Thăng Long tứ trấn – tích xưa còn đó
Tú Nguyễn 02/26/2017 08:00 PM
Phố cổ, đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột,… đều là những di tích lịch sử quen thuộc mỗi khi bạn đến thăm Hà Nội. Nhưng ít ai biết rằng, Hà Nội còn có vô vàn những di tích lịch sử khác gắn liền với những sự tích, truyền thuyết đầy thú vị. Trong đó, Thăng Long tứ trấn là một trong những địa điểm bạn không nên bỏ qua.

Thăng Long tứ trấn gồm bốn ngôi đền thờ bốn vị thần canh giữ tại bốn hướng của Thăng Long để che chở, bảo vệ bình an cho người dân nơi đây. Bốn ngôi đền gồm có: đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh lần lượt theo các hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Ảnh: dulichnamchau.vn

1. Đền Bạch Mã trấn phía Đông

Tọa lạc trên phố Hàng Buồn, Hoàn Kiếm, đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ hay còn gọi là Tô Lịch giang thần, vị thần bảo hộ trấn giữ hướng Đông của Kinh Thành Thăng Long. Ngôi đền được gắn liền với sự tích: vua Lý Thái Tổ dời đô và xây thành, đắp lũy bảo vệ thành Thăng Long.

Đền Bạch Mã. Ảnh: vietnamonline.vn

Đền Bạch Mã gồm những công trình: tam quan, phương đình, đại bái, thiêu hương, cung cấm và nhà hội đồng. Hiện nay, đền Bạch Mã còn lưu giữ 15 văn bia cổ cùng nhiều hiện vật có giá trị khác, trong đó còn giữ được 15 tấm bia chép sự tích đền và thần, nghi lễ cúng bái, các lần trùng tu tôn tạo…

Ngựa thờ tại đền Bạch Mã. Ảnh: tinhtam.vn

Đền Bạch Mã là một công trình đồ sộ còn được gìn giữ, bảo quản khá tốt. Tuy đền đã được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc các thời Trần, Lê, Nguyễn.

2. Đền Voi Phục trấn phía Tây

Trong tiềm thức dân gian, đền Voi Phục là tối linh từ thờ thần Linh Lang – vị thần được tin là đã giúp nhà vua coi sóc sự an bình cho phía Tây thành. Vị thần được người dân tôn kính, thờ phụng trong đền là nhân vật có thật trong lịch sử, ông vốn là hoàng tử - người đã giúp vua Lý Thái Tông dẹp giặc Tống.Trước đây, đền Voi Phục nằm giữa khuôn viên của công viên Thủ Lệ nên ít người nhận ra đây là một trong Tứ Trấn Thăng Long .

Cổng vào đền Voi Phục. Ảnh: tinhtam.vn

Gắn liền với sự tích con voi phủ phục khi nghe tiếng thét của hoàng tử, ngôi đền được gọi là đền Voi Phục từ ấy. Ngày nay, ở cổng đền vẫn còn nguyên 2 bức tượng voi phủ phục hai bên, đời đời tưởng nhớ vị anh hùng đánh giặc cứu nước được nhân dân biết ơn phong thánh, thờ phụng muôn đời.

Ảnh: tinhtam.vn

3. Đền Kim Liên trấn phía Nam

Đền Kim Liên nằm trên địa phận phường Phương Liên, quận Đống Đa, thờ Cao Sơn Đại Vương – người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên non. Thần Cao Sơn gắn với truyền thuyết đã có công giúp Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh. Theo sách xưa, đền Kim Liên được xây dưới thời vua Lý Thái Tổ để bảo vệ phía Nam kinh thành mới. Đến năm 1509, vua Lê Tương Dực từ Thanh Hóa tiến về Thăng Long để lật đổ Lê Uy Mục đã vào đền và xin phù hộ. Giành được quyền binh, ông đã cho xây lại đền Kim Liên.

Ảnh: panoramio.com

Tại đền Kim Liên có một di sản không thể bỏ qua là tấm bia đá đồ sộ mang tên “Cao sơn Đại Vương thần từ bi minh”. Ngoài ra còn có một tấm bia “Lịch triều sắc tặng” và một tấm bia nhỏ ban tặng riêng cho bà Huệ Minh Trang Tịnh Phương Dung. Không những thế, đền Kim Liên sở hữu bộ sưu tập sắc phong đồ sộ, gồm 33 đạo sắc có niên đại từ thời Vĩnh Tộ (1619 – 1628) đến thời Khải Định (1916-1925).

Bên trong đền. Ảnh: vietnamtoursinformation.com

Ngày nay, ngoài Cao Sơn Đại Vương, trong đền và đình này còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu và thờ Bác Hồ. Lễ hội đền Kim Liên được tổ chức vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm.

4. Đền Quán Thánh trấn phía Bắc

“Gió đưa cành trúc la đà – Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”, câu thơ ca ngợi cảnh đẹp Hồ Tây đã điểm đến ngôi đền linh thiêng mang tên Đền Quán Thánh. 

Ảnh: songkhoe.net.vn

Đền đã qua nhiều lần sửa chữa, kiểu kiến trúc hiện nay là của thời Nguyễn bao gồm: tam quan, sân, ba lớp nhà tiền đế, trung đế, hậu cung. Trong đền có tượng thánh Trấn Vũ bằng đồng đen có niên đại từ năm 1677 đời Lê Hy Tông, cao 3,72m và nặng khoảng 4 tấn. Tượng có hình dáng một đạo sĩ ngồi, y phục nai nịt gọn gàng, tóc bỏ xoã, chân không giày, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn quanh thân gươm đặt trên lưng rùa.

Tượng thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Ảnh: vptour.com.vn

Đền Quán Thánh tổ chức chính hội vào ngày 3/3 âm lịch mỗi năm.

Author: Tú Nguyễn

News day