Park Chung Hee: Nhà độc tài liêm khiết
UTU (sưu tầm) 10/01/2017 12:30 PM
"Dưới thời Park Chung Hee, tiết kiệm là quốc sách. Trong nhiều bài diễn văn, ông đã nhắc đi nhắc lại: “Mỗi xu ngoại tệ là một giọt máu”. Park Chung Hee cũng điển hình là một Tổng thống liêm khiết, làm Tổng thống 19 năm mà khi chết tài sản của ông chỉ có trên 10.000 USD."

Là vị Tổng thống thứ ba của Đại Hàn Dân Quốc, tại nhiệm trong bốn nhiệm kỳ. Park Chung Hee sinh ngày 30/9/1917 tại Gumi (Gyeongsangbuk), trong một gia đình bình dân có tới 7 người con. Park Chung Hee là con út nên đã được tạo điều kiện để tháng 4/1932 vào tu nghiệp ở Trường Cao đẳng Sư phạm Daegu.

Ảnh: ngolongtech.net

Tháng 4/1940, Park Chung Hee đã vào học tại Học viện Quân sự Hoàng gia của Mãn Châu quốc. Năm 1942, tốt nghiệp vào loại xuất sắc ở đây và được đưa sang Nhật để tu nghiệp sĩ quan tại Học viện Quân sự Hoàng gia. Sau khi tốt nghiệp đứng thứ ba trong lớp học của mình, Park Chung Hee nhận quân hàm trung úy trong Sư đoàn Bộ binh thứ 8 của quân đội Mãn Châu.

Và ông đã phục vụ trong đội hình này cho tới giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai rồi về đầu quân cho quân lực Nam Hàn. Do có khả năng nên ông được chọn sang Mỹ huấn luyện đặc biệt tại Fort Still, trở về nước với quân hàm thiếu tướng.

Năm 1961, sau khi nhà độc tài tiền nhiệm Lý Thừa Vãn bị lật đổ, chính phủ dân sự mới bất lực trước các vấn đề xã hội nên bị quân đội tiến hành đảo chính. Trong đó thiếu tướng Park Chung Hee nắm vai trò lãnh đạo và nhanh chóng trở thành tổng thống.

Năm 1960 GDP Hàn Quốc chỉ là 82 USD/người/năm tương đương với Việt Nam lúc đó. Dưới sự lãnh đạo của ông, chỉ sau 10 năm Hàn Quốc đã bước vào ngưỡng đầu tiên của thu nhập trung bình 1000 USD/người/năm như Việt Nam hiện nay. Đến năm 1975, GDP Hàn Quốc là 1.310 USD/người/năm. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, từ 1000 USD Hàn Quốc đã đạt tới mức 10.000 USD/người/năm vào năm 1992, trở thành nước công nghiệp mới.

Sự phát triển nhanh và ngoạn mục của Hàn Quốc trong 3 thập niên, trước hết, là kết quả của sự kết hợp một cách hữu hiệu các nhân tố kinh tế với các nhân tố xã hội trong điều kiện thuận lợi của hoàn cảnh quốc tế: Sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, chính sách hợp lý và kiên quyết của chính phủ những năm 60 - 70 nhằm vào các ngành công nghiệp cần nhiều lao động và ưu tiên xuất khẩu, tính linh hoạt rất cao trong quản lý và thái độ sẵn sàng ứng phó trước những tín hiệu phát sinh từ nền kinh tế, tỉ lệ ngày càng cao về người lớn biết chữ và sự cần cù của dân chúng, “sự chống lưng” của Mỹ và những lợi thế được hưởng từ dòng chu chuyển vốn quốc tế, trật tự thương mại quốc tế nửa cuối thế kỷ XX và những ưu tiên của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh... - đó chắc chắn là những nhân tố đã làm cho Hàn Quốc hóa rồng và tiếp tục phát triển.

Ảnh: mengnews.joins.com

Nhưng dù những nhân tố nói trên có quan trọng đến mấy, thì đến nay nhiều học giả vẫn cho rằng, nhân tố con người mới là cái quyết định trong quá trình công nghiệp hoá của Hàn Quốc: Ý chí cháy bỏng vươn tới thịnh vượng của người dân và lãnh đạo đất nước, sự quản lý nghiêm minh, hà khắc và độc đoán của nhà cầm quyền... đã là cái rất đáng kể làm nên một Hàn Quốc như thế giới được chứng kiến hôm nay.

Ngay sau khi đảo chính nắm chính quyền 7/1961, tướng Park Chung Hee đã “dọn rác” làm sạch xã hội với hàng ngàn vụ bắt bớ, đàn áp bất kì ai nghi ngờ là gián điệp, cảm tình viên Cộng Sản hay chống lại nền đệ tam Cộng Hòa và tuyên bố trước 20.000 sinh viên đại học Seoul:

“Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Chúng ta sẽ bắt thế giới phải ngưỡng mộ chúng ta. Hôm nay, có thể một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi. Nhưng xin những đồng bào ấy hiểu cho rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mỵ dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra”.

Về sau người ta thừa nhận rằng, Park Chung Hee đã làm đúng như lời ông nói.

Với 18 năm cầm quyền, mở đầu bằng đảo chính và kết thúc bằng bị ám sát, Park Chung Hee là tổng thống được nhiều người ngưỡng mộ và đồng thời là nhà độc tài số một của Hàn Quốc bị căm ghét. Dưới chính thể Park Chung Hee, Hàn Quốc trỗi dậy mạnh mẽ từ đói nghèo “truyền thống” và trở thành con hổ châu Á.

Cho đến nay, không một chính trị gia Hàn Quốc nào tạo được sự trung thành cũng như khiến người dân sợ hãi nhiều như Park Chung Hee. Ông được đánh giá là bộc trực, cứng rắn, hiểu truyền thống Hàn Quốc và có tầm nhìn xa trông rộng.
Với chính quyền độc tài quân sự, từ năm 1962 Hàn Quốc bắt đầu những kế hoạch phát triển đầy tham vọng mà “duy kinh tế cực đoan” là cách thức chủ yếu nhằm thoát nghèo. Kế hoạch phát triển kinh tế lúc đó đi theo mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhờ giá thành thấp. Chi phí sản xuất được cố tình hạ thấp đến mức tối thiểu. Để người lao động có thể sống với mức lương thấp, chính quyền đã áp dụng biện pháp giữ giá những sản phẩm nông nghiệp ở mức rất thấp. Cuối thập niên 70, công nghiệp Hàn Quốc đã sản xuất được máy thu hình màu, nhưng chỉ để xuất khẩu, trong nước dùng TV trắng đen.

Năm 1965, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Park đã điều động gần 320,000 binh sĩ Hàn Quốc tới tham chiến tại Việt Nam; đây là số lượng lính tham chiến nhiều thứ hai tại Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Lý do của việc tham chiến của quân lực Đại Hàn nhằm mục đích duy trì mối quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mĩ, ngăn ngừa sự xâm lấn của chủ nghĩa cộng sản theo học thuyết Domino tại Đông Á, ngăn chặn sự bành trước ảnh hướng của các lực lượng Cộng Sản từ Bắc Việt Nam, đồng minh ý thức hệ của Bắc Triều Tiên qua Nam Việt Nam, đồng minh của Hàn Quốc và nâng cao vị thế của Hàn Quốc trên chính trường quốc tế. Tháng 1 năm 1965, khi đề xuất triển khai quân đội được Quốc hội thông qua với 106 phiếu thuận và 11 phiếu chống, Park tuyên bố rằng "đây chính là thời điểm Hàn Quốc chuyển từ vị thế bị động sang vai trò chủ động đối với các vấn đề quốc tế."

Bên cạnh những lý do chính trị, việc tham chiến của Hàn Quốc cũng được cho là xuất phát từ động cơ tài chính. Quân đội Hàn Quốc được chi trả bởi chính phủ liên bang Hoa Kỳ và số tiền này, khoảng 10 tỷ đô la Mĩ, được chuyển thẳng đến chính phủ Hàn Quốc dưới hình thức trợ cấp, cho vay, chuyển giao công nghệ và ưu đãi thị trường.
Trong các công trình tạo nên sự bứt phá của Hàn Quốc, cuối những năm 60, Park Chung Hee đã thực hiện được một kỳ công là xây dựng xa lộ lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, từ thủ đô Seoul tới hải cảng Pushan phía nam. Khi nêu dự án xây dựng xa lộ 4 làn xe, xuyên qua địa thế núi non hiểm trở, quốc hội Hàn Quốc đã thẳng tay bác bỏ. Nhiều người thân thuộc của Park Chung Hee cũng không tin. World Bank và các cơ quan tài chính quốc tế cảnh báo việc xây dựng con đường sẽ dẫn quốc gia tới phá sản, vì phí tổn xây dựng và bảo trì. Nhưng Park Chung Hee không nản lòng. Ông nghiên cứu kỹ những tài liệu và dùng trực thăng xem xét thực tế toàn thể địa hình nơi con đường sẽ đi qua.

Ngày 1/2/1968, ông ra lệnh khởi công và Hàn Quốc bắt tay vào xây dựng xa lộ 428 km, với hơn 200 cây cầu và 6 đường hầm chính. Công trình hoàn thành 30/6/1970. Các chuyên gia ADB đánh giá, với phí tổn 330 USD/km, đây là chi phí thấp nhất trong lịch sử xây dựng loại xa lộ này. Ngay 3 năm đầu, xa lộ Seoul - Pushan đã được sử dụng hữu hiệu, có tới 80% lượng xe lưu thông sử dụng xa lộ này. Về tinh thần dân tộc biểu lộ qua việc xây dựng xa lộ, ngày nay người ta vẫn còn nhắc đến lời thề mà đội ngũ chuyên gia - kỹ thuật lúc đó đã hứa với Park Chung Hee: “Nguyện hiến thân cho Tổ quốc phồn vinh, cho nhân dân hạnh phúc. Chịu bất cứ hình phạt nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ”.

Dưới thời Park Chung Hee, tiết kiệm là quốc sách. Trong nhiều bài diễn văn, ông đã nhắc đi nhắc lại: “Mỗi xu ngoại tệ là một giọt máu”. Park Chung Hee cũng điển hình là một Tổng thống liêm khiết, làm Tổng thống 19 năm mà khi chết tài sản của ông chỉ có trên 10.000 USD.

Ảnh: hanquoc.club

Nhưng Hàn Quốc thời Park Chung Hee cũng là thời kỳ tồi tệ nhất về phương diện xã hội. Dưới chính thể độc tài quân sự (1961 - 1987), xã hội Hàn Quốc tồn tại và vận động theo ba nguyên tắc “chống cộng”, “nhà nước độc tài” và “phát triển kinh tế”.

Các cuộc biểu tình, hệ thống báo chí và phát ngôn nói chung đều bị kiểm duyệt hà khắc. Các sĩ quan cảnh sát mang thước và chặn thanh niên trên phố để đo tóc và váy của họ. Chính quyền rất thô bạo nếu thanh niên để tóc dài, phụ nữ mặc váy ngắn. Gián điệp, chỉ điểm có mặt khắp mọi nơi, giám sát đến cả trường học. Những người bất đồng chính kiến khó thoát khỏi bị bắt và mòn mỏi ở trong tù. Nếu một người bị quy là người cộng sản, người đó sẽ mất hết mọi quyền tồn tại trong xã hội. Quy kết sự phê phán nhằm vào một chính sách nào đó của chính phủ là “cộng sản chủ nghĩa” là phương cách ưa thích và hiệu quả. Khi một nhà hoạt động xã hội bị bắt, người đó sẽ bị tra tấn dã man để phải thú nhận mình là người cộng sản.
Các biện pháp này khiến bất kì kế hoạch phá rồi, thành lập thành đoàn, cơ quan kháng chiến của CHDCND Triều Tiên đều bất thành. Đảng Cộng Sản không có đất sống tại Hàn Quốc và nội lực xã hội được tập trung để phát triển kinh tế. Tuy nhiên cũng khiến các quyền dân chủ cơ bản, như quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến… đều bị chà đạp.
Park Chung Hee đã hết mình với phát triển kinh tế và không chấp nhận bất kỳ sự hoài nghi nào từ bất kỳ ai. Chính quyền tạo điều kiện và khuyến khích các tập đoàn, các nhà tư bản sử dụng nhân công giá rẻ. Những năm 60-70, điều kiện sống của những người lao động di cư từ các khu vực nông nghiệp đến các thành phố và khu công nghiệp hết sức cực khổ. Quyền của người lao động bị hạn chế tối đa. Chính quyền không ngần ngại hy sinh quyền lợi của mọi tầng lớp lao động. Và mọi thứ đều buộc phải chấp nhận vì từ năm 1962, chính sách toàn quốc thắt lưng buộc bụng được áp dụng từ Tổng thống đến dân chúng. Làm việc nặng nhọc và triền miên như khổ sai, nhưng sống kham khổ. Hàng tuần mỗi người dân đều phải nhịn ăn một bữa, không hút thuốc ngoại nhập, không uống cà phê. Thời gian lao động kéo dài đến 12 - 14 tiếng mỗi ngày. Điều kiện lao động tồi tệ, lương rất thấp.

Sau gần hai thập niên độc tài, Park Chung Hee đã đưa Hàn Quốc thoát khỏi nghèo đói bước vào hàng những quốc gia phát triển. Nhưng dựa vào độc tài, Park Chung Hee đã càng ngày càng kỳ thị với tự do, dân chủ nhân danh sự ổn định và phát triển. Ông cho rằng, Hàn Quốc cần phải phát triển kinh tế vững mạnh trước khi có thể có dân chủ. “Người Châu Á sợ hãi đói nghèo hơn là sợ độc tài. Các dân tộc châu Á muốn có bình đẳng kinh tế trước rồi sau đó mới xây dựng cơ chế chính trị công bằng hơn…, và viên ngọc chẳng có gì rực rỡ được gọi là chế độ dân chủ là vô nghĩa đối với những người đói khát và tuyệt vọng”.

Việc coi thường giá trị dân chủ đã làm cho không chỉ người dân mà cả những thân tín của ông trong nội các cũng cảm thấy công lao của họ đối với chế độ trở nên vô nghĩa. “Xét về mặt chính trị, Park Chung Hee là một gánh nặng của Hàn Quốc vì suốt thập niên 70, ông có xu hướng đàn áp thô bạo ngày càng tăng. Năm 1972, ông đã làm cho cả nước bị sốc trước tuyên bố thiết quân luật. Sau đó ông lại đưa ra hiến pháp mới chấm dứt bầu cử trực tiếp và chính thức suy tôn làm Tổng thống trọn đời”.
Chính tay chân tin cẩn của ông đã ám sát hụt Park Chung Hee một lần vào năm 1974. Lần đó vợ ông đã phải tử nạn trong khi ông vẫn không vì thế mà bỏ dở bài phát biểu tại nhà hát quốc gia. Lần thứ hai là trong một bữa tiệc tối 26/10/1979, Kim Jae Kyu - Giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc đồng thời là điệp viên trưởng của ông, đã nổ súng hạ gục ông cùng với chỉ huy trưởng nhóm vệ sỹ. Sau đó Kim Jae Kyu đã bị tử hình nhưng đến nay một Uỷ ban đặc biệt của chính phủ vẫn phải thảo luận về việc có nên coi Kim Jae Kyu là người có công cho quá trình dân chủ hoá của Hàn Quốc hay không.
Ngày nay, người dân nhắc đến tên ông với cả hai trạng thái tình cảm khác nhau, thứ nhất họ cảm ơn ông đã đặt nền móng cho sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc trong bốn nhiệm kỳ Tổng thống, thứ hai họ oán giận ông vì ông là người quá độc tài và tính dân chủ trong thời kỳ của ông không được coi trọng.
Sau khi Park Chung Hee bị ám sát, Choi Kyu Ha lên nắm giữ chính phủ lâm thời, tình hình chính trị tại Hàn Quốc không thoát khỏi bất ổn. Ngày 12/12/1979, tướng Chun Doo Hwan đảo chính quân sự, lật đổ chính phủ lâm thời Choi Kyu Ha và ban bố tình trạng thiết quân luật. nền độc tài quân sự còn tồn tại tiếp cho tới 8 năm sau với rất nhiều sự đấu tranh, đổ máu của người dân, sinh viên, tri thức và cả các chính trị gia Hàn Quốc cho sự dân chủ hóa của Hàn Quốc sau này.

Lo sợ về sự lộng quyền của chính thể độc tài đã làm cho Hàn Quốc buộc phải sửa đổi Hiến pháp và Luật Bầu cử Tổng thống năm 1987. Hiến pháp mới quy định bầu Tổng thống bằng bỏ phiếu kín, trực tiếp. Trước đó suốt 16 năm, Tổng thống Hàn Quốc được bầu gián tiếp qua các đại cử tri. Từ năm 1987, Tổng thống Hàn Quốc có nhiệm kỳ là 5 năm và chỉ được phép làm một nhiệm kỳ. Sau bầu cử 1987, chính phủ buộc phải có ý kiến về sự kiện Gwangju. Năm 1988, Quốc hội tổ chức trưng cầu dân ý và đổi tên sự cố này thành “Phong trào dân chủ Gwangju”. Năm 1995, Quốc hội đã thông qua một đạo luật đặc biệt về sự kiện này. Những người chịu trách nhiệm đã bị khởi tố.
12/1997, đảng đối lập đã chiến thắng trong cuộc bầu cử và đạt được sự chuyển giao quyền lực bằng con đường hoà bình. Đầu 1998 Kim Dae Jung lên làm tổng thống. Cũng từ năm 1997, ngày 18 tháng 5 được công nhận là một ngày lễ lớn ở Hàn Quốc. Năm 2002, nghĩa trang Mangwol Dong ở Gwangju được nâng cấp thành nghĩa trang quốc gia. Năm 2007, Hàn Quốc đã kỷ niệm 20 năm nền dân chủ được thiết lập tại đất nước này, nghĩa là tính từ khi đảng đối lập chiến thắng, cựu tử tù Kim Dae Jung trở thành tổng thống, “gõ cửa một thời đại mới”.

Author: UTU (sưu tầm)

News day