ con trai xao nhãng chuyện học hành đến mức các bà mẹ phải tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra. Sau khi biết được nguyên do các bà mẹ đã kiện cáo rồi biểu tình ầm ĩ nhằm "trong sạch hóa" môi trường cho các nam sinh. Phụ huynh của nữ sinh cũng đòi Bộ Giáo Dục phải có qui định trong ăn mặc vì tỷ lệ... có bầu tăng lên đáng kể mà luật Bồ Đào Nha không cho phép phá thai. Cuối cùng dĩ nhiên lý của các bà mẹ bao giờ cũng thắng.
- Nhờ vậy mà Fernando mới học lên nổi Tiến sĩ!
Bà tươi tắn báo cho Kim biết đã lên chương trình dẫn cô đi các bảo tàng để tìm hiểu về Bồ Đào Nha, giờ đây đã là ngôi nhà thứ hai của cô.
Kim không hiểu sao dân châu Âu nói chung và Bồ Đào Nha nói riêng rất mê những bảo tàng. Còn cô mỗi lần "bị" dẫn vào những chỗ này là sợ chết khiếp. Kim ngại sự kém hiểu biết của mình về nghệ thuật sẽ làm người mời đi thất vọng. Những lúc như thế, cô thấy ngậm ngùi vì dân Việt Nam hầu như không có kiến thức căn bản về hội họa, kiến trúc hay điêu khắc. Trong khi một người dân bình thường có học thức trung học của châu Âu đã biết xem bảo tàng nghệ thuật là nơi thật thiêng liêng. Mẹ Fernando ngày nào cũng đề nghị đưa cô con dâu mới đi bảo tàng mà Lisbon thì bảo tàng nhiều vô kể. Fernando thường hay tủm tỉm cười nhìn Kim líu ríu ra khỏi nhà với mẹ, anh thừa biết cô rất ngại bảo tàng nhưng mặc kệ, cho cô mở mang kiến thức. Bảo tàng đầu tiên Kim được mẹ chồng ưu ái dẫn đến là Calouste Gulbenkian, nơi trưng bày hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật vô giá từ đồ gốm Ai Cập, đồng tiền vàng Hy Lạp - La Mã cổ đại, những tấm thảm thêu thời Trung cổ, những bức tranh vùng Viễn Đông đến gốm sứ Trung Hoa...
- Con biết không, có những món đã cổ xưa từ hai ngàn tám trăm năm trước Công nguyên, và cũng có những tác phẩm hiện đại của thế kỷ hai mươi nữa. Bảo tàng này không thua kém gì Louvre ở Paris đâu.
Mẹ Fernando vẫn thao thao tự hào nhưng Kim đã bắt đầu "lùng bùng" khi bà nói đến những danh họa và những kiệt tác để đời của họ:
- Đây là bức "Chân dung ông già" của Rembrandt, đây là "Chân dung Helene Fourment" của Rubens, còn đây là "Người đàn ông và đứa trẻ của Degas"...
Ngay chiều hôm đó, Kim lại được dẫn đến bảo tàng Khảo cổ và Dân tộc học, lại tiếp tục bị "tra tấn" về nguồn gốc của dân tộc Bồ Đào Nha và lịch sử hình thành đất nước. Cô ngậm ngùi nghe những lời thuyết minh dạt dào tình cảm yêu nước của mẹ chồng, nghĩ mình mang danh Thạc sĩ, học cho lắm mà kiến thức về sử Việt thì trả hết cho thầy cô. "Đáng sợ" nhất là thỉnh thoảng mẹ Fernando lại hỏi những câu bâng quơ: "Người Việt Nam có bao nhiều sắc dân, bị bao nhiêu nước khác xâm chiếm trong lịch sử, ông vua nào được xem là có công nhất trong quá trình dựng và giữ nước?". Mỗi lần như thế Kim "ú ớ", ngọng nghịu chế đại ra vài con số và mạo muội "viết lại" lịch sử Việt Nam. Cũng may người hỏi chỉ muốn nghe qua và đang bận rộn nói về đất nước mình nên không có thời giờ truy sát vấn đề.
Những ngày tiếp theo, cha rồi em trai Fernando thay phiên nhau đưa Kim đến bảo tàng Nghệ thuật cổ đại xem những kiệt tác trên gốm, trên thảm, những bức tượng điêu khắc từ "thời cổ hỉ" nào đó cô cũng không nhớ nổi. Rồi bảo tàng hàng hải cũng được người Bồ Đào Nha tự hào vì giới thiệu lên quá trình chinh phục biển nổi tiếng của họ.
- Đất nước này giáp hai mặt với Đại Tây dương và Địa Trung Hải. Chúng tôi có những nhà thám hiểm cổ đại lừng danh và tính cách của người Bồ Đào Nha cũng ảnh hưởng bởi sự mạnh mẽ, ưa mạo hiểm và ham học hỏi của dân hàng hải. - Cha chồng Kim cố kìm sự tự hào nhưng giọng ông ngân lên đầy xúc cảm. - Hoàng tử Henry, con thư tư của vua João là một trong những nhà thám hiểm vĩ đại. Một trong những thuộc địa tại quần đảo Madeira, Azores, Cape Verde, Guinea đều là do ông tìm ra. Khi Christopher Colombus phát hiện ra châu Mỹ, Giáo hoàng đã phân chia cho Tây Ban Nha phần đất phía Tây đường ranh giới đi qua Cape Verde, còn Bồ Đào Nha được toàn bộ lãnh thổ phía Đông mà sau này là nước Braxin rộng lớn và cả Macau trên bờ biển Trung Hoa.
Ông dẫn Kim xem từng chiếc thuyền của mọi thời đại, phân tích điểm mạnh và điểm yếu của những kiểu dáng các loại thuyền như thể chính ông cũng là một nhà hàng hải chuyên nghiệp.
Một số bảo tàng khác làm Kim thấy thú vị hơn như bảo tàng các loại xe ngựa, giới thiệu mọi loại xe trong hoàng cung, rồi bảo tàng nghệ thuật trang trí nội thất với vô số các kiểu dáng bàn ghế giường tủ, bảo tàng Quân đội với áo giáp sắt, đai trinh tiết và các vũ khí ngộ nghĩnh từ thời xa xưa. Sau ba ngày ròng rã dạo các bảo tàng tại Lisbon, Kim tuyên bố với Fernando:
- Em bị bội thực rồi, cả gia đình anh thi nhau nhồi nhét kiến thức về nước anh nhằm "Bồ Đào Nha hóa" em. Nhưng khi nào sang đến Việt Nam, em sẽ tra tấn lại.
Tưởng Fernando "xanh mặt", anh cười lớn:
- Những người đầu tư nước ngoài trước khi đến nước em đều đã nghiên cứu rất kỹ lịch sử và văn hóa Việt ngoài ra còn tìm hiểu tính cách con người, môi trường đầu tư, luật pháp hiện hành. Anh được tuyển làm giám đốc tài chính trong một công ty lớn như vậy dĩ nhiên cũng phải được phòng Nhân sự cung cấp những kiến thức này. Họ nói chính những người trẻ mới "lơ mơ" với quá khứ và nguồn gốc của mình. Dân đi du học về rất "mơ hồ" với đất nước. Ai càng giỏi ngoại ngữ càng dốt sử bấy nhiêu. Em dĩ nhiên là nằm trong thành phần này.
Fernando phán xong cười ngất nhìn Kim mặt tái mét vì giận thì ít mà xấu hổ thì nhiều. Cô buông người xuống ghế, biết mình khôn hồn thì ngậm bồ hòn làm ngọt còn hơn bêu xấu cả nền giáo dục nước mình. Trêu chọc Kim xong, Fernando có vẻ hối hận, anh âu yếm vuốt tóc cô đề nghị:
- Đi dạo với anh không?
Mấy ngày qua Fernando đã "bỏ mặc" Kim cho gia đình mình đưa đi khắp nơi. Giờ anh mới có dịp cùng cô đi lang thang ở Lisbon trước khi hai người sẽ về Việt Nam xa xôi. Lisbon thật hiền hòa, dù hiện đại nhưng con người vẫn giữ lại cho mình tác phong thư thái. Chẳng thấy ai rảo bước thật nhanh, chen lấn tranh thủ hay nôn nóng chờ đến lượt mình. Đang giờ cao điểm, thành phố kẹt xe trong im lặng, xe hơi tràn lan khắp nơi, ai cũng lấy báo ra vừa đọc vừa nhích. Thỉnh thoảng một vài tiếng còi vang lên nhắc nhở người trước đang chăm chú với một tin giật gân nào đó. Ai cũng bình tĩnh, thong thả và thân thiện với nụ cười túc trực trên môi. Kim ước giá như Việt Nam được như vậy, mọi người đừng làm ra vẻ bận rộn để phóng nhanh vượt ẩu, đậu xe tràn lan trên vạch ngăn cách dành cho người đi bộ. Ước gì ai cũng lịch sự chịu nhường nhau một chút, đừng tìm cách tranh thủ lấn thêm, càng làm xe cộ ùn tắc thêm.
Trên các xe công cộng ở Bồ Đào Nha, bao giờ phụ nữ, trẻ em và người già cũng được ưu tiên tối đa. Không có cảnh đàn ông thờ ơ như trong xe điện ngầm ở Paris, càng không giống ở Việt Nam "lý của kẻ khỏe bao giờ cũng thắng". Bồ Đào Nha có tốc độ phát triển kinh tế cao nhưng con người ở đây vẫn bình tĩnh. Giới trẻ ai cũng hai ngoại ngữ trở lên, gặp du khách thoải mái trò chuyện thân mật. So với các nước châu Âu khác, rõ ràng người Bồ Đào Nha chịu khó hòa nhập hơn. Fernando nói giờ chắc chắn Bồ Đào Nha không còn là nước nghèo nhất thành viên châu Âu nữa, vì những nước nghèo hơn vừa được kết nạp. Kim biết tuy anh hay giễu cợt nước mình nhưng đó vẫn là một quốc gia đáng tự hào, và khoảng cách với châu Âu ngày càng thu hẹp đến mức không còn nhận ra. Fernando đưa Kim đến tiệm bánh kem caramen ở tháp Bélem. Quán đã có mặt từ năm 1837 với kiểu dáng cổ kính của những bức tranh gạch men màu trắng xanh. Chỉ với mặt hàng bánh ngọt và trà nóng, quán làm ăn phát đạt đến mức đón tiếp ngày càng đông khách. Fernando nói loại bánh này làm bằng bột gạo có mật ong, bơ và quế. Đơn giản vậy nhưng chẳng ai bắt chước được. Hương quế thơm dịu hòa với vị mằn mặn của bơ, vị ngọt thanh của mật và độ nướng vừa tới làm caramen tan ra cả chiếc bánh khiến Kim xuýt xoa.
- Em không nhận ra phải không? - Fernando cười hỏi. - Mẹ anh đã làm cho em loại bánh này dạo anh từ Lisbon quay lại Oxford lúc em bệnh xơ xác. Dù là một đầu bếp đại tài, không ai cạnh tranh nổi với tiệm bánh Bélem ở đây.
Buổi sáng cha mẹ Fernando lái xe đưa hai người ra sân bay, họ nói hy vọng năm sau Fernando và Kim sẽ quay về Lisbon thăm nhà. Kim níu tay Fernando, giấu mặt sau vai anh ngượng ngùng nói có lẽ không tiện vì lúc đó em bé còn nhỏ quá. Mẹ Fernando ngỡ ngàng nhảy cẫng lên như một đứa trẻ làm một người nghiêm trang như cha anh cũng phì cười. Fernando còn bất ngờ hơn, anh nhìn Kim xúc động không thốt nổi nên lời rồi ôm ghì cô vào lòng.
Trong máy bay, Fernando vuốt tóc Kim âu yếm trách sao cô không báo trước với anh mình sắp được làm cha. Kim nhún vai nói cô từ chối chỗ làm ở công ty U, cũng vì biết mình đã có tin vui nên không thể sang Hà Lan ba tháng trong chương trình đào tạo. Thôi thì về Việt Nam cô sẽ tìm việc khác không đòi hỏi phải di chuyển nhiều, ít ra trong thời gian đầu. Cô định báo với anh kết quả về "dự án hợp tác chung" buổi tối sau đám cưới của hai người ở Oxford nhưng anh không muốn nghe.
- Rốt cuộc thì anh với em ai là người "tự chủ" còn ai là hay "đông đổng" đây? Đáng lý cái lần anh bắt em "ký cam kết", em cũng nên bắt anh ký vô mới được!
Kim nhìn Fernando lắc đầu tỏ vẻ chán nản. Cô thấy anh lúng túng và đỏ mặt như cái lần hai người bị giáo sư Baddley bắt gặp "vượt khỏi giới hạn cái thư viện". Fernando bị "nuốt mất lưỡi", anh giả bộ nhắm mắt ngủ. Nhưng chỉ vừa khi cô tiếp viên hàng không đến phát khăn lau tay, Fernando có cớ giật mình ngồi dậy. Anh quay sang Kim, không giấu được sự phấn chấn, hỏi cô định đặt tên con là gì. Kim bật cười, dễ chịu trả lời:
- Gì cũng được, miễn không phải Louisana Carvalho là được rồi! - Fernando đột nhiên nổi quạu. - Em vô duyên quá! Sao có thể so sánh con mình với con mèo chứ!
Kim mỉm cười không thèm đáp, cô không hiểu Fernando ngại gì mà nhất định không chịu kể cho cô nghe về người yêu lớn tuổi của mình trước kia. Kim vờ nhắm mắt ngủ mặc kệ Fernando đang lầm bầm trêu chọc:
- Nhất định không được đặt tên là Thiên Kim tiểu thư, không thèm đài các gia phong gì hết, để sau này nó muốn lấy ai thì lấy! Khỏi phải trả qua một lễ đính hôn đầy nước mắt vì lỡ yêu phải quái vật!
Kim phì cười, mở mắt ra nhìn Fernando đang cột tóc cô lại:
- Và nhất định không được mua búp bê có tóc cho nó, kẻo nó vặt trụi đầu người ta!
Đoạn đường về nhà gần xích lại, Kim tự hỏi rồi đây với trách nhiệm mới của một người đã có gia đình và công việc bận rộn trong một doanh nghiệp nào đó, khi nào cô mới có dịp quay lại châu Âu, với vương quốc Anh cổ kính nhưng năng động và Oxford của những năm tháng nỗ lực được nhìn nhận và vươn lên. Khi bước chân đến Anh để được thực hiện ước mơ ngồi trong giảng đường Đại học Oxford, dù đã hai mươi lăm tuổi, Kim hãy còn là một cô gái non nớt chưa kịp trưởng thành. Bốn năm đã trôi, dù cuộc sống không quá biến động nhưng con đường Kim đi qua đã cho cô một hành trang thật đầy ắp. Rồi đây cô sẽ kể với con mình những kỷ niệm không thể nào quên với giáo sư Baddley, người thầy không có khả năng tự đi trên chính đôi chân mình nhưng có một trái tim nhân hậu đã chắp cánh cho biết bao học trò được bay lên cùng ước mơ hội nhập để sánh vai cùng các cường quốc. Cô cũng không quên người thầy mệnh danh "sát thủ máu lạnh" từng làm cô đau khổ thức trắng đêm làm lại bài thi để rồi nhờ đó cô đã ở lại ba năm trong văn phòng có gắn bảng tên bằng đồng kiêu hãnh "Giáo sư Portlock". Và Kim biết, những gương mặt trẻ trung của Mauricio, David Wilson, Vi Vi Le, Yutaka, Lệ Chi,... rồi cũng sẽ xuất hiện trong những giấc mơ hằng đêm da diết nhớ về Oxford. Rồi những anh chàng người Anh cao ráo và quyền quí như hoàng tử William, những cô nàng đúng gốc British tóc vàng, mắt xanh, đẹp sang trọng như công nương Diana cũng sẽ hoài khắc sâu vào trái tim cô dù chưa có dịp kết thân thật gần. Và vẻ thanh bình tuyệt đối của những cây cầu nhỏ bắc ngang những con kênh xinh xắn, những ngôi nhà màu hồng cam có những viên gạch cổ kính ở Cambridge, Birmingham, Edinburgh sẽ hằn sâu vào tâm trí của một người đến từ rất xa nhưng luôn muốn được nói lên câu "I love UK". Hẳn con Kim sẽ hỏi cô điều gì ở thành phố Đại học đó đáng nhớ nhất. Đó là những chuỗi ngày Kim bị "kẻ thù" áp giải tập thể dục lúc mặt trời còn chưa lên, những buổi tối hai người làm việc trong phòng mà bị bọn sinh viên gõ cửa trêu trọc ngoài hành lang, và cả những lúc anh quát nạt cô không thương tiếc vì cái tật ham ngủ ngày.
Kim choàng tỉnh thấy Fernando đang nhìn mình dịu dàng với đôi mắt thông minh rất sáng. Anh đưa tay âu yếm vén những sợi tóc lòa xòa cho cô. Kim chợt nhớ ra mình chưa bao giờ chúc mừng Fernando vì được trường chọn sang Mỹ làm việc kể cả khi cô thấy anh được đãi ngộ kinh khủng bên đó. Kim cũng không nói câu nào khi Fernando bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công tại Oxford. Và cái chức giám đốc tài chính trong một công ty máy tính danh tiếng của Mỹ mà Fernando âm thầm tự tìm để có thể cùng Kim về Việt Nam làm việc vẫn chưa được cô thốt lên một lời khen ngợi.
- Em đang nghĩ gì vậy, Mrs. Carvalho? - Fernando vuốt má Kim cười trêu chọc hỏi. - Không phải về con mèo Lousiana chứ?
Kim lắc đầu, cô tự biết một người như Fernando chẳng cần phải nghe ai ca ngợi. Nhưng một ngày nào đó, chắc chắn Kim không thể giấu lòng mà không thổ lộ: "Em rất tự hào về anh!".
Fernando thôi không nhìn Kim nữa, anh nắm lấy tay cô rồi nhắm mắt lại ngủ. Trông anh hồn nhiên như một đứa trẻ, môi hơi hé mở, cong cong như đang hờn. Kim ngắm khuôn mặt nhìn nghiêng của Fernando với cái sống mũi cao rất nam tính hay làm mình rộn lòng một lúc lâu rồi bật cười. Bên cạnh Kim, "chàng rể quái vật" của mẹ cô đang mỉm cười trong một giấc mơ đẹp nào đó.
Việt Nam với nhịp sống bận rộn trong cơn chuyển mình sang một tầm cao mới đang chuẩn bị đón một người con hăm hở trở về, và còn một người khác hy vọng tìm thấy ở đó những cơ hội mới, hứa hẹn có thể làm nên những điều kỳ diệu.
Theo: Thichtruyen.vn
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX