Thất Tịch - Ngày lễ tình yêu của các nước phương Đông
Diên Vỹ (Tổng hợp) 08/28/2017 06:30 PM
Ngày 7/7 âm lịch hàng năm tại các nước Châu Á được chọn làm ngày Tình Yêu. Tại Trung Quốc, ngày này được gọi là "Lễ hội Qixi", Nhật Bản có "Tanabata", Hàn Quốc có "Lễ hội Chilseok" thì khi du nhập vào Việt Nam nó thành ngày Thất Tịch.

Ngày Thất Tịch theo văn hóa phương Đông (Châu Á) đặc biệt là các nước Đông Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Trung Quốc... là ngày lễ tình yêu, được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm. Đôi khi người phương Tây gọi ngày này là "Ngày Valentine châu Á". Ngày lễ tình yêu này gắn liền với câu chuyện về Ngưu Lang Chức Nữ.

Truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ

Ngày lễ tình yêu này này gắn liền với câu chuyện về Ngưu Lang Chức Nữ. Ảnh: genknews.genkcdn.vn

Truyền thuyết này bắt nguồn từ Trung Quốc và có rất nhiều phiên bản khác nhau. Nhưng câu chuyện thường thấy nhất được kể lại như sau:
"Ngày xưa, dưới hạ giới có chàng chăn bò trẻ tuổi có tên gọi Ngưu Lang (nghĩa là: anh chàng chăn bò). Một lần chàng tình cờ nhìn thấy bảy nàng tiên xinh đẹp đang tắm dưới hồ, được cổ vũ bởi người bạn đồng hành tinh quái là chú bò đực, chàng đã lấy trộm váy áo của họ. Các nàng tiên cử cô em út xinh đẹp nhất có tên gọi là Chức Nữ (nghĩa là: cô gái dệt vải) ra để lấy lại váy áo. Không hiểu thế nào mà Chức Nữ gặp Ngưu Lang rồi thì lại không muốn lấy lại váy áo quay về trời nữa mà cam tâm tình nguyện cùng chàng nên đôi.

Ngưu Lang và Chức Nữ sống bên nhau rất hạnh phúc, họ có hai đứa con kháu khỉnh. Nhưng Chức Nữ vì mải vui bên chồng mà quên mất nhiệm vụ của nàng là dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời. Hậu quả là Thiên Hậu giận dữ đã rút cái kẹp tóc của bà vạch ra một con sông rộng trên bầu trời (chính là sông Ngân) để chia cắt đôi vợ chồng mãi mãi. Từ đó, Chức Nữ phải vĩnh viễn ngồi trên một bờ sông, buồn bã dệt vải, còn Ngưu Lang chỉ nhìn thấy vợ mình từ xa và phải chịu trách nhiệm nuôi hai con.

Nhưng có một ngày, tất cả các con quạ cảm thấy thương họ và chúng bay lên trời dựng thành chiếc cầu Ô Thước bắc qua sông Ngân để cho đôi vợ chồng được đến bên nhau. Vậy là, hàng năm vào mùng 7 tháng 7 âm lịch, vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ lại được đoàn tụ dù chỉ một lần trong năm, nước mắt họ khóc khi gặp nhau rơi xuống trần thành mưa ngâu. Và ngày mùng 7 tháng 7 hàng năm được gọi là lễ Thất Tịch (nghĩa là: đêm mùng bảy).

Trung Quốc và Lễ hội Qixi

Khác với việc tặng hoa hồng và sô cô la, trong ngày này, ở Trung Quốc, các đôi yêu nhau thường đến Đền Bà Mối để cầu nguyện. Ảnh: dulichtrungquoc123.com

Ở thành phố Hàng Châu, lễ hội Thất Tịch được đánh dấu bằng một đêm nhảy múa, trưng bày các đồ thủ công và các món ăn địa phương. Nhiều gia đình đặt hoa quả bên ngoài cửa sổ trong buổi tối này để tỏ lòng kính trọng đối với Chức Nữ và một cuộc thi với những cô gái trẻ ngồi xâu kim sẽ được tổ chức dưới ánh trăng. Những hoạt động này có từ đời nhà Hán (từ năm 206 trước công nguyên đến năm 220 sau công nguyên).

Ở miền đông nam, những cô gái trẻ sẽ thả một chiếc kim vào bát nước. Chiếc kim sẽ tạo thành sóng lăn tăn và những gợn sóng này tượng trưng cho những mẫu vải mà cô gái phải học khâu trong năm tới. Đôi khi, những cô gái còn buộc một sợi dây đỏ vào cây kim để cầu mong tìm được người chồng như ý.

Những cô gái trẻ ở miền tây nam Trung Quốc nhuộm tóc vào ngày lễ Thất Tịch với mong ước được trẻ đẹp mãi và có được tình yêu đích thực.

Ở khu vực bờ biển phía đông, phụ nữ mặc những bộ quần áo mới và làm những chiếc bánh có hình những bông hoa để tưởng nhớ tới Chức Nữ.

Tại Quảng Đông, người ta dùng giấy tạo nên một chiếc cầu để kỷ niệm sự gặp gỡ của Ngưu Lang và Chức Nữ. Phụ nữ cũng mua giấy để may quần áo cho Chức Nữ với mong ước họ được truyền các kỹ năng thủ công điêu luyện.

Người dân ở Tây An, tỉnh Sơn Tây lại tổ chức một lễ hội quy mô lớn và mọi người được mời đến để đóng góp những câu chuyện tình yêu của mình. Sau đó 77 đôi tình nhân sẽ tham gia vào một đám cưới tập thể theo phong cách có từ đời nhà Đường.

Khác với việc tặng hoa hồng và sô cô la, trong ngày này, ở Trung Quốc, các đôi yêu nhau thường đến Đền Bà Mối để cầu nguyện. Họ mong tình yêu bền chặt và sẽ cưới được nhau. Với những ai chưa có người yêu thì cầu sẽ sớm gặp ý trung nhân.

Nhật Bản và Lễ hội Tanabata

Vào những ngày lễ hội Tanabata, người ta thường viết những lời cầu nguyện vào một mảnh giấy nhỏ và sau đó treo chúng lên cành tre. Ảnh: data.xzone.vn

Lễ hội Tanabata là một lễ hội ngắm sao của Nhật Bản, có nguồn gốc từ lễ hội Qixi của Trung Quốc (Ngưu Lang Chức Nữ). Lễ hội Nhật Bản này kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai vị thần Orihime và Hikoboshi (đại diện cho chòm sao Chức Nữ và chòm sao Ngưu Lang). Hàng năm cứ vào ngày 7/7 tại Nhật Bản người ta lại tổ chức lễ hội sao hay còn gọi là ngày lễ Thất Tịch.

Lễ hội Tanabata Nhật Bản có nguồn gốc từ truyền thuyết về người con gái đã dệt nên dải ngân hà, về một mối tình bị chia cắt, và chỉ duy nhất trong ngày 7 tháng 7 này, hai ngôi sao ở hai đầu dải ngân hà mới được trùng phùng.

Phong tục tập quán liên quan đến lễ hội Tanabata Nhật Bản đã bị biến đổi theo vùng của các quốc gia nhưng dù ở đâu thì lễ hội này cũng có điểm chung là nơi để mọi người gửi những lời cầu nguyện của mình và hy vọng lời cầu nguyện ấy sẽ trở thành hiện thực.

Hiện nay ở Nhật Bản, vào những ngày lễ hội Tanabata, người ta thường viết những lời cầu nguyện vào một mảnh giấy nhỏ và sau đó treo chúng lên cành tre, có lúc kèm theo những đồ trang trí. Cây tre và đồ trang trí thường được đưa lên thuyền trôi nổi trên mặt sông hoặc là đốt đi sau khi lễ hội Nhật Bản này kết thúc. Màu sắc chủ đạo để trang trí cành tre theo thuyết ngũ hành, nghĩa là gồm 5 màu xanh lục, hồng, vàng, trắng, đen. Ngoài ra nhiều đôi lứa đang yêu cũng tới các đền thờ để cầu nguyện, mong tìm thấy ý trung nhân.

Hàn Quốc và Lễ hội Chilseok

Ngưu Lang Chức Nữ của Hàn Quốc tên là Gyeonwu và Jiknyeo. Ảnh: ohay.tv

Chilseok là một lễ hội truyền thống của Hàn Quốc rơi vào mùng 7 tháng 7 âm lịch, có nguồn gốc từ lễ hội Qixi ở Trung Quốc. Chilseok rơi vào khoảng thời gian mà nóng nực qua đi và mùa mưa bắt đầu, mưa rơi trong ngày này được gọi là nước Chilseok. Bí ngô, dưa chuột và dưa hấu bắt đầu phát triển mạnh trong thời gian này, vì vậy chúng được dùng rất nhiều trong lễ hội.

Trong lễ hội Chilseok, người Hàn Quốc sẽ tắm cho một sức khỏe tốt. Ngoài ra, họ còn ăn mì và bánh nướng. Chilseok được biết đến như cơ hội cuối cùng để thưởng thức đồ ăn làm từ lúa mì, bởi sau ngày lễ Chilseok, những cơn gió lạnh sẽ làm hỏng hương vị của lúa mì. Người Hàn Quốc ăn bánh nướng làm từ lúa mì gọi là miljeonbyeong, và sirutteok - một loại bánh gạo phủ đậu azuki.

Việt Nam và Lễ hội Thất Tịch

Còn ở Việt Nam, khi mà truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ rất thân thuộc thì giới trẻ cũng bắt đầu coi đây là một dịp đặc biệt để thể hiện tình cảm với người thương. Nếu bạn mong muốn có tình duyên mới, hãy xỏ những sợi chỉ đỏ vào chiếc kim khâu, tết những nút thắt "vĩnh kết đồng tâm" để tặng cho nửa kia hoặc đeo bên mình, hay đơn giản hơn, bạn hãy rủ người ấy ngắm sao. Đêm Thất Tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ tỏa sáng vô cùng, nếu bạn nhìn lên bầu trời phía Bắc, ngôi sao sáng thứ hai chính là sao Chức Nữ. Truyền thuyết nói rằng nếu cùng người bạn yêu ngắm sao Chức Nữ vào đêm Thất Tịch, tình yêu ấy sẽ vững bền mãi mãi.

Author: Diên Vỹ (Tổng hợp)

News day