Thế giới 24 giờ qua: Europol gửi bưu thiếp đến 21 tội phạm bị truy nã gắt gao nhất châu Âu
Lin (tổng hợp) 08/05/2017 01:30 PM
Tình báo Hàn Quốc thừa nhận can thiệp bầu cử, Học sinh Ấn Độ phải học trong nhà vệ sinh do thiếu trường học, Nhật Bản kỷ niệm 72 năm thảm hoạ bom nguyên tử,... là những tin tức nổi bật thế giới 24h qua.

Tình báo Hàn Quốc thừa nhận can thiệp bầu cử trong nước

Ngày 3/8, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) thừa nhận đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng Thống và Quốc hội năm 2012.

Theo đó, NIS đã tham gia kế hoạch quy mô lớn, thành lập và chỉ huy khoảng 30 nhóm hoạt động trước thời điểm diễn ra cuộc tranh cử Tổng thống, nhằm điều khiển lá phiếu của cử tri, giúp phe bảo thủ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội năm 2012. Ngoài ra, NIS còn thuê một số dân thường hiểu biết về Internet để đăng các bài viết trên các cổng thông tin và mạng xã hội Twitter nhằm tác động tới ý kiến cử tri.

Cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc diễn ra vào tháng 12/2012 với chiến thắng về bà Park Geun-hye. Tuy nhiên, bà Park vừa bị phế truất vì các tội danh tham nhũng. 

Tình báo Hàn Quốc thừa nhận “nhúng tay” vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012. Ảnh: Yohap

Trong các diễn biến mới nhất, Giám đốc Cơ quan Tình báo Hàn Quốc đã bị thay thế và cơ quan này sẽ dừng ngay lập tức hoạt động thu thập thông tin liên quan đến các cơ quan ban ngành tại Hàn Quốc.

Thiếu trường, học sinh Ấn Độ phải học trong nhà vệ sinh

Một hình ảnh mới nhất đang lan truyền trên mạng xã hội Ấn Độ về một lớp học tại làng Mokhampura, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ - một ngôi làng ngoại ô chỉ cách thành phố khoảng 35km. Nơi đây, không có trường học, thầy và trò phải ngồi học dưới một tán cây. Vào những ngày trời mưa, cả thầy và trò buộc phải vào học tạm trong một nhà vệ sinh đã cũ, thành lớp học cho các em học sinh cấp 1 tại làng này. 

Ngay sau khi được tung lên, những hình ảnh học sinh này lập tức tràn ngập các mặt báo Ấn Độ và khiến dư luận không khỏi bất bình.

Được biết, trường học này được thành lập từ năm 2012. Trong 1 năm đầu, các buổi học từng được tổ chức trong một căn hộ cho thuê. Tuy nhiên, khi chủ nhà đòi căn hộ, cả thầy và trò chuyển xuống dưới một tán cây, và những lúc trời mưa, họ buộc phải vào học tạm trong một nhà vệ sinh công cộng đã cũ, không có ai sử dụng.

Chính quyền địa phương thừa nhận có biết về tình trạng này, nhưng không bộ phận nào cho rằng trách nhiệm thuộc về mình.

Đây không phải là việc hiếm xảy ra tại Ấn Độ, nơi tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn cùng sợ thờ ơ của các nhà chức trách, việc đầu tư vào thế hệ trẻ tại các vùng nông thôn còn rất mờ mịt.

Theo thống kê cho thấy, tại Ấn Độ, có tới 1,6 triệu trẻ em không được tiếp cận với một nền giáo dục được đảm bảo chất lượng. 

Hàng chục nước dự lễ tưởng niệm 72 năm thảm họa bom nguyên tử ở Nhật Bản

Ngày 4/8, giới chức Hiroshima cho biết, đại diện 80 quốc gia sẽ tham dự lễ tưởng niệm 72 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là những hoạt động thường niên diễn ra vào  tháng tám hàng năm tại Nhật Bản, để tưởng niệm hàng nghìn nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử vào hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.

Dự kiến, trong số các nước cử đại diện tham dự buổi lễ vào ngày 6/8 tới có các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Anh, Pháp, Nga và một số nước khác như Ấn Độ, Israel và Pakistan, và sự tham dự lần đầu tiên của đại diện Kyrgyzstan và Zimbabwe.

Buổi lễ sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ (theo giờ địa phương) sáng ngày 6/8, tại Công viên Tưởng niệm hòa bình, Thị trưởng Hiroshima Kazumi Matsui sẽ đọc một tuyên bố hòa bình mở đầu buổi lễ tưởng niệm năm nay.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tham dự các hoạt động tưởng niệm tại thành phố Hiroshima vào cuối tuần này và Nagasaki vào ngày 9/8 tới.

Lễ tưởng niệm 72 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố trong Chiến tranh Thế giới II sẽ diễn ra tại Công viên tưởng niệm Hòa bình. Ảnh: Getty

Ngày 6/8/1945, Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima và ba ngày sau ném quả thứ hai xuống thành phố Nagasaki. Ngày 15/8 năm đó, Nhật Bản đầu hàng các lực lượng đồng minh, chấm dứt Chiến tranh Thế giới hai.

Tính đến tháng 3/2016, số người nhiễm phóng xạ trong và ngoài Nhật Bản là vào khoảng 174.080 người và tuổi trung bình của những người này là 80 - 86 tuổi.

Indonesia trục xuất hàng trăm công dân Trung Quốc lừa đảo qua mạng

Ngày 3/8, chính quyền Indonesia đã trục xuất 143 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc có liên quan tới một đường dây lừa đảo qua mạng sau khi những người này bị bắt giữ tại Indonesia. Những người này bị bắt giữ ở Jakarta, Surabaya và Bali hồi cuối tuần trước sau khi có đầu mối do phía cảnh sát Trung Quốc cung cấp.

Các đối tượng này bị trục xuất về nước từ sân bay quốc tế Jakarta thông qua các hãng hàng không Trung Quốc. Theo cảnh sát Jakarta cho hay, ngay khi về tới sân bay, các đối tượng này sẽ bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ.

Cảnh sát Indonesia hiện vẫn đang giam giữ 4 người Đài Loan và 1 người Malaysia có liên quan tới nhóm lừa đảo hoạt động trong đường dây nêu trên tại Indonesia. Ngoài ra, còn 5 người Indonesia dính líu tới hoạt động của nhóm, làm những việc như lái xe, phiên dịch và giúp việc cũng đang bị tạm giữ.

Được biết, đường dây này đã lừa đảo khoảng 450 triệu USD từ cuối năm 2016 bằng cách tống tiền những người ở Trung Quốc vướng vào các vụ việc pháp lý.

Singapore phát hiện một giáo sư hàng đầu hoạt động gián điệp

Ngày 4/8, Bộ Nội vụ Singapore tuyên bố giáo sư Huang Jing, quốc tịch Mỹ, một giáo sư hàng đầu tại trường chính sách công Lý Quang Diệu (LKYSPP), thuộc Đại học quốc gia Singapore (NUS) đã được xác định là “một nhân tố gây ảnh hưởng của một quốc gia khác” tại Singapore.

Trong thông cáo báo chí đưa ra sau đó, giáo sư Huang Jing, làm việc tại bộ phận nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung Quốc tại trường chính sách công Lý Quang Diệu, đã liên hệ với các tổ chức tình báo và các mật vụ nước ngoài, và hợp tác với họ để gây ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại cũng như công luận của Singapore.

Ông Huang đã đưa những thông tin mà ông ta gọi là “thông tin độc quyền” về một quốc gia tới những người có vị trí tại Singapore, những thành viên cao cấp của trường chính sách công Lý Quang Diệu, sau đó được chuyển tới các quan chức có vai trò chỉ đạo chính sách đối ngoại của Singapore, nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến quan điểm của những người này đối với quốc gia đó.

Theo Bộ Nội vụ Singapore, mục đích của việc làm này rõ ràng là nhằm thay đổi chính sách của chính phủ Singapore, mặc dù chính phủ Singapore đã từ chối hành động theo những thông tin độc quyền mà Huang cung cấp.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ Singapore cũng cáo buộc Huang đã sử dụng vị trí của mình để thúc đẩy chương trình nghị sự của một quốc gia khác tại Singapore và điều này dẫn tới sự lật đổ và can thiệp vào nền chính trị của Singapore. Ngoài ra, ông này cũng bị buộc tội vì tìm cách tuyển mộ những người khác để hỗ trợ cho công việc của mình.

Bộ Nội vụ Singapore cho biết thẻ thường trú (PR) của Huang và vợ đã bị hủy bỏ và 2 người này không được ở lại Singapore cũng như bị cấm vĩnh viễn quay trở lại Singapore.

Theo hồ sơ trên trang web của trường chính sách công Lý Quang Diệu, ông Huang đã có nhiều bài viết, nghiên cứu về các chủ đề như quan hệ Mỹ - Trung, nền chính trị ưu tú của Trung Quốc, chiến lược phát triển của Trung Quốc và chính sách đối ngoại, quan hệ Trung - Nhật và các vấn đề an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương.

Europol gửi bưu thiếp đến 21 tội phạm bị truy nã gắt gao nhất châu Âu

Ngày 4/8, Lực lượng cảnh sát châu Âu (Europol) công bố sắp đăng tải lên trang web của Europol một loạt bưu thiếp gửi tới 21 tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất châu Âu.

Europol hi vọng, với cách thức này, cảnh sát sẽ thu thập thêm thông tin về những đối tượng nguy hiểm đó.

Trong một tấm bưu thiếp của cảnh sát Bỉ gửi tới Artur N., kẻ đang trốn chạy sau khi bị kết tội buôn bán ma túy vào năm 2014, có viết: "Artur thân mến, khoai tây chiên kiểu Bỉ là món khoai tây chiên ngon nhất và chúng tôi biết rằng anh rất nhớ món ăn này. Xin mời trở lại Bỉ thưởng thức khoai tây chiên, chúng tôi sẽ có một bất ngờ dành cho anh”. Tấm danh thiếp được in cùng hình ảnh một gói khoai tây chiên và một vại bia. 

Tấm bưu thiếp gửi Artur. Ảnh: Dw.com

Theo Europol, chiến dịch bưu thiếp mùa Hè này là một phần của sáng kiến nhằm lần ra dấu vết những tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất của châu Âu.

Đằng sau chiến dịch có vẻ hài hước như trên là một mục tiêu rất nghiêm túc, khuyến khích mọi người tìm đến trang web của Europol với hy vọng sẽ lần ra dấu vết những tên tội phạm nguy hiểm.

Trước đó, trong chiến dịch tương tự từng được tiến hành nhân dịp Giáng sinh, với chủ đề là cuốn lịch Avent theo truyền thống của mùa lễ hội cuối năm, trên trang web của Europol vào tháng 1/2016, 36 tên tội phạm đã bị bắt giữ, trong đó có 11 kẻ bị bắt nhờ vào các kết quả trực tiếp từ các thông tin được chuyển tới Europol. 

Đặc biệt, ngay sau chiến dịch này, 3 tên tội phạm đã bị bắt giữ, trong đó có một người Anh từng được biết đến là bồi bàn trong một quán bar tại Amsterdam của Hà Lan. Theo đó, một số người đã xem cuốn lịch Avent, và truy cập trang web của Europol, chú ý tới tên tội phạm và đã nhận mặt được hắn trong một quán bar.

Tên này bị bắt sau đó 2 ngày. Và đây cũng chính là mục tiêu mà Europol nhắm đến trong chiến dịch bưu thiếp mùa hè này.

Author: Lin (tổng hợp)

News day