San Francisco kiện Tổng thống Trump sau lệnh hạn chế nhập cư
Trang Lu 02/01/2017 10:00 PM
Chính quyền thành phố San Francisco, bang California ngày 31/01 đệ đơn kiện sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump về việc ngừng cấp ngân sách cho các thành phố bảo vệ những người nhập cư.

Đơn kiện do Công tố viên San Francisco Dennis Herrera nộp lên Toà án liên bang tại thành phố này. Đây là đơn kiện đầu tiên đánh dấu hành động pháp lý đầu tiên của một trong những “thành phố trú ẩn” bị Trump tấn công vì các chính sách bảo vệ những người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ, sau khi ông ban hành lệnh ngừng cấp ngân sách.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Thành phố San Francisco ngày 31/01 (giờ địa phương) đâm đơn kiện Tổng thống Trump về sắc lệnh hành pháp mà Trump ký ngày 25/01 về việc cải cách việc đối phó với nhập cư lậu và an ninh quốc gia, siết chặt các thành phố bảo bọc những đối tượng nhập cư trái phép của ông, trong đó chỉ đạo chính quyền liên bang từ chối cấp tài chính cho các "thành phố trú ẩn", những nơi hạn chế hợp tác với các cơ quan thực thi luật nhập cư liên bang.

Những thành phố như San Francisco, New York, Los Angeles, Chicago, Philadelphia, Boston, Denver, Washington và Seattle... được xem là "thành phố trú ẩn", nơi dành cho hàng trăm cộng đồng nhập cư ở khắp nước Mỹ đã chấp nhận các chính sách bảo vệ 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ khỏi việc bị trục xuất. Do vậy, theo sắc lệnh mới của ông Trump, hàng tỷ USD ngân sách liên bang dự kiến cấp cho các thành phố này có nguy cơ bị chặn đứng. San Francisco, thành phố có khoảng 30.000 người nhập cư không có giấy tờ đang sống, mỗi năm được nhận hơn 1,2 tỷ USD trong ngân sách, hầu hết dành cho y tế, dinh dưỡng và các chương trình lưới an toàn khác. 

Theo đơn kiện của chính quyền San Franciso, sắc lệnh của Trump đã vi hiến khi vi phạm Tu chính án thứ 10 theo Hiến pháp Mỹ, quy định về những quyền hạn không thuộc về chính quyền liên bang thì do chính quyền tiểu bang quyết định. Nội dung trong đơn kiện viết: "Trong một động thái bỏ qua luật pháp rõ ràng, Tổng thống muốn ép buộc chính quyền địa phương phải từ bỏ các chính sách và luật về 'thành phố trú ẩn'". Còn Biện lý Herrera phát biểu: "Sắc lệnh của Tổng thống Trump nhằm biến công chức thành phố và tiểu bang trở thành quan chức nhập cư liên bang. Điều này là vi hiến. Sắc lệnh này không chỉ trái với Hiến pháp, mà còn trái với nước Mỹ. Chúng ta là đất nước của người nhập cư và vùng đất của tự do, chúng ta cần phải là những người bảo vệ nền dân chủ của mình. Đó là lý do vì sao chúng ta phải chống lại sắc lệnh này".

Ngoài ra, Herrera khẳng định những chính sách này nhằm cho phép và giúp khuyến khích người nhập cư trái phép ra trình báo với chính quyền mà không lo sợ bị trục xuất.

Chính quyền San Francisco tuyên bố kiện Trump. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các thách thức về pháp lý đặt ra cho Tổng thống Donald Trump liên quan đến lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo tiếp tục lan rộng trong ngày 31/01 khi Massachusetts, New York và Virginia là 3 bang mới nhất của Mỹ đồng loạt khởi kiện ông. Bang Massachusetts cho rằng lệnh cấm công dân của 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ đã đi ngược lại với nội dung được ghi nhận tại Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ, trong đó cấm các hành vi thiên vị tôn giáo, còn tổng chưởng lý của New York và Virginia cho biết các bang này cũng đang theo đuổi các tiến trình pháp lý tương tự tại các Tòa án liên bang để phản đối lệnh cấm của Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, nhiều công dân nước ngoài đang sống tại Mỹ cũng đệ đơn để thách thức sắc lệnh di trú của ông Trump, bao gồm một sinh viên người Libya nộp đơn ở Colorado và một công dân Iran nộp đơn ở Chicago trước đó.

Lệnh hạn chế nhập cư vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các quan chức và người dân. Ảnh: LaTimes

Trong một diễn biến có liên quan khác, gần 900 quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ký tên vào một bản ghi nhớ nội bộ bày tỏ bất đồng, chỉ trích sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump cấm người tị nạn và công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo nhập cảnh Mỹ vào ngày 31/01. "Bản ghi nhớ thể hiện sự bất đồng ý kiến", là một cơ chế để các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra các quan điểm khác nhau về chính sách ngoại giao mà không lo bị trả đũa. Gần 900 quan chức ngoại giao đã ký tên trong bản ghi nhớ có tên "Bảo vệ đất nước khỏi khủng bố nước ngoài vào Mỹ", họ cho biết sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump đối lập với bản chất của Mỹ và các giá trị thuộc Hiến pháp mà các nhân viên liên bang đã tuyên thệ và gìn giữ đồng thời ngay lập tức gây hại đến quan hệ của Mỹ với các nước là các đồng minh và đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, trong khu vực và toàn cầu.

Ngày 27/01, Tổng thống Trump ký sắc lệnh yêu cầu tạm thời không nhận người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới đồng thời cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo gồm Syria, Iraq, Iran, Libya, Sudan, Yemen và Somalia và cho rằng hành động này sẽ bảo vệ người Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, sắc lệnh vấp phải sự phản đối của nhiều người dân Mỹ và các nước trên thế giới.

Author: Trang Lu

News day