Rồng - linh vật thiêng trong tâm thức người Việt
Hà Thảo 12/03/2016 11:00 PM
Tuy mang đầy tính siêu nhiên nhưng hình ảnh con Rồng lại phổ biến trong đời sống người dân Việt.

Dân gian có bốn con vật linh thiêng là Long (Rồng), Lân (Kỳ Lân), Quy (Rùa), Phụng (Phượng Hoàng) và trong mười hai con giáp thì rồng là con vật duy nhất do người dân tưởng tượng ra. Tuy mang đầy tính siêu nhiên nhưng hình ảnh con Rồng lại phổ biến trong đời sống người dân Việt.

Theo truyền thuyết, rồng là một con vật mình dài, có vẩy. Nó biểu trưng cho những phẩm chất đối lập như ánh sáng và bóng tối, bé nhỏ và to lớn, dài và ngắn. Vào mùa xuân, rồng bay lên trời; sang thu nó lui về quy ẩn.

 Rồng là một trong bốn vật linh của người Việt.
Ảnh: Mytour.vn

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, vị thủy tổ của người Việt là Lạc Long Quân - vốn cốt Rồng và Âu Cơ - vốn cốt tiên, gặp nhau ở Động Đình Hồ, sau đó sinh ra một bọc trăm trứng, từ đó nở ra trăm người con. Rồng ở nước, Tiên ở núi nên khi chia ly, trăm người con được chia hai ngả: 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi. Nói người Việt là con Rồng cháu Tiên chính vì lẽ đó.

Cuộc đời của rồng Việt cũng lâu dài và sức sống của nó cũng mãnh liệt như chính lịch sử tiến hoá của dân tộc. Con rồng hóa thân vào giấc mơ của vua Lý Công Uẩn với hình ảnh rồng vàng bay lên để từ đó, kinh đô nước ta có một cái tên mới đầy ý nghĩa: Thăng Long. Nơi phía Nam đất nước, có một đàn chín rồng uốn lượn trên vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Rất nhiều nơi xem rồng là biểu tượng và là vật tổ của mình. Rồng đứng đầu trong tứ linh. Trong các truyền thuyết cổ, nhiều vị thần là hậu duệ của rồng và rắn. Do vậy, rồng cũng là biểu tượng của hoàng đế. Trên những chiếc hoàng bào của nhà vua đều có thêu hình rồng, nên còn được gọi là Long bào. Long lỳ biểu tượng cho sự thống trị của hoàng đế cũng được thêu hình rồng. Những lâu đài, cung điện cho vua ở cũng được gọi Long điện và ngai vàng của vua được gọi là Long tọa.

Hình ảnh Rồng có trên chiếc đĩa.
Ảnh: Gomsuphunggia

Nhưng con rồng không chỉ là biểu tượng cho quyền lực của vua chúa, nó còn có một ý nghĩa sâu xa trong sinh hoạt đời thường của người Việt: biểu tượng cầu mưa, ước mong phồn thực. Từ thuở xa xưa, nhân dân ta sống chuyên về nghề trồng lúa nước. Đã làm ruộng nước thì cần phải mưa thuận gió hòa. Đối với nông dân trong mấy ngàn năm qua, hiện tượng cơn lốc cuốn nước để lên trời làm mưa, tưới tắm ruộng đồng. Hơn 90% người Việt sống bằng nghề nông là “bản nghệ”. Cho nên, dù trang trí ở đâu (trong cung đình, ngoài dân gian) và bất cứ thời đại nào, hình ảnh con rồng vẫn luôn đi kèm với mây trời và sông nước. Rồng đã trở thành phúc thần của người làm ruộng và là bản mệnh của người làm vua.

Rồng là biểu tượng quyền lực của người Á Đông.
Ảnh: golgmarkcity.com.vn

Con rồng bước ra khỏi cung đình, đền chùa, ùa vào văn thơ dân gian rồi sống động, tưng bừng trong các lễ hội. Múa rồng có mặt từ rất lâu trong các lễ hội dân gian ở các vùng, miền phía Bắc. Ngày nay các lễ hội lớn trên mọi miền đất nước đều thấy múa rồng, trong đó có những lễ hội tầm cỡ quốc gia như giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ hội Vua Lê ở Thanh Hóa…

Đối với người dân, múa rồng có một vị trí đặc biệt trong suốt kì lễ hội mừng xuân. Ngày xưa múa rồng được trình diễn để cầu mưa. Dù ở trường hợp nào, về mặt truyền thống, rồng vẫn được phú những phẩm chất và lý tưởng tích cực. Thông qua biểu tượng rồng, người dân bày tỏ sự đam mê, tư tưởng, niềm tin và khát vọng của họ.

Người Á Đông coi rồng là biểu tượng của quyền lực.
Ảnh: Chudus.com

Người Á Đông coi rồng là biểu tượng của quyền lực. Vì thế, tính cách nổi trội của những người sinh tuổi Rồng là sự năng động và đầy tham vọng. Đối với họ, việc nào càng khó càng có hứng thú, say mê. Người ta nói rằng nếu có việc nào chưa hoàn thành, dự định ấp ủ nào chưa thực hiện được, ý tưởng nào còn đang phân vân thì hãy để cho rồng giải quyết. Họ sẽ làm như điên, thậm chí đào non lấp biển cũng chẳng từ, cốt để hoàn tất việc được giao.

 

Author: Hà Thảo

News day