Tạm biệt Công Vinh, tạm biệt một huyền thoại!
Nam Nam 12/10/2016 05:00 PM
Trận đấu bán kết lượt về vừa qua giữa Việt Nam và Indonesia là lần cuối Công Vinh ra sân dưới màu áo đội tuyển quốc gia. Anh giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế với những giọt nước mắt trong lễ chào cờ.

Trong trận quyết đấu với Indonesia vào ngày 7/12 vừa qua, Công Vinh đã bật khóc khi hát Quốc ca. Giọt nước mắt lăn dài biểu trưng cho tinh thần yêu nước, là ý chí chiến đấu mạnh mẽ của người con xứ Nghệ. Sau trận đấu, dáng vẻ lầm lũi cùng những câu trả lời phỏng vấn đầy buồn bã như phát khóc khiến không ai không nghẹn ngào cho anh. Trận đấu cuối cùng đội tuyển Việt Nam không mang lại cái kết viên mãn cho sự nghiệp của CV9 nhưng nó sẽ mãi là trận đấu đáng nhớ trong sự nghiệp của anh.

Lời chia tay trên Facebook của Công Vinh
Ảnh: Facebook Lê Công Vinh

Đối với ai yêu bóng đá nước nhà, Công Vinh luôn là cái tên quá đỗi quen thuộc, là điểm tựa vững chắc cho đội nhà mỗi lần ra sân. Dù có thể giờ đây anh chậm chạp, không còn hiệu quả với những pha đi bóng nhưng với những công lao của mình, Công Vinh xứng đáng là một huyền thoại của bóng đá Việt Nam.

Nỗ lực vượt qua cái bóng của Văn Quyến...

Công Vinh bắt đầu đến với bóng đá chuyên nghiệp vào năm 1998 khi anh còn là một cậu bé đến từ Quỳnh Lưu, Nghệ An thi tuyển vào đội trẻ của Sông Lam Nghệ An. Cậu bé này vượt qua bài thi với kết quả gần như ‘’đội sổ’’. Những dòng đánh giá của tuyển trạch viên Sông Lam Nghệ An dành cho cậu: ‘’Không có nhiều triển vọng, cả kỹ thuật và tâm lý đều chưa vững‘’ .

Cùng thời điểm đó ở Sông Lam Nghệ An có một cậu bé hơn Vinh chỉ 1 tuổi nhưng lại là ngôi sao nhí được kỳ vọng bậc nhất ở đội bóng xứ Nghệ. Khi Công Vinh phải chật vật mới thi vào tuyển trẻ Sông Lam thì Quyến đã khẳng định được chỗ đứng khi ghi 7 bàn trong giải vô địch bóng đá thiếu niên Toàn quốc năm đó.

Năm 18 tuổi, chàng trai Quỳnh Lưu mới lần đầu lên đội 1 Sông Lam Nghệ An thì Quyến đã và đang tham dự Sea Games 21. Ngày 7/12/2003, trong trận đấu với Lào tại sân Hàng Đẫy khi Việt Nam chắc suất tham dự vòng trong Sea Games 22, Công Vinh mới lần đầu được thi đầu cho đội tuyển quốc gia. Huấn luyện viên Alfred Riedl tung ra đội hình toàn dự bị trong đó có anh. Phút 40 hiệp 1, Công Vinh ghi bàn thắng đầu tiên cho Việt Nam nhờ đường tạt cánh của Phan Thanh Bình. Bàn thắng này đã mang lại cơ hội cho Công Vinh khẳng định bản thân.

Công Vinh luôn bị so sánh với Văn Quyến về mặt tài năng
Ảnh: Zing New

Cùng thời gian đó, Văn Quyến trở thành ngôi sao số một của bóng đá Việt Nam với danh hiệu "Quả bóng vàng" và 4 bàn thắng quan trọng ở Sea Games 22. Quyến trở thành cầu thủ "con cưng"’ của người hâm mộ lúc bấy giờ. Trong khi đó không ai quan tâm cũng như không ai biết Công Vinh đang ở đâu.

Một năm sau, phong độ trên sân cỏ của Văn Quyến có chút không thăng hoa như trước. Ở đội tuyển quốc gia thì huấn luyện viên Riedl, người luôn cưng chiều Văn Quyến đã rời Việt Nam và được thay bằng  bằng một Edson Tavares đầy mạnh bạo. Tavares là một huấn luyện viên coi trọng thể lực và tính kỷ luật. Chính ở đó, bước ngoặt của sự nghiệp Lê Công Vinh mở ra. Tavares yêu thích sự nghiêm túc và cần cù trên sân cỏ của Công Vinh hơn hẳn sự tài năng nhưng lười biếng của Văn Quyến. Ông đặt Lê Công Vinh vào vị trí tiền đạo chủ lực của đội tuyển bên cạnh Thạch Bảo Khanh và tạo mọi cơ hội cho chàng trai Quỳnh Lưu vô danh ngày nào thể hiện tài năng của bản thân. Không phụ lòng, Lê Công Vinh thể hiện một phong độ ghi bàn tuyệt vời. Đến 2005, Vinh đã sát cánh bên cạnh Văn Quyến trên hàng công Việt Nam.

Thất bại ở Sea Games 2004 đã lộ ra hàng loạt vụ bán độ của những ngôi sao tuyển Việt Nam, trong đó có cả Văn Quyến, Quốc Vượng... Chỉ còn lại Vinh, chàng trai Quỳnh Lưu trong sạch không bán lương tâm để đổi lấy những đồng tiền dơ bẩn.

... Trở thành huyền thoại.

Ở cấp câu lạc bộ, từ khi còn khoác áo Sông Lam Nghệ An, sau đó chuyển đến Hà Nội T&T, rồi câu lạc bộ Hà Nội và Becamex Bình Dương, tiền đạo xứ Nghệ luôn không ngừng nỗ lực để vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Điều làm nên sự khác biệt giữa Công Vinh với phần còn lại chính là sự khổ luyện để vượt qua giới hạn của bản thân. Anh là một hình mẫu lý tưởng để cho những cầu thủ trẻ noi theo. Đó là chưa kể trong sự nghiệp, Công Vinh đã có tới hai chuyến xuất ngoại, tới Leixoes của Bồ Đào Nha năm 2009 và sau đó là Consadole Sapporo, đội bóng hạng nhì Nhật Bản vào tháng 7/2013.

Công Vinh kí hợp đồng với Sapporo.
Ảnh: Kenh14.vn

Ba lần đạt danh hiệu "Quả bóng vàng" Việt Nam (2004, 2006 và 2007), ghi hơn 100 bàn ở V.League sau 10 mùa giải là những bằng chứng biết nói cho thành công của CV9. Bằng ý chí và nỗ lực luyện tập, Công Vinh vươn lên thành cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho đội tuyển Việt Nam với 51 bàn sau 84 lần ra sân. Thành tích này giúp anh vượt qua nhiều ngôi sao trên thế giới hiện tại về đóng góp cho tuyển Quốc gia như Neymar, Rooney...

CV9 luôn tỏa sáng ở bất cứ câu lạc bộ nào.
Ảnh: Minh Hoàng

Bàn thắng đáng nhớ nhất của chàng tiền đạo xứ Nghệ chắc chắn là bàn thắng đánh đầu vào lưới Thái lan tại AFF Suzuki Cup 2008, qua đó đưa Việt Nam lên đỉnh cao của bóng đá Đông Nam Á. Cái khoảnh khắc khi mà người hâm mộ đang lo sợ về một thất bại, CV9 đã mang lại niềm vui tột cùng cho khán giả cả nước. Mỹ Đình vỡ oà trong khoảnh khắc thần kì ấy, những tiếng hô vang làm sống dậy cả khán đài rực lửa.

Lê Công Vinh ăn mừng bàn thắng lịch sử mang về chiếc cúp AFF lần đầu cho Việt Nam.
Ảnh: Hoàng Hà

Cám ơn anh!

Những chiến tích của Công Vinh thật đáng để mọi người cảm phục và yêu mến anh. Cám ơn anh vì những đóng góp không ngừng cho bóng đá Việt Nam. Và ắt hẳn người hâm mộ sẽ nhớ mãi về Công Vinh, nhớ về một huyền thoại!

Author: Nam Nam

News day