Thành nhà Hồ - Di sản Thế giới độc đáo của Việt Nam
Cassmelon 03/26/2017 10:00 AM
Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô) là kinh đô Việt Nam dưới triều đại nhà Hồ, được tạo thành từ bốn bức tường thành bằng đá. Vào năm 2011, nơi đây đã trở thành Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

Từ năm 1993, 8 địa danh của Việt Nam, trong đó có thành nhà Hồ đã được được liệt kê vào danh sách Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Nhiều địa điểm trong số đó là địa danh tự nhiên hay có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, chẳng hạn như Vịnh Hạ Long và quần thể các di tích ở Huế.

Ảnh: kenh14.vn

Tuy nhiên, thành nhà Hồ lại là di sản ít được biết đến hơn cả. Tọa lạc tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đây là thành lũy có kiến trúc độc đáo bằng đá lớn, hiếm hoi ở Việt Nam và là một trong số ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới, trở thành điểm tham quan giá trị trong hành trình khám phá xứ Thanh.

Để đạt được vinh dự danh giá ấy, thành nhà Hồ cũng ẩn chứa rất nhiều điều ly kỳ và thú vị. Thứ nhất, triều đại nhà Hồ chỉ kéo dài trong vòng 7 năm (1400-1407), một khoảng thời gian ngắn ngủi trong dòng lịch sử đầy biến động của Việt Nam. 

Ảnh: cnn.com

Điểm đặc biệt thứ 2 là về mặt kiến trúc. Thành nhà Hồ hoàn toàn trống rỗng – không có cung điện, không có đền thờ, không có tượng đài, duy chỉ có bốn bức tường bao quanh một khu đất. Thành có hình chữ nhật, mở ra bốn cổng Đông, Tây, Nam, Bắc gọi là cổng, Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Các mặt của bức tường thành dù đã qua 600 năm vẫn tương đối nguyên vẹn nhưng một số phần đã mọc kín cỏ, cây bụi rậm. Xung quanh thành là cảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam với đồng lúa, ao hồ càng làm cho khung cảnh thêm nên thơ.

Rồng đá ở thành nhà Hồ. Ảnh: nld.com.vn

Theo UNESCO, thành cổ là đại diện điển hình cho “cố đô kiểu mới của các triều đại ở Đông Nam Á" vì đây là một công trình kỳ vĩ nhờ kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn có một không hai ở Việt Nam trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Bị hấp dẫn bởi những ý niệm khám phá một thành phố thời trung cổ ở làng quê Việt Nam, rất nhiều du khách đã lựa chọn điểm dừng chân là tòa thành rỗng này.

Ảnh: cnn.com

Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan xung quanh và quy mô kiến trúc vẫn còn khá nguyên vẹn cả trên mặt đất lẫn trong lòng đất. Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận: La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành.

Phòng trưng bày, giới thiệu di sản thành nhà Hồ. Ảnh: thanhnhaho.vn

Đến đây, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những khối đá khổng lồ, gắn với nhau chồng khít mà không hề dùng vôi vữa, xếp đều tắp trên những bức tường thành hơn 600 năm tuổi, trải dài gần một km mỗi cạnh, với 4 cánh cổng sừng sững bất chấp thời gian. Ngoài ra, nằm bên ngoài cổng chính thành nhà Hồ là cổng Nam, nơi trưng bày nhiều hình vẽ miêu tả voi, ngựa, các binh lính cầm giáo, cùng một số cổ vật như những viên đạn đá to bằng quả bóng, các pho tượng phượng hoàng làm từ đất nung.

Ảnh: kenh14.vn

Như một phần thỏa thuận với UNESCO, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ bảo tồn và gìn giữ di sản của tòa thành để phát triển thành nhà Hồ như một điểm thu hút khách du lịch. Điều này có nghĩa là chính phủ sẽ ngăn không cho các công trình mới xây dựng làm hư hại cảnh quan, và chấm dứt hoạt động sản xuất nông nghiệp như canh tác lúa gạo phía trong tòa thành.

Vẻ đẹp của thành nhà Hồ đã gây ấn tượng với rất nhiều tờ báo nước ngoài. Một chuyến tham quan thành Nhà Hồ sẽ là dịp để bạn khám phá một cố đô mang dáng vẻ khác lạ và còn nhiều bí ẩn ở vùng đất Thanh Hóa.

Author: Cassmelon

News day