Sức ép từ nhiều phía, Thủ hiến Catalonia hoãn tuyên bố độc lập, kêu gọi đối thoại
A.A 10/11/2017 10:30 AM
Người đứng đầu xứ Catalonia (Catalan), Thủ hiến Carles Puigdemont, ngày 10/10 bất ngờ tuyên bố hoãn việc tuyên bố tách xứ này khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia độc lập và kêu gọi đối thoại.

Dù khẳng định kết quả cuộc trưng cầu dân ý là cử tri chọn ly khai cũng như ông đã ký bản tuyên ngôn độc lập, nhưng ông Puigdemont khẳng định sẽ dành thời gian để đàm phán với Chính phủ ở Madrid về tương lai của Catalonia.

Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont ký bản tuyên ngôn độc lập. Ảnh: Reuters

Tuyên bố này làm hàng nghìn người ủng hộ, đã tụ tập gần nơi ông phát biểu hôm 10/10 (giờ địa phương), vẫy cờ Catalonia trông đợi tuyên bố ly khai khỏi Tây Ban Nha, sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10, thất  vọng.

Việc hoãn tuyên bố độc lập và đối thoại với Madrid là viễn cảnh xa xôi do chính quyền trung ương khẳng định điều này chỉ có thể thực hiện “trong khuôn khổ pháp luật”, tức là Catalonia không được độc lập.

Động thái của ông Puigdemont được cho là tránh hành động có thể gây bất ổn cho Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh ông Puigdemont phải đối mặt với sức ép từ mọi phía. Chính phủ Tây Ban Nha đã cảnh báo sẽ có hành động cứng rắn, bao gồm khả năng xóa bỏ quyền tự trị của Catalonia và theo đó đưa xứ này về dưới sự quản lý từ Madrid, nếu ông Puigdemont cứ nhất quyết ly khai, còn nhiều nước trong liên minh EU cho biết không ủng hộ việc ly khai.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi ông Puigdemont không tuyên bố độc lập còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì bác bỏ đề nghị của ông Puigdemont muốn EU đứng ra hòa giải giữa Barcelona và Madrid, nói rằng ông tin tưởng Chính phủ Tây Ban Nha có thể giải quyết tình hình.

Dự kiến nội các Tây Ban Nha sẽ họp vào ngày 11/10 để quyết định giải pháp sau tuyên bố của ông Puigdemont.

Biểu tình rầm rộ tại Barcelona ngày 3/10 ủng hộ độc lập cho Catalonia. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc ở Catalonia cũng như trên toàn Tây Ban Nha bắt đầu căng thẳng kể từ khi xứ này tiến hành trưng cầu dân ý về ly khai vào hôm 1/10, cuộc bỏ phiếu bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên là bất hợp pháp. Chỉ có 43% cử tri Catalonia đi bỏ phiếu, nhưng 90% chọn tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành một nước độc lập.

Lợi ích của Madrid trong việc giữ Catalonia là rất lớn khi Catalonia, vùng có ngôn ngữ và văn hóa riêng, chiếm giữ tới 1/5 sản lượng kinh tế và hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu của toàn Tây Ban Nha. Về phía Catalonia, thiệt hại cũng đã bắt đầu hiện rõ khi một loạt công ty lớn đã tuyên bố rời trụ sở khỏi xứ này do lo ngại bất ổn leo thang.

Author: A.A

News day