Phong tục đón Tết đặc trưng của miền Bắc Việt Nam
Yuu (Thu Hiền) 01/01/2018 12:30 PM
Tết Nguyên Đán – tiết lễ đầu tiên trong năm luôn mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của người Việt, đây là dịp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của dân tộc. Và ở mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S lại mang trong mình những nét độc đáo riêng biệt. Cùng khám phá 11 mảnh ghép phong tục Tết Nguyên Đán của người miền Bắc để xem nơi đây người dân đón năm mới như thế nào?

1. Chợ Tết

Ảnh: WomenMagazine

Chợ Tết là những phiên chợ có phiên họp chợ vào dịp Tết (trước tết từ 25 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp). Chợ Tết bán nhiều mặt hàng, nhưng nhiều nhất là các mặt hàng phục vụ cho tết Nguyên Đán, như lá dong để gói bánh chưng, gạo nếp để gói bánh chưng hoặc nấu xôi, các loại trái cây dùng thờ cúng (ngũ quả) để cúng tổ tiên,... Một trong những phong tục vui Xuân của người Việt Nam là đi chợ Tết để cầu duyên, cầu tài lộc, mua may bán đắt, hoặc đơn giản chỉ là để được hòa mình vào không khí náo nhiệt đậm chất quê hương không thể thiếu mỗi độ tết đến xuân về.

2. Cúng ông Công, ông Táo

Ảnh: ytimg.com

Ngay từ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình Việt Nam đã dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp để cúng ông Công, ông Táo, lễ cúng truyền thống phải có cá vàng để tiễn ông về trời, mong ông sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tốt vì theo quan niệm dân gian đây là ngày mà Ngọc Hoàng sẽ trách phạt hay thưởng gia chủ dựa trên những gì mà ông Táo báo cáo.

3. Gói bánh chưng

Ảnh: imgur.com

Bánh Chưng là món ăn truyền thống, lâu đời của người Việt. Ngay từ những ngày 28, 29 Tết, các gia đình Việt Nam thường gói bánh Chưng để làm quà biếu Tết và để thưởng thức. Ăn bánh Chưng để nhớ về công ơn của tổ tiên, cha mẹ và gợi nhớ đến câu chuyện vua Hùng kén phò mã từ rất lâu đời.

4. Tất niên

Ảnh: ydvn.net

Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên, cũng là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Nó đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, còn được gọi là Giao thừa. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát. Cúng Giao thừa là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

5. Trang trí nhà cửa

Ảnh: muabannhadat.com

Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu. Theo đó, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm gở,  thường được treo hoặc trang trí thêm những thứ được coi là để dọa ma quỷ như: tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa.

Trang trí bàn thờ tổ tiên với quan trọng nhất là mâm ngũ quả - một mâm trái cây có chừng năm thứ trái cây (Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung...) khác nhau thường có trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Mâm ngũ quả của người miền Bắc gồm: chuối, bưởi, đào, hồng,... hay là chuối, ớt, bưởi, quất, lê.

Ảnh: bizlive.vn

Phía trên bàn thờ thường treo một tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư... có khi là một chữ Nho (chữ Tâm, Phúc, Đức...). Tranh Tết từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi của người dân Việt Nam và là một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa kia. Những màu sắc rực rỡ như khơi gợi nên cảm giác mới mẻ ấm cúng rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình của người Việt.

Hoa Tết  thường chọn cành đào bích để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà, theo quan niệm, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân. Ngoài ra, hầu như nhà nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí.

Tết đến, cây quất thường được trang trí tại phòng khách. Cây quất Tết ngày càng có nhiều kiểu dáng cầu kỳ nhưng vẫn phải bảo đảm sự xum xuê, lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

6. Khai bút

Ảnh: vcmedia.vn

Đầu Xuân, nhằm vào ngày tốt, giờ tốt, người có chức tước khai ấn (đóng con dấu lần đầu tiên trong năm); học trò, sĩ phu khai bút (viết bài hoặc một đoạn văn, một câu thơ... đầu tiên trong năm); nhà nông khai canh, (cày ruộng, làm đất, trồng, cấy lần đầu tiên trong năm); người buôn bán thì "khai thương", (mở hàng lần đầu tiên trong năm)... Sau ngày mùng Một, dù có mải vui cũng chọn ngày để khai nghề, làm lấy ngày.

7. Xông đất

Ảnh: laodong.vn

Xông đất là một phong tục rất quan trọng của người Việt Nam vì họ quan niệm rằng, người xông đất sẽ quyết định cả một năm vui vẻ, phát đạt hay không may mắn của mình. Vì thế, họ thường mời những người có vận may, có tuổi hợp với chủ nhà đến xông đất vì họ tin rằng, người đó sẽ mang may mắn, điềm lành trong suốt cả một năm. Người xông đất phải ăn mặc chỉnh tề, sau đó phải đi hết 1 vòng quanh nhà với hi vọng may mắn sẽ luôn tràn ngập.

8. Lễ chùa

Ảnh: dulichnuhoang.vn

Đến Tết nhất thiết phải qua chùa thắp nén hương, dâng tiền giọt dầu hoặc tiền công đức cho chùa. Vào ngày đầu năm, tại chốn linh thiêng, người ta tin rằng điều cầu khấn của mình có nhiều khả năng thành hiện thực. Rất nhiều người thích đi lễ ở các lăng tẩm, đền chùa để cúng bái và xin xăm nhất là vào buổi sáng mồng một, phong tục này thường được tiến hành chung với tục lệ chọn hướng xuất hành và hái lộc. Sau giao thừa, có người xuất hành đi du xuân luôn. Họ chọn một hướng tương hợp tương sinh với mình với con giáp của năm để xuất hành cầu tài đón lộc.

9. Thăm chúc tết

Ảnh: tuvi12congiap.net

Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Tiền mừng tuổi nhận được thường là số tiền lẻ ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

10. Hóa vàng

Ảnh: infonet.vn

Ngày mồng 4 tháng Giêng theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt. Tục hóa vàng ngày mồng 4 hoặc mồng 5, không ít gia đình vẫn theo truyền thống cũ: làm cơm, đốt vàng mã gửi người thân khuất bóng lời cầu nguyện một năm mới nhiều may mắn.

11. Lễ hội chào Xuân

Ảnh: vietucnews.net

Tùy theo bản sắc văn hóa của mình, mỗi địa phương đều tổ chức lễ hội ngày tết với những phần "lễ" và phần "hội" chứa đựng những nét văn hóa khác nhau rất phong phú.

Ngoài hội Tết, nhiều địa phương còn tổ chức các lễ hội mùa Xuân đặc biệt, chẳng hạn như: Tại Hà Nội có lễ hội Quang Trung và lễ hội Cổ Loa ngày mùng 5 , Lễ hội chùa Hương ngày mùng 4; tại Bắc Ninh có Chợ Âm Dương; tại Nam Định có hội Chợ Viềng; hội Núi Yên Tử ở Quảng Ninh…

 

 

Author: Yuu (Thu Hiền)

News day