Sự đa dạng đồ uống Nhật Bản
Cao Nhân (Dịch) 01/07/2017 06:00 AM
Nhật Bản là một đất nước của những con người thích uống rượu và cũng có một số lễ nghi, trình tự cần được chú ý đến trước khi các bạn bắt đầu nhấc chén rượu lên hòa vào cuộc vui.

Cạn ly và chúc sức khỏe!

Bạn sẽ không bao giờ tự rót rượu cho chính mình, thay vào đó bạn bè hoặc người tổ chức bữa tiệc sẽ làm điều đó cho bạn, sau đó cũng sẽ đến lượt bạn tiếp tục rót đầy rượu trong ly cho bạn bè của mình. Bạn sẽ nghe một từ được dùng khá thường xuyên mỗi khi cạn ly, đó là từ “kanpai” có nghĩa là “Cạn ly và chúc sức khỏe” trong tiếng Nhật.

Không giống như phương Tây, văn hóa đi chơi và uống rượu không thực sự tồn tại ở Nhật Bản. Việc uống rượu hầu hết chỉ là đi kèm trong bữa ăn, hoặc khi ăn “otsunami” (thức ăn nhanh). “Otsunami” thường là một dĩa “edamame” (đậu nành), “surume” (mực ống viên chiên), hoặc là “arare” (loại bánh gạo nhỏ).

Trong khi rượu sake (rượu gạo) là thức uống truyền thống của Nhật Bản thì bia mới là đồ uống được dùng nhiều hơn. Phát triển rộng rãi nhất là các thương hiệu bia Kirin, Sapporo, Suntory và Asahi.

Rượu Sake.
Ảnh: sushikei.vn
Bia sapporo.
Ảnh: mnavietnam.com

Cùng tìm hiểu thêm một loại bia rẻ hơn, tuy nhiên chúng cũng không thật sự là bia. Đó là “happoshu” – một loại đồ uống có vị mạch nha. Món đồ uống này có vẻ ngoài và mùi vị của bia ít tiền, nhưng nồng độ thấp của nó lại giúp cho người nấu bia tránh bị đánh thuế về bia. Còn về phía rượu sake, ban đầu các bạn nên nếm thử và nhấp chút rượu nóng, nhưng khi uống nhiều thì nên dùng loại rượu ướp lạnh vị trong và mạnh hơn.

Khi thời gian khó khăn hơn, đồng yên Nhật bị mất giá, chi phí tăng lên nhiều, lại xuất hiện một cụm từ đáng được ghi nhớ là “nomihodai” (uống bao nhiêu tùy thích). Chỉ cần đi đến một cửa hàng “izakaya” (quán ăn uống của người Nhật) gần bạn nhất để thưởng thức kiểu uống “nomihodai” ưu đãi với mức giá từ 2000 đến 3000 yên mỗi người. Nên nhớ rằng phải đủ số lượng người mới có ưu đãi và chỉ giới hạn trong một đến hai giờ đồng hồ.

Nhiều nhà hàng còn đưa ra những ưu đãi tương tự cho dù không có trong thực đơn hoặc chương trình của nhà hàng, nhưng nếu bạn là khách quen thì vẫn sẽ được đáp ứng và hóa đơn sẽ rẻ hơn những khách khác. Mọi người cũng có thể lựa chọn đến quán karaoke để có một nơi thoải mái với đồ uống ưu đãi tốt và là nơi bạn không chỉ có được “utaihoda” (hát thỏa sức) mà còn có “nomihodai”.

Thực đơn đồ uống trong các quán karaoke thường phong phú và có đầy đủ các loại nước uống khác nhau, một số loại rượu mạnh và một hoặc hai loại bia. Phong cách uống bia của người Anh bị giới hạn trong những quán rượu đắt tiền ở các thành phố lớn và thường có ít khách đến đây.

Một hình thức uống rượu mới được gọi là “chu-hai” cũng xuất hiện sau đó. Khách hàng có thể mua tại các “konbini” (cửa hàng tiện lợi) như Lawsons, 7/11, Circle K, Family Mart hoặc uống tại cửa hàng, quán bar. “Chu-hai” được làm từ rượu “shochu”, một loại rượu mạnh được chưng cất từ lúa mạch, khoai lang hoặc gạo và bạn có thể uống nguyên chất nhất.

Rượu Whisky cũng rất phổ biến với nhiều đàn ông Nhật, và rượu whisky của Scotland là loại được quan tâm nhất và được tìm kiếm nhiều nhất. Nhiều loại rượu Whisky của người Nhật cũng đang có sự phổ biến rộng rãi ở phương Tây. Trong đó hai nhãn hiệu lớn nhất là Nikka và Suntory. Sản phẩm rượu Yoichi và Yamazaki của hai công ty đang được mong chờ trở thành một trong những loại rượu Whisky tốt nhất trên thế giới.

Đồ uống mang đi

Nhật Bản là một quốc gia biết đến với những máy bán hàng tự động và bạn sẽ tìm thấy một cái ở hầu hết các góc đường. Theo tính toán thì có xấp xỉ một máy bàn hàng tự động cho mỗi 23 người dân Nhật, con số tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Máy bán hàng tự động tại Nhật Bản.
Ảnh: xn--tourdulchnhtbn-2q8gmfzu.com

Với việc có rất nhiều máy bán hàng tự động cung cấp một số lượng đồ uống đa dạng và phong phú, các loại đồ uống tấn công vào thị trường Nhật Bản nhiều hơn bất kìa nơi nào trên thế giới. Trong một đất nước ưa chuộng “hatsubai” (sản phẩm mới) thì có từ 300 đến 1000 hương vị đồ uống tươi mới xuất hiện mỗi năm tại đây. Còn với những ai cần một ly café hay trà để uống mang đi, họ có thể mua đồ uống nóng được đóng lon có sẵn.

Trà

Cuối cùng, không thể thiếu trà trong bài viết về đồ uống Nhật Bản. Một điểm chung mà người Nhật giống với người Anh đó là họ yêu thích những ly trà.

Đối với những người sành sỏi về trà, Nhật Bản chính là thiên đường trà của họ. Trong tiếng Nhật, trà được viết thành “cha” và có vô số loại trà khác nhau, từ những ly trà xanh cổ điển, cho đến những loại mới như “mugicha” (trà lúa mạch) “sobacha” (trà bột kiều mạch), “genmaicha” (trà gạo nâu), “umecha” (trà nho khô) và còn nhiều hơn nữa.

Trà xanh Nhật Bản.
Ảnh: lotteshop.vn

“Sado” – (nghi thức uống trà của người Nhật) là một truyền thống lịch sử hình thành từ Phái Thiền Đạo Phật. “Sado” được dịch thành “Trà Đạo”, nghi thức này gồm có sự chuẩn bị và việc uống trà.

Cùng với nhiều nghệ thuật khác của người Nhật, “sado” đòi hỏi mất nhiều năm để học tập và thành thạo như một người chuyên nghiệp. “Sado” được giảng dạy mở rộng trong các trường học của Nhật Bản và vẫn được xem là một sở thích thường thấy ngày nay. Nếu có cơ hội, bạn nên thưởng thức nghi thức Trà Đạo này. Những nghi thức khắt khe, những động tác phong nhã và sự thanh lịch chính là cách mà trà được chuẩn bị, được rót và thưởng thức.

Author: Cao Nhân (Dịch)

News day