Quốc hội Mỹ đồng lòng yêu cầu Tổng thống Trump nộp 'băng ghi âm' ông Comey, nếu có
Lu 05/16/2017 10:00 AM
Trong cuộc họp ngày 14/5, các nhà lập pháp lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ đều đồng ý rằng Tổng thống Donald Trump cần nộp bất cứ băng ghi âm nào trong bữa ăn tối với ông James Comey, cựu giám đốc FBI như ông đã tweet, nếu có.

Yêu cầu này được đưa ra dựa trên dòng tweet ngày 12/5 của ông Donald Trump rằng "James Comey tốt nhất hãy hy vọng không có 'băng ghi âm' nào về cuộc nói chuyện của chúng ta trước khi rò rỉ thông tin ra cho báo chí", với ngụ ý có thể ông Trump đã cho thu băng cuộc nói chuyện của ông với ông Comey trong bữa ăn tối ngày 27/1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các giới chức Tòa Bạch Ốc không xác nhận hoặc bác bỏ ngụ ý có hệ thống nghe lén trong tòa nhà, khiến Quốc hội lập tức gây áp lực yêu cầu ông Trump phải giao nộp băng ghi âm nếu có.

Về phía đảng Dân chủ, không những kêu gọi bổ nhiệm một công tố viên độc lập, không đảng phái, điều tra cáo buộc Nga có liên quan vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, mà lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Charles Schumer (Dân chủ - New York) còn lên tiếng cảnh báo nếu ông Trump cố tình hủy đoạn ghi âm, sẽ bị xem là phạm luật.

Ông Schumer cũng khẳng định các nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viện có thể từ chối bỏ phiếu thông qua giám đốc FBI mới cho đến khi chính quyền Washington chỉ định một công tố viên đặc biệt để điều tra nghi án Nga can thiệp tiến trình bầu cử Mỹ hồi năm ngoái. Trong trường hợp không có băng ghi âm, ông Shumer nói, ông Trump nên xin lỗi cả ông Jim Comey và toàn bộ người dân Mỹ vì đã lừa dối họ.

Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân chủ - Virginia), phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, khẳng định Ủy ban của ông và các Ủy ban khác “chắc chắn” sẽ yêu cầu ông Trump nộp những cuộn băng này, "nhằm bảo đảm nó không biến mất một cách bí mật".

Không chỉ trong phía Dân chủ, mà phe Cộng hòa cũng kêu gọi Tòa Bạch Ốc nộp cuộn băng ghi âm, nếu có. 

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng hòa - South Carolina) cũng đề nghị Toà Bạch Ốc làm rõ xem đoạn ghi âm có tồn tại hay không. Ông nói: "Phát biểu của Tổng thống Trump là không phù hợp, nếu thực sự có băng ghi âm, nó nên được nộp cho Quốc hội để xem xét".

Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng hòa - Utah), một cựu công tố viên, cũng đồng ý với điều này khi nói cuộn băng, nếu có, “khó tránh khỏi” việc nộp cho Quốc hội, và Quốc hội có thể chính thức yêu cầu Tòa Bạch Ốc làm điều này.

Ông James Comey trong một buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP

Tuyên bố của 2 nghị sĩ Cộng hòa trên được xem là bảo chứng cho sự "đồng lòng" từ cả 2 đảng đối với yêu cầu này, dù hai đảng vẫn bất đồng về cuộc điều tra dang dở của FBI đối với việc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ.

Trong khi các nghị sĩ Dân chủ kêu gọi bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra, thì các nghị sĩ đảng Cộng hòa bác bỏ ý kiến về việc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt hoặc thành lập một ủy ban điều tra độc lập.

Trong khi đó, ông Trump cho biết thông báo về việc thay thế ông Comey bằng một người khác có thể được đưa ra vào cuối tuần này, sau khi 11 ứng viên cho vị trí này tham dự các cuộc phỏng vấn bắt đầu từ ngày 20/5 tới.

Ngày 9/5, ông Comey bị sa thải bất ngờ giữa lúc FBI đang điều tra mối liên hệ có thể có giữa trợ lý chiến dịch tranh cử của ông Trump và người Nga, sự việc dấy lên một cơn sóng gió từ nhiều phía cho Toà Bạch Ốc. 

Ngày 13/5, cựu Giám đốc FBI James Comey đã từ chối điều trần kín trước Ủy ban tình báo Thượng viện vào ngày 16/5. Thay vào đó, ông Comey tuyên bố sẵn sàng điều trần công khai về nghi vấn mối quan hệ giữa đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga, đề nghị được Ủy ban tình báo Thượng viện ủng hộ.

Bên cạnh đó, khắp Washington, các nhà chính trị đang kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nghi án Nga can thiệp bầu cử Tổng thống 2016 và mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Moscow.

Author: Lu

News day