Quyết định rút khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, ông Trump hứng chịu chỉ trích
Bình Nguyên 06/06/2017 10:00 AM
Quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia và trong chính bộ máy chính quyền Mỹ.

Thỏa thuận Paris được coi là một cột mốc của thế giới nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông Trump từng gọi biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp và trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm ngoái, ông đã hứa sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Mỹ là một trong số 195 quốc gia đạt thỏa thuận Paris vào tháng 12/2015. Theo nội dung thỏa thuận, các quốc gia cả giàu và nghèo cùng cam kết giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính - loại khí thải phát sinh khi đốt năng lượng hóa thạch và bị các nhà khoa học cho là nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức đưa ra lý do về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris. Tổng thống Mỹ cho rằng bản thỏa thuận năm 2015, mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đã ký, đang "bóp nghẹt" nền kinh tế của Mỹ, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất và nhiên liệu hóa thạch, làm tổn thương những người lao động Mỹ và trao quyền cho các quốc gia khác gây ô nhiễm gần như nhiều hơn cả Mỹ.

Ông cho rằng "Điểm mấu chốt là hiệp định Paris không công bằng, ở cấp độ cao, đối với nước Mỹ". Ông tuyên bố “Để hoàn thành nghĩa vụ nghiêm túc của tôi nhằm bảo vệ nước Mỹ... Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Nhưng (Mỹ) sẽ tái đàm phán để gia nhập lại hoặc là Hiệp định Paris hoặc một thoả thuận hoàn toàn mới với các điều khoản công bằng đối với Mỹ".

Thỏa thuận Paris được 195 quốc gia kí kết tháng 12/2015. Ảnh: Getty

Mặc dù chỉ đích danh Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất cùng với nước Mỹ, tuy nhiên ông Trump đã lờ đi việc nước Mỹ vốn chiếm chỉ 4% dân số toàn cầu nhưng lại chịu trách nhiệm cho gần 1/3 lượng khí thải carbon dioxide trong bầu khí quyển hiện nay. Dù thực tế Trung Quốc chiếm hơn 20% dân số thế giới đang xả ra khí quyển lượng CO2 nhiều hơn, nhưng theo lịch sử và mật độ thì nước Mỹ đã và đang gây ô nhiễm nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới hiện nay.

Quyết định của Trump tạo ra sự phẫn nộ tại Mỹ và thế giới. Cựu Tổng thống Obama nói động thái trên nghĩa là Mỹ "đang gia nhập một nhóm nước từ chối tương lai".

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại về quyết định của Tổng thống Mỹ, cho rằng đây là “một sự thất vọng quá lớn”. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh, quyết định rút khỏi hiệp định Paris là một sự thất vọng lớn đối với nỗ lực của thế giới trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy an ninh thế giới. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tin tưởng rằng, tất cả các bên liên quan khác của hiệp định sẽ thể hiện bày tỏ sự tiên phong và tầm nhìn cùng với các bang khác của nước Mỹ giảm lượng phát thải khí cacbon, tạo công ăn việc làm vì sự thịnh vượng kinh tế của thế kỷ 21. 

Các đồng minh của Mỹ như Đức, Pháp, Italy đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng và bác bỏ khả năng về việc tái đàm phán thỏa thuận Paris. "Chúng tôi cho rằng động lực tạo ra ở Paris tháng 12/2015 là không thể đảo ngược. Chúng tôi tin chắc Hiệp định Paris không thể đàm phán lại vì nó là văn kiện quan trọng với hành tinh, các xã hội và nền kinh tế của chúng ta", lãnh đạo ba nước cho biết trong một tuyên bố chung.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Tổng thống Mỹ đã công bố rút khỏi hiệp định Paris. Tôi tôn trọng quyết định này của ông ấy song tôi cho rằng đây là một quyết định sai lầm cho cả nước Mỹ và hành tinh của chúng ta. Tôi tái khẳng định quan điểm rằng hiệp định Paris là không thể đảo ngược và sẽ được không chỉ nước Pháp mà nhiều nước khác trên thế giới thực thi.” Các trụ sở hành chính tại Paris ngay lập tức được bật đèn xanh trong đêm như một cách để bày tỏ sự phản đối đối với quyết định của ông Trump.

Đức tuyên bố Mỹ "đang gây hại" cho toàn bộ hành tinh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gọi quyết định của Trump là "sai lầm nghiêm trọng".  

Những người ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cảnh báo quyết định của Tổng thống Trump có nguy cơ khiến Mỹ bị cô lập trong các nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất, đồng thời tạo cơ hội cho các nước khác như Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này.

Tổng thống cho rằng quyết định của mình nhằm mục đích "bảo vệ nước Mỹ". Ảnh: Getty

Phản ứng của các cố vấn trong Hội đồng cố vấn kinh doanh 

Phản đối quyết định này của ông Trump, hàng loạt các doanh nhân làm cố vấn cho ông đã tuyên bố rời khỏi Hội đồng cố vấn nhà nước. Đưa ra quyết định đầu tiên là Giám đốc điều hành (CEO) hãng xe điện Tesla, ông Elon Musk và CEO hãng giải trí Walt Disney, ông Robert Iger. 

Hội đồng cố vấn kinh doanh được ông Trump thành lập vào tháng 12/2016 trước khi ông chính thức nhậm chức. Hội đồng này có chức năng hỗ trợ Tổng thống trong việc đưa ra các quyết định chính sách và được chủ trì bởi ba doanh nhân gồm ông Stephen Schwarzman, CEO công ty quản lý quỹ đầu tư Blackstone, bà Indra Nooyi, CEO hãng đồ uống Pepsi, và ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng JPMorgan Chase.

Ông Musk là thành viên Diễn đàn Chiến lược và Chính sách của Tổng thống Trump, một nhóm cố vấn kinh doanh cho người đứng đầu Nhà Trắng. Ngoài ra, ông còn có mặt trong hội đồng cố vấn Tổng thống về việc làm trong ngành sản xuất. Giải thích cho quyết định này ông Musk viết trên Twitter cá nhân “Biến đổi khí hậu là có thật. Rời thỏa thuận Paris là điều không tốt cho cả nước Mỹ và thế giới”.

Ông Musk nói rằng trước đó ông đã cố gắng để thuyết phục ông Trump “tất cả những gì tôi có thể làm” để thuyết phục ông Trump giữ Mỹ ở lại trong thỏa thuận Paris, đồng thời dọa sẽ rời khỏi các hội đồng cố vấn cho Tổng thống nếu ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận.

Về phần mình, CEO Robert Iger của Walt Disney thông báo trên Twitter rằng “do vấn đề nguyên tắc, tôi đã rút khỏi hội đồng cố vấn của Tổng thống do việc rút khỏi thỏa thuận Paris”.

Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Ảnh: CafeF

Đây không phải lần đầu tiên các cố vấn của ông Trump tỏ quan điểm bất đồng với ông chủ Nhà Trắng. Trước đó, vào tháng 2 năm nay, CEO Uber, ông Travis Kalanick đã rút khỏi hội đồng cố vấn kinh doanh của ông Trump do sức ép từ các nhà hoạt động và nhân viên Uber phản đối chính sách nhập cư của chính quyền Trump.

Một số doanh nhân khác bao gồm CEO Larry Fink của BlackRock và CEO Mary Barra của hãng xe General Motors (GM) cho biết sẽ tiếp tục cố vấn cho Tổng thống Trump. Có cùng ý kiến bảo vệ cho quyết định này của ông Trump, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wibur Ross nói rằng “bất kỳ ai đọc và hiểu thỏa thuận Paris sẽ nhận ra rằng đây không thực sự là một thỏa thuận về khí hậu, mà là về việc tiền của Mỹ chảy sang các nước khác và không giải quyết được vấn đề khí hậu”.

Bảo vệ ý kiến cho ông chủ Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mike Pence cho rằng "Tổng thống của chúng tôi đã lựa chọn đặt công việc và người tiêu dùng Mỹ lên trên tất cả, Tổng thống của chúng tôi đã chọn để đưa năng lượng Mỹ và nền công nghiệp Mỹ lên hàng đầu. Và thông qua hành động hôm nay, tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn để bảo vệ lợi ích của những người đàn ông và phụ nữ (Mỹ) đang bị lãng quên".

Quá trình Mỹ hoàn toàn rút khỏi hiệp định này có thể kéo dài tới 3 năm. Song quyết định của nước phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai trên toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với nỗ lực đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu của cả thế giới.

Author: Bình Nguyên

News day